Lê Văn Trương: Gã lãng tử hồi đầu
Lê Văn Trương là một trong những hậu vệ trái tài năng do bóng đá Huế sản sinh. Nổi tiếng sớm, nhưng sự nghiệp của Trương “Huế” lại rất lận đận và tất cả đều do anh tạo ra. Giờ gã lãng tử này đang quyết tâm làm lại từ đầu, dẫu đã khá muộn…
“Tay không trắng tay lại về không”…
Văn Trương là một trong những tài năng của bóng đá Huế. Cái chân trái cực dị ở vai trò hậu vệ đã giúp Trương “Huế” nổi danh một thời gian dài, dẫu có lúc anh ngỡ đánh mất tất cả sau vụ bán độ ở SEA Games 23-2005.
Sau khi dính vào vụ án Bacolod ở SEA Games 23 trên đất Philippines, cuộc đời của Văn Trương gần như thay đổi hẳn khi mọi thứ quay lưng với anh, kể cả đội bóng chủ quản Thừa Thiên Huế. Trong bối cảnh ấy, ông bầu Đoàn Nguyên Đức của HAGL đã giang tay đón Trương “Huế” về phố Núi năm 2007 và chỉ nuôi anh ăn với tập, vì thời gian đó hậu vệ này bị cấm thi đấu 3 năm (từ 2007 đến 2009). Trương “Huế” hồi tưởng: “Anh Đức là ân nhân của tôi. Thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời, anh ấy đã cưu mang khi đón tôi về HAGL, dù biết tôi không thể thi đấu trong 3 mùa giải. Anh Đức đã đưa tôi đi phẫu thuật dây chằng gối, cho tôi tiền cưới vợ, cùng một khoản lót tay không nhỏ với bản hợp đồng 5 năm (từ 2007 đến 2011)”.
Lê Văn Trương
Những ngày ở phố Núi thực sự là thiên đường với Văn Trương, bởi anh được bầu Đức ưu ái hết mực. Đặc biệt, sự tái xuất đầy ấn tượng ở mùa giải 2010 trong màu áo HAGL, qua đó được HLV Henrique Calisto gọi lại ĐT Việt Nam chuẩn bị cho giải đấu mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, càng khiến Văn Trương được bầu Đức hậu đãi. Thậm chí, nhiều cầu thủ HAGL đã không tránh khỏi ganh tỵ, bởi “chú Ba lúc nào cũng Văn Trương, làm như ở HAGL chỉ có Trương “Huế” biết đá bóng”, như cách họ bày tỏ.
Tuy nhiên, thiên đường và địa ngục luôn là ranh giới rất mong manh. Sự hậu đãi ở HAGL đã làm Văn Trương quên mất những ngày tháng khốn khó trước đó. Tiền bạc rủng rỉnh, nhất là sau khi có thêm bản hợp đồng 3 năm với HAGL từ mùa giải 2012, Trương “Huế” lao vào những cuộc đỏ đen. Số tiền tỷ có được lần lượt đội nón ra đi, thậm chí anh lâm vào cảnh nợ nần khiến không ít lần giang hồ tìm đến tận nơi để đòi.
“Giờ thì bỏ đi hết ta làm lại từ đầu”
Năm 2014, thời điểm VCK U17 QG do báo Bóng đá tổ chức tại Huế, tôi gặp lại Văn Trương lúc anh đang ở nhà dưỡng thương sau ca phẫu thuật dây chằng gối.
Video đang HOT
Cần phải nhắc lại, sau bản hợp đồng 3 năm với HAGL, nhưng Trương “Huế” chỉ đá đến hết mùa giải 2013 rồi xin bầu Đức thanh lý hợp đồng trước 1 năm để chuyển về khoác áo XSKT Cần Thơ ở mùa giải 2014. Tuy nhiên, hậu vệ này chỉ đá được gần hết giai đoạn 1 V.League 2014 thì dính chấn thương nặng phải phẫu thuật và chia tay sự nghiệp cầu thủ trong lặng lẽ.
Văn Trương tại SEA Games 23
Gặp nhau ở Huế, Văn Trương vẫn rất bình thản và đón tiếp chúng tôi nhiệt tình, nhưng tất cả đều hiểu cựu tuyển thủ này đang trải qua thời điểm khó khăn nhất cuộc đời, và nếu không có sự cưu mang của hai bên gia đình nội – ngoại, chẳng biết anh sẽ ra sao…
Bẵng đi một thời gian, xem một chương trình của cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam về Văn Trương, tôi rất vui khi biết cuộc sống của anh đã tạm ổn và Trương “Huế” đang làm trong một công ty tổ chức sự kiện chuyên lo về âm thanh, ánh sáng sân khấu. Thế nhưng, trong cuộc trò chuyện cùng tôi hôm qua (4/5), Văn Trương cho biết: “Cuối năm 2019 khi theo học lớp HLV bằng C ở Hà Nội, tôi đã xin nghỉ ở công ty do thời gian học kéo dài gần 1 tháng. Chưa kể giờ giấc làm việc hơi trái ngược nên tôi khó phụ vợ chăm sóc 3 đứa nhỏ. Giờ đã có bằng C huấn luyện, tôi dự tính mở một trung tâm bóng đá vì làm đúng chuyên môn sẽ tốt hơn”.
Lúc biết tôi có ý định viết câu chuyện về anh, Trương “Huế” ngại ngần: “Có nên không anh, vì tôi muốn quá khứ ngủ yên”. Nhưng sau khi suy nghĩ, Văn Trương bày tỏ: “Anh cứ viết, vì câu chuyện của tôi có thể sẽ là lời cảnh tỉnh cho những cầu thủ trẻ. Đồng thời, tôi đang quyết tâm làm lại cuộc đời, vì không muốn gia đình hai bên và vợ tôi phải buồn nữa. Họ đã khổ vì tôi nhiều rồi”.
Nhắc đến bà xã Hoàng Lan của Văn Trương, tôi lại nhớ đến hôm chia tay vợ chồng anh ở Huế cách đây 6 năm. Lần ấy, Hoàng Lan bày tỏ: “Em sẽ luôn cùng chồng vượt qua những ngày tháng gian khó, chỉ cần anh ấy nỗ lực làm lại từ đầu”. Có một người phụ nữ như thế bên cạnh, hãy nắm chặt tay cô ấy để cùng nhau làm lại thật tốt, Trương “Huế” nhé!
Chuẩn bị khánh thành trung tâm bóng đá
Ngày 30/5 tới, cựu tuyển thủ Lê Văn Trương sẽ khánh thành Trung tâm bóng đá cộng đồng Văn Trương tại Trung tâm thể thao Măng Cá, thành phố Huế. Đây là giấc mơ mà anh ấp ủ từ khá lâu và hy vọng trung tâm sẽ ươm mầm ra những tài năng bóng đá cho đất Cố đô trong tương lai.
Ấn tượng SEA Games 22-2003
Với Văn Trương, SEA Games 22 tổ chức trên sân nhà Mỹ Đình là kỳ đại hội ấn tượng và nhiều kỷ niệm nhất. Cái tên Trương “Huế” cũng nổi lên ở đại hội này, nhưng điều làm anh tiếc nhất là không thể góp mặt ở trận tranh HCV môn bóng đá nam vì bị dính 2 thẻ vàng trước đó.
Chuyện về 'đứa con thần gió' Nguyễn Vũ Phong
Chẳng biết từ lúc nào, cái tên "đứa con thần gió" gắn liền với cựu tuyển thủ Nguyễn Vũ Phong. Nổi tiếng trên sân cỏ là thế, nhưng cuộc sống của tiền vệ này khá bình dị, thậm chí kín tiếng. Tuy nhiên, ẩn sau đó là những câu chuyện thú vị...
