Lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Netanyahu và hệ quả pháp lý
ICC đã phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh tại các vùng lãnh thổ Palestine, bao gồm cả Gaza.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và ông Yoav Gallant (trái, phía trước) dự một lễ kỷ niệm tại Mitzpe Ramon, ngày 31/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 21/11 đã phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh tại các vùng lãnh thổ Palestine, bao gồm cả Gaza.
Lệnh bắt giữ này đánh dấu bước phát triển quan trọng trong nỗ lực buộc Israel phải chịu trách nhiệm về hành vi diệt chủng ở Gaza, hiện đã bước sang năm thứ hai, và sự leo thang bạo lực ở Bờ Tây bị chiếm đóng.
ICC cho biết, lệnh bắt giữ này liên quan đến “tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh được thực hiện ít nhất từ ngày 8/10/2023 đến ngày 20/5/2024, thời điểm Văn phòng Công tố nộp đơn xin lệnh bắt giữ”.
ICC cũng nhất trí bác bỏ các thách thức của Israel đối với thẩm quyền của tòa án theo Điều 18 và 19 của Quy chế Rome – hiệp ước thành lập ICC.
Về các cáo buộc, tòa án cho biết có “cơ sở hợp lý” để tin rằng ông Netanyahu và ông Gallant chịu trách nhiệm hình sự với tư cách đồng phạm trong các hành vi sau: tội ác chiến tranh sử dụng nạn đói như một phương thức chiến tranh; tội ác chống lại loài người bao gồm giết người, đàn áp và các hành vi vô nhân đạo khác.
Ngoài ra, ICC cũng phát lệnh bắt giữ thủ lĩnh cấp cao của Hamas, Mohammed Diab Ibrahim Al-Masri, còn được biết đến với tên gọi Deif. Israel tuyên bố Deif đã thiệt mạng trong một cuộc không kích tại Gaza vào tháng 7, nhưng Hamas chưa xác nhận thông tin này.
Hệ lụy pháp lý đối với thủ tướng Netanyahu và ông Gallant
Theo các chuyên gia, lệnh bắt giữ này khiến ông Netanyahu và ông Gallant bị coi là tội phạm chiến tranh, lần đầu tiên nhằm vào các nhà lãnh đạo của một quốc gia đồng minh phương Tây.
Tuyên bố của ICC đặt ra những thách thức lớn đối với cả 2 nhân vật này, vì 124 quốc gia thành viên của ICC hiện có nghĩa vụ bắt giữ và dẫn độ họ ra xét xử nếu họ đặt chân lên lãnh thổ của những quốc gia này.
Video đang HOT
Danh sách các quốc gia bao gồm một số đồng minh thân cận nhất của Israel ở phương Tây, những nước đã cung cấp vũ khí và bảo vệ ngoại giao để Israel tiến hành các hành vi bạo lực chống lại người Palestine như Anh, Canada, Úc, Đức, Pháp, Bỉ, Ý, Hà Lan và Na Uy.
Các quốc gia châu Âu khác như Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Croatia, Séc, Phần Lan, Hungary, Bồ Đào Nha và Ba Lan cũng thuộc diện này.
Một số quốc gia lớn khác ký Quy chế Rome bao gồm Hy Lạp, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, Nigeria, Mexico, Kenya, Colombia và Brazil.
Ngoại lệ đáng chú ý là Mỹ, quốc gia đã rút khỏi Quy chế Rome năm 2002 và không có nghĩa vụ pháp lý phải hành động chống lại ông Netanyahu và Gallant.
Tuy nhiên, ICC nhấn mạnh rằng dù các quốc gia không phải thành viên không có nghĩa vụ pháp lý, họ vẫn được “khuyến khích” thực thi các lệnh bắt giữ, vì tòa án không có cơ chế thực thi trực tiếp.
Các đồng minh của Israel sẽ chịu áp lực lớn
Giáo sư luật Gerhard Kemp nhận định quyết định của ICC là đáng chú ý trên nhiều khía cạnh và gây áp lực lớn lên các quốc gia đã ủng hộ Israel bất chấp sự chỉ trích quốc tế về hành vi diệt chủng ở Gaza.
