Lệnh trừng phạt của Mỹ đẩy Iran vào ‘vòng tay’ Huawei
Người khổng lồ công nghệ cao Trung Quốc Huawei rõ ràng đang tận dụng tốt thỏa thuận đối tác chiến lược 25 năm giữa Bắc Kinh và Tehran để giành được vị thế độc quyền trong phát triển hệ thống 5G của nước Cộng hòa Hồi giáo này, thay thế đối thủ từ Thụy Điển, Ericssons.
Trụ sở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Huawei tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AP
Trong khi các nước phát triển, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, Australia và Canada, đã khởi động một phần dịch vụ di động 5G, thì một cuộc đua vẫn đang diễn ra mạnh mẽ ở các nước đang phát triển, đặc biệt là tại Trung Đông và Bắc Phi.
Iran không phải là ngoại lệ trong cuộc đua khu vực đó, và họ đã thúc đẩy các kế hoạch 5G bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Thậm chí Iran còn là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đã thực hiện thử nghiệm mạng 5G.
Vào tháng 9/2017, nhà điều hành di động lớn thứ hai của nước này, MTN-Irancell và Ericsson đã cùng thực hiện một thử nghiệm kết nối 5G thành công tại Tehran, mặc dù điều đó không mang đến đảm bảo nào cho đất nước vì các cuộc thử nghiệm ban đầu không dẫn đến một mạng lưới 5G hoạt động hoàn chỉnh.
“Tuần trăng mật” kết thúc
Cái bắt tay Irancell – Ericsson đã được thực hiện sau sự kiện dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế chống Iran nhờ Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 – một thỏa thuận lịch sử ký giữa Tehran và các cường quốc phương Tây.
Video đang HOT
Tuy nhiên “tuần trăng mật” đã kết thúc khi Ericsson – tên tuổi lớn của Thụy Điển trong ngành viễn thông, buộc phải rời Iran sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA vào tháng 5/2018, tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran và c ảnh báo châu Âu về bất cứ sự hợp tác nào với nước này.
Trong báo cáo thường niên 2018 gửi lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ, tập đoàn viễn thông Thụy Điển khẳng định rằng “kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Ericsson đang thu nhỏ hoạt động và tổ chức tại Iran một cách đáng kể”. Họ cũng cho biết sẽ tiếp tục “cung cấp cho hai nhà mạng di động chính MCCI and MTN Irancell những trợ giúp quan trọng với hệ thống nhằm đưa vào hoạt động và hoàn tất những cam kết với hai nhà mạng này từ trước ngày 8/5/2018″.
Huawei nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng tại Iran sau khi Ericsson giảm hoạt động. Ảnh: Getty Images
Với cùng cam kết như vậy, Ericsson tiếp tục bán cho hai công ty của Iran các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến cơ sở hạ tầng viễn thông trong năm 2019. Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng, thu nhập từ hoạt động của Ericsson, như doanh số bán hàng đã giảm rất mạnh từ 820 triệu krona Thụy Điển (93,4 triệu USD) vào năm 2018 xuống còn 95 krona (10,8 triệu USD) năm 2019, một bằng chứng cho thấy giai đoạn “tầng trăng mật” đã kết thúc.
Peter Olofsson, một quan chức viễn thông cấp cao tại Ericsson, cho biết, “các cam kết hiện tại của công ty với khách hàng tại Iran hiện rất thấp”. Ông Olofsson lưu ý rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran không bao gồm lĩnh vực viễn thông, tuy nhiên, công ty đã giảm hoạt động chủ yếu do lệnh trừng phạt nhằm vào các giao dịch tiền tệ và ngân hàng.
Ericsson rút, Huawei vào
Việc Ericsson rút khỏi Iran đường như đã mở lối cho đối thủ Huawei từ Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường này. Iran hiện vẫn chưa chính thức xác nhận mua thiết bị 5G từ công ty Trung Quốc nhưng gần như chắc chắn nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới đã đưa Iran vào danh sách khách hàng quan trọng của mình.
Vào cuối tháng 7 vừa qua, trong một buổi lễ ra mắt tại trụ sở ở Tehran, CEO của Irancell thông báo công ty mua các thiết bị 5G từ nhiều nhà cung cấp khác nhau trên khắp thế giới. Vị quan chức không đưa ra cái tên nào, nhưng cũng không bác bỏ việc công ty đang hợp tác với Huawei khi được phóng viên hỏi về lo ngại an ninh xung quanh việc sử dụng thiết bị của Huawei.
Chính phủ Mỹ cho rằng thiết bị 5G của Huawei là một rủi ro an ninh, vì có thể bị lợi dụng làm công cụ do thám. Do những lo ngại về an ninh và ảnh hưởng có thể từ mối quan hệ với Washington, chính phủ Anh cũng đã gạt Huawei khỏi hệ thống 5G của nước này vào tháng 7. Nhiều người Đức cũng đang phản đối sự tham gia của Huawei trong các hệ thống viễn thông quốc gia. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel đã phản đối một lệnh cấm hoàn toàn với Huawei.
