Lee Nguyễn và gáo nước lạnh từ Ronald Koeman
Ở tuổi 18, Lee Nguyễn đã được PSV Eindhoven chiêu mộ – điều mà bất cứ cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp nào ở Mỹ cũng thèm khát. Nhưng cuộc đời không chỉ màu hồng.
Lee Nguyễn đã có một khởi đầu đầy đẹp đẽ, nhưng cuộc sống khắc nghiệt luôn thử thách anh.
Trong số 22 cầu thủ tuyển U20 Mỹ tham dự vòng chung kết U20 thế giới năm 2005 tại Hà Lan, chỉ một mình Lee Nguyễn nhận được lời mời từ một CLB châu Âu, mà đó lại là đội bóng nổi tiếng PSV Eindhoven – nơi chắp cánh cho biết bao ngôi sao bóng đá, trong đó có huyền thoại Ronaldo.
“Hợp đồng ba năm của PSV Eindhoven còn hơn cả giấc mơ, và nó khiến tôi choáng ngợp đến mức không thể đưa ra lựa chọn khác”, Lee Nguyễn kể lại với Báo.
Mức lương mà PSV đề nghị Lee Nguyễn là 200.000 đôla một năm, số tiền không nhỏ cho một cầu thủ vừa tròn 18 tuổi. Cùng thời điểm đó, giải MLS cũng chào mời Lee Nguyễn ký hợp đồng với số lương tương đương, nhưng sức hấp dẫn khi được huấn luyện bởi Guus Hiddink là điều ít ai có thể cưỡng lại.
Việc một cầu thủ trẻ mà lại gốc châu Á được PSV Eindhoven ký hợp đồng là một sự kiện gây xôn xao với giới bóng đá Mỹ thời điểm cuối năm 2005. Đó là một vinh dự lớn lao bởi một số ít các cầu thủ Mỹ sang châu Âu chơi bóng rồi thành danh, hầu hết đều bắt đầu ở các đội bóng còn kém danh tiếng hơn PSV Eindhoven.
Hãng thể thao Nike đã chộp ngay cơ hội và chìa ra bản hợp đồng năm năm với trị giá 500.000 đôla để ký độc quyền với Lee Nguyễn. Ông Nguyễn Văn Phẩm cho biết: “Các hãng thể thao như Nike thường đánh hơi và ký ngay hợp đồng khi các cầu thủ mới ở dạng triển vọng. Nếu sau này vận động viên đó thành danh, họ sẽ hốt bạc”. 500.000 đôla với một kỹ sư điện toán làm công ăn lương như ông Phẩm là “số tiền khổng lồ mà cả đời nằm mơ cũng không thấy”.
Đầu năm 2006, Lee Nguyễn chia tay nước Mỹ để bắt đầu sự nghiệp mới. Mọi thứ ở Hà Lan rất lạ lẫm với anh vì đó là môi trường mới hoàn toàn, nhưng Guus Hiddink lại là HLV tuyệt vời và có nhiều thiện cảm với các cầu thủ gốc Á sau nhiều năm làm việc ở Hàn Quốc. Hiddink đưa Lee Nguyễn về với mục đích tìm ra người kế thừa Park Ji Sung vừa đầu quân cho Man Utd.
Video đang HOT
Lee Nguyễn nhớ lại: “Ở PSV Eindhoven lúc đó có rất nhiều cầu thủ đẳng cấp như đội trưởng Philipp Cocu, trung vệ Alex của Brazil, tiền đạo Farfan… Tôi chỉ là một cầu thủ trẻ nên mọi thứ thật bỡ ngỡ, tôi học hỏi từng ngày, từng chút từ những cầu thủ đàn anh để thích nghi với cuộc sống mới. Áp lực ở đội bóng như PSV là vô cùng lớn”. Cũng có chút may mắn cho Lee Nguyễn là PSV lúc đó có một cầu thủ người Mỹ khác thi đấu – Da Marcus Beasley.
Để chen chân vào đội hình chính PSV không đơn giản. Các cầu thủ trẻ phải nỗ lực hết mình mới mong được HLV Hiddink điền tên vào danh sách thi đấu hàng tuần. “Ở PSV, Lee và Ibrahim Alfellay cùng tuổi với nhau nên rất thân thiết nhưng cũng luôn phải cạnh tranh với nhau để được vào đội hình một. Vị trí của hai đứa chúng nó thường là thứ 16 và 17 trong danh sách của Guus Hiddink, tức là chỉ vào sân từ ghế dự bị. Alfellay có tốc độ khoảng ngắn rất tốt nhưng Lee lại mạnh hơn ở độ lắt léo. Dù vậy, lợi thế lớn của Alfellay là người Hà Lan nên được đá nhiều hơn”, ông Phẩm chia sẻ về quãng thời gian qua Hà Lan để coi sóc con trai. Ở đó, mọi cầu thủ đều tự túc việc ăn ở, đi lại kể cả những cầu thủ trẻ. Lee Nguyễn thuê một căn hộ để sống trong thời gian đầu quân cho PSV Eindhoven.