Ông Kemp nói “Quyết định này tái khẳng định ICC có thẩm quyền xét xử các tình huống tại Palestine, bác bỏ các thách thức của Israel, đồng thời đưa ra các quan sát quan trọng về bản chất của cuộc xung đột, như việc áp dụng luật nhân đạo quốc tế. Nó cũng nhấn mạnh sức nặng của các bằng chứng”.
Quan trọng hơn, ICC khẳng định rằng vị trí chính thức của một cá nhân không phải là rào cản cho việc thực thi lệnh bắt giữ hoặc xét xử tại tòa, kể cả các quan chức cấp cao như Thủ tướng Israel.
Ông Kemp nhấn mạnh, tương tự như trường hợp của ông Omar Al-Bashir (Sudan) và Tổng thống Vladimir Putin (Nga), lệnh bắt giữ này sẽ tạo ra thách thức lớn về ngoại giao và chính trị đối với các quốc gia thành viên ICC, đặc biệt là ở phương Tây như Đức và Anh, ông Kemp nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng các quốc gia thành viên ICC thường gặp khó khăn chính trị trong việc tuân thủ nghĩa vụ, như từng thấy ở Nam Phi và Jordan (không bắt giữ Al-Bashir) hay gần đây là Mông Cổ (không bắt giữ tổng thống Putin).
Ông dự đoán các quốc gia châu Âu và các đồng minh truyền thống của Israel sẽ sớm chịu áp lực lớn để đưa ra quan điểm liệu họ có thực thi lệnh bắt giữ này nếu có cơ hội hay không.
Trong một diễn biến liên quan, nhiều nước châu Âu lên tiếng sẽ tuân thủ phán quyết của ICC. Ngày 21/11, khi được hỏi về một lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đối với các quan chức cấp cao của Israel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố nước này sẽ tuân thủ mọi phán quyết của các tòa án quốc tế. Trong khi đó, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide nêu rõ: “Điều quan trọng là ICC phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách thận trọng. Tôi tin tưởng rằng tòa án sẽ tiến hành vụ án dựa trên các tiêu chuẩn xét xử công bằng cao nhất”.
Ngoại trưởng Thụy Điển Maria Malmer Stenergard khẳng định Thụy Điển và EU ủng hộ công việc quan trọng của tòa án và bảo vệ sự độc lập và toàn vẹn của tòa án. Bà cho biết thêm, các cơ quan thực thi pháp luật của Thụy Điển quyết định bắt giữ các đối tượng trên lãnh thổ Thụy Điển căn cứ theo phán quyết của ICC.
Còn Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đánh giá lệnh bắt giữ của ICC là một bước đi “đầy hy vọng” và cực kỳ quan trọng trong việc đưa các nhà chức trách Israel phạm tội diệt chủng đối với người Palestine ra trước công lý.
Ngoài ra, các nước Hà Lan, Thụy Sĩ, Ireland, Italy và Tây Ban Nha đều cam kết sẽ thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình liên quan đến Quy chế Rome và luật pháp quốc tế.
Tác động từ một lệnh bắt giữ của ICC đối với Thủ tướng Israel sẽ ra sao?
Lãnh đạo Israel và Hamas có nguy cơ bị bắt và đưa đến Hague để xét xử nếu họ tới một trong 124 quốc gia thành viên của tòa án, bao gồm hầu hết các nước châu Âu.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chủ trì một cuộc họp ở Jerusalem. Ảnh: AFP/TTXVN
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 20/5 thông báo các công tố viên đang xin lệnh bắt giữ một số lãnh đạo cấp cao của Israel và Hamas, bao gồm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar với cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc chiến Israel-Hamas đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng.
Theo hãng tin AP, Trưởng công tố ICC Karim A.A. Khan cho biết ông đang nộp đơn xin lệnh bắt giữ khi cho rằng Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và ba thủ lĩnh Hamas phải chịu trách nhiệm các tội ác chiến tranh theo luật ICC.
Cả Israel và Hamas đều bác bỏ cáo buộc của công tố viên ICC, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích quyết định của ICC là "thái quá" và khẳng định Mỹ ủng hộ Israel.
