‘Leviathan’ – Bi kịch hiện đại không chỉ của riêng nước Nga
Bộ phim “ Leviathan” có khuynh hướng chỉ trích chính phủ Nga từng gây ngạc nhiên cho giới truyền thông phương Tây khi được nước này chọn làm ứng viên tranh giải tại Oscar 2015.
“Ngươi có thể câu sấu với lưỡi câu, và dùng dây mà xỏ lưỡi nó chăng?
Nó há sẽ cầu ơn nhiều cùng ngươi, và nói với ngươi những lời êm ái sao?
Tại thế thượng, chẳng có vật chi giống như nó, nó được dựng nên để không sợ gì hết.
Nó nhìn xem các vật cao lớn, nó làm vua của các loài thú kiêu ngạo”.
Trích Kinh Cựu Ước, Sách Gióp, Chương 41
Đây là những câu thánh kinh về loài thủy quái Leviathan được vị linh mục già đọc cho nhân vật chính Kolya (Aleksei Serebryakov) khi ông đang lâm vào thời khắc đau khổ đến cùng cực. Leviathan là tên của bộ phim được thực hiện dựa trên một phần câu chuyện của Sách Gióp, và cũng là biểu tượng cho sự đau khổ, bất công kéo dài mãi không dứt của những mảnh đời ở phương Bắc nước Nga đầy trống trải và lạnh lẽo.
Poster của Leviathan tại LHP Cannes 2014.
Những sự kiện trong Leviathan xoay quanh cuộc đời Kolya trong quãng thời gian cực kỳ gian khó. Một mặt, ông phải gắng gượng giữ lấy căn nhà tuyệt đẹp với khung cửa kính nhìn thẳng ra biển Barents lạnh giá và mảnh đất hương hỏa của cha ông khỏi lòng tham của gã thị trưởng Vadim (Roman Madyanov) – người đã thâu tóm toàn bộ chính quyền, từ cảnh sát tới viện công tố và tòa án, nhằm giật lấy mảnh đất đắc địa ấy với cái giá rẻ mạt. Mặt khác, Kolya còn phải đương đầu với những khó khăn từ ngay bên trong gia đình, khi cậu con trai Roma (Sergey Pokhodaev) tỏ rõ sự hằn học đối với người vợ hai Lilya (Elena Lyadova), còn chính Lilya thì dường như đang dần trở nên chán nản với cuộc sống buồn bã nơi phương Bắc.
Sự phức tạp được đẩy lên khi anh chàng luật sư sôi nổi Dmitri (Vladimir Vdovichenkov), đồng đội cũ của Kolya, lặn lội từ tận Moscow tới đây để giúp “ông anh quân ngũ” lấy lại số tiền bồi thường xứng đáng với mảnh đất sắp bị cướp đi. Cuộc đối đấu giữa Kolya và Vadim thực sự không cân sức, bởi Vadim nắm trong tay đủ loại thế lực, thậm chí là cả nhà thờ Chính thống giáo. Còn đứng sau Kolya chỉ là vài người bạn chất phác đến ngây thơ, ngây thơ hệt như chính Kolya – người phần lớn cuộc đời chọn chai vodka làm bạn thân. Có lẽ ở cái xứ sở âm u ấy, vodka là người bạn đáng tin cậy duy nhất của Kolya, hay những người Nga khốn khổ như anh.
Phim là câu chuyện bi kịch của Kolya ở miền Bắc nước Nga lạnh lẽo, xa xôi.
Mang một nội dung u ám là vậy, Leviathan còn càng trở nên ám ảnh hơn nhờ cách kể chuyện giản dị nhưng mang đầy tính biểu tượng của đạo diễn Andrey Zvyagintsev cùng những nhân vật có vẻ ngoài thô ráp, hồn hậu, thậm chí là cam chịu, nhưng lại ẩn chứa sự suy tư và tình cảm hết sức mãnh liệt. Một trong những “nhân vật” để lại ấn tượng sâu sắc nhất của bộ phim chính là không gian bối cảnh: một thành phố từng có thời phồn thịnh nhưng nay trở nên xơ xác và tàn lụi giữa thiên nhiên bao la và u ám đến cùng cực.
