Lê Thị Thúy Đoan: Á hậu khiếm thính thế giới giàu nghị lực
Những điều ít biết về cô á hậu cuộc thi Hoa hậu khiếm thính thế giới Lê Thị Thúy Đoan.
Căn nhà nhỏ của á hậu buổi trưa thưa vắng người, cả khu phố cũng vắng tanh, những dãy nhà trọ của gia đình Thúy Đoan cũng đóng cửa im ỉm. Chú chó vàng thấy có khách lạ, nhưng không sủa mà lại vẫy đuôi mừng rối rít. Biết có khách, bố của á hậu ra mở cửa.
Trong căn nhà nhỏ ở phố phường Hà Nội, nhưng lại đậm chất quê, chiếc tủ chè, chiếc máy khâu, cánh cửa gỗ cũ kỹ, gợi nhắc giai đoạn những năm còn bao cấp 1985-1986. Lọ hoa, chiếc rèm cửa và ngay cả ngôi nhà cũng xây theo đúng “mốt” những năm ấy. Thứ duy nhất mới trong căn nhà, đó là chiếc vương miện của á hậu Thúy Đoan, cô con gái thứ hai của gia đình, người đã mang đến quá nhiều cảm xúc, cả buồn lẫn vui cho bố mẹ.
Chúng tôi bắt đầu câu chuyện không phải từ những ngày Thúy Đoan còn nhỏ tuổi, khi phát hiện ra bệnh tật bẩm sinh của cô, mà câu chuyện bắt đầu từ chiếc vương miện. Chiếc vương miện á hậu 2 đã khiến Thúy Đoan và gia đình thêm tự hào, vì điều đó đã làm cho Thúy Đoan thỏa mãn, khi muốn khẳng định về những người khiếm khuyết: Họ có thể làm được tất cả giống như những người bình thường.. Chiếc vương miện được Thúy Đoan đặt lên trên chiếc tủ chè, chỗ trang trọng nhất trong nhà, ngay dưới là bộ bàn ghế ngồi uống nước.
Thúy Đoan trong cuộc thi Hoa hậu khiếm thính thế giới.
Để đoạt được chiếc vương miện này là cả một sự nỗ lực không ngừng với Thúy Đoan. Từ một cô bé khiếm thính, chỉ ở nhà quanh quẩn với chiếc máy khâu, khi quyết định đi thi là cả một quá trình, cả một sự cân nhắc của bố mẹ cô. Làm cha mẹ, ai chẳng lo cho con cái, huống hồ Thúy Đoan lại là trường hợp đặc biệt. Với những người bình thường, đi ra nước ngoài, sự e ngại đã lớn… Giao tiếp của cô hoàn toàn bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Bố mẹ kể, lần này là lần thứ 3 phía bên tổ chức cuộc thi hoa hậu khiếm thính mời Đoan tham gia. Hai lần trước, mặc cho Đoan quyết tâm đi thi, bố mẹ đều không đồng ý. Lần này, quyết tâm hơn, Đoan thuyết phục, khóc lóc, kể cả phản ứng, và đoạn tuyệt, không nói chuyện với bố mẹ. Đoan trình bày với bố mẹ, cô mong muốn làm được một việc gì đó để khẳng định mình, và cô chắc chắn sẽ làm được điều đó. Cô muốn khẳng định và bố mẹ phải tin điều đó.
Mọi sự trao đổi trong nhà Đoan với bố mẹ, chủ yếu bằng viết ra giấy hoặc nhắn tin. Trong nhà duy nhất có cô em gái là trao đổi được với Đoan bằng ngôn ngữ ký hiệu. Bố mẹ không biết được rằng, khi ra thế giới, Đoan sẽ giao tiếp ra sao nên càng thấy lo. Nhưng ông bà đã hoàn toàn nhầm. Ngay từ khi học ngôn ngữ ký hiệu, trong cộng đồng những người khiếm thính, Đoan đã được giao tiếp, gặp gỡ nhiều người, trong đó có một người bạn Mỹ, người đã dạy Đoan cách nói chuyện bằng ngôn ngữ ký hiệu của nước ngoài. Anh ấy đã dạy cô cách đi ra sân bay, cứ nhìn các biểu tượng trên sân bay, máy bay, mà không phải lạ lẫm, ngỡ ngàng gì.
