Lên núi trồng hoa tình yêu, trai Hà Nội thu bộn tiền dịp Tết
Rời quê hương Mê Linh (Hà Nội) lên Sơn La lập nghiệp, anh Vũ Văn Chuyền (SN 1989) đã thành công với nghề trồng hoa hồng. Đều đặn mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh Chuyền thu gần 300 triệu đồng tiền lãi từ bán hoa hồng tươi ra thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Sinh ra và lớn lên ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) – vùng quê vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa hồng, anh Chuyền cũng lựa chọn gắn bó với cây hoa hồng như nhiều người khác ở địa phương. Nghe nói khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La khá phù hợp cho cây hoa hồng sinh trưởng và phát triển vào mùa hè, anh Chuyền không chút đắn đo, quyết định lên Sơn La lập nghiệp.
Anh Chuyền bắt đầu trồng hoa hồng ở xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La từ năm 2015.
“Do ở quê đất sản xuất ít, trồng hoa chỉ được một mùa nên tôi đã chọn vùng đất Chiềng Xôm (thành phố Sơn La) làm nơi dừng chân. Vùng đất này đã có nhiều người con ở Mê Linh lên đây trồng hoa hồng. Khác với quê tôi chỉ trồng hoa được vào mùa đông, thì ở nơi đây cây hoa hồng lại sinh trưởng và phát triển tốt vào mùa hè vì khí hậu mát mẻ” – anh Chuyền chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Đầu năm 2015, anh Chuyền lên xã Chiềng Xôm thuê 1ha đất trồng lúa của người dân bản Ái để trồng hoa hồng. Sau khi cày đất, lên luống, anh trở về quê lấy giống hoa hồng và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lên Chiềng Xôm, bắt đầu sự nghiệp trồng “loài hoa tình yêu” nơi đất mới.
Anh Chuyền thu khoảng 10 vạn bông hoa hồng/lứa.
Thật không may, năm đầu trồng hoa nơi đất mới, anh Chuyền thất thu hoàn toàn vì nước lũ. Thất bại đầu tay không thể xua đi khát vọng làm giàu nơi đất mới của chàng trai vùng đất ven đô, anh Chuyền bắt tay vào làm lại. Với kĩ thuật trồng, chăm sóc hoa hồng sẵn có, những lứa hoa sau đó, lứa nào anh Chuyền cũng thắng lợi.
Video đang HOT
Chia sẻ bí quyết trồng hoa hồng với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Chuyền vui vẻ cho biết: Cây hoa hồng ưa với thời tiết vừa phải, nắng quá hay lạnh quá đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của hoa hồng. Từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch, cây hoa hồng sinh trưởng, phát triển tốt, nở hoa đều đặn, bông to, đẹp. Khi thời tiết lạnh dần thì lượng hoa cũng giảm theo.
Anh Chuyền chủ yếu chuyển hoa hồng tươi về Hà Nội tiêu thụ.
“Cây hoa hồng rất dễ trồng. Lúc đầu trồng không phải bón phân. Hơn 1 tháng sau, khi cây hoa có độ bật thì mới bắt đầu cho “ăn” phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. Sau đó, cứ cách khoảng 2 tháng tôi lại cho hoa hồng “ăn” phân 1 lần. Đối với thuốc bảo vệ thực vật thì phải phun thường xuyên, vì cây hoa hồng có đặc điểm là hay bị nấm, sâu phá hoại. Trồng hoa hồng thì phải năng phun thuốc thì mới “có ăn”. Khoảng 1 tuần, tôi phun thuốc bảo vệ thực vật 1 lần, phòng trừ nấm, sâu hại ruộng hoa hồng” – anh Chuyền cho hay.
Mỗi năm, anh Chuyền thu gần 300 triệu đồng tiền lãi từ bán hoa hồng tươi ra thị trường.
Được chăm sóc, cắt tỉa theo định kỳ, ruộng hoa hồng nhà anh Chuyền sinh trưởng, phát triển tốt, cứ cách 45 ngày, anh lại cắt hoa bán ra thị trường. Với diện tích 1ha, cứ mỗi lứa anh Chuyền thu khoảng 10 vạn bông. Bán ra thị trường với giá dao động từ 1.000 – 3.000 đồng/bông, mỗi lứa hoa, anh Chuyền cũng thu gần 200 triệu đồng. Như vậy, một năm anh Chuyền thu 4 lứa hoa, sau khi trừ chi phí anh thu lãi gần 300 triệu đồng.
Theo Danviet
Nuôi vịt bầu cánh trắng vùng núi, thu 20 triệu đồng mỗi tháng
Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, bà Quàng Thị Hậu, sinh 1973, bản Có (xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) đã có thu nhập điều đặn 20 triệu đồng mỗi tháng từ nuôi vịt bầu cánh trắng.
Được sự giới thiệu của bà Bạc Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Xôm về gương nông dân điển hình trong phát triển kinh tế giỏi của xã, chúng tôi tìm đến hộ gia đình bà Quàng Thị Hậu ở bản Có. Đến nơi, vợ chồng bà Hậu đang tất bật rửa chuồng trại, cho đàn vịt ăn.
Bà Hậu cho biết: Để đảm bảo đầu ra ổn định cho đàn vịt, tôi ký hợp đồng với các nhà hàng, quán vịt quay trên địa bàn thành phố.