Cái bối cảnh ngột ngạt ấy dường như khiến các nhân vật của Leviathancàng trở nên mụ mị và lạc lối giữa những đau khổ triền miên, khi mà cả Đức Chúa trời cũng chẳng thể chỉ được cho họ một lối thoát. Bức áp phích rất ấn tượng của Leviathan khi dự tranh giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2014 là hình ảnh một cậu bé gục đầu bên bộ xương cá voi trắng giữa bãi lầy mênh mông ven biển. Có lẽ nhóm nhân vật của Leviathancũng chính là những con cá voi khốn khổ ấy, những con cá voi bị mắc cạn nơi bãi lầy để rồi chết dần chết mòn trong tuyệt vọng và không còn có thể thấy lại biển lớn.
Leviathan từng gây không ít tranh cãi tại nước Nga nhưng thực tế bộ phim lại được nhà nước tài trợ kinh phí và khuyến khích tham gia tranh tài tại các LHP Quốc tế.
Việc Leviathan được chính phủ nước Nga tài trợ kinh phí thực hiện và lựa chọn dự tranh Oscar 2015 tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc đem đến cho giới truyền thông phương Tây nhiều sự ngạc nhiên. Bởi theo họ, Leviathan chính là một thông điệp chỉ trích chua cay nhằm vào chính quyền của Tổng thống Nga Putin và Giáo hội Chính thống giáo Nga. Cách nhìn đó cũng có thể là hợp lý, khi người xem được chứng kiến cảnh gã thị trưởng Vadim ngồi chễm chệ giữa văn phòng, phía trên là bức chân dung của chính Tổng thống Putin. Vadim ở đó chỉ đạo cả cảnh sát, công tố và tòa án tìm mọi cách để triệt hạ “hai kẻ bất trị” Kolya và Dmitri. Những khốn khổ trong đời Kolya và những mảnh đời, những khung cảnh đổ nát xung quanh ông, bởi thế cũng chính là hậu quả của chính quyền hắc ám tìm mọi cách bóp nghẹt cuộc sống của họ, đúng như cái cách truyền thông phương Tây mô tả về xã hội Nga hiện đại dưới thời Tổng thống Putin.
Nhưng nếu như xóa đi bức ảnh của Putin, và thay những cái tên Nga, những giọng nói Nga bằng những cái tên, giọng nói ở một xứ sở khác, thì có lẽ người xem vẫn cảm nhận từ Leviathan dư vị cay đắng của những số phận bi kịch giữa thiên nhiên và lòng người lạnh lẽo. Cá nhân đơn độc chống lại cả bộ máy công quyền đồ sộ để giữ lại những gì thuộc về cá nhân – đó có thể là bi kịch của Kolya, anh chàng người Nga với cái đầu nóng và trái tim dành hết cho vợ con. Nhưng đó cũng có thể là bi kịch của Marvin Heemeyer, người thợ máy Mỹ cô độc dùng xe ủi phá nát cả trụ sở cảnh sát và chính quyền – những người mà ông cho là đã gây ra bất công cho bản thân trước khi tự kết liễu đời mình ở một thành phố nhỏ thuộc miền Tây Nam Hoa Kỳ. Theo lời đạo diễn Zvyagintsev, Leviathanchính là bi kịch của Heemeyer được đặt trong bối cảnh nước Nga với những vấn đề xã hội rất riêng, để cho thấy rằng dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào thì cuộc sống bình thường cũng tràn ngập những số phận khổ đau cần được trân trọng.
Leviathan từng thất bại tại LHP Cannes 2014 nhưng vừa thắng giải tại Quả cầu vàng 2015. Điều này giúp đại diện đến từ nước Nga là ứng cử viên số một tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của Oscar 2015.