Trong khi Mỹ và Anh lo ngại về việc sử dụng thiết bị Huawei, thì người Iran cũng không khỏi lo lắng. Trên các diễn đàn mạng, nhiều người bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại nước này, đặc biệt là sau thỏa thuận đối tác chiến lược 25 năm giữa hai nước. Ngay khi thỏa thuận này được ký giữa hai nước, Bắc Kinh sẽ đầu tư tổng cộng 400 tỉ USD vào các lĩnh vực ngân hàng, giao thông và phát triển tại Iran.
Viễn thông là một trong những thành tố chính của thỏa thuận chiến lược nói trên. Văn bản dài 18 trang bằng tiếng Ba Tư bị rò rỉ cho biết, Tehran và Bắc Kinh dự kiến sẽ tiến hành nhiều “dự án hợp tác chung về phát triển và củng cố hạ tầng viễn thông, thông tin”, bao gồm cả “phát triển mạng 5G”. Một thỏa thuận với Huawei về thiết lập mạng 5G toàn quốc cho Iran sẽ đóng góp lớn vào chiến lược tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.
Đổi lại những khoản đầu tư khổng lồ này, Bắc Kinh được cho sẽ nhận ưu đãi lớn về dầu mỏ của Iran trong 25 năm tới. Trung Quốc cũng sẽ giành được ảnh hưởng đáng kể ở các cảng Vùng Vịnh và đảo của Iran.
Trung Quốc chỉ trích Anh cho người Hong Kong nhập tịch
Trung Quốc tố Anh vi phạm luật quốc tế và can thiệp công việc nội bộ sau khi nước này công bố chính sách nhập tịch cho dân Hong Kong.
"Điều này thực sự đi ngược lại lời hứa của Anh, can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc và vi phạm luật quốc tế cũng như các quy tắc cơ bản trong điều chỉnh quan hệ quốc tế", đại sứ quán Trung Quốc tại London ra tuyên bố trên trang web hôm nay, sau khi chính phủ Anh công bố chính sách nhập tịch cho người Hong Kong.
Đại sứ quán Trung Quốc cho biết họ bày tỏ quan ngại sâu sắc cũng như phản đối mạnh mẽ động thái của Anh và chắc chắn sẽ sớm đưa ra biện pháp đáp trả. Bắc Kinh kêu gọi London lập tức "sửa sai" và ngừng can thiệp vấn đề Hong Kong dưới mọi hình thức. "Sự can thiệp như vậy là tự bắn vào chân mình", đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh.
Theo phía Trung Quốc, trong biên bản ghi nhớ giữa hai nước, Anh từng cam kết rõ rằng những người Hong Kong mang hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO) sẽ không có quyền ở lại Anh lâu dài.
Đại sứ quán Trung Quốc tại London, Anh. Ảnh: Telegraph.
Hộ chiếu hải ngoại Anh là trạng thái được luật Anh quy định từ năm 1987, cấp cho cư dân Hong Kong sinh trước thời điểm Anh bàn giao thành phố cho Bắc Kinh ngày 1/7/1997. Từ tháng 1/2021, ước tính 2,9 triệu người Hong Kong đủ điều kiện sở hữu hộ chiếu hải ngoại Anh có thể nộp đơn xin tái định cư ở Anh, cùng với những người phụ thuộc.
Bộ Nội vụ Anh hôm 22/7 thông báo cư dân Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại Anh được miễn một số yêu cầu như làm các bài kiểm tra kỹ năng và thu nhập tối thiểu trong vài năm sống tại Anh trước khi xin nhập tịch.
Quan hệ Anh - Trung Quốc đang trở nên căng thẳng vì vấn đề liên quan Covid-19, tập đoàn Huawei và đặc biệt là luật an ninh Hong Kong. Anh hôm 20/7 thông báo đình chỉ hiệp ước dẫn độ và áp lệnh cấm vũ khí với Hong Kong, môt tuần sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố cấm tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia mạng 5G tại nước này.
Giới chức Anh nhiều lần bày tỏ quan ngại về luật an ninh Hong Kong, lo ngại nó sẽ làm suy yếu chính sách "một quốc gia, hai chế độ". Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hong Kong khẳng định luật an ninh mới sẽ củng cố sự phát triển của đặc khu, cũng như cảnh báo các nước không can thiệp vấn đề nội bộ.
Anh khó xử giữa đôi dòng Trung - Mỹ Lệnh cấm Huawei hôm 14/7 đã báo hiệu dấu chấm hết cho "kỷ nguyên vàng" Anh - Trung, nhưng London không dễ đoạn tuyệt quan hệ với Bắc Kinh. Lệnh cấm Huawei tham gia mạng 5G cho thấy Anh dường như không còn mập mờ về vấn đề an ninh quốc gia để duy trì mối quan hệ với Trung Quốc. Thay vào...