Lên thiên đường mây Tà Xùa
Tham gia dự án về du lịch cộng đồng, tôi theo cung đường từ Hòa Bình lên Mộc Châu của tỉnh Sơn La để đến với những bản của các tộc người Mường,Thái, Mông… Và điểm cuối là Thiên đường mây Tà Xùa vùng Tây Bắc.
Du khách tạo dáng trên đỉnh đón mây ở Tà Xùa
* Những chỉ dẫn
Muốn biết những điểm tham quan lý thú tại Tà Xùa, hãy hỏi những chủ homestay… Đó là nguồn thông tin rất bổ ích và thuận lợi cho những ai muốn khám phá: vị trí, đường đi, ẩm thực, thời tiết và dịch vụ… cùng những lời khuyên chân tình khác.
Tà Xùa là địa bàn miền núi phía Bắc thuộc huyện Bắc Yên của tỉnh Sơn La, đất núi cao rộng và người thưa, nơi cư trú lâu đời của những bản người Mông…
Núi cao và nhiều đường đất gồ ghề men theo vách để đến được những bản người Mông sinh sống. Những vòng núi nối tiếp nhau cao và lượn sóng, những thung lũng yên ắng trong nhịp thời tiết và nhiệt độ chênh nhau trong ngày khá khác biệt, giữa nắng hửng và lạnh về đêm.
Thời của công nghệ và mọi người có thể “làm báo online”, nên thông tin về Tà Xùa có thể chiếm dung lượng khá nhiều. Muốn đến Tà Xùa có thể bằng nhiều phương tiện như: xe khách, xe máy, xe của đoàn du lịch tổ chức… từ các hướng để đến thị tứ Bắc Yên.
Điều quan trọng là người cầm lái phải dũng cảm, có kinh nghiệm để cho những người cùng đi an tâm bởi xe chỉ có tiến lên và tiến lên, những đoạn xuống dốc chỉ ngắn và tạm thời để tạo đà chạy tiếp những con dốc cao, khúc khuỷu. Hai bên của đường đi khá đối biệt là vách núi và vực sâu, lúc bên này lúc bên kia. Tà Xùa ở đỉnh cao trên 2.865m so với mực nước biển. Với vị trí như vậy, khi đến Tà Xùa, bạn vẫn còn thấy nhiều đỉnh núi cao hơn nữa.
* Xem mây và đón bình minh
Tôi đến Tà Xùa với những chuẩn bị khá chu đáo giữa tiết lạnh từ kinh nghiệm của những người đã đến đây: áo ấm, vớ chân, khăn choàng, miếng dán giữ nhiệt, bao và túi giữ ấm tay… và dung lượng của máy ảnh để thỏa sức tự sướng khi phát khởi ghi lại hình ảnh tại các điểm đến.
Thiên đường mây Tà Xùa. Chả biết ai đã đặt tên nhưng trên những cung đường, có bản chỉ dẫn như vậy. Tà Xùa như độc quyền về mây để tạo nên những cảnh đẹp mà người ta thường ví ở chốn “bồng lai tiên cảnh”. Đó là niềm tự hào của vùng đất này và có lẽ cũng là sologan cho du lịch của điểm đến này dù Tà Xùa còn có những điểm đến như đỉnh gió, cây táo cô đơn, chè San Tuyết, vườn chè cổ thụ, hoa mơ… cùng những bản làng đặc trưng của người Mông… Trong chuyến đi này, tôi chỉ nói đến mây ở Tà Xùa.
Du khách trên đỉnh núi săn mây
Video đang HOT
Bạn có thể ngắm mây ở Tà Xùa từ những đỉnh, vách núi và đặc biệt mây sẽ đẹp trong những thời khắc khác nhau mà không phải ai cũng may mắn có cơ hội thưởng ngoạn. Mây chiều của hoàng hôn xa trên đỉnh gió, mây trắng bàng bạc của đêm sớm và mây lãng đãng trên những bản nghiêng sườn núi…
Người chủ homestay Ngỗng Tà Xùa cho chúng tôi biết: Chiều qua có nắng và đêm mưa, sớm mai, mây sẽ đẹp. Lên đó mà ngắm và đón bình minh. Đừng bỏ lỡ khi đến đây. Đêm Tà Xùa lạnh dù đã trùm kín người. Những thông tin của chủ homestay làm tôi háo hức dậy sớm và chuẩn bị những thứ cần thiết cho cung đường cheo leo tiếp thêm 14km nữa để đến địa điểm được chọn: sống lưng khủng long Háng Đồng.
