Lên non du xuân
Sau Tết Nguyên đán hàng năm là mùa du xuân lễ hội với các điểm đến: Chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính, Tây Thiên…
Nhưng năm nay dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), diễn biến khó lường, nhiều người chuyển hướng tự tổ chức những chuyến du xuân lên non cao hoang vắng miền Tây Bắc, Đông Bắc. Ở đây có hoa đào, hoa mận, hoa cải… rực rỡ khoe sắc giữa đất trời, được hà hít không khí trong lành.
Đất trời ngập tràn mùa xuân trắng.
Lên núi ngắm sắc đào rừng
Huyện vùng cao Mù Cang Chải, Yên Bái đang vào những ngày xuân mưa phùn, rét mướt. Nằm ở độ cao 1.600-2.000m so với mực nước biển, Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng đẹp với những cung ruộng bậc thang, mà cuối đông, đầu xuân nơi đây còn rực rỡ sắc đỏ của hoa đào rừng. Người Mông ở các bản, xã nơi đây gọi đào rừng là hoa tớ dày, hay đào Mông.
Vệt nắng chiếu rọi miền hoa mận trắng.
Dừng chân nghỉ lại một đêm tại homestay ở Thị trấn Mù Cang Chải, sáng hôm sau tôi tiếp tục men theo những ngả đường đất lên các bản Mông thuộc xã La Pán Tẩn heo hút nhất để săn, ngắm hoa tớ dày. Theo người Mông đi rừng ở đây cho biết, các bản vùng cao ít có khách du lịch tới, thường chỉ đến ngoài trung tâm xã Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn để ngắm ruộng bậc thang.
Do muốn đến đây phải vượt qua cung đường đất lầy lội, ngoằn ngoèo. Trước đây, bà con đi rừng thấy hoa tớ dày đẹp quá, nên đã lấy hạt giống và chiết cành về trồng xung quanh nhà, bản mình. Nay nhiều gốc cây cùng đua khoe sắc hoa màu phớt hồng rực một góc bản. Nhìn bên ngoài, tớ dày khá giống mấy cây đào ta cổ thụ mọi người hay trồng chơi tết, nhưng nhìn kỹ mới thấy, mấy loại đào quen thuộc thường có lá non xanh bên những bông hoa, còn tớ dày như chỉ toàn nụ, bông đỏ thắm, lá cũng úa đỏ trên thân cành.
Đứng một mình giữa đất trời bao la cùng rừng hoa tớ dày là một cảm giác đặc biệt. Có những cây đào rừng vươn tán cao đến hơn 20m, gốc phải 1 người lớn dang tay ôm mới xuể. Người Mông đi rừng lâu năm cho biết tớ dày cổ thụ thường mọc ở nơi hiểm trở như bên vách đá, thung lũng sâu, trên sườn núi cheo leo…
Một đôi vợ chồng du xuân chụp ảnh trên đèo Khau Phạ, Yên Bái.
Người già ở đây cũng chẳng biết tớ dày có ở rừng núi từ bao giờ, nhưng đây là một loài hoa dại có sức sống mãnh liệt nhất, sinh tồn giữa sương mù, giá rét tê tái quanh năm. Đứng trên mỏm núi cao nhìn về bốn phía, lữ khách sẽ thấy những cây tớ dày hoa nở đỏ xen giữa màu xanh thăm thẳm của núi rừng, tô điểm vẻ đẹp rực rỡ vào bức tranh thiên nhiên hùng vỹ trên rẻo cao.
Tớ dày thường nở rộ khi thời tiết trơi cuối đông, đầu xuân. Trong những ngày rét mướt nhất cuối tháng 12 âm lịch, mỗi khi có nắng đông, muôn nụ hoa chi chít trên cành cây sẽ đua nhau bung nở. Với người Mông, hoa tớ dày nở chính là tín hiệu vui báo mùa xuân về. Đồng bào dân tộc quan niệm, những mùa hoa nở nhiều và đẹp sẽ là năm thời tiết thuận lợi để mùa màng bội thu, vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt.
Trên rừng hoa nở, dưới bản rộn ràng đón tết, khai xuân. Mọi người đem những chiếc áo, váy đẹp nhất đã để dành cả năm ra mặc. Rồi cùng nhau giã bột làm bánh giày, gói bánh tét… Những chàng trai, cô gái diện áo váy cùng tiếng khèn, tiếng sáo dặt dìu chơi xuân, tình tứ bên nhau nơi sườn núi, ngắm hoa khoe sắc. Thậm chí, trên trang phục váy truyền thống của phụ nữ Mông ở Mù Cang Chải còn thêu trang trí họa tiết hoa tớ dày bằng chỉ đỏ. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng từ những mùa tớ dày nở đỏ.