Video đang HOT
Bố mẹ cũng không ngờ rằng, Đoan đã giấu bố mẹ, mua một chiếc máy tính để có thể học hát, học múa và giao tiếp với bạn bè khắp nơi. Đưa con ra sân bay nhưng lòng hai ông bà vẫn không yên, vì Đoan đi chỉ có một mình. Trước khi sang Cộng hòa Séc, máy bay lại đáp xuống sân bay ở Frankfurt, Đức, nơi ông bà từng “nghe người ta nói sân bay này rộng lắm” nên càng lo. Thế mà cuối cùng, Thúy Đoan đã đoạt giải 2 của cuộc thi. Niềm vui này khiến mẹ cô chỉ biết khóc: “Tâm trạng tôi lúc đó không biết diễn tả ra sao” – bà chia sẻ.
Rồi Thúy Đoan cũng trở về trong vòng tay ấm êm của bố mẹ, với ngôi nhà nhỏ luôn gắn bó với cô. Với nhiều người, và ngay cả bố mẹ cô, chuyến đi Cộng hòa Séc vừa qua như không tưởng. Sự khẳng định của cô gái khiếm thính khiến bố mẹ cô yên tâm hơn về cô con gái. Đoan trở về nhà vui tươi hơn, trưởng thành hơn và nhiều nghị lực hơn. Cô đang ấp ủ một hoài bão, mở trường dạy cho trẻ em khiếm thính, mặc dù hiện là giáo viên của Trường THCS Hy vọng, dạy cho trẻ em điếc trước tuổi đến trường. Trường Hy Vọng ngay gần nhà Đoan, với 1 tuần 3 buổi dạy ở trường, tiếp xúc với các em nhỏ, Đoan truyền cho các em niềm hy vọng, và sự tự tin. Một cô giáo Đoan xinh đẹp, với các bài học tươi vui là động lực cho các em tới trường.
Thúy Đoan trong một buổi dạy học.
Sau cuộc thi trở về, Đoan lại tự tin hơn nhưng cũng bận rộn hơn. Ngoài việc dạy cho trẻ em ở Trường Hy Vọng với một tuần 3 buổi, 2 buổi tối Đoan lại tham gia dạy lớp Ngôn ngữ ký hiệu cho người bình thường. Thu nhập tuy ít ỏi nhưng đó là công việc Đoan yêu thích. Có khi cô còn bỏ cả công việc may vá để tham gia các dự án xã hội, mặc dù việc may vá có thể đảm bảo cuộc sống cho Đoan.
Đoan may vá rất khéo. Chiếc máy khâu của cô vẫn kê bên cửa sổ. Nếu không có nhiều hoài bão, có lẽ cô sẽ gắn bó nhiều thời gian hơn với chiếc máy may này; và cuộc sống của Đoan sẽ chỉ trôi đi trong yên bình như vậy, với một nếp nhà đơn sơ, yên ắng, nhìn ra khung cửa sổ với màu xanh của hoa lá, cây cỏ trong vườn cùng một công việc tuy được yêu thích, nhưng trầm lặng. Tham gia vào các dự án xã hội, Đoan gặp gỡ nhiều hơn, cuộc sống mở mang hơn, bận rộn hơn. Được làm những việc này, Đoan như cá được thả về với nước.
Nói thế nhưng cũng không thể không nhắc tới công việc may vá của Đoan. Mẹ Đoan kể, Đoan có năng khiếu vẽ từ bé. Lúc 5, 6 tuổi, cô bé đã bộc lộ năng khiếu của mình. Đoan vẽ rất đẹp mà không cần học qua trường lớp nào cả. Lớn hơn chút, Đoan bảo mẹ: “Mẹ ngồi ra kia con vẽ chân dung”. Thế là loáng một cái, Đoan đã phác họa ra chân dung mẹ. “Vừa đẹp vừa nhanh” – mẹ Đoan kể một cách tự hào. Đến khi lớn lên, cô bắt đầu thích may vá.
