Lễ quốc khánh bị giá thịt và thương chiến bủa vây của ông Tập Cận Bình
Trước kỷ niệm 70 năm quốc khánh, tâm trạng của người dân Trung Quốc không mấy vui vẻ vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình đối mặt nhiều thách thức lớn.
Chủ cửa hàng ở Thâm Quyến. Người bán thịt lợn ở Nam Ninh. Công nhân nhà máy ở Đông Quản. Trên khắp vành đai công nghiệp phía nam Trung Quốc, tầng lớp lao động đang chịu áp lực – và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng vậy.
Cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ, các cuộc biểu tình ở Hong Kong, giá lương thực tăng vọt và tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong nhiều thập kỷ nằm trong nhiều vấn đề mà nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt khi chuẩn bị kỷ niệm 70 năm cầm quyền của đảng Cộng sản.
Cờ Trung Quốc được treo trên đại lộ ở Nam Ninh, Quảng Tây trước lễ kỷ niệm quốc khánh. Ảnh: Bloomberg.
Nhìn bề ngoài, mọi thứ có vẻ ổn: đường phố đã được dọn dẹp và an ninh tăng cường trước ngày lễ 1/10. Ngày hôm đó, ông Tập sẽ chủ trì cuộc diễu binh và có bài phát biểu ca ngợi sức mạnh của Trung Quốc.
Nhưng tâm trạng của người dân có vẻ ảm đạm hơn, đặc biệt là ở vùng phía nam Trung Quốc trải dài từ biên giới Việt Nam đến Châu thổ Châu Giang. Khu vực này bao gồm trung tâm sản xuất của Đông Quản, nơi đang chịu ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ.
Đó là Thâm Quyến – quê hương của Huawei Technologies Co. và ngay bên kia ranh giới từ các cuộc biểu tình ở Hong Kong – và cả Nam Ninh, nơi dịch bệnh trên lợn hoành hành gây thiệt hại cho những người chăn nuôi.
Khó khăn và bất mãn tăng cao
“Ông Tập đang phải đối mặt với vô số vấn đề khó khăn trong nước và quốc tế. Bất kỳ một trong những vấn đề này có thể trở thành cuộc khủng hoảng toàn diện và do đó, trong khi ông ấy duy trì quyền lực chặt chẽ, ông ấy không thể ăn mừng quá rầm rộ khi theo dõi cuộc diễu hành lớn”, Dennis Wilder, cựu giám đốc cấp cao về châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia, người đang làm việc tại Đại học Georgetown, cho biết.
So với năm 1949, đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay đang ở vị thế mạnh hơn nhiều, điều hành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và ngày càng khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trên toàn cầu.
Video đang HOT
Chủ tịch Tập Cận Bình đối mặt những thách thức lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền. Ảnh: AFP/Getty.
Tuy nhiên, người dân tại các thành phố miền Nam Trung Quốc đang lo ngại rất nhiều về chi phí sinh hoạt. Nhiều người nói về khó khăn tăng lên hàng ngày. Hiện tại, bất mãn lớn nhất của họ là giá thịt lợn tăng.
Tại chợ Weizilu ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, các biện pháp kiểm soát được đưa ra để chống lại sự tăng giá đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp thua lỗ khó duy trì hoạt động. Đây là một trong 10 nơi việc phân phối khẩn cấp được áp dụng vào đầu tháng 9, với giới hạn về số lượng bán ra và giá cả vẫn được duy trì.
“Những người bán hàng không thích chính sách này, nhưng nó rất tốt cho những người bình thường”, một người bán hàng họ Huang cho biết. Cô ước tính mất 200 nhân dân tệ (28 USD) cho mỗi con lợn. Cô cho biết các nhà cung cấp đã được thông báo rằng các khoản trợ cấp đang đến nhưng vẫn chưa thấy đâu.
Sự bùng phát dịch tả lợn gây tổn hại nặng nề cho người tiêu dùng, đẩy giá thịt lợn – mặt hàng chủ lực trên bàn ăn Trung Quốc – tăng gần 50% trong tháng 8. Cú sốc này làm cho các thực phẩm khác trở nên đắt đỏ hơn và có thể sẽ kéo dài trong năm tới.
Ngay cả việc nhập khẩu tất cả thịt lợn được giao dịch trên toàn thế giới cũng không đủ bù đắp cho thiếu hụt 10 triệu tấn của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa cho biết hồi đầu tháng này.
Khách hàng đi qua các quầy bán thịt lợn tại một khu chợ ở Nam Ninh. Ảnh: Bloomberg.
“Nếu giá thịt lợn tiếp tục tăng quá nhanh, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân thành thị và nông thôn, đặc biệt là người thu nhập thấp và ảnh hưởng đến bầu không khí vui vẻ khi kỷ niệm 70 năm thành lập nước Trung Hoa mới”, ông Hồ nói.
Nhận thức được giá tăng phi mã có thể gây ra sự bất bình trong xã hội, các quan chức Trung Quốc đã tìm mọi cách để tăng nguồn cung: từ việc giải phóng dự trữ thịt lợn trong kỳ nghỉ lễ quốc gia sắp tới đến nhập khẩu “tinh trùng lợn giống” từ Bắc Âu để thúc đẩy chăn nuôi.
Nhiều quan chức cấp cao đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng thịt lợn tại quê nhà, thừa nhận rằng sự bao che của chính quyền địa phương làm mọi thứ tồi tệ hơn và đảm bảo với người dân rằng giá cả sẽ được kiểm soát.
Những đám mây phủ bóng 70 năm quốc khánh
Căng thẳng khiến các công dân Trung Quốc không muốn vào Hong Kong qua Thâm Quyến. Các đặc vụ đang rà soát chặt chẽ hơn du khách và lục soát các thiết bị cá nhân.
Các công dân như Li Zi, người điều hành một quầy hàng nhỏ bán phụ kiện điện thoại di động gần trạm kiểm soát hải quan, phản đối các cuộc biểu tình dù biết nhiều người ở Hong Kong ủng hộ.
Poster của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc gần biên giới La Hồ giữa Thâm Quyến và Hong Kong. Ảnh: Bloomberg.
“Không có ai ở đây cả, việc kinh doanh thực sự tồi tệ. Không những buôn bán khó khăn mà nó còn làm cho lễ kỷ niệm 70 quốc khánh của Trung Quốc có vẻ tệ”, Li, 34 tuổi, người chuyển đến thành phố giáp ranh với Hong Kong 10 năm trước từ một thành phố nhỏ ở Quảng Đông, nói với Bloomberg.
Một đám mây khác phủ bóng lễ kỷ niệm là cuộc chiến thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump, với áp lực gia tăng từ cả hai phía để đạt được thỏa thuận khi căng thẳng gây thiệt hại cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các cuộc đàm phán đã được nối lại khi cả hai bên tìm kiếm một thỏa thuận có thể giảm bớt “nỗi đau” kinh tế ngay lập tức, ngay cả khi nó không giải quyết được mọi vấn đề.
Hiệp định thương mại vẫn còn xa với, mâu thuẫn với Mỹ sẽ vẫn còn đó ngay cả khi thỏa thuận được ký kết.
Trong khi Bắc Kinh có một số quyền kiểm soát đối với giá thịt lợn, một số yếu tố nằm ngoài tầm tay của họ, chẳng hạn sự sụt giảm số lượng lợn nái.
Trong bài phát biểu ngày 3/9, ông Tập khái quát các thách thức là những vấn đề dài hạn cần giải pháp lâu dài và các đảng viên tập hợp lại để “nuôi dưỡng và duy trì tinh thần chiến đấu mạnh mẽ”.
“Ông Tập đang đối mặt với thời gian thử thách nhất kể từ khi tiếp quản đảng”, Trey McArver, đồng sáng lập hãng nghiên cứu Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định.