"Người cứu nguy" của ĐT Việt Nam
Chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 của ĐT Việt Nam là chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên của bóng đá nước ta. Trong hành trình chinh phục đỉnh cao, Vũ Phong chính là "cứu tinh" của ĐT Việt Nam. Sở dĩ thế, bởi ở trận đấu quyết định với Malaysia nhằm tranh vị trí nhì bảng B, nếu không có bàn nâng tỷ số lên 3-2 của Vũ Phong ở phút 86, Việt Nam có thể đã bị loại ngay từ vòng bảng, chứ không thể vào bán kết gặp Singapore để sau đó lên ngôi. Cần nói thêm, bàn thắng ấy của Vũ Phong ghi chỉ 1 phút sau khi Putra cân bằng tỷ số 2-2 cho Malaysia. Đấy cũng là trận thắng đầu tiên của thầy trò HLV Henrique Calisto, sau 11 trận toàn hòa và thua trong quá trình chuẩn bị cho giải đấu cách đây 12 năm.
Ngoài bàn thắng "cứu rỗi" ấy, Vũ Phong còn là người ghi bàn đầu tiên cho ĐT Việt Nam ở chung kết lượt đi trên sân của Thái Lan, trước khi Công Vinh ấn định tỷ số thắng 2-1, sau đó hòa 1-1 ở lượt về để đăng quang. Thế nên, không ngạc nhiên khi Vũ Phong cho biết, AFF Suzuki Cup 2008 chính là giải đấu để đời của anh và nhiều đồng đội. Tuy nhiên, có một câu chuyện hiếm người biết liên quan đến chức vô địch năm ấy của cựu tuyển thủ này.
"Lần đó, do phải lấy vợ nên tôi tập trung đội tuyển trễ hơn 1 tháng so với các đồng đội. Vừa cưới xong là lên đường tập trung luôn, nên không dám nghĩ có thể trụ lại đội tuyển. Vậy mà tôi vẫn theo được, rồi có mặt trong đội hình chính của ĐT Việt Nam và lên ngôi vô địch. Mọi người thường bảo giới cầu thủ dễ rớt phong độ khi lấy vợ, nhưng tôi lại là trường hợp cá biệt, ai bảo cầu thủ lấy vợ xui?", Vũ Phong bật cười nhớ lại.
Đến giờ, vợ chồng anh đã có hai con (1 gái, 1 trai) đang tuổi ăn học và hai đứa nhỏ luôn nhắc đến ông bố tuyển thủ với niềm tự hào.
Vũ Phong (trái) trong màu áo SHB.ĐN
Cánh chim không mỏi
Xuất thân từ lứa năng khiếu bóng đá Vĩnh Long, nhưng B.Bình Dương mới là nơi giúp cái tên Nguyễn Vũ Phong thăng hoa, kể từ ngày anh về đầu quân ở đây vào năm 2006 với bản hợp đồng lên đến... 5 năm. Vũ Phong chia sẻ, dẫu đấy là bản hợp đồng dài nhất trong sự nghiệp, nhưng anh không có đồng lót tay nào, chỉ được hưởng mức lương 8 triệu đồng/tháng dành cho cầu thủ trẻ. Sau này, nhờ thăng hoa trong màu áo ĐTQG năm 2007 và đặc biệt là chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, nên "đứa con thần gió" đã được B.Bình Dương nâng lên mức lương 30 triệu đồng/tháng...
Trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, Vũ Phong chỉ chơi ở B.Bình Dương (từ 2006 đến 2013) và SHB Đà Nẵng (từ 2014 đến 2017). Cuối V.League 2017, Vũ Phong nói lời chia tay sự nghiệp "quần đùi áo số". Tuy nhiên, cái duyên cầu thủ vẫn chưa thể dứt, dẫu anh đã chuyển sang công tác huấn luyện từ năm 2018 cùng đồng đội Nguyễn Minh Phương trong khu kỹ thuật của SHB Đà Nẵng. Nói thế, vì đầu mùa giải 2019, sau khi chia tay đội bóng sông Hàn, HLV Minh Phương đã kéo theo Vũ Phong về hỗ trợ trong ban huấn huyện CLB Bình Phước ở giải hạng Nhất. Do đội Bình Phước quá thiếu người, HLV Minh Phương phải cầu cứu đến đồng đội cũ và Vũ Phong lại phải xỏ giày ra sân hỗ trợ các đàn em, đàn cháu...