Bố mẹ có người quen, muốn cho Đoan vào làm thợ kim hoàn. Nhưng khi cho con đi học, chỉ đến buổi thứ 3 Đoan không đi nữa. Cô cứ nhất định khóc không chịu đi. Chiều con, bố mẹ lại cho đi học may. Người dạy nghề cho Đoan khen cô bé có khiếu, học nghề nhanh hơn các bạn khác, mặc dù cô không đi học văn hóa, biết ít về hình học. Nhưng có lẽ do cái khiếu, Đoan học nghề rất nhanh. Học xong, cô có nhận may gia công cho một cửa hiệu may.
Thúy Đoan giản dị, xinh tươi trong ngày thường.
Khách hàng đặc biệt thích những đồ của Đoan may. Họ may nhiều thành quen, và chỉ đặt hàng khi được chính tay cô may vá. Họ khen đường kim mũi chỉ của Đoan cẩn thận. Để tỏ sự hài lòng, khách hàng có khi còn thưởng riêng cho cô nữa. Nhiều khách hàng từ nước ngoài về cũng chỉ chọn cô may đồ cho họ. Đến nỗi, giờ đây khi thi Hoa hậu xong, cô nhận nhiều việc hơn cho những dự án vì cộng đồng, công việc may vá phải gián đoạn thì người chủ hiệu may vẫn luôn mong muốn Đoan làm việc cho mình, dẫu chỉ lúc nào rỗi rãi. Nhưng như Đoan mong muốn, cô muốn gặp gỡ những em nhỏ, để được dạy cho các em. Ở nhà cũng vậy, nhà Đoan có một dãy nhà trọ cho thuê, đa phần là gia đình các công nhân. Họ có con nhỏ. Cô thích chơi với các em, thỉnh thoảng lại dạy múa cho các em nữa.
26 tuổi, gia tài của Thúy Đoan có kha khá các thành tích: Top 10 của cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết được tổ chức năm 2013, Hoa khôi người khiếm thính Việt Nam năm 2015, và Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu khiếm thính được tổ chức tại Cộng hòa Séc tháng 7 vừa qua. Cùng với đó là một loạt công việc thiện nguyện mà cô đang làm: giáo viên dạy cho trẻ em khiếm thính ở Trường THCS Hy vọng, Đức Giang, Long Biên và Trường PTCS Xã Đàn 2.
Kể chuyện về cô con gái, bố mẹ vui nhưng cũng không khỏi bùi ngùi khi nhắc lại thời điểm nhận ra khiếm khuyết của con. Khi mang thai con gái, mẹ Đoan bị sốt. Linh cảm điều chẳng lành sẽ đến, nhưng khi siêu âm, thấy hình dạng thai nhi vẫn hoàn toàn bình thường, bà giữ lại. Khi được 4 tháng tuổi, Đoan chưa biết nghe, không biết hóng chuyện. Bố mẹ cho đi khám thì phát hiện ra dị tật của con. Thương con tưởng như chết đi được, nhưng cũng chẳng biết làm gì, chỉ biết lặng lẽ chịu đựng và lặng lẽ theo dõi con mà thôi.
Nhưng ông trời không lấy đi tất cả. Đoan được ban cho tài năng, sự nhanh nhẹn và một sự tinh tế hơn hẳn người bình thường. Đó là một sự động viên đối với ông bà. Giờ đây, công việc bận rộn kéo Đoan đi. Những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với người cùng cảnh cũng giúp Đoan quên đi phần nào sự khiếm khuyết của mình, điều đó cũng làm cho ông bà bớt thương con hơn.
