Lệnh cấm Boeing 737 Max cản trở đàm phán Mỹ – Trung
Như một phần quan trọng trong thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung đang được đàm phán, Trung Quốc cân nhắc mua thêm 1.200 tỉ đô la hàng hóa Mỹ trong sáu năm tới bao gồm các máy bay của hãng Boeing.
Song Bắc Kinh có thể sẽ không đặt mua thêm máy bay Boeing như kỳ vọng sau khi dòng máy bay Boeing 737 Max bị cấm bay trên toàn thế giới do liên tiếp gặp tai nạn thảm khốc ở Ethiopia và Indonesia. Một quyết định như vậy có thể gây cản trở đàm phán Mỹ – Trung vốn đang có nhiều vấn đề chưa được giải quyết, theo tờ Financial Times.
Hãng hàng không Air China (Trung Quốc) tiếp nhận một máy bay Boeing 737 Max 8 vào tháng 12 năm ngoái. Ảnh: AFP
Các hãng hàng không và các công ty cho thuê tài chính Trung Quốc là các khách hàng lớn nhất bên ngoài Mỹ đặt mua Boeing 737 Max, dòng máy bay đang bị các cơ quan quản lý hàng không khắp toàn cầu cấm bay sau hai vụ rơi máy bay Boeing 737 Max khiến 346 người chết trong vòng chưa đến năm tháng. Đây là dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing, chiếm đến 80% lượng đơn hàng máy bay của hãng này.
Các hãng hàng không và các công ty cho thuê tài chính Trung Quốc đóng góp khoảng 10% đơn hàng chưa thực hiện của Boeing. Các đơn vị thành viên của Avolon, công ty cho thuê máy bay (Ireland) thuộc sở hữu của tập đoàn HNA (Trung Quốc) và công ty dịch vụ tài chính Orix (Nhật Bản) đã đặt mua hơn 100 chiếc máy bay Boeing 737 Max. Ngoài ra, công ty cho thuê máy bay BOC Avation (Trung Quốc) và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cũng lần lượt mua 90 chiếc và 77 chiếc.
Vụ rơi máy bay Boeing 737 Max 8 ở Ethiopia diễn ra vào một thời điểm tệ hại đối với Boeing khi hãng này đang hy vọng sẽ được hưởng lợi nhờ thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung. Chỉ vài ngày trước khi thảm họa xảy ra, ông Dennis Muilenburg, Giám đốc điều hành Boeing nói: “Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội kinh tế để các máy bay Boeing trở thành một phần của thỏa thuận cuối cùng và giúp xóa bỏ thêm mức chênh lệch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Trong một thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành thị trường hàng không lớn nhất toàn cầu. Boeing dự báo các hãng hàng không Trung Quốc cần mua thêm 7.700 máy bay mới trong 20 năm tới với trị giá 1.200 tỉ đô la.
Hiện nay, trung bình cứ bốn máy bay mà Boeing sản xuất, có một chiếc được bán cho thị trường Trung Quốc.
Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin cho biết trước khi máy bay Boeing 737 Max bị cấm bay, Boeing kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đặt mua hơn 100 máy bay, chủ yếu là Boeing Max 737 với trị giá hơn 10 tỉ đô la.
Kỳ vọng này không phải là không có cơ sở vì năm ngoái, giữa lúc các căng thẳng thương mại với Mỹ dâng cao, Trung Quốc không ký kết bất kỳ đơn hàng nào mua máy bay Boeing.
Sau khi khuyến cáo ngừng bay Boeing 737 Max trên toàn cầu, hôm 14-3, Boeing quyết định tạm dừng giao cho các khách hàng dòng máy bay này.
Tình hình khó đoán định về Boeing 737 Max có thể gây khó khăn cho các nhà đàm phán của Trung Quốc vì họ đã cam kết mua thêm 1.200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc trong sáu năm tới. Ngoài các mặt hàng nông nghiệp và năng lượng như bắp, đậu nành, dầu thô, khí đốt, danh sách mua sắm của Trung Quốc còn bao gồm máy bay Boeing.
Các nguồn tin ở Washington cho biết Trung Quốc đang chật vật tính toán để đạt được con số 1.200 tỉ đô la.