Tại liên hoan phim Cannes 2014, Leviathan thất bại trước Winter Sleepcủa Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đua giành giải thưởng Cành cọ vàng. Đây là hai bộ phim hết sức khác nhau về bối cảnh và cách kể chuyện, một là câu chuyện trầm lắng và buồn bã trên xứ cao nguyên đồi núi Thổ Nhĩ Kỳ; một là bi kịch bạo liệt ở thành phố biển cực Bắc nước Nga. Tuy nhiên, cả hai đều rất thành công trong việc khắc họa câu chuyện mang tính phổ quát về số phận của những con người nhỏ bé, bình thường trong xã hội với nỗi đau chung về sự cô đơn, về những mất mát tình cảm, niềm tin, và cả về những bất công thường nhật trong xã hội. Những bộ phim này có thể thiếu tính giải trí, có thể không đem lại cảm giác thoải mái sau khi theo dõi, nhưng chắc chắn sẽ khiến khán giả cảm thấy nhức nhối và thấu hiểu. Bởi những số phận, những mảnh đời được khắc họa trên phim đều có thể bắt gặp ở ngoài đời thực.
Leviathan giành chiến thắng tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Quả cầu vàng 2015. Phim cũng lọt vào vòng đề cử cuối của hạng mục tương tự tại giải thưởng Oscar 2015 sắp sửa được trao vào trung tuần tháng 2 tới.
Trailer bộ phim ‘Leviathan’
Theo Zing
83 phim nước ngoài tham gia tranh tài tại Oscar 2015
Đây là con số kỷ lục trong lịch sử hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất" của Oscar, nhưng điện ảnh Việt Nam lại không tham gia tranh tài trong năm nay.
Theo thông báo từ Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ, có tổng cộng 83 quốc gia và vùng lãnh thổ gửi phim tới tham dự tranh tài tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất của Oscar năm nay. Đây là kỷ lục mới, vượt qua con số 76 phim hồi năm 2013.
Mommy của đạo diễn 25 tuổi Xavier Dolan là gương mặt đại diện cho điện ảnh Canada tại Oscar 2015.
Trong số các bộ phim được gửi đến tham dự, có không ít tác phẩm từng giành chiến thắng tại Liên hoan phim Cannes 2014 ở nhiều hạng mục khác nhau, như Winter Sleep của Nuri Bilge Ceylan - đại diện cho Thổ Nhĩ Kỳ, từng giành giải Cành cọ vàng; Mommy của Xavier Dolan - đại diện cho Canada, từng giành giải thưởng giám khảo; hay Leviathan của Andrey Zvyagintsev - đại diện cho nước Nga, từng đoạt giải Kịch bản xuất sắc nhất.
Video đang HOT
Một số cái tên đáng chú ý khác gồm Two Days, One Night của anh em đạo diễn Jean-Pierre và Luc Dardennes, đại diện cho nước Bỉ; Saint Laurent của đạo diễn Bertrand Bonello, tác phẩm tiểu sử về nhà thiết kế lừng danh Yves Saint Laurent, đại diện cho nước Pháp; Ida của Pawel Pawlikowski, bộ phim tâm lý xoay quanh chuyện một bà xơ tập sự khám phá ra bí mật của gia đình mình, đại diện cho Ba Lan; và Wild Tales, bộ phim hài của Damien Szifron, đại diện cho Argentina.
Pháp cử bộ phim tiểu sử Saint Laurent đến Oscar 2015.
Trong năm nay, có bốn quốc gia và vùng lãnh thổ lần đầu tiên gửi phim tới tham dự tranh tài tại Oscar là Kosovo, Malta, Panama và Mauritania. Trái với đó, điện ảnh Việt Nam năm nay không nhận được thư mời từ Viện hàn lâm nên không gửi phim đi tranh tài Oscar 2015. Lần gần đây nhất Việt Nam gửi phim tới Oscar là năm 2012 với tác phẩm Mùi cỏ cháy.