Video đang HOT
Hoa cải nở vàng Cao nguyên đá
Cung đường xuyên Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang dài 185km mang một cái tên thân thương: “Đường Hạnh phúc”. Đây thực chất là Quốc lộ 4C với lịch sử xây dựng và hình thành đầy bi tráng. Trong quá trình làm đường, những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu của hàng chục ngàn công nhân, thanh niên xung phong đã đổ xuống Cao nguyên đá suốt thập niên 50-60 của thế kỷ trước.
Sau khi hoàn thành, cung đường đã mang lại những mùa xuân tươi sáng, đời sống no ấm cho đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Giang. Vì thế, mọi người mới gọi cung đường mang tên “Đường Hạnh phúc”. Những phượt thủ, các tour du lịch ngày nay dường như đã mòn bánh xe trên những kilomet của cung “Đường Hạnh phúc”.Đặc biệt, khi đi dọc con đường này vào mỗi độ xuân về, chúng ta lại cảm nhận được một cách rõ nét vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời hòa cùng hoa cỏ.
Rời TP Hà Giang, theo cung đường ngược lên Bắc, lữ khách dần dần đi qua đèo Bắc Sum để lên tới cổng trời Quản Bạ. Đứng từ trên cổng trời nhìn sang núi đôi Quản Bạ (hay còn gọi núi đôi Cô Tiên), du khách sẽ thấy vẻ đẹp núi đồi, trời mây đang phơi phới sắc xuân. Sự đổi thay, giàu đẹp của thị trấn Tam Sơn với những khối nhà cao tầng kiên cố, san sát nhau.
Qua Quản Bạ, tôi đến với đất Yên Minh, được mệnh danh là thánh địa của các con đèo dốc, của những khúc cua tay áo ghê người, liên tục xuất hiện thử thách người đi. Đất trời Yên Minh bao la, với những vạt núi xanh thăm thẳm, hùng vỹ cùng màu đen của đá bắt đầu ra trước mắt lữ khách.
Từ Yên Minh, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn bắt đầu lộ diện, chiếm lĩnh tầm mắt người đi đường. Trên những rừng đá tai mèo tầng tầng, lớp lớp như ma trận lại có một vẻ đẹp mang sức sống vi diệu, mãnh liệt. Đó chính là những nương ngô, nương sắn của đồng bào Mông canh tác, vẫn xanh tươi mơn mởn giữa rừng đá lởm chởm.
Vào dịp sau Tết Nguyên đán, cao nguyên đá sẽ được tô điểm màu chủ đạo là sắc vàng rực rỡ của những cánh đồng hoa cải. Từ Yên Minh lên Đồng Văn cho tới cột cờ Lũng Cú, sang đất Mèo Vạc… đâu đâu cũng có những nương cải vàng thi nhau khoe sắc, như thầm báo hiệu mùa xuân đang về.
Dọc theo “Đường Hạnh phúc”, chúng tôi ghé thăm những địa danh nổi tiếng trong du lịch được lấy bối cảnh làm phim như: Phố Cáo, Phó Bảng, Sủng Là hay Tả Phìn, Lũng Cú (Đồng Văn)… Các địa danh này ấn tượng ngay với mọi du khách bởi hình ảnh những căn nhà trình tường làm bằng đất sét vàng ươm, cùng hàng rào đá truyền thống bao đời của người Mông bản địa.
Mùa xuân đến là thời khắc thung lũng Sủng Là (ĐồngVăn) đẹp nhất khi muôn hoa khoe sắc. Những đồng hoa cải bên hàng rào đá vàng rực một góc trời. Bao đàn ong, bướm đua nhau bay lượn đi tìm nhụy hoa, mật ngọt. Bên hiên nhà, hay ngoài hàng rào đá lạnh lẽo, những cây mận, cây đào hồn nhiên khoe sắc như vẻ đẹp của những thiếu nữ Mông tuổi trăng tròn.
Hoa cải nở trên cung Đường Hạnh phúc đi lên cột cờ Lũng Cú.
Từ bé gái đến các chị, các mẹ người Mông diện bộ váy xòe đẹp nhất, tung tăng rong chơi bên vườn nhà. Càng lên cao, chúng ta sẽ càng thấy sắc xuân ngập khắp đất trời. Trên đường lên cột cờ Lũng Cú, chúng tôi bắt gặp từng đôi trai gái hẹn hò nhau đi du lịch bụi lên ngắm cảnh, đón xuân. Thỉnh thoảng các tốp du khách lại bị mê hoặc bởi cảnh sắc, đã dừng lại ngắm nương hoa cải, hay cánh hoa đào, hoa mận.