Nếu Trung Quốc đưa ra con số thấp hơn, điều này có thể khiến thỏa thuận thương mại yếu đi và làm gia tăng sự phản đối chính trị ở Mỹ.
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ Donald Trump tự tin Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nhưng ông cũng khẳng định không chấp nhận một thỏa thuận không mang đến nhiều lợi ích cho Mỹ.
“Chúng tôi chắc chắn không thể mua dòng máy bay này. Đó là vấn đề an toàn, chứ không liên quan đến thương mại. Chúng tôi vẫn có thể mua các dòng máy bay khác của Boeing nhưng chắc chắn sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng về an toàn trước khi chấp nhận mua chúng”, ông He Weiwen, một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc và hiện nay là nhà nghiên cứu cấp cao ở Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa (CCG) ở Bắc Kinh, nói.
Đồng tình với nhận định này, Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, nói: “Nếu dòng máy bay Boeing 737 Max đang nằm trong kế hoạch tăng mua hàng hóa Mỹ như là một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung, Trung Quốc có thể sẽ thay thế chúng bằng các sản phẩm khác”.
Trong khi đó, hãng sản xuất máy bay Airbus có thể tận dụng cơ hội một khi Trung Quốc gạt bỏ phương án mua thêm máy bay của Boeing. Một trợ lý của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiết lộ rằng, có những dấu hiệu tích cực trong tiến trình đàm phán để các công ty Trung Quốc ký kết đơn hàng lớn mua máy bay thân hẹp của Airbus khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Pháp vào cuối tháng này.
Theo thesaigontimes
Nhân tố '737 MAX' ảnh hưởng như thế nào tới quan hệ thương mại Mỹ - Trung?
Hai tai nạn máy bay chết người gần đây liên quan Boeing 737 MAX đang khiến tập đoàn Mỹ đối mặt với khủng hoảng niềm tin về an toàn.
Mỹ tuyên bố 737 MAX sẽ bị tạm ngừng bay cho đến ít nhất tháng Năm tới. Một số hãng hàng không nói sẽ tìm kiếm bồi thường trong lúc Boeing tạm ngừng việc giao hàng. Giới phân tích cho rằng ảnh hưởng lâu dài cho Boeing còn phụ thuộc kết quả điều tra. Lo ngại xảy ra sau khi chuyến bay của Ethiopian Airlines gặp nạn hôm 10/3, làm 157 người thiệt mạng.
Khủng hoảng niềm tin mang tên Boeing
Việc Trung Quốc cấm dòng máy bay Boeing 737 MAX sau vụ tai nạn thảm khốc của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã phủ bóng đen lên các nhà sản xuất máy bay Mỹ - vốn đang hy vọng về những đơn đặt hàng lớn có liên quan tới một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Hiện trường vụ tai nạn với những mảnh vỡ của chiếc Boeing 737 MAX 30 tại Ethiopia. (Nguồn: THX)
Trong những tuần gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sẽ có một đơn đặt hàng lớn hơn 100 chiếc máy bay trị giá trên 10 tỷ USD từ Trung Quốc, trong bối cảnh cả Washington và Bắc Kinh đều thông báo rằng hai bên đã đạt được một số tiến triển trong các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng qua.
Theo những nguồn tin thạo về vấn đề này, những mong đợi như vậy xuất phát từ những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn - không chỉ bởi hoạt động mua sắm công của Trung Quốc đã sụt giảm vì hai nước rơi vào cuộc chiến về thuế quan, mà còn bởi Trung Quốc đã không có đơn đặt hàng tư nhân mua máy bay Boeing nào trong năm 2018.
Tuy nhiên, cho dù nhiều điều sẽ thay đổi sau khi các nhà điều tra của Ethiopia thu thập các manh mối về vụ rơi máy bay thảm khốc thứ hai chỉ trong vòng 5 tháng của dòng máy bay Boeing 737 MAX, song những nguồn thạo tin nói trên cũng không chắc phải mất bao lâu Trung Quốc mới sẵn sàng cho phép sử dụng trở lại dòng máy bay này sau khi yêu cầu các hãng hàng không của Trung Quốc ngừng sử dụng Boeing 737 MAX.
