Lệnh trừng phạt mới của LHQ có khiến Triều Tiên khuất phục?
Các biện pháp trừng phạt mới được Liên Hợp Quốc thông qua vẫn khó lòng ngăn Triều Tiên theo đuổi tham vọng hạt nhân, chuyên gia nhận định.
Một phiên biểu quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 11/9 thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên do Mỹ soạn thảo với tỷ lệ 15 ủng hộ – 0 phản đối.
Lệnh trừng phạt thứ chín này cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, cấm thuê lao động mới Triều Tiên tại nước ngoài. Triều Tiên được phép nhập khẩu dầu thô với hạn mức 4 triệu thùng một năm, các sản phẩm từ lọc dầu với hạn mức hai triệu thùng. Các chuyên gia đánh giá động thái trên sẽ góp phần làm giảm 30% lượng dầu tiêu thụ ở Triều Tiên.
Mỹ muốn cấm vận hoàn toàn dầu mỏ với Triều Tiên nhưng bị Nga và Trung Quốc, hai thành viên Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết, ngăn chặn vì cho rằng nó sẽ khiến Triều Tiên rơi vào bất ổn.
Nghị quyết còn cho phép các nước kiểm tra tàu nghi chở hàng Triều Tiên bị cấm nhưng trước hết phải được quốc gia sở hữu tàu đó đồng ý. Dự thảo ban đầu còn cho phép dùng vũ lực để lên tàu nhưng đã bị loại bỏ trong quá trình thương lượng.
Tín hiệu rõ ràng
Giới quan sát nhận định đây là lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay mà Triều Tiên phải hứng chịu, tuy nhiên, nó đã giảm nhẹ một phần so với dự thảo mà Mỹ đề xuất hồi tuần trước. Ước tính, biện pháp trừng phạt mới có thể khiến Triều Tiên thiệt hại thêm khoảng 1,3 tỷ USD doanh thu hàng năm, qua đó gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa bị cộng đồng quốc tế phản đối.
“Kết hợp với các nghị quyết từ Hội đồng Bảo an trước đây, trên 90% lượng xuất khẩu của Triều Tiên trị giá 2,7 tỷ USD, được báo cáo công khai năm 2016, đã bị cấm”, thông báo từ Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.
Video đang HOT
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra một thiết bị hạt nhân. Ảnh: KCNA.
Financial Times dẫn lời một nhà ngoại giao cho hay dù chưa cấm vận hoàn toàn, biện pháp trừng phạt áp đặt lên ngành dầu mỏ cũng như các ngành liên quan đến năng lượng Triều Tiên đã “gửi đi một tín hiệu rõ ràng” tới Bình Nhưỡng.
Mặt khác, lệnh cấm xuất khẩu hàng dệt may cũng là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Triều Tiên, theo Bloomberg. Chỉ riêng biện pháp này đã khiến Bình Nhưỡng thiệt hại khoảng 726 triệu USD mỗi năm.
Dệt may là nguồn thu xuất khẩu lớn thứ hai của Triều Tiên, sau than và khoáng sản. Năm 2016, Triều Tiên thu về 752 triệu USD từ xuất khẩu sản phẩm dệt may, theo số liệu từ Cơ quan Xúc tiến Đầu tư – Thương mại Triều Tiên. 80% lượng hàng xuất sang Trung Quốc.
Các nhà ngoại giao phương Tây ca ngợi cuộc bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên hôm 11/9 là một chiến thắng của cộng đồng quốc tế trước các hành động khiêu khích ngày càng gia tăng từ Bình Nhưỡng.
“Chúng ta đang đối diện không phải một mối đe dọa khu vực mà là mối đe dọa toàn cầu, không phải mối đe dọa ảo mà là mối đe dọa trước mắt, không phải mối đe dọa nghiêm trọng mà là mối đe dọa hiện hữu”, ông Francois Delattre, đặc phái viên Pháp tại Liên Hợp Quốc, cho biết sau phiên bỏ phiếu. “Mối đe dọa này là thứ đã đoàn kết chúng ta tại Hội đồng Bảo an”.
Tuy nhiên, rất ít các nhà quan sát hay nhà ngoại giao tin vào việc chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt có thể khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa.
Chưa triệt để
Sau khi Hội đồng Bảo an bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley khẳng định: “Chúng tôi đã từ bỏ nỗ lực thuyết phục Triều Tiên làm điều đúng đắn. Chúng tôi giờ đây hành động để ngăn chặn họ tiếp tục làm những điều sai trái. Chúng tôi thực hiện nó bằng cách đánh vào khả năng cung cấp nhiên liệu và tài chính cho chương trình vũ khí của Triều Tiên. Dầu là nguồn máu cho nỗ phát triển vũ khí hạt nhân Triều Tiên”.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley. Ảnh: Reuters.