ICC không có lực lượng cảnh sát hoặc cơ quan chức năng để thực hiện việc bắt giữ. Tòa án này sẽ phải dựa vào sự hợp tác của các nước thành viên để thực hiện việc bắt giữ, chuyển nghi phạm đến trung tâm giam giữ ICC ở Hague (Hà Lan), phong tỏa tài sản của nghi phạm và thi hành án.
Mặc dù các công tố viên ICC cho biết họ đang xin lệnh bắt giữ nhưng quyết định cuối cùng về việc cấp bất kỳ lệnh bắt giữ nào thuộc về một hội đồng thẩm phán trước khi xét xử. Theo tòa án, để ban hành lệnh bắt giữ, các thẩm phán phải được thuyết phục các công tố viên có cơ sở bằng chứng hợp lý để tin rằng nghi phạm đã phạm tội.
Một hội đồng gồm ba thẩm phán sẽ quyết định có ban hành lệnh bắt giữ hay không và cho phép vụ án tiếp tục được thụ lý. Thông thường phải mất 2 tháng để các thẩm phán đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, ngay cả khi các thẩm phán phê chuẩn một lệnh bắt giữ, khả năng các quan chức, lãnh đạo cấp cao tại các nước bị bắt và bị truy tố vẫn rất mong manh.
Mặc dù khó để có thể thực sự bắt giữ Thủ tướng Israel và thủ lĩnh Hamas song một lệnh bắt giữ có thể hạn chế khả năng đi lại ở nước ngoài của những nhân vật này. Lãnh đạo Israel và Hamas có nguy cơ bị bắt và đưa đến Hague để xét xử nếu họ tới một trong 124 quốc gia thành viên của tòa án, bao gồm hầu hết các nước châu Âu.
Stephen Rapp, cựu đại sứ Mỹ, người đứng đầu Văn phòng Tư pháp Hình sự Toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết: "Israel sẽ bị tách biệt hơn sau động thái này. Nếu lệnh bắt giữ được tiến hành, các quan chức được nêu tên sẽ khó có thể đi đến 2/3 thế giới.
Việc xin lệnh bắt giữ là một trong những động thái lên án gay gắt nhất đối với chiến lược của Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas và những thiệt hại mà chiến dịch của nước này gây ra đối với dân thường ở Gaza. Tuy nhiên, theo ông Rapp, Israel đã chứng tỏ mình có khả năng không bị lay chuyển trước áp lực quốc tế và không rõ liệu hành động của công tố viên có ảnh hưởng đến chiến lược ở Gaza hay không.
Về phần mình, ông Netanyahu cho biết Israel sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào của ICC nhằm làm suy yếu quyền tự vệ vốn có của nước này. Ông nói rằng mặc dù ICC sẽ không ảnh hưởng đến hành động của Israel nhưng nó sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm.
ICC được thành lập vào năm 2002 và là tòa án quốc tế cao nhất chuyên điều tra và truy tố những cá nhân chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, tội diệt chủng và tội ác xâm lược. Quy chế Rome thành lập ICC được thông qua năm 1998. 124 quốc gia thành viên, bao gồm Nhật Bản, Canada và Jordan, đã ký kết Quy chế Rome và thẩm quyền của ICC. Tòa án này cũng được Đại hội đồng Liên hợp quốc ủng hộ.
Tuy nhiên, một số nước như Israel, Mỹ, Nga và Trung Quốc không ký quy chế và không chấp nhận thẩm quyền hoặc quyết định của ICC.
Cho đến nay, ICC đã ban hành tổng cộng 42 lệnh bắt giữ và bắt giữ 21 nghi phạm. Các thẩm phán đã kết án 10 nghi phạm và tuyên trắng án cho 4 người. Hiện tại, 17 người mà ICC đã ban hành lệnh bắt giữ vẫn chưa bị bắt.
Israel và Hamas đồng loạt lên tiếng trước động thái mới nhất của Tòa án Hình sự Quốc tế Ngày 20/5, cả Israel và Hamas đều lên án việc công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đề nghị bắt giữ Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel cũng như các thủ lĩnh hàng đầu của Phong trào Hồi giáo Hamas vì nghi ngờ phạm tội ác chiến tranh. Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế...