Lên cao nguyên ngắm đồi trà, xuống phố cổ ngắm đèn lồng
Từ thành phố sôi động Kuala Lumpur, mất khoảng 4 tiếng xe bus là có thể đặt chân đến một vùng cao nguyên mát rượi với những đồi trà xanh bát ngát; hoặc chỉ cần 2 tiếng là đã đến thành phố cổ duyên dáng với nhiều di sản của các nền văn hóa khác.
Cao nguyên trà Cameron
Malaysia có diện tích bằng Việt Nam, dân số chỉ bằng 1/3 nhưng đất nước này luôn nằm trong top 10 nước trên thế giới thu hút du khách quốc tế đông nhất với khoảng 20-25 triệu lượt viếng thăm mỗi năm.
Dịch vụ du lịch phát triển và nhiều điểm đến đa dạng, từ đô thị sầm uất đến phố cổ duyên dáng, từ các thành phố biển, đảo xanh ngắt cho đến cao nguyên lộng gió. Sau vài lần đến Kuala Lumpur, Penang và hòn đảo Langkawi, lần này tôi chọn cao nguyên trà Cameron và thành phố cổ Melaka cho chuyến nghỉ lễ một tuần.
Cao nguyên trà xanh
Cách Kuala Lumpur (KL) khoảng 300km về phía Bắc, Cameron Highlands là một vùng cao nguyên trù phú của Malaysia nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, do một nhà thám hiểm người Anh (Sr. William Cameron) phát hiện ra từ năm 1885. Sau đó người Malaysia lấy tên ông đặt tên cho vùng đất này để tưởng nhớ ông.
Khác cao nguyên Genting cách KL khoảng 50km và nổi tiếng nhờ hoạt động giải trí và được xem như một Las Vegas của Malaysia, cao nguyên Cameron cách thủ đô xa hơn và trở thành chốn nghỉ dưỡng phổ biến của dân KL và du khách quốc tế nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm (khoảng 15-25 độ C) và những đồi chè bạt ngàn xanh rì cả một vùng thung lũng. Hai ngày ở đây tôi đi thăm hai đồi chè khác nhau: Cameron Valley Tea House ở Tanah Rata và Boh Tea Estate ở gần Brinchang – hai khu du lịch nổi tiếng nhất tại cao nguyên Cameron.
Trùng trùng điệp điệp vườn trà
Cũng màu xanh của những đồi trà nhưng trong ánh sáng buổi sớm và ánh hoàng hôn buổi chiều lại rất khác nhau. Cảnh buổi sáng dưới ánh nắng khá gay gắt, cả một vùng thung lũng xanh hiện lên trước tầm mắt, phần nào khiến tôi liên tưởng đến vùng Tuscany của nước Ý với bầu trời xanh ngắt, những đụn mây trắng bồng bềnh và con đường mòn độc đạo chạy giữa thung lũng trà; trong khi ánh hoàng hôn, đặc biệt là trước cơn mưa lại cho ra vẻ đẹp hơi âm u trầm buồn của buổi chiều tà.
Các vườn trà ở đây cũng khác hẳn Mộc Châu hay Đà Lạt bởi người ta trồng trà men theo sườn đồi và bao phủ cả thung lũng, nhìn từ trên cao xuống cho vẻ đẹp toàn cảnh rộng lớn. Sau khi đi dạo dọc các con đường mòn giữa thung lũng trà để ngắm cảnh và chụp ảnh, chủ yếu là leo dốc khá mệt, bạn có thể nghỉ chân ở ngôi nhà kính ở trên cao, nhô ra giữa vườn trà. Một ấm trà xanh nóng hổi và chiếc bánh ngọt ngon lành mang lại những phút thư giãn thoải mái.
Tất nhiên, cao nguyên Cameron không chỉ có những thung lũng trà đẹp mắt. Tùy theo chuyến đi 2 hoặc 3 ngày, bạn có thể đặt một tour leo núi hay trekking vào rừng Mossy khoảng 1 ngày. Hoặc cũng có thể chọn tour nửa ngày đi bằng xe Jeep khá hầm hố để thăm thung lũng trà và trên đường về ghé vào thăm những khu nông trại dâu tây, nông trại bướm, nông trại ong, hoa lavender… để xem người dân bản địa làm du lịch và nông nghiệp khéo léo như thế nào.
