Lệ phí cấp mới thẻ Căn cước công dân
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 256/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân.
ảnh minh họa
Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp mới, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân (CCCD) phải nộp lệ phí cấp CCCD theo quy định tại thông tư này.
Thông tư nêu rõ mức thu lệ phí cấp mới, đổi, cấp lại thẻ CCCD: Công dân từ 16 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới thẻ CCCD; đổi thẻ CCCD khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi; chuyển từ CMND chín số, CMND 12 số sang cấp thẻ CCCD, mức thu 30.000 đồng/thẻ CCCD.
Đổi thẻ CCCD khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu, mức thu 50.000 đồng/thẻ CCCD.
Cấp lại thẻ CCCD khi bị mất thẻ CCCD, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam mức phí 70.000 đồng/thẻ CCCD.
Video đang HOT
Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí cấp CCCD bằng 50% mức thu quy định trên.
Thông tư cũng nêu rõ các trường hợp được miễn lệ phí: Công dân dưới 16 tuổi đề nghị cấp mới, đổi, cấp lại CCCD; đổi thẻ CCCD khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; cấp mới, đổi, cấp lại CCCD cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật…
Tổ chức thu lệ phí cấp CCCD bao gồm: Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an); công an các tỉnh, TP trực thuộc trung ương; công an quận, huyện, thị xã, TP thuộc công an tỉnh, TP trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2017.
Theo T. NHIÊN (Pháp luật TP.HCM)
Đối tượng nào xin thôi quốc tịch Việt Nam nhiều nhất?
Chiều ngày 31/8, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã cung cấp thông tin về việc nhiều người xin thôi quốc tịch Việt Nam
Số người xin nhập quốc tịch Việt Nam rất ít. Ảnh minh họa
Mới đây, thông tin về việc số người Việt xin thôi quốc tịch Việt Nam cao gấp nhiều lần so với số người xin nhập quốc tịch đang khiến dư luận xôn xao.
Đặc biệt, sau vụ việc của nguyên đại biểu quốc hội, doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường có hai quốc tịch được làm rõ thì các thông tin liên quan đến quốc tịch luôn được dư luận quan tâm.
Chiều ngày 31/8, theo ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, việc xin nhập và thôi là quyền của công dân theo Hiến pháp.
Các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý đúng quy định. Đa số các trường hợp thôi xin quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài đa phần là các cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài.
Ở một số nước có quy định, cô dâu Việt Nam muốn nhập tịch thì phải xin thôi quốc tịch Việt Nam. Cũng có những nước yêu cầu khi nhập quốc tịch nước họ thì người nhập không phải thôi quốc tịch Việt Nam.
Việc thôi để nhập tịch nước ngoài là để thuận tiện làm ăn, sinh sống. Số công dân này đang cư trú ở nước ngoài, tỷ lệ này so với lượng công dân Việt Nam ở nước ngoài là không nhiều.
Gần đây có việc công dân là chủ doanh nghiệp gia nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
Trước đó, theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2015 đã có 748 người thông báo có quốc tịch nước ngoài, trong đó 22 người thông báo có quốc tịch nước ngoài tại Sở Tư pháp và 726 người thông báo có quốc tịch nước ngoài tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Cũng trong thời gian này có 15 người nhập quốc tịch Việt Nam, 14 người trở lại quốc tịch Việt Nam và số liệu thôi quốc tịch Việt Nam là 4.474 người. Bộ Tư pháp khẳng định đây là số liệu chính thức được quản lý tại Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực.
Trong năm 2015 có tổng cộng 761.076 cuộc kết hôn trong nước và 14.381 cuộc kết hôn có yếu tố nước ngoài; 3.201 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong nước và 575 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Theo thống kê, quý 2/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước giải quyết 2.708 hồ sơ quốc tịch (trong đó có 2.699 hồ sơ xin thôi quốc tịch, 05 hồ sơ xin nhập và 04 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam).
Theo Minh Anh (Báo Gia đình & Xã hội)
Rủi ro chuyện song tịch Công dân Việt Nam mang thêm một quốc tịch khác có thể có rủi ro vi phạm "nguyên tắc một quốc tịch" của Luật Quốc tịch Việt Nam, đặc biệt trong trường hợp cá nhân đó vẫn sinh sống trong nước do có độ "vênh" giữa luật, nghị định cũng như cách vận dụng luật trong thực tiễn. Quốc tịch là thuộc quyền...