Bạn đã xem phim Tây du ký, mỗi khi Tôn Ngộ Không cẩu đằng vân, mây đẹp – đó là trong phim với kỹ xảo điện ảnh. Bạn đã đi máy bay – nhìn trời mây với những hình thù kỳ thú – đó là bay trong mây. Bạn đến sống lưng khủng long ở Háng Đồng để khám phá, bước chân xuống thấp một chút để đi trên cung đường mòn, nhỏ, cheo leo ra tầm đỉnh, bạn đã đi trên núi, trên thung lũng, trên mây và trong gió lạnh.
Với chủ đích từ trước, tôi đón ánh mặt trời trên biển mây đó. Và nhiều người cùng háo hức khi những sắc màu vàng đỏ hắt lên để từ từ hiện dần một chấm đỏ bình minh tỏa sắc lấp lánh. Máy ảnh, điện thoại từ đỉnh, mỏm của nhiều người tranh thủ chọn lấy những khung hình theo sở thích. Những dáng người tạo hình đa dạng để chộp vồ viên ngọc đỏ bình minh. Háo hức để chọn góc nhìn hay lặng im, thở nhẹ… những du khách mỗi người mỗi vẻ để trải nghiệm riêng cho mình.
Cả một cung đường và đoạn sống lưng dáng hình khủng long, hai bên là vách sâu, mây bốn bề. Chỉ có sự can đảm mới dành cho những ai chấp nhận cái lạnh và trải nghiệm khi bước đi giữa khí trời của đêm dần sáng trên sống lưng này. Có nhiều cách để xem mây nơi đây: từng đoạn từ phía núi đi ra mũi nhô nhìn xuống thung lũng hoặc ngược lại. Từ mỏm núi cao nhìn xuống, bạn sẽ thấy một thung mây, từ vách nghiêng của chặng núi, bạn sẽ thấy một sông mây uốn lượn và ở mũi núi nhô ra, bạn sẽ thấy một biển mây mênh mông.
Khi vượt qua biển mây, ánh nắng mặt trời tăng độ, những mảng mây với các lớp hình thù nhẹ dần, tan dần cũng là lúc những tranh màu của bản Mông hiện dần ra trong mờ ảo. Những con đường mòn uốn lượn gấp khúc, mái nhà Mông đơn cô trên những ô đất bậc thang… như nét xuyến chênh vênh, tuyệt đẹp. Gió chuyển đông và đuổi mây vào các vách núi để thung lũng trở lại của buổi sáng tinh khôi. Mây cũng bắt đầu áp vào vách núi, men lên cao, ôm lấy những đỉnh núi. Đường sống lưng và mũi của mỏm núi nhô ra dần chìm vào trong sắc trắng bồng bềnh. Những mảng mây trong và hơi lạnh theo gió táp vào những người trốn muộn khi đón bình minh trên đường mòn sống núi. Những bức ảnh chụp vội với hậu trường thiên nhiên như sóng mây phía sau chồm tới, chực chờ nuốt trọn cả không gian và con người trên dải đất từ vách núi cao…
* Lời gọi
Ai đã can đảm theo cung đường chênh với vách núi để đến Tà Xùa, vượt qua độ cao hơn 2.800m so với mực nước biển để ngắm mây… nếm cái lạnh, cái gió và thưởng ngoạn cảnh quan của núi rừng hùng vĩ, những thung lũng nối tiếp nhau, bản làng cheo leo, người Mông trong sắc váy sặc sỡ màu tươi sáng… đều thích thú. Trải nghiệm sẽ rất thú vị cho những du khách khi đi cùng người yêu thương, gia đình và bạn bè… với những khung hình kỷ niệm mà không phải dễ dàng để có được lần thứ hai trong đời.
Tại sao tôi nói khó có lần thứ hai, bởi lẽ, khi phỏng vấn một số người đã “hạ sơn” về với đồng bằng, với phố thị… nhiều người cho biết, Tà Xùa đẹp với thiên đường mây nhưng xa quá, cao quá, dù an toàn nhưng cảm thấy chông chênh, bất an trước vực sâu trên những con đường dốc núi vòng vèo… Cái trải nghiệm không chỉ nhìn mây của Tà Xùa mà cả khi mây, núi và gió ở lại, đường đi xuống cũng là một trải nghiệm không ít những lo lắng.
Tôi không quảng bá cho du lịch Tà Xùa, nhưng tôi khẳng định rằng, Tà Xùa chính là thiên đường mây tuyệt đẹp của Việt Nam. Nếu có dịp, hãy đến đó để trải nghiệm cho riêng mình. Một đôi trẻ yêu nhau đã viết lại cảm giác khi ngắm mây nơi này: “Tình tang… trên đỉnh Tà Xùa/ Trao nhau ánh mắt, liếc bùa vấn vương/Bình minh ló dạng mờ sương/ Núi, mây và gió dệt đường thiên cung”.
