Lebanon bắt tổng giám đốc cảng vụ Beirut
Giới chức Lebanon bắt 16 người, gồm tổng giám đốc cảng vụ Beirut, trong cuộc điều tra vụ nổ khiến ít nhất 145 người chết và 5.000 người bị thương.
Hãng thông tấn nhà nước Lebanon NNA hôm 6/8 không nêu tên những người bị bắt, nhưng dẫn lời thẩm phán Fadi Akiki, đại diện chính phủ tại tòa án quân sự, nói rằng giới chức đến nay đã thẩm vấn hơn 18 quan chức hải quan, cảng vụ và những người tham gia bảo trì tại nhà kho.
“16 người đã bị bắt để phục vụ cuộc điều tra”, thẩm phán Akiki nói và cho biết cuộc điều tra vẫn đang diễn ra.
Một nguồn tin tư pháp và hai đài truyền hình địa phương cho biết tổng giám đốc cảng vụ Beirut Hassan Koraytem là một trong những người bị bắt. Trước đó, ngân hàng trung ương Lebanon đã đóng băng tài khoản của 7 người, gồm Koraytem và người đứng đầu Tổng cục Hải quan Lebanon.
Binh sĩ Lebanon đứng tại hiện trường vụ nổ ở cảng Beirut hôm 6/8. Ảnh: Reuters.
Thủ đô Beirut của Lebanon ngày 4/8 rung chuyển vì vụ nổ kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat tại bến cảng. Với sức công phá ngang 240 tấn TNT, nó tàn phá hơn nửa thành phố, khiến ít nhất 145 người thiệt mạng và 5.000 bị thương, gây thiệt hại ước tính lên đến 5 tỷ USD.
Bức ảnh xuất hiện hôm 5/8 cho thấy kho số 12 của cảng Beirut chứa đầy amoni nitrat, hợp chất chủ yếu được dùng làm phân bón trong nông nghiệp, nhưng có thể trở thành chất nổ mạnh khi bị trộn với các chất dễ cháy. Bức ảnh được đăng trên mạng xã hội cho thấy amoni nitrat lưu tại kho 12 ở cảng Beirut chỉ được đựng trong các bao tải xếp chồng lên nhau mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào.
Số hàng này được cho là thuộc sở hữu của doanh nhân Nga Igor Grechushkin, được tàu Rhosus treo cờ Moldova chở từ Gruzia tới Mozambique để làm phân bón, nhưng bị bỏ lại khi tàu gặp sự cố động cơ lúc cập cảng Beirut tháng 6/2013. Các chi phí phát sinh trong quá trình neo tại cảng khiến Grechushkin sau đó tuyên bố phá sản và “bỏ rơi con tàu”.
Koraytem cho biết số hóa chất trên được đưa vào kho theo lệnh của tòa án. Koraytem và lãnh đạo Tổng cục Hải quan Lebanon Badri Daher nói rằng họ đã vài lần gửi thư đến cơ quan tư pháp để yêu cầu đưa amoni nitrat khỏi cảng nhưng không được đáp ứng.
Hai tài liệu Reuters đã xem cho thấy hải quan Lebanon đã yêu cầu cơ quan tư pháp vào năm 2016 và 2017 ra lệnh cho cơ quan hàng hải có liên quan tái xuất hoặc phê duyệt việc bán thanh lý amoni nitrat để đảm bảo an toàn cho cảng. Một tài liệu cho thấy họ cũng gửi yêu cầu tương tự năm 2014 và 2015, nhưng giới chức Lebanon không có bất cứ động thái nào sau đó.
Beirut tan hoang sau vụ nổ được ví như bom nguyên tử. Video: Guardian.
Nhà ngoại giao Đức thiệt mạng trong vụ nổ Beirut
Một nữ nhân viên đại sứ quán Đức ở Beirut thiệt mạng tại nhà riêng trong vụ nổ lớn làm rung chuyển thành phố.
"Nỗi lo sợ tồi tệ nhất của chúng tôi đã thành sự thật. Một nhân viên trong đại sứ quán của chúng tôi ở Beirut đã thiệt mạng tại nhà riêng do hậu quả của vụ nổ", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết trong một tuyên bố hôm nay. "Toàn bộ thành viên Bộ Ngoại giao Đức đau buồn sâu sắc khi mất đi đồng nghiệp".
Ông Maas cũng gửi lời chia buồn của cá nhân và các thành viên Bộ Ngoại giao tới gia quyến nạn nhân cũng như các nhân viên đại sứ quán ở Beirut. "Tôi xin cảm ơn những người đã phụng sự đất nước, bất chấp rủi ro cá nhân mỗi ngày trên khắp thế giới, như người đồng nghiệp đã khuất", ông nói.
Thủ đô Beirut của Lebanon ngày 4/8 rung chuyển vì vụ nổ kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat tại bến cảng. Với sức công phá ngang 240 tấn TNT, vụ nổ tàn phá hơn nửa thành phố, khiến ít nhất 145 người thiệt mạng và 5.000 bị thương, gây thiệt hại ước tính lên đến 5 tỷ USD.
Hiện trường vụ nổ ở cảng Beirut, Lebanon hôm 5/8, một ngày sau thảm họa. Ảnh: AFP.
Đức hôm qua triển khai chuyến bay cất cánh từ Frankfurt chở theo các đội tìm kiếm, cứu hộ và phản ứng khẩn cấp cùng 15 tấn thiết bị và dụng cụ để hỗ trợ chính quyền địa phương ở Beirut.
Các đội cứu hộ Lebanon hôm nay tiếp tục đưa thi thể ra khỏi đống đổ nát và tìm kiếm những người mất tích. Giới chức cũng đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ nổ khủng khiếp này. Nội các Lebanon yêu cầu quân đội quản thúc tại gia tất cả quan chức phụ trách lưu trữ hàng hóa và an ninh tại cảng Beirut từ năm 2014.
Vụ nổ được cho là cú sốc mạnh với đất nước đang quay cuồng vì khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ cùng đại dịch Covid-19, đẩy gần một nửa dân số vào cảnh nghèo đói. Đồng nội tệ lao dốc, các doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.
Theo giới quan sát, những người mất nhà cửa, tài sản trong vụ nổ có rất ít hy vọng được bồi thường. Bị tê liệt vì nợ nần và chính trị, Lebanon dường như không được trang bị đầy đủ để đối phó cuộc khủng hoảng mới.
Con tàu như 'quả bom nổi' đưa thảm họa đến Beirut 2.750 tấn hàng hóa tàu Rhosus chở theo khi cập cảng Beirut năm 2013 là "thủ phạm" gây ra vụ nổ thảm họa ở Lebanon hôm 4/8. Năm 2013, tàu Rhosus treo cờ Moldova rời khỏi cảng Batumi, Gruzia, lên đường tới Mozambique. Hàng hóa trên tàu là 2.570 tấn amoni nitrat, hợp chất thường được dùng để làm phân bón trong nông...