Ngày 13/3, Mỹ đã tham gia vào làn sóng cấm sử dụng máy bay Boeing 737 MAX cùng nhiều quốc gia khác sau vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia hôm 10/3 khiến tất cả 157 người trên chuyến bay thiệt mạng. Các nghị sĩ Mỹ tuyên bố rằng, các máy bay thuộc dòng này sẽ bị cấm bay trong nhiều tuần.
Các nhà phân tích cho rằng vụ tại nạn máy bay ở Ethiopia sẽ khiến hãng Boeing của Mỹ càng thêm lo ngại về các hợp đồng bán máy bay cho Trung Quốc. Nhà phân tích hàng không vũ trụ Richard Aboulafia của Teal Group, nói: "Đây rõ ràng là một trong những vấn đề khiến hãng này phải quan ngại bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đơn lớn nhất của Boeing".
Thậm chí trước khi xảy ra khủng hoảng Boeing 737 MAX, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở thành vấn đề gây rủi ro ngày càng lớn cho Boeing, vì cứ 4 máy bay của hãng này thì có 1 chiếc được bán cho Trung Quốc.
Cơ hội có thể đến với Airbus
Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới trong thập kỷ sắp tới, và nước này đang thu mua các máy bay do Boeing và Airbus sản xuất trong khi cũng đầu tư vào hoạt động sản xuất máy bay ở trong nước. Boeing ước tính, nhu cầu 7.700 chiếc máy bay trong vòng 20 năm tới của Trung Quốc trị giá 1.200 tỷ USD.
Airbus có thể sắp đạt được một thỏa thuận được đàm phán lâu ngày với Trung Quốc về hàng chục chiếc máy bay thân hẹp. (Nguồn: Reuters)
Mặc dù tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đã gây tổn hại rất rõ ràng tới giới làm ăn kinh doanh của hai nước, ví dụ như nông dân trồng đậu tương của Mỹ và các nhà sản xuất của Trung Quốc, song ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại này đối với hãng Boeing lại ít rõ ràng hơn.
Trung Quốc thường có những đơn đặt hàng máy bay lớn và thu hút sự chú ý của dư luận để đánh dấu những sự kiện ngoại giao quan trọng, điển hình như hợp đồng mua 300 chiếc máy bay Boeing được ký kết khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tới thăm Bắc Kinh năm 2017.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, thực chất các thỏa thuận như vậy thường bao gồm cả các đơn đặt hàng cũ, đơn đặt hàng mới và những đơn đặt hàng trong tương lai, có nghĩa rằng ảnh hưởng mà Boeing phải gánh chịu rất mơ hồ. Điều tương tự cũng xảy ra đối với bất kỳ đơn đặt hàng máy bay mới nào được công bố kèm theo thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, ông tin tưởng Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào không phù hợp với các lợi ích của Mỹ.
Nhiều khả năng Trung Quốc có thể sẽ quyết định đặt một đơn đặt hàng lớn với hãng Airbus để giải quyết nhu cầu ngày càng lớn về máy bay của nước này. Các đơn đặt hàng máy bay châu Âu của Trung Quốc hiện cũng đang chững lại, một phần là bởi Trung Quốc lo ngại sẽ gây ra một cuộc tranh cãi thương mại và cũng bởi nền kinh tế của nước này hiện cũng đang tăng trưởng chậm lại.
Một cố vấn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngày 14/3, cho biết hiện có những dấu hiệu tích cực cho thấy Airbus sắp đạt được một thỏa thuận được đàm phán lâu ngày với Trung Quốc về hàng chục chiếc máy bay thân hẹp.
"Quả bóng" đang nằm bên sân Mỹ
Các đòn trả đũa thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc - hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới - đã khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại và đẩy Boeing vào tình thế thế "đi trên dây" nhiều tháng qua. Một mặt, Boeing đang tìm cách tăng cường dấu ấn của mình tại Trung Quốc nhằm mục đích giành thắng lợi trong kinh doanh và tăng số máy bay bán được tại châu Á, vượt qua hãng Airbus.
