Leo núi mạo hiểm ở Ngũ Hành Sơn
Sợ hãi, hưng phấn, thích thú… là những cung bậc cảm xúc mà các bạn trẻ đến từ một trường trung học của nước Úc trải qua trong buổi chiều leo núi bằng dây ở Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn.
Dù mới được đưa vào khai thác trong tháng 11 này nhưng sản phẩm du lịch leo núi của Công ty Du lịch mạo hiểm Việt đang rất thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Người chơi học được các kỹ năng để chinh phục ngọn núi cao gần 30m.
Khi tham gia tour leo núi ở Ngũ Hành Sơn, du khách sẽ di chuyển từ dưới chân núi lên tới đỉnh Vân Thông, sau đó sẽ “xuống núi” bằng cách đu dây qua vách đá thẳng đứng. Vượt qua độ cao gần 30m, trong tiếng reo hò, cổ vũ của các bạn đã leo xong đang đứng chờ ở dưới, Lucas Gualano (15 tuổi) chia sẻ: “Cảm giác hơi hồi hộp, lo lắng, nhưng rất thú vị khi vượt qua nỗi sợ hãi và sự mạo hiểm của vách núi cao đó nên lúc này thấy rất vui và phấn chấn. Vậy là em đã học được cách vượt qua được nỗi sợ hãi của chính mình”.
Còn Amelia Donaldson (15 tuổi) lại bày tỏ, lúc đầu leo ở phía bên ngoài em đã khóc vì sợ hãi, choáng ngợp khi nhìn thấy độ cao từ trên đỉnh Vân Thông. Sau đó, thấy các bạn đều làm được nên em quyết tâm phải làm bằng được. “Lần leo đầu tiên em rất sợ, vì chưa có kinh nghiệm nhưng em vẫn muốn làm lại. Lần thứ hai này em đã tự tin hơn, rút kinh nghiệm từ lần trước và cố gắng vượt qua nỗi sợ của mình nên leo xuống cũng dễ dàng hơn”, Amelia kể lại.
Video đang HOT
Trước khi bắt đầu hoạt động leo núi, người chơi đều được các huấn luyện viên tập huấn một số kỹ năng cơ bản như sử dụng dây, các thiết bị bảo hộ an toàn cũng như kỹ thuật leo núi. Theo anh Trần Văn Khanh, huấn luyện viên leo núi, việc tập huấn trước sẽ giúp người leo núi không bị bỡ ngỡ khi lần đầu sử dụng các dụng cụ chuyên dùng.
Khi sắp xếp tour cho khách cũng phải xem xét, khảo sát địa hình, thế núi có phù hợp với khách hay không. Từ lúc tập huấn đến lúc khách kết thúc cuộc chơi phải luôn đặt an toàn lên hàng đầu. Tuy nhiên, không phải khách nào cũng đủ dũng cảm để sẵn sàng leo núi ngay từ đầu nên nhiệm vụ của các huấn luyện viên là bên cạnh việc kiểm tra các thiết bị bảo hộ còn phải trấn an, động viên để khách vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình hoàn thành trò chơi.
Ông Võ Đức Trung, Giám đốc Công ty Du lịch mạo hiểm Việt cho biết, công ty đã có nhiều chuyến khảo sát, thử nghiệm leo núi ở Ngũ Hành Sơn trước khi đi vào khai thác chính thức. Mới đây, thành phố đồng ý cho công ty tổ chức thí điểm trong một năm loại hình thể thao leo núi mạo hiểm tại động Vân Thông, ngọn Thủy Sơn, thì công ty đã chào bán sản phẩm này và được rất nhiều khách, nhất là một số trường học quốc tế lựa chọn để các em rèn luyện, trải nghiệm các hoạt động tập thể. “Trước mắt, công ty hướng đến khách quốc tế vì họ đã hiểu và biết đến môn thể thao này. Từ đó du khách đi qua sẽ thấy và hy vọng sau này có thể mở rộng tới nhiều đối tượng khách”, ông Trung chia sẻ.
Ông Võ Đức Trung cho rằng, leo núi mạo hiểm tại động Vân Thông là một chương trình hấp dẫn dành cho du khách; riêng với các em học sinh quốc tế, hoạt động này sẽ giúp các em rèn luyện các kỹ năng sống, sự tự tin, ý chí vượt khó… Có thể thấy thể thao leo núi mạo hiểm là một trong những lợi thế lớn của Việt Nam, vì có địa hình đa dạng, phong phú, loại hình du lịch này cũng rất thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, để khai thác được môn thể thao này đòi hỏi phải có sự chuyên nghiệp trong hoạt động tour với đầy đủ các yếu tố như phải có trang thiết bị theo đúng chuẩn quốc tế, thiết kế tour hấp dẫn nhưng phải phù hợp theo địa hình và đội ngũ huấn luyện viên phải được đào tạo theo chuẩn quốc tế. “Ngũ Hành Sơn là một trong những địa hình rất độc đáo, rất khó có cái thứ hai ở Việt Nam.
Diện tích không quá lớn nhưng địa hình đa dạng có thể hình thành một trung tâm thể thao mạo hiểm ở đây và thiết kế được nhiều tour khác nhau như leo lên và leo xuống (hiện tại mới đang khai thác leo xuống) ở các cấp độ khó, dễ phù hợp với nhiều đối tượng khách”, ông Trung nhận xét.
