Lễ hội thác Bản Giốc nơi biên cương Cao Bằng
Tháng 10 đến, thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) dường như đẹp hơn với những dòng nước bọt tung trắng xóa, trên nền xanh mướt của những dãy núi hùng vĩ và sắc vàng của những ruộng lúa trĩu bông…
Đây cũng là thời điểm Lễ hội thác Bản Giốc được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người, những nét đẹp văn hóa và tiềm năng du lịch của huyện Trùng Khánh tới du khách trong và ngoài nước.
Toàn cảnh thác Bản Giốc mùa lễ hội 2019. Ảnh: Thanh Thuận
Kỳ quan nơi biên giới
Thuộc hệ thống danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, thác Bản Giốc là một trong những thác nước tự nhiên đẹp, hùng vĩ nhất Đông Nam Á; thác tự nhiên lớn thứ 4 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới quốc gia; top 5 thác nước mang nhiều huyền thoại do tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn.
Nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, thác Bản Giốc như chốn bồng lai tiên cảnh gồm 2 thác với tổng chiều rộng lên tới 200m. Thác chính ở phía Bắc rộng khoảng 100m, cao 70m, gồm 3 tầng thác chênh nhau 34m. Thác phụ ở phía Nam ít nước hơn thác chính. Nhìn từ xa, từng dòng thác cuồn cuộn đổ xuống tạo nên những đám bọt trắng xóa, tựa như những dải lụa trắng mềm mại vắt ngang lưng đồi.
Thác Bản Giốc vào mùa khô và mùa mưa đều có những nét đẹp riêng thu hút du khách đến đây. Mùa mưa thác nước chảy mạnh, mang theo phù sa, lúc này thác Bản Giốc trông thật hùng vĩ.
Video đang HOT
Mùa khô, thác mang một vẻ thanh bình, yên ả. Ngày đêm, thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng khiến vô vàn hạt bụi nước li ti tung lên, tỏa mờ cả một vùng rộng lớn. Dưới chân thác Bản Giốc là mặt sông rộng, phẳng như gương. Vào những ngày nắng, trên mặt sông, hơi nước tạo một khoảng sương mù soi rọi dưới ánh nắng mặt trời tạo nên những cầu vồng lung linh, huyền ảo.
Đến với Bản Giốc, ngoài ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ của thác, du khách có thể đi thăm động Ngườm Ngao ở ngay cạnh thác, dài khoảng 3km, là một hang động tuyệt đẹp, được hình thành cách đây khoảng 300 triệu năm. Động thu hút du khách bởi những hình thù nhũ đá tự nhiên.
Du khách cũng có thể đi thăm bản người Tày với những nếp nhà sàn truyền thống để nghe những điệu hát lượn, hát then bên ánh lửa bập bùng hoặc thưởng thức những sản vật phong phú và độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa, ẩm thực của dân tộc thiểu số như: Cá trầm hương có thịt thơm như mùi trầm và hạt dẻ Trùng Khánh thơm ngon nổi tiếng.
Lễ hội dưới chân thác Bản Giốc
Tiếp nối thành công của lễ hội thác Bản Giốc hai lần trước, năm nay, Lễ hội thác Bản Giốc diễn ra trong 2 ngày 5 và 6-10 và được nâng tầm quy mô cấp tỉnh. Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng (1499 – 2019).
Ông Phạm Văn Cao, Bí thư Huyện ủy Trùng Khánh cho biết: “Lễ hội được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất, con người Cao Bằng, đặc biệt là quảng bá danh thắng quốc gia thác Bản Giốc, những nét văn hóa đặc sắc của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng và huyện Trùng Khánh đến với bạn bè trong nước, quốc tế. Qua đó, góp phần thu hút thêm nhiều du khách đến với Cao Bằng, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động du lịch, thương mại biên giới”.
Cũng theo ông Phạm Văn Cao, lễ hội năm nay có rất nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Điểm nổi bật nhất trong lễ hội năm nay là sân khấu lễ hội sẽ được kết hợp giữa thiên nhiên và ánh sáng. Không gian lễ hội được mở rộng về phía gần chân thác hơn và sử dụng thác nước làm phông nền của sân khấu.
