“Lệch” con số sát hạch công chức: Sở Nội vụ Hà Nội phản hồi
Liên quan đến việc số thí sinh 5 năm kinh nghiệm trở lên tham gia sát hạch ở thông báo số 570/HĐKTSH-SNV là 77 những sau đó lại bị thay đổi, Sở Nội vụ Hà Nội đã chính thức lên tiếng giải thích.
Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho hay, trên cơ sở đề nghị của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố, ngày 30/3/2015, Hội đồng kiểm tra sát hạch công chức không qua thi tuyển của thành phố Hà Nội đã có thông báo số 570/HĐKTSH-SNV xác định danh sách diện thí sinh là người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.
Đối tượng được sát hạch và thẩm quyền của Thành phố hoàn toàn phù hợp các quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý công chức; Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và thi nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP.
Về số lượng thí sinh dự sát hạch theo thông báo đủ điều kiện để sát hạch đợt 1 là 77 người, số lượng thực tế là 82 người, chúng tôi có ý kiến thông tin như sau: Số lượng tăng thêm 5 người so với thông báo đã được Hội đồng sát hạch Thành phố bổ sung trên cơ sở xem xét đề xuất của các đơn vị Sở, ngành, UBND quận, huyện thuộc Thành phố, cần tuyển người có kinh nghiệm đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng theo quy định.
Cụ thể bao gồm: những người là cán bộ cấp xã cần xét chuyển thành công chức cấp huyện theo kế hoạch công tác cán bộ trước kỳ đại hội Đảng bộ các cấp; các viên chức cần tiếp nhận vào công chức làm việc tại các sở, ngành.
Tuyển dụng đặc cách là một trong các hình thức tuyển dụng công chức, các đợt tuyển dụng của thành phố Hà Nội đều đảm bảo thực hiện theo quy trình quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP.
Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cũng chia sẻ: “Sở Nội vụ Hà Nội trân trọng tiếp thu các ý kiến phản ánh của các cơ quan báo chí thời gian qua nhằm đóng góp hoàn thiện các quy trình tuyển dụng đặc cách của Thành phố”.
S.H
Video đang HOT
Theo Dantri
Vụ sát hạch công chức Hà Nội: Bộ Nội vụ sẽ vào cuộc
Với những thông tin Dân trí cung cấp về những điểm chưa rõ ràng trong việc sát hạch công chức Hà Nội đối với những đối tượng không qua thi tuyển, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: "Bộ sẽ làm việc với Hà Nội để làm rõ".
Có ý kiến cho rằng, Đảng và Nhà nước đã đưa ra chính sách thu hút nhân tài thì nên tiếp nhận ngay những đối tượng đáp ứng được tiêu chí đưa ra, không nên tổ chức sát hạch. Quan điểm của Thứ trưởng về ý kiến này?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Trước hết chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này như sau: Luật cán bộ, công chức quy định tuyển dụng công chức phải qua kỳ thi theo nguyên tắc cạnh tranh. Bên cạnh đó, có quy định chính sách nhân tài. Thực hiện chính sách thu hút những người có tài năng tham gia vào công vụ, điều 19 của Nghị định 24 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức có quy định việc tuyển dụng không qua thi đối với một số trường hợp nhưng phải tổ chức kiểm tra sát hạch đối với các trường hợp này. Hà Nội vừa qua có tổ chức đợt xét tuyển không qua thi đối với các trường hợp thuộc quy định tại Điều 19 Nghị định 24. Kết quả có một số trường hợp không được tuyển dụng sau khi sát hạch. Qua báo cáo của Hà Nội thì chúng tôi thấy Hà Nội đã làm đúng quy trình, thủ tục và khách quan, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: "Bộ sẽ làm việc với Hà Nội để làm rõ".
Bản thân cá nhân tôi luôn mong rằng, khi xét tuyển vào công chức không qua thi cũng nên lưu ý đến các em là thủ khoa đầu ra, thạc sỹ tốt nghiệp loại giỏi... Đây là những em thực sự có năng lực bởi để đạt được thành tích này trong học tập thì phải rất cố gằng và rất xuất sắc. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, có thể sắp tới khi sửa đổi, bổ sung lại Nghị định 24 nên quy định nhận luôn các trường hợp thủ khoa, tốt nghiệp xuất sắc mà không cần phải sát hạch. Thậm chí cho các em này được phép chọn một trong các vị trí việc làm còn trống, phù hợp với trình độ, sở trường và năng lực của bản thân. Có làm như vậy thì mới gọi là thu hút nhân tài thực sự.
Theo Thứ trưởng, nếu tổ chức kì thi sát hạch thì nên thực hiện như thế nào, nhất là việc phỏng vấn?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Hiện nay Bộ Nội vụ đang nghiên cứu kỹ lại về nội dung sát hạch. Sắp tới chúng tôi sẽ kiểm tra coi ở các bộ, ngành, địa phương tổ chức sát hạch với các nội dung như thế nào.
Theo quan điểm của tôi, đối với phần phỏng vấn thì nên hỏi ứng viên xoay quanh lĩnh vực chuyên môn của họ, kinh nghiệm của họ ở thực tế. Qua đó chúng ta mới đánh giá được năng lực xem họ có đáp ứng được ngay công việc hay không. Ngoài ra cũng đánh giá được khả năng ứng xử, tính năng động... của ứng viên...
Vừa qua, 30 thủ khoa, thạc sỹ tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài nhưng vẫn trượt sát hạch công chức Hà Nội. Theo Thứ trưởng điều này có bình thường hay không?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Như chúng ta đã biết, Luật Cán bộ, công chức quy định tuyển cán bộ công chức phải qua kì thi nhưng cũng có điều khoản quy định đặc cách xét tuyển để thu hút những người có tài năng vào bộ máy nhà nước.Tại điều 19 Nghị định 24 có quy định người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển với 3 trường hợp.