Sau khi Viện hàn lâm theo dõi 83 bộ phim, một danh sách đề cử rút gọn gồm 9 phim sẽ được thông báo vào tháng 12. Năm đề cử cuối cùng sẽ tiếp tục được lựa chọn và tiết lộ vào ngày 15/1, cùng với các hạng mục khác của Oscar 2015. Cũng bắt đầu từ năm nay, đạo diễn của tác phẩm đoạt giải sẽ được khắc tên lên tượng vàng Oscar.
Hồi đầu năm, bộ phim The Great Beauty của đạo diễn Paolo Sorrentino đại diện cho nước Ý là tác phẩm đoạt giải tại Oscar 2014.
Danh sách 83 phim tranh tài tại hạng mục Phim nói tiếng ngoài xuất sắc nhấttại Oscar 2015:
Afghanistan, A Few Cubic Meters of Love (đạo diễn: Jamshid Mahmoudi)
Argentina, Wild Tales (đạo diễn: Damián Szifrón)
Úc, Charlie's Country, (đạo diễn: Rolf de Heer)
Áo, The Dark Valley (đạo diễn: Andreas Prochaska)
Azerbaijan, Nabat (đạo diễn: Elchin Musaoglu)
Bangladesh, Glow of the Firefly (đạo diễn: Khalid Mahmood Mithu)
Bỉ, Two Days, One Night (đạo diễn: Jean-Pierre Dardenne và Luc Dardenne)
Bolivia, Forgotten (đạo diễn: Carlos Bolado)
Bosnia và Herzegovina, With Mom (đạo diễn: Faruk Lonarevi)
Brazil, The Way He Looks (đạo diễn: Daniel Ribeiro)
Bulgaria, Bulgarian Rhapsody (đạo diễn: Ivan Nitchev)
Canada, Mommy (đạo diễn: Xavier Dolan)
Chile, To Kill a Man (đạo diễn: Alejandro Fernández Almendras)
Trung Quốc, The Nightingale (đạo diễn: Philippe Muyl)
Colombia, Mateo (đạo diễn: María Gamboa)
Costa Rica, Red Princesses (đạo diễn: Laura Astorga Carrera)
Croatia, Cowboys (đạo diễn: Tomislav Mri)
Cuba, Conducta (đạo diễn: Ernesto Daranas Serrano)
Cộng hòa Séc, Fair Play (đạo diễn: Andrea Sedláková)
Đan Mạch, Sorrow and Joy (đạo diễn: Nils Malmros)
Cộng hòa Dominican, Cristo Rey (đạo diễn: Leticia Tonos)
Ecuador, Silence in Dreamland (đạo diễn: Tito Molina)
Ai Cập, Factory Girl (đạo diễn: Mohamed Khan)
Estonia, Tangerines (đạo diễn: Zaza Urushadze)
Ethiopia, Difret (đạo diễn: Zeresenay Berhane Mehari)
Phần Lan, Concrete Night (đạo diễn: Pirjo Honkasalo)
Pháp, Saint Laurent (đạo diễn: Bertrand Bonello)
Georgia, Corn Island (đạo diễn: George Ovashvili)
Đức, Beloved Sisters (đạo diễn: Dominik Graf)
Hy Lạp, Little England (đạo diễn: Pantelis Voulgaris)
Hong Kong, The Golden Era (đạo diễn: Hứa An Hoa)
Hungary, White God (đạo diễn: Kornél Mundruczó)
Iceland, Life in a Fishbowl (đạo diễn: Baldvin Zophoníasson)
Ấn Độ, Liar's Dice (đạo diễn: Geetu Mohandas)
Indonesia, Soekarno (đạo diễn: Hanung Bramantyo)
Iran, Today (đạo diễn: Reza Mirkarimi)
Iraq, Mardan (đạo diễn: Batin Ghobadi)
Ireland, The Gift (đạo diễn: Tom Collins)
Israel, Gett, the Trial of Viviane Amsalem (đạo diễn: Ronit Elkabetz và Shlomi Elkabetz)
Ý, Human Capital (đạo diễn: Paolo Virzì)