Đừng để lại gì ngoài những dấu chân
Đến Non Nước - Ngũ Hành Sơn vào một chiều cuối xuân, nắng vàng nhẹ như rây bột trên những phiến đá, ngọn cây; lòng du khách lâng lâng theo từng bước chân leo núi.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến lý tưởng của du khách. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ
Những con dốc đá dựng đứng, những tam cấp nhẵn thín theo tháng năm bởi bao đôi chân leo lên đây bây giờ bỗng rộng thênh thang, im vắng tiếng cười đùa của du khách. Chiều đang chầm chậm buông. Từ Vọng Hải Đài nhìn xuống, xa xa là biển xanh thẳm, quay lưng lại là dòng sông Cổ Cò uốn khúc lấp loáng ánh sáng trăng trắng của chút nắng cuối chiều. Những ngôi nhà cao thấp ẩn hiện trong làn khói sương mỏng mảnh.
Một chiều thật tĩnh vắng. Ngồi trên phiến đá láng mịn, lành lạnh dọc lối đi, trong làn gió xuân vờn trên mái tóc, phóng tầm mắt ra xa, một không gian bao la trải ra trước mắt. Theo đó, bao ký ức xưa lại hiện về như một cuốn phim quay chậm.
Ngày ấy, chúng tôi mới chừng 13, 14 tuổi, cũng một chiều đầu xuân, háo hức cùng chúng bạn đèo nhau chừng 25km trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, không dè ra thăm núi Ngũ Hành Sơn. Trong quãng đời thơ bé, có lẽ đây là chuyến đi xa đầu tiên cùng chúng bạn đáng nhớ nhất và cũng nhiều kỷ niệm nhất. Hồi ức gắn với 40 trò nghịch cùng giáo viên chủ nhiệm mới: Thầy Vân. Vốn trưởng thành từ phong trào Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên Tiền phong cùng nhiệt huyết của một giáo viên trẻ, thầy thường tổ chức cho chúng tôi những chuyến đi chơi thật thú vị.
Có một người thầy như thế, lũ chúng tôi mới có dịp bước đôi chân quê mùa ra chốn thị thành, mới có thể vượt qua lũy tre làng với những ước ao, dự định sau này... Chuyến du xuân ở Non Nước - Ngũ Hành Sơn giữa thời bao cấp đã để lại trong tâm hồn trong veo của lũ học sinh thôn quê những ký ức không phai nhòa.
Tính đến hôm nay đã đi qua nửa đời người nhưng trong tôi vẫn vang vọng thanh âm tiếng trêu đùa của bạn trai, bạn gái; giọng hát đầy sức ngân vang của thầy chủ nhiệm, cả tiếng gõ nhịp bằng muỗng và thau nhôm của nhóm thanh niên quây quần bên tảng đá kế bên...
Khí trời có chút se lạnh, mới leo có bấy nhiêu bậc đá mà tôi đã thở phì phò và mồ hôi tuôn ra như tắm. Nhớ lại 40 năm trước, chúng tôi từng chạy băng băng qua những phiến đá trơn nhẵn để giành cho được giải "đôi hài vạn dặm" mà nổi da gà về cái thời trẻ trâu bốc đồng và vụng dại. Băng qua những lối đi vắng người, sạch sẽ dường như ngay cả lá rụng cũng đã được ai đó nhặt liền, bỏ vào những chiếc thùng được tạo dáng và có màu sắc của đá dọc theo từng lối lên xuống; theo từng bước leo nặng nhọc, tôi nhận ra những con đường mình đã qua, những hang động vẫn y nguyên; chùa chiền vẫn trầm mặc và từng hồi chuông vẫn đọng lại âm thanh của những ngày xưa cũ.
Thời gian như cơn gió, mái đầu của ngày xanh giờ đã bạc lốm đốm nhưng những kỷ niệm vẫn tươi nguyên và sáng trong một cách lạ kỳ. Ngoài kia cuộc sống vẫn cứ quay, trong nhịp sống tất bật, liệu có phút nào thảnh thơi để có những giây phút ngồi lại, tĩnh tại trong chiều tà, lắng nghe hồn mình vọng về thanh âm của tháng ngày xa xưa ấy.
Ngũ Hành Sơn vẫn đẹp, một nét đẹp quyện hòa của một khu danh lam nằm ở phía đông của thành phố với địa thế hiếm có: Thế núi dựa lưng vào biển, trước mặt là sông. Nằm trên tuyến đường nối liền giữa Đà Nẵng và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), danh thắng là điểm đến lý tưởng của du khách. Có thể hơn một năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, nơi ấy thưa vắng bước chân người, nhưng với tôi, thời gian ấy là khoảng lặng để ngành du lịch của thành phố nhìn lại và có nhiều đột phá trong tương lai.
Tạm biệt Non Nước - Ngũ Hành Sơn khi hoàng hôn buông xuống, bóng tối dần bao trùm trên từng lối đi nhưng trong tôi vẫn ánh lên những tia sáng của niềm tin về một ngày mới sẽ đến trên vùng đất vốn đã chịu nhiều nhọc nhằn, gian khó... Hãy đến nơi đây để dừng chân ở Vọng Hải Đài, suy ngẫm về dòng chữ khắc trên đá núi:
"Đừng lấy gì đi - ngoài những tấm ảnh
Đừng để lại gì - ngoài những dấu chân".
Những dấu chân bạn sẽ được thời gian lưu lại bởi "con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác" (danh ngôn).
Nhiều khách Việt chọn chinh phục Everest Base Camp Kỳ leo núi mùa xuân bắt đầu từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5, nhiều trekker Việt đã chọn chinh phục Everest Base Camp trong thời gian này. Nữ du khách Việt diện áo dài tại các điểm dừng trên hành trình chinh phục Everest Base Camp. Ảnh: Bùi Trúc Phương. Everest là giấc mơ của nhiều người yêu thể thao mạo...