Lệnh trừng phạt tác động đến Nga như thế nào sau một năm
Tuy khiến thị trường Nga phần nào mất ổn định, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Moscow dường như chưa thực sự hiệu quả về mặt chính trị và còn khiến Kremlin giang tay đón thêm nhiều đối tác mới.
Justus Walker, nông dân Mỹ sống tại Nga trở nên nổi tiếng sau khi truyền hình phát sóng bình luận của anh về thị trường Nga. Ảnh: AP
Justus Walker, một nông dân Mỹ sống tại Nga đang có sự nghiệp khởi sắc ở nước này, một năm sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt với Moscow vì khủng hoảng Ukraine.
Walker, với bộ râu rậm làm liên tưởng đến một người nông dân Nga từ những thể kỷ trước, sử dụng nông trại sữa ở Siberia để hỗ trợ cho việc truyền giáo của mình. Anh trở nên nổi tiếng vào tháng 8, ngay sau khi Nga cấm nhập khẩu thực phẩm phương Tây để đáp trả lệnh trừng phạt từ Mỹ và EU.
Người nông dân nói với Russian TV rằng pho mát anh sản xuất từng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với mozzarella của Italy, cho đến khi lệnh trừng phạt được thực thi. Anh cười sung sướng khi nói: “Bây giờ pho mát Italy sẽ chẳng còn ‘có cửa’ ở đây nữa”.
Đoạn video được lan truyền khắp nước Nga, biến Walker thành một hiện tượng Internet, mặc dù anh sau đó giải thích rằng anh phản đối các lệnh trừng phạt và bình luận của anh bị đưa ra khỏi ngữ cảnh. Doanh số bán hàng của Walker tăng vọt và thậm chí còn có cả đồ lưu niệm ăn theo hình ảnh của anh. “Tôi chưa bao giờ nghĩ điều này sẽ xảy ra, ngay cả trong những giấc mơ điên rồ nhất”, Walker nói.
Tác động kinh tế
Lệnh cấm nhập khẩu lương thực mà Nga đưa ra để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây khiến sản phẩm tại Nga lên giá, giúp những nông dân như Walker kiếm được nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, Walker cảnh báo rằng điều này sẽ khiến thị trường mất ổn định.
“Tôi nghĩ rằng tác động của lệnh trừng phạt đến thị trường nghiêng nhiều về mặt tiêu cực, vì nó ảnh hưởng đến cơ chế định giá”, anh nói. “Chúng tôi không còn biết nên định giá sản phẩm như thế nào. Có chỗ bán với giá 2.000 rúp (35USD) một kg, chỗ khác lại chỉ đòi 900 rúp (15USD) một kg. Giá chấp nhận được trước đây ở mức 750 rúp (13 USD)”, Walker cho biết thêm.
Lệnh trừng phạt cũng khiến các dự án quốc tế phải lao đao. Một trong những mục tiêu của các biện pháp này là là doanh nghiệp nhà nước Rosneft. Hãng dầu này phải hoãn kế hoạch khai thác ở Bắc Cực với công ty Mỹ ExxonMobil. Không chỉ vậy, biện pháp trừng phạt còn khiến doanh nghiệp nhà nước Nga không tiếp cận được nguồn cho vay quốc tế, khiến việc tái cấp vốn trở nên khó khăn, tốn kém và trở thành gánh nặng đối với chính phủ.
Tuy nhiên, Evgeny Gavrilenkov, nhà kinh tế tại Sberbank, ngân hàng lớn nhất Nga, cho rằng biện pháp trừng phạt vô tình giúp ích cho các công ty dầu và tài chính lớn của Nga, vì chúng khiến họ từ bỏ những dự án rủi ro trước khi giá dầu giảm.
“Nga nên cảm ơn các lệnh trừng phạt bị áp đặt một năm trước”, ông nói. “Tôi có thể thể dễ dàng hình dung rằng nếu không có những biện pháp này, các công ty dầu mỏ và khí đốt Nga sẽ đổ đến Bắc Cực. Thế nhưng, việc khai thác tại đây chỉ có hiệu quả nếu giá dầu ở mức 100 hoặc 110 USD/thùng, còn nếu giá chỉ 40, 50 USD/thùng thì đó sẽ là vấn đề”. Giá dầu thô hôm 5/4 ở mức khoảng 54USD.