Đó là những người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.
Căn cứ quy định này, vừa qua Hà Nội đã xét một đợt không qua thi tuyển, trong đó có khoảng 30 trường hợp không trúng tuyển.
Tôi có yêu cầu Hà Nội báo cáo, Hà Nội đã trả lời là những trường hợp này chưa đủ điều kiện. Theo tôi, không nên phân biệt là cứ tốt nghiệp nước ngoài về là giỏi còn trong nước không giỏi. Chúng ta cần phải nhìn nhận, đáng giá công bằng. Ngay như việc có địa phương phân biệt bằng chính quy, bằng tại chức khi tuyển dụng là không công bằng và không đúng quy định của pháp luật. Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản nhắc về việc này để không có sai phạm.
Tôi có đọc báo và có nhiều bình luận trên mạng nghe phản cảm và tỏ ý không đồng tình với việc để những trường hợp này bị trượt, tức là một số ý kiến đề nghị những người đó phải được tuyển dụng hết. Như tôi nói ở trên, những người dù là tài giỏi, có năng lực nhưng mục đích của điều 19 Nghị định 24 là để thực hiện việc bổ sung vào đội ngũ công chức những người đáp ứng ngay công việc. Chính vì thế mới nên đưa ra quy định sát hạch để lựa chọn được đúng người phù hợp. Muốn vậy, lĩnh vực đã được đào tạo phải phù hợp với yêu cầu công việc.
Chẳng hạn như, một người chuyên nấu ăn rất giỏi nếu bố trí họ ra trồng rau thì không phát huy được năng lực của họ. Cho nên dù tốt nghiệp thủ khoa, xuất sắc nhưng không phù hợp với vị trí công tác dự tuyển thì không thể làm việc tốt được. Nếu tuyển những trường hợp này, không những ảnh hưởng đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức mà hơn nữa sẽ làm lãng phí nguồn nhân lực trong toàn xã hội.
Dân trí đã phản ánh những dấu hiệu không rõ ràng trong kì thi sát hạch của Hà Nội vừa qua như đề thi sát hạch không biểu điểm cho từng câu; khi phỏng vấn thì không ghi âm, ghi hình; việc tổ chức tiếp nhận công chức không qua thi tuyển đối với những người có 5 năm kinh nghiệm chưa minh bạch... Thứ trưởng đánh giá những vấn đề này như thế nào?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Tôi nghĩ việc sát hạch dứt khoát phải minh bạch và khách quan. Mọi thông tin liên quan đến kì thi sát hạch này phải được thông báo rõ ràng, đầy đủ; trong đề thi cần phải nêu rõ biểu điểm từng câu để ứng viên có căn cứ thực hiện việc khiếu kiện khi kết quả không đúng với bài làm của mình. Bên cạnh đó, việc phỏng vấn thì cũng cần phải tổ chức ghi âm, ghi hình để làm đối chứng. Khi có khiếu nại sẽ có cơ sở để giải quyết. Ngoài ra, đơn vị tuyển dụng phải công bố công khai tiêu chí, điều kiện để các ứng viên đủ điều kiện tham gia nộp đơn.
Về những bất cập mà báo Dân trí phản ánh của Hà Nội, Bộ Nội vụ sẽ làm việc với Hà Nội để xác minh và làm rõ. Khi có kết quả cuối cùng chúng tôi sẽ thông tin lại cho dư luận xã hội biết.
Được biết, Bộ Nội vụ đang điều chỉnh lại quy định về tuyển dụng công chức. Thứ trưởng có thể tiết lộ đôi điều được không?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Hiện nay chúng tôi đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 24 để đảm bảo việc thi tuyển cũng như sát hạch nhũng trường hợp không qua thi tuyển được đảm bảo công khai, công bằng, khách quan, chất lượng.
Cụ thể, sẽ thay đổi cách nộp hồ sơ dự tuyển bằng cách chỉ cần nộp một bản đăng ký kê khai thông tin kèm theo cam đoan, cam kết. Chỉ khi trúng tuyển rồi thì ứng viên mới nộp hồ sơ đầy đủ để kiểm tra, đối chiếu. Nếu khi trúng tuyển mà hồ sơ không đúng như đăng ký kê khai thì sẽ không công nhận kết quả. Việc làm này sẽ giảm chi phí về việc in ấn, photo tài liệu. Bên cạnh đó cũng giúp các đơn vị tuyển dụng giảm tải về mặt sổ sách, hồ sơ, giấy tờ trước kì thi.
Trước mắt, Bộ sẽ đổi mới mạnh mẽ trong việc tuyển dụng công chức và thí điểm thực hiện với các Bộ, ngành và 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương. Các địa phương thực hiện việc khuyến khích thi bằng phần mềm. Các cơ quan này sẽ tổ chức thi tuyển qua máy tính kết hợp với một bài thi viết để xác định năng lực, khả năng của ứng viên. Việc đổi mới thi tuyển công chức sẽ gắn liền với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào kỳ thi. Người dự thi chỉ cần nộp bản kê đầy đủ để kiểm tra và cam kết là đúng sự thật. Sau này khi trúng tuyển mới thực hiện hậu kiểm.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguyễn Hùng (thực hiện)
Theo Dantri
Thạc sĩ, thủ khoa xuất sắc trượt công chức do chưa tâm huyết Theo ông Nguyễn Đình Hoan, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, các ứng viên bằng giỏi mà trượt công chức là do chưa tâm huyết. Phó GĐ Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa. (Ảnh: Văn Chung) Ông Nguyễn Đình Hoan cho biết: Tại kỳ tuyển dụng công chức thành phố năm 2015, có 63 trường hợp đủ điều kiện tham gia...