Song giới phân tích nhận định việc gia tăng trừng phạt nhưng chưa chặt đứt được huyết mạch kinh tế của Triều Tiên không thể giúp Mỹ giải quyết cuộc khủng hoảng theo cách mà họ muốn.
“Việc nghị quyết cuối cùng hạn chế hơn so với đề xuất đầu tiên từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho thấy những khó khăn trong việc thương lượng với các bên ảnh hưởng trực tiếp tới lệnh trừng phạt: Trung Quốc và Nga”, Straits Times dẫn lời ông Anthony Ruggiero, chuyên gia cấp cao tại Tổ chức Phòng vệ Dân chủ, cho biết. Dù vậy, nghị quyết mới là một bước tiến quan trọng và Mỹ nên tập trung vào thực thi nó.
Ông Daryl G. Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, trụ sở ở Washington, cho rằng “chiến lược chỉ áp dụng trừng phạt khó lòng khiến Triều Tiên khuất phục”.
“Nó cần đi đôi với một chiến lược đàm phán thực dụng. Nhưng các cuộc thảo luận như vậy chưa thể diễn ra vào lúc này”, ông Kimball nói.
Theo Sue Mi Terry, nhà phân tích từng làm việc tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), “bức tranh lớn hiện nay là Mỹ vẫn mắc kẹt với rất ít lựa chọn” về Triều Tiên.
Trước thời điểm Hội đồng Bảo an ra quyết định, Bộ Ngoại giao Triều Tiên trong một thông báo gọi nghị quyết từ Liên Hợp Quốc là bất hợp pháp, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng “sẵn sàng dùng mọi cách” để đáp trả Washington.
Một bản tin do Kyodo News đăng tải ngày 11/9 cho hay ít nhất ba chi nhánh ngân hàng lớn, gồm Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, tại thành phố Diên Cát, giáp biên giới Triều Tiên, đã cấm công dân Triều Tiên mở tài khoản hay chuyển tiền.
Một nhân viên ngân hàng tiết lộ biện pháp trên được thực hiện “do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt lên Triều Tiên”.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Hàn Quốc yêu cầu Triều Tiên ngừng thách thức hòa bình thế giới
Seoul ủng hộ lệnh trừng phạt thứ chín của Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi nước này ngừng thách thức hòa bình thế giới.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Park Soo-hyun. Ảnh: Yonhap.
"Triều Tiên cần nhận ra các hành động liều lĩnh thách thức hòa bình thế giới sẽ chỉ mang lại những lệnh trừng phạt mạnh tay hơn từ cộng đồng quốc tế", người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Park Soo-hyun tuyên bố. Seoul khẳng định giải pháp duy nhất để Bình Nhưỡng thoát khỏi cảnh bị cô lập và khó khăn kinh tế là chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân, Reuters ngày 12/9 đưa tin.
Với sự ủng hộ từ Nga và Trung Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên do Mỹ soạn thảo với tỷ lệ 15 ủng hộ - 0 phản đối.
Lệnh trừng phạt mới cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, hạn chế thuê lao động Triều Tiên tại nước ngoài, yêu cầu các nước thuê lao động Triều Tiên thông báo ngày hết hạn hợp đồng hiện có. Nghị quyết mới còn cho phép các nước kiểm tra tàu nghi chở hàng Triều Tiên bị cấm nhưng trước hết phải được quốc gia sở hữu tàu đó đồng ý.
Lệnh trừng phạt mới thể hiện quyết tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế trong việc có hành động với Triều Tiên. Nghị quyết được thông qua chỉ 8 ngày sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 6 hôm 3/9. Các lệnh trừng phạt trước đó, kể từ năm 2006, thường mất nhiều tháng để được thông qua.
Lần gần nhất Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết trừng phạt Triều Tiên là ngày 5/8, sau khi Bình Nhưỡng phóng thử hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong tháng 7.
Tử Quỳnh
Theo VNE
Nga nói còn quá sớm để ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên Ông Sergei Lavrov không ủng hộ việc áp đặt ngay các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên mà Mỹ đề xuất. Ngoại trưởng Nga Lavrov. Ảnh: Velcraft. "Thảo luận về nghị quyết mới đang được nêu ra ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nó vẫn còn quá sớm để đưa ra dự báo về bản cuối cùng", AFP...