Video đang HOT
Tác động chính trị
Mỹ và EU đưa ra lệnh trừng phạt nhằm buộc Nga phải lùi bước trong khủng hoảng Ukraine, nhưng điều đó không xảy ra. “Các biện pháp trừng phạt không tạo ra sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Putin”, Lilia Shevtsova ở viện Brookings cho biết.
Theo Evgeny Gontmakher, giáo sư kinh tế và cựu thứ trưởng xã hội Nga, lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân không thay đổi được Kremlin. Các lệnh cấm vận kinh tế nặng tay hơn sau đó chủ yếu chỉ ảnh hưởng đến dân thường.
Nga ước tính lạm phát năm nay có thể lên tới 12%, tác động xấu đến người lao động vốn phải chịu áp lực việc làm. “Nếu lệnh trừng phạt vẫn được duy trì, thì hầu hết biện pháp này đánh vào giới bình dân chứ không phải thành phần tinh anh”, ông nói. “Lạm phát là thuế đánh vào người nghèo”.
Ông cho biết giới giàu và có ảnh hưởng chính trị tại Nga vẫn chưa cảm thấy lo lắng. “Những doanh nghiệp lớn rõ rằng có bất mãn, nhưng đó là vì các kênh hợp tác kinh tế với phương Tây bị chặn. Hoàn toàn không có dấu hiệu cho thấy họ công khai bất mãn hay gây áp lực với tổng thống”.
Truyền thông Nga thường cho rằng lệnh trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân của hầu hết vấn đề kinh tế Nga hiện nay, trong đó có cả việc quá phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu, Gontmakher nói.
Người Nga nghĩ rằng phương Tây là bên gây ra khó khăn kinh tế cho họ, chứ không phải là hệ thống và thể chế Nga, ông nói. “Vì vậy, những người khởi xướng các biện pháp trừng phạt đã không đạt được mục đích”.
Mặc dù các lệnh trừng phạt đã kéo dài một năm, tỷ lệ người Nga ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin vẫn tăng kỷ lục, ở mức hơn 80% trong những tháng gần đây. “Trừng phạt mà không khiến người dân bất bình thì sẽ chẳng có tác dụng” trong việc làm suy yếu chính quyền, Shevtsova nói.
Đối tác mới
Trong khi khủng hoảng Ukraine làm phân tán sự chú ý của Mỹ khỏi chiến lược “trục châu Á” thì biến động chính trị này lại có tác dụng ngược lại với Nga, buộc chính quyền phải tìm kiếm đối tác mới.
Một trong những bước đi nổi bật là thỏa thuận khí đốt 400 tỷ USD kéo dài 30 năm với Trung Quốc, ký kết hồi tháng 5/2014, và nhiều thỏa thuận khác với các nước châu Á và Trung Đông.
“Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Nga bắt đầu tìm kiếm đối tác tại Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ”, Yuri Zaitsev, một nhà phân tích tại Viện Gaidar ở Moscow nhận định.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng những thỏa thuận mới, chẳng hạn như hợp đồng năng lượng lớn với Trung Quốc, không phù hợp với mục tiêu Nga đề ra là đa dạng hóa nền kinh tế để thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt.
“Không phải là lĩnh vực công nghệ cao và cũng chẳng phải là tài chính, vì những ngành này đòi hỏi có thêm vốn và đầu tư”, Zaitsev nói, “Nga vẫn phải dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên”.
Phương Vũ
Theo AP
Putin cất tiếng hát mừng một năm sáp nhập Crimea
Hàng trăm nghìn người hôm 18/3 đã đổ về trung tâm Moscow để tham dự lễ kỷ niệm một năm sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga.
Ông Putin cùng 100.000 người hát mừng sáp nhập Crimea
Chương trình đại nhạc hội với chủ đề "chúng ta luôn cùng bên nhau", bao gồm một cuộc mít tinh và một buổi hòa nhạc, được tổ chức bởi Moscow City Hall. Nhằm đánh dấu 1 năm Nga sáp nhập Crimea, cuộc mít tinh có sự tham gia của khoảng 100.000 người dân.
Nhiều người mang biểu ngữ và cờ Nga tập trung tại Vasilievsky Spusk một địa điểm nổi tiếng tại Moscow, ngay sát chân tường của điện Kremlin. Một loạt các ca sĩ Nga đã hát trước đám đông những bài hát yêu nước.
Tổng thống Vladimir Putin cũng tham dự cuộc mít tinh và xuất hiện trên sân khấu để chúc mừng tất cả người dân tham gia sự kiện này cũng như cùng mọi người hát quốc ca Nga thể hiện tính đoàn kết dân tộc.
"Một năm trước, người dân Nga đã chứng minh sự thanh thản tuyệt đối và lòng yêu nước nồng nàn khi đồng ý hỗ trợ người dân Crimea và Sevastopol trở về quê hương.
Chúng ta, tất cả cùng nhau đã nhận ra bằng cả trái tim mình rằng trong tâm trí mọi người tồn tại một mối liên kết giữa lịch sử và các thế hệ cực kỳ quan trọng", ông Putin nói thêm rằng lịch sử đã chứng minh rằng các "kết nối tinh thần" làm cho người dân của một quốc gia thống nhất tư tưởng.
Tổng thống Putin phát biểu trước đám đông trong ngày 18/3
Cũng trong ngày 18/3, chính quyền bán đảo Crimea tổ chức bắn pháo hoa tưng bừng kỷ niệm tròn một năm vùng lãnh thổ này tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu không được phương Tây công nhận.
Pháo hoa rực sáng trên bầu trời thủ phủ Simferopol và Sevastopol trong khi người dân đổ ra đường nhảy múa, với lá quốc kỳ Nga khoác trên mình,
Thống đốc Sevastopol Sergei Menyailo đã có mặt tại buổi lễ và chúc mừng người dân "được trở về nhà."
Người dân Crimea và Sevastopol, một thành phố đặc biệt trên bán đảo, đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để tách ra khỏi Ukraine vào ngày 16/3/2014.
Crimea là một khu vực có dân số 1,2 triệu người trong đó người Nga chiếm đa số đã từ chối công nhận tính hợp pháp của chính phủ mới ở Ukraine, chính phủ đã nắm quyền sau các cuộc biểu tình tại Maidan từ cuối năm 2013 đến tháng 2.2014, 97% cử tri đã chọn lựa sáp nhập vào Nga trong cuộc trưng cầu dân ý.
Ukraine và phương Tây tức tối
Trong khi Nga đang hát mừng kỷ niệm tròn 1 năm sáp nhập vào Nga thì Kiev và nhiều nước phương Tây vẫn phản đối quyết liệt. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 18/3 tuyên bố nước này sẽ "không bao giờ từ bỏ chủ quyền với Crimea và sẽ bảo vệ bằng mọi phương tiện quyền lợi của người dân sống ở đây".
Theo hãng tin Sputnik, Ngoại trưởng EU Federica Mogherini cũng vừa kêu gọi các thành viên LHQ cùng với khối này tiếp tục không công nhận Crimea nhập vào Nga, đồng thời duy trì các lệnh trừng phạt có liên quan, bao gồm:
Cấm nhập khẩu hàng hóa từ Crimea mà không có chứng nhận của Ukraine; cấm đầu tư vào Crimea; cấm xuất khẩu một số mặt hàng của EU vào bán đảo này... Bà Mogherini cũng bày tỏ sự "quan ngại" về việc Moscow đẩy mạnh quân sự hóa Crimea.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà Lãnh đạo Crimea đã ký dự luật sáp nhâp bán đảo vào Nga 1 năm trước
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki hôm 18/3 cũng khẳng định Washington sẽ duy trì lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến việc sáp nhập Crimea chừng nào vùng lãnh thổ này còn thuộc Nga.
Bất chấp cảnh báo của phương Tây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga sẽ không bao giờ giao trả Crimea cho Ukraine.
Điện Kremlin đã cam kết sẽ đầu tư hơn 14 tỉ euro trong vòng 5 năm cho phần lãnh thổ vừa sáp nhập. Phần lớn gói hỗ trợ này nhằm khôi phục ngành du lịch của Crimea và củng cố cơ sở hạ tầng với dự án trị giá khoảng 5 tỉ euro để xây cầu nối bán đảo này với Nga.
Thùy Dung (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Bán đảo Crimea kỷ niệm một năm sáp nhập vào Nga Bán đảo Crimea hôm qua khai mạc tuần lễ kỷ niệm một năm sáp nhập vào lãnh thổ Nga. Lễ kỷ niệm được tổ chức tại thành phố Simferopol bên bờ Biển Đen và được phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước Nga. Từ trái sang: Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov, chủ tịch Hội đồng Nhà nước Crimea Vladimir Konstantinov và...