Sang Hà Lan tháng 1/2006 nhưng mãi ngày 11/3/2006, tiền vệ gốc Việt mới được HLV Hiddink tung vào sân từ ghế dự bị ở trận thắng Heracles Almelo 1-0.
Nửa mùa bóng đầu tiên của Lee Nguyễn ở PSV Einhoven là không tệ, nếu như không có sự thay đổi lớn lao trong thành phần ban huấn luyện. Tháng 6/2006, Hiddink chia tay đội bóng để sang Australia dẫn dắt đội tuyển quốc gia nước này tham dự World Cup 2006. Người thay thế ông sau đó là Ronald Koeman và mọi thứ sụp đổ với Lee Nguyễn.
“Ngay từ khi về PSV, ông Koeman đã gọi riêng Lee Nguyễn và cả Alfellay ra nói chuyện để thông báo rằng cả hai không nằm trong kế hoạch của ông ấy. Nếu muốn thì cứ ở lại đúng như hợp đồng đã ký, còn tốt hơn thì nên tìm CLB mới để có cơ hội ra sân”, ông Phẩm cho hay.
Lee Nguyễn cùng gia đình.
Đúng như những lời “dằn mặt” của Ronald Koeman, ngoài trận đấu với Ajax hồi tháng 8/2006, nơi PSV thua 1-3 trước Ajax, thì suốt cả mùa 2006-2007 Lee Nguyễn không được đá thêm trận nào nữa. Tâm lý nóng ruột và có phần chán chường của Lee Nguyễn bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là khi HLV Bob Bradley của tuyển Mỹ cảnh báo rằng anh sẽ không gọi vào đội tuyển Mỹ và tuyển Olympic Mỹ tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 nếu tiếp tục dự bị ở PSV. Trước đó, năm 2007, Lee Nguyễn đã được HLV Bob Bradley gọi vào tuyển Mỹ và đã có ba lần ra sân (một trận thắng giao hữu Trung Quốc 4-1 ngày 2/6, trận gặp Paraguay và Colombia ở Copa America tháng 7).
Chính sức ép của HLV Bob Bradley đã khiến Lee Nguyễn đi đến quyết định đào thoát khỏi PSV Eindhoven và đầu quân cho Randers FC tại giải vô địch quốc gia Đan Mạch (Danish Superliga) vào tháng 1/2008 với hợp đồng một năm cùng mức lương 250.000 đôla. Trong màu áo Randers FC, Lee Nguyễn thi đấu tổng cộng 23 trận, trước khi đầu quân cho Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức vào đầu năm 2009.
Theo TTVN
Lee Nguyễn từng bị kiện vì nghi án gian lận tuổi
Tiền vệ gốc Việt tập đá bóng từ khi biết đi và nổi tiếng cả một vùng vì những cú sút đầy lực, đến mức bị phụ huynh các đội khác nghi ăn gian tuổi.
Lee Nguyễn là một trong những cầu thủ hay nhất giải MLS mùa trước, thậm chí suýt giành danh hiệu danh giá Cầu thủ giá trị nhất.
Ông Nguyễn Văn Phẩm, cha Lee Nguyễn, là người có niềm đam mê lớn với môn bóng đá và võ thuật. Khi sang Mỹ, gia đình ông định cư ở thành phố Dallas, nơi môn bóng đá được ưa thích vì tiểu bang Texas vốn có cộng đồng người Mexico rất lớn.
"Tôi qua Mỹ năm 1973, lúc 12 tuổi, cuộc sống ở xứ lạ nhìn chung là khó khăn và cô đơn. Tôi rất thích đá bóng và thường xuyên chơi ở trường học, tự tập khi có thời gian rảnh. Sau này cộng động người Việt ở Mỹ nói chung và Dallas nói riêng bắt đầu đông lên thì chúng tôi lập ra đội gồm các thanh niên Việt Nam để thi đấu khắp nơi ở thành phố. Bóng đá giúp những thanh niên đồng hương xa xứ gần gũi nhau hơn, bớt đi nỗi nhớ quê hương", bố của Lee Nguyễn chia sẻ PV.
Chính vì sinh hoạt ở đội bóng của thanh niên Việt Nam nên ông Phẩm và em trai, dù sang Mỹ từ nhỏ, đến giờ vẫn nói tiếng Việt sành sõi chứ không lơ lớ như nhiều người đồng hương khác. Có thể hình khá hạn chế (cao 1,63m), nhưng do có võ nghệ, ông Phẩm chơi ở vị trí hậu vệ và không ngần ngại đá mạnh bạo với các đối thủ Tây cao to hơn.