Với khí hậu trong lành mát mẻ, buổi tối là thời điểm lý tưởng thả bộ dọc khu trung tâm để nhìn ngắm. Những khách sạn, nhà nghỉ ở đây được thiết kế theo kiến trúc kiểu Anh rất đẹp mắt. Khu chợ đêm bày bán những món đồ nướng hay những nồi lẩu bốc khói, rất lý tưởng cho không khí se se lạnh buổi tối.
“Đừng đùa với Melaka”
Sau khi quay trở lại KL nghỉ ngơi một ngày, tôi lại tiếp tục bắt chuyến xe bus đến Melaka, thành phố cổ từng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đúng 10 năm trước. Đang mùa nóng nên lượng du khách quốc tế đến đây không đông đúc như những tháng cao điểm, đó là lý do khiến tôi được “hưởng lợi” khi book một cái khách sạn 4 sao lâu năm với cái giá rẻ giật mình.
Từ tầng 17 của khách sạn Imperial Heritage Hotel nằm ngay trung tâm, có thể nhìn ngắm Melaka từ bốn phía và thậm chí cả biển ở đằng xa do view cả mặt trước và mặt sau.
Video đang HOT
Kiến trúc nhà cửa ở Melaka
Những dãy phố bên bờ sông
Từ khách sạn Imperial Heritage đi bộ khoảng 500m là đến khu phố cổ, có dòng sông Melaka chảy qua chia hai bờ thành phố với những chiếc tàu chở du khách đi lại trên sông, có con phố Jonker Walk thắp đèn lồng đỏ rực lúc nào cũng đông đúc, nhìn như con đường đi bộ Trần Phú ở Hội An trong những đêm rằm.
Buổi tối chỉ cần đi dạo khu phố cổ là có đủ thứ để chơi, shopping và ăn uống. Đồ thủ công và tinh dầu vừa rẻ vừa đẹp. Melaka không lớn nhưng không thiếu thứ để trải nghiệm. Bạn có thể mua một chiếc vé để đi cruise trên sông hay leo lên chiếc xe rickshaws (một kiểu xe xích lô) có gắn hoa giả, thú nhồi bông hơi lòe loẹt và phát mấy bản nhạc pop thịnh hành khá ầm ĩ. Đây là đặc trưng dường như chỉ có ở thành phố cổ này.
Melaka là một thành phố cổ pha trộn rất nhiều nền văn hóa khác nhau do lịch sử khá đặc biệt của nó. Trên một đoạn phố cổ có các di sản của người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Ấn Độ và Trung Quốc để lại.
Nhà thờ Thiên Chúa giáo, đền thờ Hồi giáo, đền Hindu giáo, chùa Phật giáo nằm trong một khu phố cổ cách nhau không xa; pháo đài A’Famosa của người Bồ Đào Nha, quảng trường Hà Lan, bảo tàng Hồi giáo, bảo tàng Hàng hải và rất nhiều di sản từ thế kỷ 15, 16 vẫn còn tồn tại ở đây biến thành phố nhỏ này có nhiều điểm đáng xem và thăm thú.
Con phố Jonker Walk thắp đèn lồng đỏ rực
Melaka ban ngày
Ngoài những di sản lịch sử, kiến trúc hay văn hóa, ở Melaka tôi thích hơn cả là những quán cà phê rất yên tĩnh nằm khuất trong những con phố. Một trong những quán ấn tượng nhất là The Baboon House, phải bấm chuông mới được vào. Quán cà phê hình ống dài tới 50m nối cả hai con phố có những bàn cà phê giữa vườn tràn ngập hoa lá, cạnh một cái giếng cổ hay có những tia nắng nhảy nhót trên bức tường sẫm màu cũ kỹ.
Melaka dù khá đông du khách nhưng rất yên bình và sạch sẽ. Trên một góc cây cổ thụ lớn, tôi nhìn thấy tấm biển có ghi dòng chữ “Don’t mess with Melaka” (Đừng đùa với Melaka).
Đây là một chiến dịch làm sạch môi trường và cấm xả rác bừa bãi của chính quyền thành phố, được “mượn lại” từ chiến dịch cùng tên của thành phố Las Vegas của Mỹ.
Phố cổ Lệ Giang, điển hình của du lịch bền vững
Được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới từ năm 1997, đến nay cảnh quan khu phố cổ Lệ Giang (Vân Nam, Trung Quốc) vẫn được gìn giữ một cách chân thực.
Đây được coi là một trong những điển hình về phát triển du lịch hài hòa và bền vững tại một khu phố cổ nơi vẫn còn người dân sinh sống.
Khu phố cổ Lệ Giang nằm trên vùng cao nguyên ở độ cao 2.400 mét ở Vân Nam, Trung Quốc. Khu vực di sản bao gồm 3 thành phần tách biệt là: Đại Nghiên cổ trấn (Dayan), Bạch Sa cổ trấn (Baisha) và Thúc Hà cổ trấn (Shuhe).
Những khu vực này được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới từ năm 1997. Tại phố cổ Lệ Giang, cảnh quan vẫn được gìn giữ một cách hiệu quả và chân thực. Kiến trúc tại đây nổi bật nhờ sự pha trộn của nhiều nền văn hóa đã kết hợp với nhau qua nhiều thế kỷ.
Lệ Giang cũng sở hữu một hệ thống cấp nước cổ xưa rất phức tạp và khéo léo vẫn hoạt động hiệu quả cho đến ngày nay.
Trong đó Đại Nghiên cổ trấn là khu vực quen thuộc nhất với du khách, thường là điểm check-in không thể thiếu trong tour Lệ Giang. Vị trí gần trung tâm mua sắm và lưu trú cũng giúp Đại Nghiên cổ trấn thu hút lượng khách du lịch nhiều hơn 2 khu phố cổ còn lại.
Được hình thành từ thời Nhà Minh, Đại Nghiên cổ trấn vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lâu đời. Vô số ngôi nhà hai tầng, mái ngói, khung gỗ kết hợp các yếu tố kiến trúc và trang trí của các nền văn hóa khác nhau.
Bạch Sa cổ trấn (trong ảnh) được thành lập trước đó vào thời nhà Tống và nhà Nguyên, nằm cách Đại Nghiên cổ trấn 8km về phía Bắc. Thúc Hà cổ trấn nằm cách Đại Nghiên cổ trấn 4km về phía Tây Bắc cũng là những điểm tham quan đáng chú ý.
Từ thế kỷ 12, phố cổ Lệ Giang là trung tâm phân phối hàng hóa quan trọng cho tuyến thương mại giữa Tứ Xuyên, Vân Nam và Tây Tạng, đồng thời là nơi Con đường tơ lụa ở phía Nam nối với tuyến Trà mã đạo (Trà và Ngựa) thời kỳ cổ đại. Phố cổ Lệ Giang đã từng là một trung tâm quan trọng về giao lưu kinh tế và văn hóa giữa các nhóm dân tộc khác nhau như Nạp Tây (Naxi), Hán, Tạng...
Ngày nay du khách đến thăm các cổ trấn tại Lệ Giang để được chứng kiến một không gian sống hài hòa. Những khu dân cư được xây dựng vừa phải, phù hợp với cảnh quan chung mà vẫn đủ tiện nghi. Môi trường sống dễ chịu, kết hợp với nét văn hóa bản địa, nghệ thuật dân gian mang phong cách độc đáo.
Đến phố cổ ở Lệ Giang, du khách vẫn quan sát được cuộc sống thường ngày của người dân bản địa. Không có những tiếng ồn của xe cộ hay âm thanh chát chúa từ loa công suất lớn, chỉ nghe văng vẳng đâu đó những bài hát nhẹ nhàng kết hợp với tiếng ghi-ta tại các quán cả phê.
Hệ thống nước đóng một vai trò quan trọng trong phong cách kiến trúc, bố cục và cảnh quan đô thị độc đáo của Đại Nghiên cổ trấn, khi đường phố chính và các con hẻm nhỏ hướng ra các kênh đào. Nhiều nhà ở và cây cầu được xây dựng bắc qua các kênh đào một cách hài hòa.
Theo UNESCO, các khu vực Đại Nghiên, Bạch Sa và Thúc Hà mà gọi chung là phố cổ Lệ Giang vẫn giữ nguyên bố cục tổng thể, hình thái đô thị, cảnh quan đường phố và phong cách kiến trúc của các triều đại phong kiến Trung Quốc, bất chấp các biến động trong lịch sử.
Những ngọn núi ở khu vực xung quanh Phố cổ Lệ Giang cũng được bảo tồn tốt. Trong đó có núi tuyết Ngọc Long (Ngọc Long Tuyết Sơn) nằm cách trung tâm Lệ Giang khoảng 1 tiếng chạy xe. Hệ thống núi này có nhiều đỉnh núi cao trên 5.000m, quanh năm tuyết phủ. Vì dãy núi rất lớn nên nhiều điểm có cáp treo, điểm lên cao nhất là hơn 4.506 mét và được coi là cáp treo đạt độ cao cao nhất Trung Quốc hiện nay.
Các di sản phi vật thể tại Lệ Giang bao gồm văn hóa Đông Ba, bản sắc người Nạp Tây và kỹ năng xây dựng khu nhà truyền thống ở phố cổ Lệ Giang đã được kế thừa và phát huy cùng với sự phát triển của xã hội. Những nét văn hóa này được thể hiện rõ hơn qua show nghệ thuật "Ấn tượng Lệ Giang" dưới chân núi tuyết Ngọc Long, khi các diễn viên chủ yếu là người dân địa phương biểu diễn phục vụ du khách.
Để bảo vệ và quản lý, phố cổ Lệ Giang đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định cấp quốc gia và cấp địa phương về bảo vệ di tích văn hóa, bảo vệ các thành phố, thị trấn lịch sử và văn hóa nổi tiếng.
Buổi tối tại Đại Nghiên cổ trấn vẫn sôi động và tấp nập du khách. Những loại hình dịch vụ gây tiếng ồn, như quán bar, nhạc sống... được tập trung tại một khu vực riêng, cách xa các không gian tĩnh lặng khác. Một số hàng quán ở phố cổ Lệ Giang có thể phục vụ khách hàng đến tận 3h sáng.
Những năm gần đây, cơ quan các cấp tại Trung Quốc về quản lý và bảo vệ một Di sản thế giới như Lệ Giang đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có phản ứng tích cực với hoạt động giám sát của Ủy ban Di sản Thế giới (WHC), thực hiện nghiêm túc các quyết định của WHC, đồng thời tham vấn tổ chức chuyên môn và chuyên gia để bổ sung nghiên cứu về Giá trị nổi bật toàn cầu của phố cổ Lệ Giang.
Các công trình lịch sử như Vạn Cổ Lầu (trong ảnh) hay không gian cây xanh đều được gìn giữ nghiêm túc. Cơ quan chức năng tại Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát và quản lý việc phát triển du lịch và thương mại ở khu vực xung quanh di sản bằng cách điều chỉnh khu vực được bảo vệ. Việc ranh giới di sản và vùng đệm tại phố cổ Lệ Giang đang trong quá trình sửa đổi để bảo vệ tốt hơn Giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này.
Ngủ đêm giữa rừng để ngắm cỏ hồng lúc bình minh Cuối năm, thường vào tháng 11, cỏ hồng mọc nhiều ở Đà Lạt và khắp cao nguyên Lâm Viên. Đó là cái cớ thuyết phục để du khách đến với vùng đất lạnh ngắm cảnh, chụp ảnh. Cỏ hồng là loài cỏ phổ biến mọc khắp núi đồi cao nguyên Lâm Viên. Sau một mùa mưa, những cây cỏ già lụi đi, cỏ...