Nhật Bản, The Light Shines Only There (đạo diễn: Mipo O)
Kosovo, Three Windows and a Hanging (đạo diễn: Isa Qosja)
Kyrgyzstan, Kurmanjan Datka Queen of the Mountains (đạo diễn: Sadyk Sher-Niyaz)
Latvia, Rocks in My Pockets (đạo diễn: Signe Baumane)
Li-băng, Ghadi (đạo diễn: Amin Dora)
Lithuania, The Gambler (đạo diễn: Ignas Jonynas)
Luxembourg, Never Die Young (đạo diễn: Pol Cruchten)
Macedonia, To the Hilt (đạo diễn: Stole Popov)
Malta, Simshar (đạo diễn: Rebecca Cremona)
Mauritania, Timbuktu (đạo diễn: Abderrahmane Sissako)
Mexico, Cantinflas (đạo diễn: Sebastián del Amo)
Moldova, The Unsaved (đạo diễn: Igor Cobileanski)
Montenegro, The Kids from the Marx and Engels Street (đạo diễn: Nikola Vukevi)
Morocco, The Red Moon (đạo diễn: Hassan Benjelloun)
Nepal, Jhola (đạo diễn: Yadav Kumar Bhattarai)
Hà Lan, Accused (đạo diễn: Paula van der Oest)
New Zealand, The Dead Lands (đạo diễn: Toa Fraser)
Nauy, 1001 Grams (đạo diễn: Bent Hamer)
Pakistan, Dukhtar (đạo diễn: Afia Nathaniel)
Palestine, Eyes of a Thief (đạo diễn: Najwa Najjar)
Panama, Invasion (đạo diễn: Abner Benaim)
Peru, The Gospel of the Flesh (đạo diễn: Eduardo Mendoza)
Philippines, Norte, the End of History (đạo diễn: Lav Diaz)
Ba Lan, Ida, (đạo diễn: Pawe Pawlikowski)
Bồ Đào Nha, What Now? Remind Me (đạo diễn: Joaquim Pinto)
Romania, The Japanese Dog (đạo diễn: Tudor Cristian Jurgiu)
Nga, Leviathan (đạo diễn: Andrey Zvyagintsev)
Serbia, See You in Montevideo (đạo diễn: Dragan Bjelogrli)
Singapore, Sayang Disayang (đạo diễn: Sanif Olek)
Slovakia, A Step into the Dark (đạo diễn: Miloslav Luther)
Slovenia, Seduce Me (đạo diễn: Marko anti)
Nam Phi, Elelwani (đạo diễn: Ntshavheni Wa Luruli)
Hàn Quốc, Sea Fog (đạo diễn: Shim Sung-bo)
Tây Ban Nha, Living Is Easy with Eyes Closed (đạo diễn: David Trueba)
Thụy Điển, Force Majeure (đạo diễn: Ruben stlund)
Thụy Sĩ, The Circle (đạo diễn: Stefan Haupt)
Đài Loan, Ice Poison (đạo diễn: Midi Z)
Thái Lan, The Teacher's Diary (đạo diễn: Nithiwat Tharathorn)
Thổ Nhĩ Kỳ, Winter Sleep (đạo diễn: Nuri Bilge Ceylan)
Ukraine, The Guide (đạo diễn: Oles Sanin)
Vương quốc Anh, Little Happiness (đạo diễn: Nihat Seven)
Uruguay, Mr. Kaplan (đạo diễn: Álvaro Brechner)
Venezuela, The Liberator (đạo diễn: Alberto Arvelo)
Theo Zing
Nga gửi phim gây tranh cãi tham dự Oscar 2015 Việc điện ảnh Nga lựa chọn bộ phim "Leviathan" tham dự Oscar 2015 gây không ít bất ngờ cho giới truyền thông quốc tế. Trước đó, bộ phim Leviathan của đạo diễn Andrey Zvyagintzev từng giành giải Kịch bản xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2014. Tác phẩm này thêm một lần nữa thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc...