Lệ làng thời nay – Bài 4: Hóa giải lời nguyền
Từng có mối thâm thù truyền kiếp, quyết “thề độc” trai gái không bao giờ lấy nhau nhưng trải qua thời gian, những oán hờn, thù giận ở hai ngôi làng Cổ Loa và Dục Tú (thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội) đã được hóa giải.
Nguồn cơn oán giận
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội gần 30 km, hai ngôi làng Cổ Loa và Dục Tú (nay là xã Cổ Loa và Dục Tú) nằm ven theo đôi bờ của sông Hoàng Giang thơ mộng.
Nhìn bề ngoài, hai ngôi làng mang dáng vẻ bình yên như bao làng quê khác. Nhưng ít ai nghĩ rằng, Cổ Loa và Dục Tú có mối thâm thù truyền kiếp từ hàng trăm năm về trước chỉ vì những xô xát đụng độ liên quan đến đất đai.
Cụ Chu Văn Chuyên (94 tuổi, ở thôn Dục Tú, xã Dục Tú) kể lại: Tương truyền, vào năm 938, sau khi đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, trong một lần qua sông Hoàng Giang vãn cảnh, Ngô Quyền nghe thấy tiếng hát ngọt ngào của một người con gái cắt cỏ ven sông.
Chùa làng Dục Tú – nơi đã từng đặt bia đá thề độc “trai gái hai làng không bao giờ kết hôn” – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Người con gái cứ ngân nga câu hát hai lần: “Tay cầm bán nguyệt sênh sang/Trăm ngàn vạn cỏ đầu hàng tay ta”. Khi đoàn rước kiệu vua sắp tới, quân lính xuống ra lệnh dẹp đường nhưng người con gái kiên quyết không tránh.
Lập tức, nhà vua xuống kiệu để xem mặt người con gái kia là ai mà dám chống lệnh. Tuy nhiên, thoạt nhìn đã thấy toát lên vẻ thông minh, tài sắc, khẩu khí hiên ngang nên vua đã đem lòng yêu mến rồi đón về cung, phong làm thứ phi.
Theo sử xưa ghi lại, người con gái nhắc đến trong câu chuyện kể trên là bà Đào Thị Sa (quê gốc ở làng Dục Tú bấy giờ). Về sau, do không sinh hạ cho vua được người con nào nên bà Sa xin được lui về quê sinh sống.
Mặc dù vua ban cho nhiều vàng bạc châu báu nhưng bà chỉ có duy nhất nguyện vọng xin vua cấp đất cho dân làng cày cấy. Bà thả quả bầu trên sông Hoàng Giang trôi đến đâu thì vua sẽ cấp đất đến đó. Thế nhưng, xuôi dòng tới cầu Đùng lại gặp dòng xoáy nước nên quả bầu đã trôi ngược lại.
Quả bầu trôi đến cửa đình Cổ Loa được trồng cây đa đánh dấu để làm mốc phân chia “Đình Cổ Loa, cây đa Dục Tú”. Tên bà sau đó cũng được đặt thành tên chợ Sa. Thế nhưng khi vua mất, giữa Cổ Loa và Dục Tú bắt đầu nảy sinh chuyện tranh giành đất đai.
Theo sử sách chép lại, trước đây vùng Dục Tú có tất cả 9 thôn (bây giờ là 11 thôn) nhưng duy chỉ có thôn Tiền (nay là thôn Dục Tú, xã Dục Tú) có mâu thuẫn tranh chấp với người dân Cổ Loa.
Cụ Chu Văn Chuyên (94 tuổi, ở thôn Dục Tú, xã Dục Tú) kể lại tục xưa với PV – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Video đang HOT
Về sau, cứ triền miên năm này qua năm khác, Cổ Loa liên tục kiện tụng đòi đất vua ban cho Dục Tú. Oái oăm thay, năm nào đi kiện phần thắng cũng thuộc về Dục Tú càng làm cho mâu thuẫn thêm oán hờn gay gắt, xảy ra nhiều cuộc xô xát đụng độ.
Đỉnh điểm là khi hai làng thề độc “trai gái hai làng không bao giờ lấy nhau”, với lời nguyền “có lấy nhau cũng không được hạnh phúc”. Cụ Nguyễn Thị Thúy An (73 tuổi), người trông coi chùa thôn Dục Tú cho biết, dân làng Dục Tú còn khắc đá lời nguyền ấy vào bia đá dựng trong chùa.
Hóa giải lời nguyền
Trải qua hàng trăm năm, mối thâm thù càng gay gắt, người dân hai làng Cổ Loa – Dục Tú “đoạn tuyệt” tất cả mối quan hệ. Trai gái hai làng cũng không bao giờ kết hôn. Một phần vì dân làng phản đối, ngăn cách, một phần vì sợ lời nguyền khắc trên bia đá nên trai gái yêu nhau cũng không dám đi ngược lại quy định của cha ông từ đời trước để lại.
Nhưng đó là chuyện cũ. Còn bây giờ, mọi thứ đã đổi thay. Cổ Loa, Dục Tú giờ đây đã khác xưa nhiều lắm. Gốc đa, bến nước – dấu tích một thời xô xát đụng độ vẫn còn đó nhưng bộ mặt của làng quê đang thay đổi từng ngày. Người dân hai làng đã gột rửa mối thâm thù, hóa giải được lời thề độc năm xưa…
Cổng làng Dục Tú vẫn còn giữ được vẻ đẹp cổ kính – Ảnh: Nguyễn Tuấn
Theo cụ An, cho tới những năm 1954, cuối cùng cuộc tranh chấp của 2 làng đã có hồi kết khi Dục Tú tự nguyện cắt đất chia cho Cổ Loa. Theo đó, chợ Sa thuộc về Cổ Loa, đường thẳng nối dài ra tới đình Cổ Loa là đường phân ranh giới, phần đất phía dưới thuộc về Dục Tú, còn phần đất phía trên của Cổ Loa.
Vượt qua sự ngăn cấm của họ hàng nội tộc và lời nguyền “trai gái hai làng lấy nhau sẽ không hạnh phúc”, bằng tình yêu chân thành, về sau nhiều cặp đôi ở Cổ Loa và Dục Tú đã kết hôn vợ chồng.
Trong tiềm thức của mình cụ An vẫn còn nhớ như in cặp đôi đầu tiên hóa giải lời nguyền cách đây 36 năm về trước là một người con gái tên Yên (ở Cổ Loa) và anh Quế (ở Dục Tú). Cụ An tiết lộ, chẳng đâu xa lạ, hai người đó chính là em dâu và em trai của cụ bây giờ. Về sau, chính con gái của cụ An cũng lấy chồng ở Cổ Loa.
Cụ An bảo, thời gian đầu các cụ trong làng còn ngăn cấm kịch liệt nhưng ngày càng có nhiều nam nữ hai làng yêu nhau nên cũng không ngăn cản nữa. Từ đó cho tới nay, theo nhẩm tính của các cụ cao niên trong làng, có tới gần 20 cặp trai gái Cổ Loa – Dục Tú cưới nhau.
Và có một điểm chung lạ là tất cả các đôi lứa ở hai làng đến với nhau vẫn sống yên bình, sinh con đẻ cái, gia đình đều sum vầy, hạnh phúc như chưa từng có lời nguyền nào truyền tụng trước đó.
Nhắc tới “lệ” xưa, chị Ngọc – cán bộ thư pháp xã Dục Tú, bản thân cũng lấy chồng Cổ Loa nói như minh chứng: “Câu chuyện hai làng tranh chấp đất đai, thù oán không được kết hôn thì ai cũng được nghe. Thế nhưng bây giờ trai gái hai làng cứ chân thành yêu nhau là kết hôn, chẳng ai để ý tới lời nguyền”.
Còn anh Ngô Văn Tùng – cán bộ phụ trách văn hóa xã Cổ Loa thì quả quyết: “Hiện tại không còn chuyện ngăn cản cấm đoán trai gái ở Cổ Loa và Dục Tú kết hôn nữa. Năm nào ít nhiều cũng có vài ba cặp ở hai làng cưới nhau. Thậm chí, lời nguyền ngày xưa của các cụ để lại giới trẻ cũng không quan tâm nhiều và không biết nữa”.
Theo TNO
Lệ làng thời nay - Bài 2: Bát nhang và rào cản tình yêu
Giữa trung tâm thành phố Nam Định, ít ai biết rằng vẫn còn có 2 ngôi làng trai gái không được phép lấy nhau vì "lệ làng" truyền kiếp từ hàng ngàn năm trước để lại.
Truyền thuyết bát hương chị - em
Làng Thượng Lỗi, Tức Mặc xưa (thuộc phường Lộc Vượng, TP.Nam Định), nay đã lên phố thị. Nhà tầng mọc lên san sát, phố xá bán buôn sầm uất cả ngày.
Nhưng câu chuyện truyền kiếp về bát hương chị - em cùng mối kết nghĩa giao hảo giữa hai làng vẫn không đổi theo thời gian. Trong cuốn ngọc phả lưu giữ ở đình làng Tức Mặc vẫn còn ghi lại rõ ràng về mối kết nghĩa chị - em của hai làng từ ngàn năm về trước.
Tương truyền kể rằng, câu chuyện bắt nguồn từ lịch sử của làng Thượng Lỗi (nay thuộc phường Lộc Vượng, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định), vốn là quê hương của bà Phạm Thị Côn Nương, một tướng thủy quân phù tá đánh giặc cho bà Trưng Trắc - Trưng Nhị.
Cụ Trần Khắc Kê (80 tuổi, ở Tức Mặc, phường Lộc Vượng) - thủ từ đình Tức Mặc lần giở cuốn ngọc phả về truyền thuyết 2 làng - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Năm Quý Mão 43, trong trận chiến với tướng Trung Quốc là Mã Viện, Hai Bà Trưng thua trận, quyết không cho giặc bắt, bà Côn Nương đã tự vẫn ở dòng Hát giang để giữ khí tiết. Để tưởng nhớ tới lòng quả cảm của vị tướng này, người dân đã lập đền thờ tại làng Thượng Lỗi.
Tới năm 1138, có một viên quan tên hiệu là Lý Triều Công đi đánh giặc đóng quân ở gần làng Thượng Lỗi vào thắp hương khấn vái đền thờ bà Côn Nương để cầu chiến thắng trong trận đánh sắp tới.
Thắng trận trở về, để tỏ lòng biết ơn, Lý Triều Công đã quay về dâng hương ở đền thờ Côn Nương một lần nữa.
Cụ Trần Khắc Kê (80 tuổi, ở Tức Mặc, phường Lộc Vượng) - thủ từ đình Tức Mặc kể lại, sau khi tướng Lý Triều Công mất, dân làng Thượng Lỗi cũng lập bát hương thờ.
Mặc dù hai vị tướng cách nhau cả ngàn năm, nhưng người dân lập chung đền thờ, mỗi người một bát hương coi 2 vị tướng như "hai chị em". Về sau, dân làng Tức Mặc xin làng Thượng Lỗi một bát hương về thờ, do nhầm lẫn nên đã lấy phải bát hương chị. Từ đó, hai ngôi làng kết nghĩa giao hảo "chị - em". Tức Mặc là dân chị còn Thượng Lỗi là dân em.
Con đường dẫn vào làng Tức Mặc - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Theo tập tục, cứ ba năm một lần vào ngày 24.11 trong những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, dân làng hai bên lại tưng bừng mở lễ rước giao hảo từ truyền thuyết năm xưa. Các cụ cao niên hai làng ngồi quây quần trong sân đình gợi nhắc mối kết nghĩa thân tình chị em hai làng để khắc sâu, ghi nhớ và răn đe con trẻ sau này.
Khởi nguồn từ mối kết nghĩa giao hảo ấy nên từ ngàn đời nay, trai gái 2 làng không được phép kết duyên với nhau vì là chị em trong cùng một nhà.
Những câu chuyện buồn
Bao đời nay, người dân ở 2 làng vẫn lưu truyền rằng, nếu ai đi ngược lại tập tục sẽ phải gánh chịu những bất hạnh hôn nhân, thậm chí vợ chồng âm - dương cách trở. Người dân nơi đây, từ già đến trẻ vẫn rỉ tai nhau câu chuyện buồn từ hàng trăm năm về trước để minh chứng cho lời nguyền năm xưa.
Tương truyền, trước kia, có một đôi trai gái bất chấp ngăn cấm của dòng họ đôi bên, cố tình lấy nhau nhưng rồi không sinh được con cái, cuối cùng cả hai bỏ nhau, đi mất tích không về. Hoặc nhiều cặp đôi khác ở 2 làng lấy nhau nhưng có cùng chung kết cục bi thảm, một trong hai người đoản mệnh chết sớm.
Những câu chuyện buồn như thế cứ lưu truyền từ đời này sang đời khác nhưng hỏi về thời gian, con người cụ thể thì không ai nắm được. Trai gái lớn lên sợ lời nguyền nên chẳng dám yêu nhau. Dù có yêu nhau cũng lập tức bị dòng họ ngăn cấm, phản đối quyết liệt.
Theo cụ Kê, hàng trăm năm nay ở hai làng không có một đôi trai gái nào đến được với nhau. Cụ Kê dẫn chứng hùng hồn, ngay cả với con cái cũng răn đe từ nhỏ, cấm không cho yêu người làng Thượng Lỗi bởi "người thiên hạ đâu có thiếu gì".
Truyền thuyết bát hương chị - em cách nhau ngàn năm tuổi và lời nguyền năm xưa đã trở thành rào cản tình yêu của nhiều đôi nam nữ ở 2 làng Tức Mặc, Thượng Lỗi.
Câu chuyện của hai làng như vậy là đúng, chắc chắn phải giữ nguyên nguồn gốc, đạo lý và phong tục chứ
Phó chủ tịch UBND phường Lộc Vượng Trần Quốc Toản
Câu chuyện vừa xảy ra 3 năm về trước khi con gái ông Đ. (người làng Tức Mặc) nảy nở tình yêu với một thanh niên làng Thượng Lỗi. Cả hai cùng đồng lòng mong muốn được kết duyên vợ chồng.
Thế nhưng, vừa ngỏ ý dạm hỏi, gia đình, dòng họ đã lập tức ngăn cấm. Không thể vượt qua rào cản quá lớn, cuối cùng mối tình đẹp của cặp trai gái 2 làng đã tan vỡ.
Tức Mặc, Thượng Lỗi giờ đang đổi thay từng ngày. Người dân ở tứ xứ về nhập cư sinh sống ở Thượng Lỗi ngày càng nhiều, người gốc làng Thượng Lỗi không còn được bao nhiêu.
Thế nhưng, khi nhắc tới lệ xưa cụ Trần Trọng Tuân (85 tuổi, người làng Tức Mặc), cao niên trong làng một mực khăng khăng: "Lệ làng phép nước, không bao giờ cho lấy. Đã cấm rồi, đời đời kiếp kiếp cũng không thể làm trái lại. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, tự quyết làm sao được. Kể cả người tứ xứ đến vẫn phải kiêng vì nhập cư tới đây hộ khẩu là Thượng Lỗi rồi chứ. Chứ còn lấy nhầm, lấy chui, lấy dúi ở thì tôi không biết".
Trao đổi với Thanh Niên Online, Phó chủ tịch UBND phường Lộc Vượng Trần Quốc Toản cho rằng "câu chuyện của hai làng như vậy là đúng, chắc chắn phải giữ nguyên nguồn gốc, đạo lý và phong tục chứ". Theo ông Toản, chính quyền không thể can thiệp được nhiều vì đó là chuyện giao hảo kết nghĩa, quy định của dòng họ hai làng.
Theo TNO
Lệ làng thời nay - Bài 1: Cấm yêu! Từ bao đời nay, theo tục xưa để lại, trai gái hai làng không được phép kết hôn, thậm chí nếu lớp trẻ quá đà yêu đương nhau sẽ bị "khai trừ ra khỏi làng". Chuyện thật tưởng như đùa đang diễn ra tại 2 làng Xuân Biều và Cẩm Hoàng (cùng thuộc xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang). Gốc gác...