Mùa xuân trắng ở Mộc Châu
Nằm cách Hà Nội khoảng 200km về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 6, cao nguyên Mộc Châu là điểm đến quen thuộc bình yên cho những ai muốn tránh phố phường, dòng ngươi chen chúc tại các đô thị. Khí hậu ở Mộc Châu quanh năm mát mẻ, dễ chịu nên nơi đây được mệnh danh như Đà Lạt của xứ Bắc. Những ngày sương giăng khắp lối hay khi nắng vàng trải dài trên những nương chè, vườn cải… du khách đều không khỏi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của mảnh đất này.
Khi xuân về, tôi trở lại cao nguyên Mộc Châu để được đắm chìm vào vẻ đẹp tinh khôi kỳ diệu. Cả cao nguyên Mộc Châu mênh mông trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển như đang giao hòa giữa trời và đất, những cơn mưa xuân lất phất, vạn vật sinh sôi nảy nở. Mùa xuân đến, du khách sẽ được mãn nhãn trước nét đẹp tinh khiết, nhưng cũng đầy thơ mộng của sắc hoa mận bung nở trắng xóa khắp núi rừng.
Đào Mông (tớ dày) bung nở giữa núi rừng.
Hoa mận trắng tinh khiết góp phần vào vẻ đẹp của vườn hoa bốn mùa muôn sắc của mảnh đất Mộc Châu. Đông qua, xuân tới khi những ngày nắng xuất hiện nhiều hơn, cũng chính là thời khắc mùa hoa mận Mộc Châu nở đẹp nhất. Giữa nền trời xanh bao la, những tán hoa mận trắng phủ trước tầm mắt chúng ta mới cảm nhận thấy hết vẻ đẹp kỳ diệu.
Tôi đã có vài ngày mải mê đi săn ngắm mùa hoa mận. Từ thung lũng Mu Náu đến các bản ở Nà Ka, Tân Lập, Phiêng Cành, Lóng Luông… cảnh sắc rừng núi chỉ còn lại một màu trắng tinh khôi, mênh mông. Những cây mận như đua nhau khoe hoa, những bông mận nhỏ phủ kín cành cây khẳng khiu giống như chiếc khăn choàng tuyệt đẹp. Hoa mận cánh trắng, nhụy vàng bung nở giữa ánh nắng mùa xuân cũng là thời điểm đồng bào Mông đi chơi hội, du xuân.
Đồng bào Mông ở Mộc Châu mở hội, chơi xuân, tổ chức các trò truyền thống như: đánh đu, đánh còn, ném pao, chơi quay, và biểu diễn văn nghệ… Khung trời ngập tràn sắc xuân trắng hòa với những hoạt động văn hóa thể thao đặc sắc của con người đã làm cho Mộc Châu thêm đẹp và đáng yêu trong lòng người. Các nhiếp ảnh gia đến từ phương xa cứ lặng lẽ, mải miết lạc vào cánh rừng hoa mận bao la để săn chụp từng khuôn hình.
Văn Hải
Theo saigondautu.com.vn
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) là Di tích Quốc gia đặc biệt - địa điểm nhất định phải ghé thăm mỗi khi đi du lịch miền Tây Bắc.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải vào mùa lúa chín. Ảnh: TTXVN
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải vào mùa lúa chín. Ảnh: TTXVN
Thửa ruộng bậc thang hình trái tim ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: TTXVN
Trong ảnh: Ruộng bậc thang - Nét đẹp văn hóa và công trình nghệ thuật độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao phía Bắc.
Rực rỡ mùa vàng Mù Cang Chải. Ảnh: TTXVN
Trong ảnh: Rực rỡ mùa vàng Mù Cang Chải. Ảnh: TTXVN
Ruộng bậc thang - Nét đẹp văn hóa và công trình nghệ thuật độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao phía Bắc. Ảnh: TTXVN
Mùa gặt trên những thửa ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh: TTXVN
Ngày mùa vùng cao Tây Bắc. Ảnh: TTXVN
Ruộng bậc thang - Nét đẹp văn hóa và công trình nghệ thuật độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao phía Bắc.
Theo bnews.vn
Kỳ quan thiên nhiên châu Phi Bên cạnh sự độc đáo và đa dạng trong sắc thái văn hóa truyền thống, châu Phi còn có những kỳ quan thiên nhiên mà bất cứ du khách nào cũng mơ ước được một lần đến trong đời. Sông Nile là con sông dài nhất thế giới. Khởi nguồn từ Burundi (Rwanda - Trung Phi) ở thượng nguồn gọi là sông Kakela,...