Hôm qua (7/5), khi gọi điện trò chuyện với Vũ Phong cũng là lúc anh vừa kết thúc buổi tập sáng, nhằm chuẩn bị cho giải hạng Nhất 2020 sắp khởi tranh. Thấy tôi có vẻ lo lắng việc anh có theo được các cầu thủ trẻ, tiền vệ kỳ cựu này cho biết: "Tôi vẫn theo đầy đủ giáo án của ban huấn luyện, nhưng ra sân thi đấu chắc chỉ khoảng 70 phút thôi. Hiện đá tiền vệ trung tâm nên tôi không phải di chuyển quá nhiều, chỉ ngán nhất là giờ thi đấu của các đội hạng Nhất khá sớm, từ 15h30, nên đôi lúc... hơi đuối".
Hơn 35 tuổi và đã có 20 năm trong nghề cầu thủ, Vũ Phong vẫn là cánh chim không mỏi khiến nhiều lớp đàn em phải ngưỡng mộ và học tập.
Do đâu có tên "đứa con thần gió"?
Cái tên "đứa con thần gió" của Vũ Phong có từ sau AFF Suzuki Cup 2008 nhờ tốc độ như cơn lốc của tiền vệ cánh này. Đặc biệt, Vũ Phong thường ghi bàn trong những trận đấu có mưa to gió lớn, nên mỹ danh "đứa con thần gió" xuất hiện từ đây.
Dẫu rất nổi tiếng trong giới bóng đá, nhưng Vũ Phong lại khá kín tiếng, thậm chí rất hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Về điều này, anh bày tỏ: "Ngoài việc ngại xuất hiện trước báo chí, thực tế tôi chỉ muốn người ta thấy tôi trên sân cỏ nhiều hơn trên mặt báo".
Vũ Phong ăn mừng bàn thắng quý như vàng vào lưới Malaysia ở vòng bảng AFF Suzuki Cup 2008 Ảnh: ĐỨC CƯỜNG
Bị loại từ lớp năng khiếu vì thấp bé
Vũ Phong từng bị loại từ vòng tuyển chọn lớp năng khiếu bóng đá Vĩnh Long vì thấp bé, nhẹ cân. Sau đó, ngành thể thao Long An lập tức nhận anh vào đội U15 của tỉnh dự giải U15 QG 2000. Tiếp đến, nhờ một HLV bảo lãnh nên Vũ Phong mới được vào lớp năng khiếu bóng đá Vĩnh Long, nhưng chỉ 6 tháng sau đã có mặt ở đội 1 Vĩnh Long tham dự giải hạng Ba.
Cũng do khá thấp (cao 1,68m), nên năm 2014 sau chuyến tập huấn cùng ĐT Việt Nam tại Nhật Bản, Vũ Phong đã bị HLV Toshiya Miura gạch tên khỏi danh sách góp mặt ở AFF Suzuki Cup và anh cũng chia tay màu áo ĐTQG từ đấy.
Thành Lương - ngôi sao không hào nhoáng của tuyển Việt Nam Nhiều cầu thủ mất ăn mất ngủ chỉ để chờ HLV Park Hang-seo gọi lên tuyển, nhưng vẫn có người từ chối dù đã được gọi tên. Đó là Lương "dị". Quang Hải coi anh là "thần tượng". Lịch sử coi anh là huyền thoại với 4 Quả bóng vàng Việt Nam. Giới mộ điệu lẫn chuyên môn đặt biệt danh cho anh...