“Ông ấy rất rõ ràng với mọi người rằng mọi thứ rất khó khăn nhưng ông ấy cũng kêu gọi sự đoàn kết và lòng trung thành của đảng đối với lãnh đạo”, ông nói.
Theo Zing.vn/Bloomberg
Thêm một phụ huynh bị kết án tù trong vụ bê bối 'chạy' trường tại Mỹ
Ông Devin Sloane, một doanh nhân tại California, đã bị kết án 4 tháng tù giam với tội danh hối lộ để giúp con trai mình được nhận vào một đại học danh giá.
Sinh viên tại trường đại học Yale ở New Haven, Connecticut, Mỹ, tháng 10/2018. Ảnh: Newstimes/TTXVN
Trong phán quyết do một thẩm phán ở Boston đưa ra ngày 24/9, ông Sloane, 53 tuổi, phải nộp phạt 95.000 USD, thực hiện 500 giờ lao động công ích do đã có hành vi gian lận trong bê bối chạy điểm. Tại tòa án, ông Sloane đã thừa nhận hành vi sai trái của mình, đồng thời nhấn mạnh không có điều gì có thể bào chữa cho hành động này.
Đây là phụ huynh thứ hai bị kết án tù trong bê bối gian lận "chạy" trường đại học gây rúng động nước Mỹ trong thời gian vừa qua.
Theo truyền thông Mỹ, để đảm bảo cho con trai mình có một suất học bổng tại Đại học Nam California, ông Devin Sloane đã chi 250.000 USD, qua đó giúp con trai vượt qua bài kiểm tra đầu vào của môn bóng nước.
Mức án phạt mà ông Sloane phải nhận nặng hơn so với mức án 14 ngày tù giam dành cho nữ diên viên từng đoạt giải Emmy Felicity Huffman. Nữ diễn viên nổi tiếng trong phim truyền hình "Desperate Housewives" (Những bà nội trợ kiểu Mỹ) này là phụ huynh đầu tiên bị kết tội trong bê bối chạy điểm vào các trường đại học danh tiếng của Mỹ.
Nữ nghệ sĩ bị tuyên án 14 ngày tù giam, nộp phạt 30.000 USD và hoàn thành 250 giờ lao động công ích. Với sự giúp đỡ của ông William Rick Singer, 58 tuổi, người đứng đầu tổ chức từ thiện Key Worldwide Foundation và là Giám đốc điều hành của công ty đào tạo và hướng nghiệp Edge College & Career Networ, nữ diễn viên này đã bỏ ra 15.000 để nâng điểm bài thi kiểm tra năng lực SAT của con gái. Cho đến nay, khoảng 50 người đã bị truy tố trong vụ bê bối chạy vào các trường đại học hàng đầu ở Mỹ.
Theo các nhà điều tra, nghi phạm chính của vụ bê bối, đồng thời cầm đầu đường dây "chạy suất" vào đại học trị giá 25 triệu USD này là William Rick Singer. Các công tố viên cho biết nhiều bậc phụ huynh đã trả khoản tiền lên tới 6 triệu USD cho một công ty do Singer điều hành để đối tượng này tìm cách giúp đỡ con em họ trong bài thi đầu vào các trường đại học.
Singer cho biết đã "giúp" 761 gia đình ở Mỹ trong các đợt tuyển sinh đại học thông qua "cửa phụ". Các trường đại học danh tiếng của Mỹ dính líu đến vụ bê bối này gồm Đại học Yale, Đại học Stanford, Đại học Georgetown, Đại học Nam California, Đại học Texas và Đại học Wake Forest.
Theo Thanh Hương (TTXVN)
Áp lực chính trị kinh tế nội địa đã buộc Mỹ - Trung Quốc phải nối lại đàm phán ra sao? Chính phủ Trung Quốc phải đương đầu với nhiều chỉ trích về cách xử lý vấn đề Hồng Kông cũng như xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ảnh: GettyImages Áp lực chính trị và kinh tế nội địa đã khiến hai bên Mỹ và Trung Quốc có những thiện chí ban đầu nhằm thu hẹp bớt khác biệt của họ xung...