"Thời trẻ đá bóng có nhiều kỷ niệm nhớ lại rất mắc cười. Bọn tôi cũng hung hăng lắm chứ không vừa. Đá bóng, va chạm rồi đánh lộn với bọn Mỹ suốt. Tôi nhớ có lần, tôi bị một đối thủ đá cho nằm sõng xoài ra sân, tôi định đứng bên 'bụp' hắn thì thấy một anh bạn đồng đội chạy tới. Tôi cứ tưởng anh ta can tôi không đánh đối thủ, ai dè hắn 'bụp' luôn tên kia một phát".
Khi sinh con trai đầu lòng, ông Phẩm chỉ mới 25 tuổi, nên còn đầy nhiệt huyết và quyết tâm truyền đam mê bóng đá cho Lee Nguyễn. "Việc đầu tiên để làm cho đứa bé yêu thích bóng đá là phải cho nó tiếp xúc với quả bóng càng sớm càng tốt. Khi Lee một tuổi, tôi mua cho nó quả bóng mềm nhỏ, rồi cứ khi lớn hơn chút thì tôi mua quả bóng lớn hơn. Đứa trẻ khi tiếp xúc với quả bóng, theo phản xạ, chúng sẽ lấy tay cầm bóng nhưng tôi không cho Lee cầm mà tập cho nó dùng chân để đá", ông hồi tưởng.
Theo thời gian, ông Phẩm chơi bóng đá với con mỗi ngày, từ động tác đơn giản nhất như đá qua đá lại. "Tập với con nít phải kiên nhẫn mới được. Đến khi Lee lên bốn tuổi, tôi lần đầu tiên dẫn con ra đá bóng ở sân cỏ. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in gương mặt đầy thích thú, lạ lẫm của Lee khi đá quả bóng lăn trên ngọn cỏ", ông Phẩm bồi hồi nhớ.
Tiểu thần đồng bóng đá của Dallas
Được cha rèn bóng đá từ rất sớm nên đến khi vào lớp một, Lee Nguyễn đã có kỹ năng cơ bản, điều khiển quả bóng rất thuần thục. Cộng thêm tố chất thiên bẩm, Lee rất nhanh, khéo. Từ đây, cậu bé sớm trở thành trụ cột ở đội bóng tại khu vực hay tại trường học khi đi thi đấu với các đội bóng nhí khác. Đội có Lee Nguyễn gần như lúc nào cũng giành chiến thắng và bản thân cậu nhóc có trận ghi cả 10 bàn.
Lee (áo trắng), từ tuổi nhỏ, chứng tỏ những tố chất hơn người so với bạn bè đồng lứa người Mỹ. Ảnh: NVCC.
"Lee đá hay hơn đám trẻ con Mỹ nhiều, vì mấy đứa nhỏ kia đâu có tập luyện gì đâu. Bởi vậy nhiều lúc có trận nó ghi cả chục bàn, bên kia họ đá không lại. Đá riết nên đi đâu cứ thấy Lee trong đội hình là phía bên kia phụ huynh họ nhao lên không cho nó đá nữa. Họ nói đứa nhỏ này ăn gian tuổi, chứ tuổi đó không thể đá hay như vậy được. Bị kiện ăn gian tuổi vài lần như vậy nên những lần sau, hễ Lee đi thi đấu là tôi phải cầm theo giấy khai sanh của con, để khi ai kiện thì giơ ra chứng minh", ông Phẩm chia sẻ.
Một trong những kỷ niệm mà ông Phẩm nhớ nhất lúc Lee Nguyễn còn bé là những cú có lực rất mạnh: "Được tập nhiều nên Lee sút bóng mạnh lắm. Bao nhiêu trận Lee sút bóng trúng mặt mấy đứa nhóc người Mỹ, làm mấy đứa nhỏ trúng banh đau quá khóc bù lu bù loa. Mấy đứa thủ môn đó sau cứ thấy Lee là sợ, thậm chí cứ hễ nó giơ chân sút là tìm cách né".
Sau này, khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và mỗi lần được báo chí ở Mỹ hỏi ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp, tiền vệ nhạc trưởng của New England Revolution luôn trả lời: "Cha tôi. Cha đã dạy tôi đá bóng từ lúc còn rất bé và luôn theo dõi tôi".
Theo VNE
Fan MU nổi giận đòi án phạt nặng dành cho Moreno Người hâm mộ "Quỷ đỏ" Manchester rất tức giận khi hậu vệ trái Luke Shaw gãy chân sau pha phạm lỗi của Hector Moreno. Họ muốn trung vệ của PSV phải nhận án phạt nặng. Trong tình huống đi bóng đột phá vào khu vực 16,5 m của PSV ở phút 19, Luke Shaw dính chấn thương nặng sau pha vào bóng quyết...