Tháng 2-2020
Đinh Huyền Dũng
Theo baodongnai.com.vn
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của Shizouka- quê hương núi Phú Sĩ
Không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ của núi Phú Sĩ, tỉnh Shizouka còn được biết đến với nhiều khung cảnh bình dị và nên thơ.
Nằm giữa Tokyo và Kyoto, tỉnh Shizouka có các con đèo đầy chất sử thi và những ngọn đồi nhấp nhô bình dị rất thích hợp cho thi đấu các môn thể thao. Do khí hậu quanh năm ôn hòa, vùng đất này cũng là nơi sản xuất trà xanh lớn nhất Nhật Bản và là nơi tập trung nhiều nông trại wasabi, với ẩm thực và thức uống phong phú.
Cây trà có lịch sử lâu đời tại tỉnh Shizuoka. Ngành sản xuất trà nơi đây được cho là ra đời rất sớm từ những năm 1200. Ước tính, hiện nay Shizuoka sản xuất 40% tổng lượng trà ở Nhật Bản và được xem là "vựa trà" của đất nước.
Ngoài vẻ đẹp của hoa anh đào nở vào mùa xuân thì nhắc đến Nhật Bản người ta không thể không nhắc tới cây thích, loại cây đặc trưng vào mùa thu của đất nước mặt trời mọc.
Bạn có thể ngắm sắc thu tuyệt đẹp từ trên những cây cầu treo bắc qua sông ở thung lũng Sumata. Tháng 10 là một trong những thời điểm lý tưởng nhất để ngắm đường chân trời phía núi Phú Sĩ, với lá thu ở gần và núi Phú Sĩ ở xa xa.
Shizuoka là tỉnh có những tòa lâu đài cổ xưa nhất ở Nhật Bản đã tồn tại gần 1000 năm từ thời Chiến Quốc. Lâu đài Kakegawa được xây dựng vào thế kỷ 15 và là một trong những kiệt tác kiến trúc được bảo tồn nguyên vẹn nhất.
Lâu đài Sumpu còn được biết đến với cái tên "lâu đài đảo nổi" được xây dựng vào năm 1585. Lâu đài Sumpu mang lại cảm giác thanh bình cho du khách và công viên quanh đây là một nơi tuyệt vời để tản bộ.
Du lịch bằng xe lửa là thói quen của người dân ở Nhật Bản - đất nước sở hữu tàu cao tốc nổi tiếng Shinkansen. Nếu bạn đang muốn ngược dòng thời gian thì tuyến đường sắt Oigawa là nơi lý tưởng mà bạn cần đến.
Con tàu cổ chạy bằng động cơ hơi nước sẽ thực hiện chuyến đi dài 90 phút đưa bạn qua những khung cảnh nên thơ quanh các ngọn núi và cảnh hút tầm mắt của thung lũng Oigawa và các ngọn núi ở phía Bắc tỉnh Shizuoka.
Nhật Bản cũng là nơi có những cây cầu bằng gỗ tuyệt đẹp và nên thơ. Cây cầu gỗ Kawane chỉ là một hành trình ngắn từ ga Senzu đưa bạn đi qua một con đèo đẹp mắt tới một suối nước nóng nhỏ.
Giữa những con đường núi yên tĩnh, những ngọn đồi nhấp nhô và những vạt cỏ trải dài trên cánh đồng lúa, các tay đua xe đạp từ khắp nơi trên thế giới đến để thưởng ngoạn phong cảnh ấn tượng của Shizuoka.
Hai trong số những trải nghiệm phổ biến nhất mà du khách muốn tự khám phá ở Shizuoka là đến núi Phú Sĩ và bán đảo Izu. Các tay đua xe đạp tới đây để ngắm vẻ hùng vĩ của núi Phú Sĩ, các con đường mang lại cảm giác thư thái dọc bán đảo Izu của tỉnh Shizuoka.
CTV Minh Bùi/VOV.VN
Theo vov.vn/The Forbes
Ninh Bình: Động Thiên Hà "Chốn thần tiên" trong lòng di sản Tràng An Bước đến động Thiên Hà (xã Sơn Hà, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), du khách như được chu du miền tiên cảnh, cả hang động toát lên sự ảo diệu đẹp tuyệt. Vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ của động Thiên Hà kết hợp với ánh sáng nhân tạo đủ màu sắc phản chiếu lên các nhũ đá tạo nên một khung...