Du khách nếm thử đặc sản Cao Bằng tại Lễ hội thác Bản Giốc. Ảnh:Thanh Thuận
Lễ hội năm nay gồm phần lễ và phần hội với các hoạt động: Lễ hội ánh sáng thác Bản Giốc diễn ra tối 5-10, tại khu vực chân thác Bản Giốc; Lễ rước nước thiêng từ thác Bản Giốc lên chùa, lễ cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa tổ chức từ sáng 6-10, tại chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc; trưng bày gian hàng giới thiệu sản vật, đặc sản, văn hóa ẩm thực của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trùng Khánh; triển lãm ảnh “Khám phá miền non nước Trùng Khánh” và “Cao Bằng – 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian (lày cỏ, kéo co, tung còn, nhảy bao, đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt, bóc hạt dẻ…), chèo xuồng kayak; Liên hoan dân ca của các phân chi hội bảo tồn dân ca các dân tộc của các xã, thị trấn thuộc huyện Trùng Khánh…
Là địa phương diễn ra lễ hội, UBND xã Đàm Thủy đã làm việc với các chủ nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú, khách sạn và các hộ kinh doanh các mặt hàng trên địa bàn xã thực hiện ký cam kết không tăng giá…
Với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể huyện Trùng Khánh và cấp ủy, chính quyền xã Đàm Thủy cũng như sự đồng thuận của người dân địa phương, Lễ hội thác Bản Giốc năm 2019 đã đem lại những cảm giác mới mẻ, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất, con người với những nét văn hóa của huyện Trùng Khánh đến với bạn bè trong nước và quốc tế, thu hút du khách đến tham quan các danh thắng của địa phương, thúc đẩy tiềm năng du lịch của huyện ngày một phát triển.
Thanh Thuận
Theo bienphong.com.vn
Độc đáo Ngày hội hoa muồng vàng tại Gia Lai
Đến với ngày hội, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn vẻ đẹp rực rỡ của hoa muồng, thưởng thức tiếng cồng chiêng, văn hóa ẩm thực và tham gia các trò chơi dân gian.
Hoa muồng vàng ở thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Ảnh: Phan Nguyên/Báo Gia Lai
"Ngày hội hoa muồng vàng năm 2019" sẽ được huyện Chư Prông, Gia Lai tổ chức trong 2 ngày (5 và 6/10) tại thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn. Đây là lần đầu tiên huyện Chư Prông tổ chức ngày hội hoa muồng vàng nhằm tôn vinh mảnh đất, con người và các giá trị văn hóa của nhân dân các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện; đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và kêu gọi đầu tư để từng bước phát triển du lịch huyện nhà.
Lễ khai mạc "Ngày hội hoa muồng vàng năm 2019" sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 5/10, tại sân bóng đá thôn Tây Hồ. Ngày hội được tổ chức gắn với các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (15/9/1954-15/9/2019) và hướng tới kỷ niệm 54 năm Chiến thắng Plei Me (19/11/1965-19/11/2019). Trong đêm khai mạc, du khách sẽ được thưởng thức chương trình nghệ thuật ca múa nhạc tổng hợp và cùng sinh hoạt đốt lửa trại, tham gia các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt vịt, đập niêu, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, bịt mắt bắt cá, nhảy bao bố...
Ngoài ra, Ban tổ chức bố trí, sắp xếp 20 gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công và các đặc sản như: thổ cẩm, đan lát, cà phê, chè, trái cây..., giúp khách thoải mái tham quan, mua sắm. Du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của đồng bào địa phương như: cơm lam, gà nướng, rưụ ghè, lá mì, cà đắng, thịt nướng lồ ô...
Những năm gần đây, Bàu Cạn đã trở thành một điểm đến quen thuộc với nhiều du khách yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên. Thời điểm này, Bàu Cạn cực kỳ quyến rũ bởi sắc hoa muồng vàng xen giữa đồi chè xanh mướt bạt ngàn, cùng với đó là hệ thống hồ nước trong xanh quanh năm dịu mát, soi bóng mây trời, cỏ cây hoa lá. Du khách đến đây cũng sẽ được chiêm ngưỡng thác nước cao 25 m trên dòng suối Ia Púch, đá phủ rêu phong qua hàng trăm năm. Nơi này còn có nhà máy thủy điện cổ nhất vùng Tây Nguyên, được xây dựng từ năm 1950; hệ thống đồn điền, nhà xưởng, máy móc chế biến chè được người Pháp xây dựng từ năm 1923.
Lan Anh (t/h)
Theo toquoc.vn
Cao Bằng đẹp hùng vĩ, mơ mộng như chốn bồng lai nhìn từ không ảnh Thác bản Giốc, thành phố Cao Bằng và hàng loạt núi non hùng vĩ của tỉnh Cao Bằng hiện lên trùng điệp qua không ảnh, loạt ảnh chụp bằng flycam. Cảnh sắc sông núi hòa quyện xanh ngắt một màu ở Thông Nông Cảnh sắc núi non hùng vĩ ở Trà Lĩnh (Cao Bằng) Thác bản Giốc từ trên cao Lễ hội du...