Mặt khác, những người điều hành hãng Boeing phải tỏ ra rất thận trọng khi công khai thảo luận về thương mại, nhằm tránh xung đột với Tổng thống Trump - người liên tục nói rằng Mỹ phải có những bước đi nhằm bảo vệ việc làm và công nghệ của người Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại sự kiện tại một nhà máy của Boeing ở Nam Carolina, tháng 2/2017. (Nguồn: Getty Images)
Trước khi máy bay Boeing 737 MAX bị nhiều nước cấm bay, một nguồn thạo tin nói rằng Boeing có thể giành được một đơn đặt hàng "lớn" mà trong đó chủ yếu là các máy bay 737. Các số liệu của Boeing cho thấy hãng này không giành được bất kỳ đơn đặt hàng máy bay nào được công bố công khai tại Trung Quốc hồi năm ngoái vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Các nguồn thạo tin cũng cho biết, kể cả trong số các đơn đặt hàng yêu cầu không công bố tên người mua, Boeing cũng không có bất kỳ đơn đặt hàng nào mới từ Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng bất kỳ tranh cãi nào về thương mại hay tính an toàn chắc chắn sẽ không ảnh hưởng tới việc Trung Quốc luôn có những đơn đặt hàng máy bay cân bằng giữa Mỹ và châu Âu để đạt được sự cân bằng về chính trị. Tuy nhiên, Yang Yingbao, một giáo sư đã nghỉ hưu của Đại học Hàng không và Vũ trụ Nam Kinh, cảnh báo rằng nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không được giải quyết, tranh chấp này có thể sẽ buộc Trung Quốc phải hành động.
Ông nói: "Nếu Chính phủ Mỹ gây trở ngại và không cho phép Boeing bán máy bay, điều này sẽ buộc Trung Quốc phải mua máy bay của Airbus".
Số phận các đơn hàng
Cơ quan quản lý của Mỹ nói 737 MAX, máy bay bán chạy nhất của Boeing, là mẫu mới, từ mẫu truyền thống 737, và việc giao hàng chỉ mới bắt đầu năm 2017. Hiện toàn cầu có 370 máy bay này đang hoạt động, trong khi Boeing đã nhận đơn đặt hàng lên tới 5.000 chiếc. Mỗi máy bay có giá khoảng 45-50 triệu USD.
320 Neo của Airbus hiện là đối thủ trực tiếp của 737 MAX. (Nguồn: Pinterest)
Boeing hiện tạm thời ngừng giao hàng, mặc dù vẫn sẽ tiếp tục sản xuất loại máy bay này. Tuy nhiên, một số khách hàng cân nhắc việc hủy hợp đồng. Garuda của Indonesia nói có thể sẽ hủy đơn hàng 20 máy bay. VietJet của Việt Nam nói đơn hàng 25 tỉ USD sẽ phụ thuộc kết quả điều tra. Trong khi đó, Norwegian Air và Smartwings dường như đang đòi Boeing trả tiền. 320 Neo của Airbus là đối thủ trực tiếp của 737 MAX. Tuy nhiên, không đơn giản một sớm một chiều để một hãng bay đổi từ Boeing sang Airbus hay ngược lại. Đó là vì một đơn hàng có thể mất nhiều năm trước khi hoàn tất. Ngoài ra còn là vấn đề đào tạo phi công.
Peter Morris từ Ascend giải thích: "Thường là có phi công Boeing và phi công Airbus". Hệ thống điều khiển của hai hãng này khác nhau. Phi công cần có bằng chứng nhận trước khi được lái máy bay hãng khác, nên không dễ dàng. Nếu 737 MAX bị ngừng trong thời gian dài, khách hàng có thể yêu cầu đàm phán lại, khiến Boeing bị ảnh hưởng thu nhập.
Nguồn: Thế giới và Việt Nam
Trung Quốc tạm dừng khai thác Boeing 737 Max sau vụ tai nạn ở Ethiopia Các nhà quản lý hàng không Trung Quốc đã chỉ đạo các hãng hàng không trong nước tạm dừng khai thác thương mại đối với dòng máy bay Boeing 737 Max sau vụ tai nạn thảm khốc ở Ethiopia, báo chí Trung Quốc đưa tin ngày 11/3. Các hãng hàng không Trung Quốc được chỉ đạo tạm dừng sử dụng máy bay Boeing...