Nhìn thấy khách đến chơi, hội viên nông dân Quàng Thị Hậu tay bắt mặt mừng mời chúng tôi vào thăm gia đình. Rót chén nước mời khách, bà Hậu bảo: "Nuôi vịt vất vả lắm các chú ạ! Lúc bé, tôi chăm đàn vịt như chăm con mọn vậy".
Tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, bà Hậu kể: Trước đây, gia đình tôi làm nương, làm ruộng. Mặc dù, lao động cật lực từ sáng đến tối nhưng làm được bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu, không có tích lũy được mà mình thì già rồi, sức khỏe càng ngày càng yếu. Năm 2018, xem ti vi tôi thấy có mô hình nuôi vịt thịt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thấy vậy, tôi bàn với chồng quyết định từ bỏ công việc đồng áng chuyển sang đầu tư nuôi vịt thịt.
Trước khi xuất bán khoảng 1 tháng, để đảm bảo chất lượng thịt thơm ngon, bà Hậu dùng máy thái chuối trộn cám ngô, gạo cho vịt ăn.
Khi mới bắt tay vào đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống, do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên bà Hậu chỉ nuôi hơn 300 con vịt bầu cánh trắng. Qua lời giới thiệu của một vài người bạn có kinh nghiệm trong nuôi vịt, để chọn được giống vịt có chất lượng tốt, bà Hậu nhập con giống từ các trại giống có uy tín ở tỉnh Phú Thọ về nuôi thử.
Chia sẻ về lý do tại sao lại chọn nuôi vịt bầu cánh trắng, bà Hậu cho biết: So với các loại vịt khác, giống vịt bầu cánh trắng có ưu điểm: Sức đề kháng cao, phát triển nhanh, tỷ lệ thịt đùi, ức cao được các nhà hàng trên địa bàn thành phố Sơn La ưa chuộng.
Chuồng trại nuôi vịt thịt của bà Hậu được chia thành nhiều khu chăn nuôi, khu nuôi vịt thịt chuẩn bị xuất bán; khu nuôi vịt thịt 1 tháng tuổi; khu úm vịt mới nhập.
Hiện, bà Hậu đang nuôi trên 10.000 con vịt bầu cánh trắng. Chuồng trại của bà Hậu chia thành 3 chuồng khác nhau để nuôi đàn vịt ở các độ tuổi khác nhau. Theo đó, chuồng đầu tiên bà Hậu thả giống vịt thịt trên 2,5 tháng tuổi chuẩn bị xuất bán; chuồng thứ 2 nuôi giống vịt khoảng hơn 1 tháng tuổi; chuồng còn lại bà Hậu đầu tư bóng đèn, quây kín bạt để nuôi và úm vịt giống mới nhập. Trung bình, mỗi năm bà Hậu nuôi khoảng 6 -7 đàn vịt. Như vậy, tháng nào bà Hậu cũng có vịt thịt xuất bán cho các nhà hàng trên địa bàn thành phố.
Theo bà Hậu, khâu quan trọng nhất để nuôi vịt thành công là phải chọn được giống vịt có chất lượng tốt, như: Con giống to khỏe, nhanh nhẹn, không hở rốn; tiêm phòng đầy đủ; cho vịt uống nước sạch; phun khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Bên cạnh đó, người nuôi phải có sự quan sát tỉ mỉ từng con vịt để biết điều chỉnh lượng thức ăn, thuốc phòng bệnh sao cho hợp lý.
Theo bà Hậu, để vịt phát triển tốt, mỗi ngày cho ăn 3 bữa, trong đó bữa tối, bữa chiều cho ăn nhiều, bữa trưa cho ăn ít; mỗi ngày vệ sinh chuồng trại một lần.
Tiết lộ thêm kỹ thuật chăm sóc, bà Hậu bảo: Vịt giống khi mới nhập về từ 2 - 3 ngày tuổi phải cho uống ngay thuốc úm, thuốc bổ đầy đủ, tiêm kháng thể; từ 7 - 12 ngày tuổi, tiêm vắc xin phòng dịch tả, viên gan b, tụ huyết trùng; từ 12 - 17 ngày tuổi, tiêm ecoli, tụ huyết trùng...
Với cách nuôi gối vịt, cứ đều đặn 2 tháng sau khi vịt đạt trọng lượng từ 2 - 2,5 kg/con, bà Hậu xuất bán từ 300 - 400 con vịt thịt ra thị trường. Với giá bán trung bình 55.000 đồng/kg vịt, bà Hậu thu nhập trên 40 triệu đồng, chia ra mỗi tháng bà thu 20 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Bạc Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Xôm, cho biết: Bước đầu mô hình chăn nuôi vịt thịt của bà Hậu đã gặt hái được thành công, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Bà Hậu là hội viện nông dân điển hình cho các hộ nông dân khác học hỏi. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi cho gia đình bà Hậu và nhân rộng mô hình sang các hộ có điều kiện chăn nuôi khác để thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.
Theo Danviet
Về làng này tha hồ chụp ảnh với hoa hồng cổ, không mất phí đâu Đến làng hoa Phù Vân (xã Phù Vân, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) bây giờ du khách như bị ngợp bởi những ruộng hoa hồng nở rực rỡ. Khách tíu tít xuống vườn chụp ảnh, chủ vườn không những không thu phí mà còn tha thiết mời chào bởi muốn quảng bá để nhiều người biết, đến mua cây hoa càng đông....