Lễ nhậm chức tiết kiệm của Tổng thống Mỹ B.Obama
Tại Mỹ, cứ 4 năm một lần, ngày tuyên thệ nhậm chức của các Tổng thống Mỹ cũng chính là một ngày lễ lớn của cả thành phố. Thủ đô Washington D.C đang nhộn nhịp với lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ lần thứ 57. Thông thường, người ta nhân sự kiện này để tổ chức các lễ hội kéo dài suốt nhiều ngày. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế, lễ tuyên thệ nhậm chức lần hai của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ khiêm tốn hơn so với cách đây 4 năm và đặc biệt ông sẽ phải tuyên thệ đến 2 lần.
Tổng thống Obama và gia đình chia sẻ niềm vui chiến thắng trong vòng bầu cử lần 2
Tiền không thiếu nhưng tiết kiệm vì khó khăn
Bầu không khí chuẩn bị cho lễ nhậm chức năm nay của Tổng thống Obama được giới truyền thông Mỹ cho rằng “không hoành tráng”. Theo các nhà quan sát thì chính việc Nhà Trắng và Quốc hội vừa qua bận bàn thảo tìm cách chèo lái nước Mỹ thoát khỏi “vách đá tài chính” đã khiến cho sự kiện lễ nhậm chức Tổng thống không còn náo nhiệt như thường lệ. Nhà Trắng và chính bản thân Tổng thống Obama cố gắng lên kế hoạch tiết kiệm nhất cho lễ nhậm chức. Các nhà bình luận cho rằng, đó là cách làm phù hợp bởi ông Obama hiểu rằng mình không nên tổ chức hoành tráng và phô trương trong khi rất nhiều người dân Mỹ đang phải vật lộn với tình trạng tài chính tồi tệ và mức sống sụt giảm. Các nhà tổ chức dự kiến chỉ tổ chức 2 buổi khiêu vũ chính thức thay vì 10 buổi như năm 2009. Buổi diễu hành ở đại lộ Pennsylvania và các buổi khiêu vũ chính thức cũng diễn ra trong ngày 21-1, trùng với ngày lễ tưởng niệm biểu tượng dân quyền Martin Luther King Jr.
Còn nhớ, vào năm 2009, số lượng khách đổ về quá đông khiến toàn bộ các khách sạn bị quá tải và làm nảy sinh chuyện cho thuê chỗ trọ của các hộ gia đình với giá cả ưu đãi. Thậm chí những ngôi nhà ở vùng ngoại ô của các bang lân cận như Maryland và Virginia cũng “kiếm bộn”. Nếu lần trước có đến 1,8 triệu người về dự lễ nhậm chức đầu tiên của ông Obama hồi tháng 1-2009 thì năm nay chỉ có khoảng 800.000 người sẽ đổ về Washington để chứng kiến lễ nhậm chức của Obama. Khách sạn Mandarin Oriental, nơi khách có thể đứng tại cửa sổ phòng nghỉ nhìn thẳng ra National Mall, nơi sẽ diễn ra lễ nhậm chức, cho biết họ đã phải hạ tiêu chuẩn bắt buộc khách đặt tối thiểu 4 đêm xuống còn 3 đêm để có thể lấp kín phòng. Giá phòng của khách sạn này là khoảng 295 USD/đêm nhưng vào thời điểm lễ nhậm chức diễn ra nếu đặt 3 đêm, khách sẽ phải trả giá khởi điểm là 1.195 USD.
Các tiểu ban nhậm chức của ông Obama luôn quyên tiền để trả cho các hoạt động nhậm chức và các buổi lễ mừng khác. Năm nay, tuy kinh tế khó khăn nhưng ông Obama vẫn nhận được khoản tài trợ từ 400 nhà tài trợ gồm các doanh nghiệp và cá nhân. Hồi năm 2009, nhóm vận động gây quỹ của ông Obama đã thu về khoảng 53 triệu USD, chưa kể khoản tài trợ của các doanh nghiệp, cho lễ nhậm chức của mình. Tình hình kinh tế khó khăn của năm nay cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch tổ chức của ông Obama. Hồi năm 2009, Obama đã nỗ lực hạn chế ảnh hưởng từ dòng tiền mặt bên ngoài: Ông không nhận sự đóng góp của các tập thể, và ông cố định khoản góp cá nhân ở mức 50.000 USD. Bốn năm sau đó, tình hình đã khác đi nhiều. Obama đã chấp nhận các khoản đóng góp không giới hạn từ các tập đoàn, theo báo New York Times. Năm 2009, Ủy ban gây quỹ Obama chỉ chấp nhận những khoản quyên góp cá nhân tối đa là 50.000 USD nhưng năm nay “trần đóng góp” đã được tăng gấp 5 lần, lên mức 250.000 USD, các tập thể đóng góp 1 triệu USD cho một gói các hoạt động nhậm chức đặc biệt. Nếu quyên góp với số tiền tối đa, khách mời sẽ được hưởng một số ưu đãi như được đón tiếp long trọng theo nghi thức khách VIP, được giữ sẵn chỗ ngồi xem lễ nhậm chức và xem lễ diễu hành.
Video đang HOT
Như những dịp lễ nhậm chức trước, chi tiết các khoản tài trợ không được công bố. Trong danh sách đóng góp năm nay vẫn xuất hiện những “đại gia” như Tập đoàn Công nghệ Microsoft, Tập đoàn Điện thoại AT&T, Genentech, thuộc sở hữu của Hãng Dược phẩm Roche Thụy Sĩ, Công ty Quảng cáo Financial Innovations – doanh nghiệp đã kiếm 1,8 tỷ USD từ những sản phẩm lấy ý tưởng từ chiến dịch vận động tranh cử của ông Obama… Nhưng chưa rõ liệu số tiền tài trợ có lên đến con số kỷ lục là 50 triệu USD như cách đây 4 năm hay không.
Các đồng chủ tịch của ban tổ chức bao gồm nữ diễn viên Eva Longoria, người thu được hơn 500.000 USD cho quỹ tranh cử của ông Obama, ông Matthew Barzun, người phụ trách tài chính của ban vận động tranh cử và bà Jane Stetson, người phụ trách tài chính của Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ. Giám đốc ban vận động tranh cử Jim Messina sẽ là phụ trách tổ chức lễ diễu hành ở đại lộ Pennsylvania.
Chelsea – con gái Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và cựu Tổng thống Bill Clinton đảm nhận vị trí quan trọng của một sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động mừng lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama – đó là Chủ tịch danh dự của “Ngày lễ Quốc gia về Phục vụ quốc gia năm 2013″ vào thứ bảy (19 -1), sự kiện từ thiện mở màn cho các hoạt động mừng lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của ông Obama. Cô hiện là phóng viên đặc biệt cho Đài Truyền hình NBC News. Trước đó, Chelsea từng có 5 năm làm việc ở phố Wall cho một Quỹ Phòng vệ rủi ro và 3 năm làm việc cho công ty tư vấn McKinsey & Company.
Beyonce Knowles, Kelly Clarkson và James Taylor là những ca sĩ góp giọng trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama. Theo Telegraph, Beyonce sẽ chiếm lĩnh sân khấu trung tâm với tư cách là một trong 3 ca sĩ khách mời đặc biệt tại lễ nhậm chức của Obama ngày 21-1 tới.
Nữ ca sĩ Kelly Clarkson và giọng ca từng giành giải thưởng Grammy James Taylor cũng sẽ cùng diva dòng nhạc R&B hòa giọng vào những ca khúc cổ điển ca ngợi đất nước tại lễ nhậm chức Tổng thống lần thứ 57. Beyonce sẽ hát quốc ca Mỹ, Clarkson hát My County’ Tis of Thee, ca khúc mà Aretha Franklin từng hát trong lễ nhậm chức đầu tiên của Obama, trong khi rocker thập niên 70 Taylor biểu diễn America the Beautiful.
An ninh là vấn đề được đặt lên hàng đầu
Lúc này đồ lưu niệm in hình Tổng thống Mỹ Barack Obama bao gồm cúc áo, áo sơ mi, kính mát, bóng golf và tất thể thao… đang được bày bán trên khắp Washington, trong khi các nhân viên an ninh đang bận rộn chuẩn bị cho lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của ông. Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ luôn là sự kiện lớn tại Washington nên an ninh được tăng cường nhằm đảm bảo không có trục trặc xảy ra tại khu vực đồi Capitol. Ngay từ tháng 11, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã tích cực lên kế hoạch ứng phó trước kịch bản tấn công của những phần tử riêng lẻ, không thuộc các nhóm khủng bố có tổ chức. Những đối tượng như thế được gọi là “sói đơn độc”. Để đảm bảo an toàn cho lễ nhậm chức sắp tới, FBI phối hợp với quân đội, Bộ An ninh nội địa và lực lượng mật vụ chuyên bảo vệ các yếu nhân. Cảnh sát, quân đội và các mật vụ của Cơ quan cảnh vệ Tổng thống được bố trí dày đặc khắp nơi.
Hàng nghìn cảnh sát, với con số chính xác chưa được công bố, sẽ được triển khai khắp khu vực này và ở từng góc phố. Không phận phía trên Thủ đô Washington, cũng như sông Potomac chảy dọc thành phố, sẽ nằm dưới sự giám sát chặt chẽ. Các nhóm di chuyển bằng ngựa và có chó đánh hơi bom sẽ tỏa đi khắp thành phố để rà soát các thiết bị nổ. Hơn 13.000 binh sĩ sẽ tham gia diễu hành đằng sau một hàng rào an ninh, để hộ tống Tổng thống Obama và giám sát Đồi Capitol, nơi ông sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai.
