Lên kịch bản ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Dịch tả lợn châu Phi đang tấn công ở nhiều tình thành ở Trung Quốc, nguy cơ xâm nhiễm sang Việt Nam
Ngày 12/9, Thủ tướng có công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung giải pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của khu vực biên giới.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo giám sát chặt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Tổ chức triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất…Cùng đó, tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đặc biệt lưu ý với các đàn lợn tại các địa phương biên giới.
Các địa phương giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, các giết mộ lợn, xây dựng phương án đóng cửa chợ, nơi buôn bán sản phẩm của lợn…khi phát hiện có virus dịch tả lợn châu Phi.
Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Bộ NN&PTNT tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm lợn nhập lâu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam; các loại lợn phát hiện bị bệnh, nghi bị bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ lợn hoặc trong quá trình vận chuyển; các sản phẩm thịt lợn đông lạnh, thịt lợn tươi, giăm bông, xúc xích…
Video đang HOT
Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ Công Thương, Y tế, Công an, Quốc Phòng, GTVT, Tài chính… tùy chức năng nhiệm vụ, có giải pháp ngăn chặn loại dịch bệnh nguy hiểm trên xâm nhiễm vào Việt Nam.
Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ có bệnh dịch tả lợn châu Phi, với số lượn tiêu hủy trên 500.000 con. Đây là bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người.
OIE và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cũng cho biết, từ đầu tháng 8/2018 đến nay, Trung Quốc báo cáo có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh (An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với số lợn tiêu hủy trên 38.000 con.
Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm niễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các tỉnh miền giới phía Bắc và các địa phương có chăn nuôi lợn lớn là rất cao.
Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của người dân các nước đã và đang có dịch bệnh, nhất là cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt, kể cả sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã phát hiện tại sân bay Hàn Quốc), cũng có nguy cơ đưa virus dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
NAM KHÁNH
Theo TPO
Các tỉnh biên giới chặn dịch tả lợn châu Phi tràn vào Việt Nam
Dịch tả lợn Châu Phi chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng nguy cơ lây lan sang Việt Nam là rất cao, vì giá lợn trong nước hiện nay cao hơn giá thịt lợn Trung Quốc, người dân và tư thương có thể sang các chợ giáp biên mua lợn về tiêu thụ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở Trung Quốc và có nguy cơ rất cao lây lan sang Việt Nam.
Tại Trung Quốc, từ đầu tháng 8 đến nay đã ghi nhận 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Triết Giang, với tổng số hơn 38.000 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.
Ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ninh, nơi có đường biên giới dài giáp với Trung Quốc đã ra công điện khẩn chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.
Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh, tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lượng khách du lịch từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc sang Quảng Ninh rất nhiều, vì thế không loại trừ trường hợp du khách mang theo những sản phẩm chế biến từ thịt lợn sang Việt Nam.
Ông Đông cho biết, trên khu vực biên giới cũng có rất nhiều đường mòn lối mở, cơ quan chức năng đã bắt giữ được các vụ mua bán, vận chuyển lợn sống từ Trung Quốc vào địa bàn TP Móng Cái. Vì vậy, nguy cơ cao bị xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi và công tác phòng chống gặp khó khăn.
Giải pháp hiện nay là phải tăng cường chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn từ Trung Quốc vào nội địa, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới tại khu vực biên giới. Bắt giữ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời tiêu hủy lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới không có nguồn gốc.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh yêu cầu đối với các địa phương không có biên giới, tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ; tăng cường công tác chống buôn lậu lợn và các sản phẩm từ lợn của Trung Quốc vào địa bàn.
Đối với 3 địa phương có biên giới giáp với Trung Quốc là TP Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Bình Liêu, Sở NN&PTNT tỉnh này đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ lợn và sản phẩm tự lợn nhập lậu qua biên giới; tăng cường giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Khi có dấu hiệu nghi dịch tả lợn châu Phi phải báo ngay cho cơ quan thú y cấp tỉnh cùng phối hợp xác minh, xử lý...
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra tại các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái và kiểm tra tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, chợ đường biên, chợ bán gia súc, gia cầm... để kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm này.
Kiểm soát chặt, kể cả quà biếu tặng
Tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản yêu cầu các lực lượng chức năng và các địa phương trên địa bàn tăng cường ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào nội địa.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tụ điểm tập kết, buôn bán lợn thịt, lợn giống và sản phẩm từ lợn, kể cả quà tặng quà biếu của cư dân biên giới, đặc biệt tại khu vực giáp gianh với Trung Quốc.
Kiểm soát việc vận chuyển lợn. Ảnh: TTXVN
UBND tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi để nhân dân biết được tác hại của việc nhập lậu lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, từ đó không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển nhập lậu lợn vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ; vận động người chăn nuôi chỉ mua con giống từ các cơ sở có y tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y.
Theo Tổ chức Thú y thế giới, từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018 đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp giáp giữa Châu Âu và Châu Á ghi nhận dịch tả lợn Châu Phi, với tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 500.000 con.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, khi phát hiện lợn bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, bị chết, người chăn nuôi và chính quyền địa phương các cấp cần báo ngay cho thú y xã, cơ quan thú y nơi gần nhất. Nếu dấu dịch, giữ lợn bệnh để tự điều trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát, khó khống chế và kiểm soát dịch.
Theo Cục Thú y, dịch tả lợn Châu Phi hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị, gây chết ở lợn với tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, dịch này không gây bệnh trên người.
Cục Thú y khuyến cáo, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng.
Theo H.V/Báo Tin tức
Nguy cơ lây nhiễm cao nhưng dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT): Tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện tại Việt Nam, song nguy cơ lây nhiễm vào Việt Nam rất cao qua tuyến biên giới. Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, khả năng gây chết trên đàn lợn cao. Ảnh minh họa....