Lê Phong, một người bạn, đồng thời cũng là đồng nghiệp, người phiên dịch cho Đoan nói: “Vì em hiểu được ngôn ngữ của Đoan nên đôi khi trong cuộc sống có những điều em hiểu cô ấy hơn cả người thân. Xét về mặt tình cảm bạn bè thì Đoan là 1 người bạn tốt. Rất biết quan tâm đến mọi người xung quanh và chịu khó lắng nghe người khác. Còn về công việc thì cô ấy rất nhiệt tình và năng nổ. Trước đây, có lần Đoan ngã xe gẫy tay. Dự án cho phép nghỉ 2 tháng nhưng chỉ 3 tuần là Đoan đã quay lại đảm nhận công việc. Mặc dù trong thời gian nghỉ ngơi nhưng Đoan vẫn theo dõi sát sao sự tiến bộ của học sinh của mình thông qua giáo viên khác. Đoan rất chịu khó học hỏi và tiếp nhận những ý kiến đóng góp của mọi người”.
Theo Ngô Chuyên/Cảnh sát toàn cầu Online
Học sinh khiếm thính tập hát Quốc ca đón khai giảng
Chuẩn bị cho ngày tựu trường, những học sinh khuyết tật được cô giáo hướng dẫn học bài hát Quốc ca theo cách rất riêng.
Những ngày này, hòa chung không khí chào mừng quốc khánh và chuẩn bị ngày tựu trường, những học sinh khuyết tật được cô giáo hướng dẫn học bài hát về Tổ quốc mình và giai điệu Quốc ca đã ngân lên theo một cách rất đặc biệt.
"Đoàn quân Việt Nam đi. Chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa"... Đó là những câu hát mà mỗi khi cất lên đều khiến chúng ta thêm tự hào về tổ quốc mình. Và càng đặc biệt hơn nữa khi những giai điệu của bài hát Quốc ca quen thuộc không phải được cất lên bằng lời mà bằng chính đôi tay của những em nhỏ khuyết tật.
Em Vũ Xuân Mai, trường dạy trẻ khiếm thính Nhân Chính, Hà Nội chia sẻ: "Em cảm thấy rất vui. Em rất tự hào về tổ quốc Việt Nam".
Với học trò khiếm thính, để hát được một câu có khi giáo viên phải dạy cả trăm lần. Vừa dạy động tác vừa giải thích nghĩa của những ca từ một cách rõ ràng giúp các em hiểu được.
Cô giáo Trần Thị Nhâm, trường dạy trẻ khiếm thính Nhân Chính cho biết: "Phải bộc lộ hết tình yêu của mình đối với tổ quốc, để các con hiểu được. Cô như thế các con sẽ học theo. Và khi các con hiểu ra rồi, các con sẽ yêu lá cờ Tổ quốc và yêu đất nước của mình".
Và không chỉ học ở lớp, nhiều em còn say sưa tập hát ở nhà.
Em Mai Việt Anh chia sẻ, em đã cùng mẹ tập hát Quốc ca nhiều lần.
Chị Nguyễn Tố Uyên, mẹ của Việt Anh tâm sự: "Đây là niềm tự hào về đất nước cho nên học bài hát này khác hoàn toàn với những bài hát khác. Cháu rất hào hứng và hồ hởi".
Dù có khó khăn hay còn ngọng nghịu khi phát âm, nhưng với sự say sưa của những học sinh khiếm thính thì những câu từ của bài hát Quốc ca lại được cất lên theo cách tuyệt đẹp nhất.
Theo_Eva
Tỷ phú bơi khuyết tật Thanh Tùng giành suất dự Paralympic Tiền thưởng trong năm 2014 giúp Thanh Tùng mua căn nhà khang trang rộng 90m2, lấy vợ và có khoản tích lũy kha khá. Cuộc vượt khó kỳ diệu của kình ngư liệt chân Võ Thanh Tùng đã đạt tới đỉnh cao khi anh đoạt tới 5 HC vàng tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á 2014. Mới đây, tuyển...