Camera được lắp đặt ở khắp mọi nơi, gồm cả camera giám sát và camera của giới báo chí, truyền thông. Một số con đường quanh National Mall sẽ bị chặn xe, trong khi tất cả khán giả đều được rà soát kỹ càng tại mỗi điểm kiểm tra an ninh. Ba lô, đồ uống có cồn, các biểu ngữ, ghế gập và dù bị cấm ở đường diễu hành và khu vực nhậm chức
Những tay súng bắn tỉa chuyên nghiệp cũng được bố trí trên các nóc nhà dọc theo tuyến đường diễu hành. Việc FBI lo ngại là không thừa khi giới chức Mỹ gần đây phá được nhiều âm mưu tuyển dụng công dân nước này làm phần tử của các tổ chức khủng bố. Gần đây nhất là vụ bắt 4 phần tử dự định tấn công công dân Mỹ và đánh bom các căn cứ quân sự của Washington tại nước ngoài.
Tại một địa điểm bí mật ở ngoại ô Washington, một trung tâm chỉ huy sẽ kiểm soát bất kỳ biến động nào xảy ra trong và quanh khu vực diễn ra buổi lễ. Mỗi một trong số 42 cơ quan phụ trách an ninh, dẫn đầu là Mật vụ Mỹ chuyên bảo vệ Tổng thống, sẽ có các đại diện tại 94 căn cứ an ninh trên khắp thành phố. Phát ngôn viên Mật vụ Mỹ Brian Leary cho biết hệ thống này giúp họ kiểm soát và điều phối an ninh từ một vị trí trung tâm.
Giới chức Mỹ cũng muốn tránh lặp lại rủi ro năm 2009, khi hàng nghìn khán giả bị mắc kẹt trong một đường hầm cao tốc lớn nhiều giờ liền dưới thời tiết lạnh giá, và không kịp nghe bài phát biểu của ông Obama. Blogger chuyên mục thời tiết của báo Washington Post, Jason Samenow, sử dụng các mô hình dự đoán xa cho biết, nhiệt độ vào thứ ngày 21-1 có thể sẽ dễ chịu hơn, vào mức khoảng 5 độ C. Đơn vị dự báo thời tiết tư nhân AccuWeather còn lạc quan hơn với dự báo trời nắng ấm và nhiệt độ là 12 độ C.
Theo truyền thống, tất cả các cựu Tổng thống Mỹ đều tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống. Năm nay 2 cựu Tổng thống Bush – đều là người của Đảng Cộng hòa không tham dự lễ nhậm chức của Obama. Cựu Tổng thống George W. Bush sẽ không tới dự lễ nhậm chức của Barack Obama vào hôm thứ hai vì vấn đề sức khỏe của cha mình, cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush, theo ABC News đưa tin.
Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush (Bush cha), 88 tuổi, đã chiến đấu với bệnh tật và vừa ra viện sau vài tuần điều trị viêm phế quản. Như vậy, lễ nhậm chức của đương kim Tổng thống sẽ chỉ gồm đại diện của Đảng Dân chủ, cựu Tổng thống Bill Clinton và cựu Tổng thống Jimmy Carter chia sẻ sự kiện long trọng này.
Theo ANTD
Bush "cha" và Bush "con" không tham dự lễ nhậm chức của Obama
Hai cựu Tổng thống Bush "con" (trái) và Bush "cha" - Ảnh: Reuters
Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush (Bush "con") sẽ không tham dự lễ nhậm chức lần 2 của người kế nhiệm Barack Obama, vì lý do sức khỏe của cha ông, cựu Tổng thống George H.W. Bush.
Tổng thống George H.W. Bush (Bush "cha", 88 tuổi) hiện đang gặp vấn đề sức khỏe và chỉ mới xuất viện sau vài tuần chữa trị bệnh viêm phế quản.
"Tổng thống Bush và phu nhân chúc Tổng thống Obama cùng gia đình có một buổi lễ nhậm chức tuyệt vời", hãng ABC Newsdẫn lời một người phát ngôn của gia đình Tổng thống Bush "con".
Theo truyền thống, toàn bộ các cựu tổng thống Mỹ còn tại thế đều tham dự lễ nhậm chức tổng thống.
Năm nay, cả hai cựu tổng thống đảng Cộng hòa đều vắng mặt nên lễ nhậm chức của ông Obama sẽ chỉ có mặt hai cựu tổng thống đảng Dân chủ là Bill Clinton và Jimmy Carter.
Theo TNO
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh kiểm soát súng đạn Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 16-1 đã ký ban hành 23 sắc lệnh nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực súng đạn sau vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, bang Connecticut hồi tháng trước khiến 20 học sinh và 6 giáo viên thiệt mạng. Ông Obama công bố các biện pháp giảm bạo lực súng đạn Gói...