Lễ hội ngập tràn “của quý” ở Hi Lạp
Mỗi năm, vào thứ hai đầu tiên của mùa ăn chay, người dân thị trấn nhỏ bé Tirnavos, Hy Lạp, trở nên “phát cuồng” vì các mô hình “của quý”, thậm chí còn ép những người qua đường hôn những biểu tượng sinh thực khí nam.
Hình ảnh dễ thấy tại lễ hội Tirnavos (Ảnh: Vice)
Lễ hội phồn thực Linh tinh tình phộc tôn vinh bộ phận sinh sản và hòa hợp âm dương ở Phú Thọ có từ lâu đời, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy có phần lạ lẫm. Thực ra, trên thế giới cũng có nhiều lễ hội có ý nghĩa tương tự, dưới nhiều hình thức khác nhau. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu các lễ hội phồn thực độc đáo nhất thế giới qua loạt bài này.
Nếu bạn muốn ăn bánh mỳ hình “của quý”, uống từ chiếc cốc hình “của quý”, hôn những “của quý” bằng sứ, ngồi trên những chiếc ghế hình “của quý” và hát những bài hát về nó, bạn nên đến thăm thị trấn nhỏ Tirnavos của Hi Lạp hằng năm vào dịp lễ hội “Thứ 2 sạch sẽ”.
Lễ hội phồn thực kéo dài một ngày ở thị trấn với 15.000 dân gần thành phố Larissa, miền trung Hy Lạp, đánh dấu ngày bắt đầu mùa ăn chay trước Lễ Phục sinh, là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất của Hi Lạp.
Người dân hào hứng tham gia lễ hội (Ảnh: Vice)
Nhưng hãy lên tinh thần trước khi đến đó. Những người qua đường có thể bị túm lấy và kéo sát vào “Bourari” – nồi súp rau chân vịt đang sôi, trong khi họ phải kẹp một chiếc sinh thực khí nam bằng sứ ở giữa hai đùi. Họ thậm chí phải hôn nó, rồi uống Tsipouro – một loại rượu mạnh của địa phương – phun ra từ đầu của chiếc sinh thực khí, và phải quấy ngồi súp trước khi được thả đi.
Những người đã hôn sẽ được bôi nhọ nồi lên mặt, chứng nhận rằng họ đã hành lễ và sẽ không bị bắt phải thực hiện thủ tục trên một lần nữa, trừ khi họ muốn.
Lễ hội này nhằm tôn vinh Dionysus – vị thánh của rượu vang, sự điên rồ và say mê theo tín ngưỡng của người Hi Lạp.
Nếu muốn chuẩn bị trước khi đến đó, bạn có thể tìm vài chiếc “của quý” bằng sứ và đeo chúng vào bụng. Chú ý là phải đến đúng ngày vì thị trấn này hoàn toàn bình thường trong 364 ngày còn lại của năm.
Những bài hát về “của quý” được hòa ca trên đường trong “Ngày Thứ 2 sạch sẽ” không được hát trong những dịp khác.
Video đang HOT
Những năm qua, dần dần có thêm nhiều phụ nữ và trẻ em tham gia vào lễ hội này (Ảnh: Vice)
Trong khi tất cả đàn ông, đàn bà và trẻ con ở Tirnavos ngợi ca “của quý”, thì người dân ở những vùng khác của Hi Lạp kỉ niệm ngày đầu tiên của mùa ăn chay trước Lễ Phục Sinh bằng những cách giản dị nhất, như thả diều và ăn bạch tuộc, quả ôliu và bánh mì không lên men.
Trước năm 1940, buổi tiệc “của quý” vẫn chủ yếu dành cho đàn ông. Những năm qua, dần dần có thêm nhiều phụ nữ và trẻ em tham gia, và ngày nay còn có mặt cả du khách nước ngoài. Tuy nhiên, nhà thờ địa phương không thực sự ủng hộ lễ hội này.
Lễ hội này ít nhất đã 100 năm tuổi. Tài liệu đầu tiên về nó có từ năm 1898. Trong đầu thế kỷ 20, lễ hội Tirnavos bị chính quyền lên án mạnh mẽ vì cho rằng nó đi ngược lại những tiêu chuẩn đạo đức của con người.
Tuy nhiên, lệnh cấm không thể ngăn người dân Tirnavos tổ chức lễ hội trong bí mật. Sau đó, ách cai trị độc tài tiếp tục khiến lễ hội bị cấm đoán cho đến năm 1980. Trong những năm gần đây, nó trở thành lễ hội lớn nhất và sôi động nhất ở miền trung Hi Lạp.
Theo Danviet
Khám phá lễ hội rước "của quý" khổng lồ ở Nhật Bản
Trên thế giới có nhiều lễ hội tôn vinh tín ngưỡng phồn thực giống lễ hội Linh tinh tình phộc ở Việt Nam, điển hình là lễ hội rước "của quý" bằng thép ở Nhật Bản nhằm tôn vinh sức mạnh của bộ phận sinh sản nam.
"Của quý" làm bằng gỗ được rất nhiều người rước từ ngôi đền qua nhiều con phố
Lễ hội phồn thực Linh tinh tình phộc tôn vinh bộ phận sinh sản và hòa hợp âm dương ở Phú Thọ có từ lâu đời, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy có phần lạ lẫm. Thực ra, trên thế giới cũng có nhiều lễ hội có ý nghĩa tương tự, dưới nhiều hình thức khác nhau. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu các lễ hội phồn thực độc đáo nhất thế giới qua loạt bài này.
Ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 4 hằng năm là ngày diễn ra lễ hội phồn thực Shinto ở Nhật Bản, còn gọi là Kanamara Matsuri hay "Lễ hội của dương vật thép". Trải qua thời gian, lễ hội này không mờ nhạt đi mà ngày càng thu hút đông người tham gia, trong đó có không ít du khách nước ngoài.
Nhiều người có thể thắc mắc tại sao người Nhật lại tôn vinh "của quý thép". Theo truyền thuyết, vào thời kỳ Edo (1603-1867), có một con quỷ răng nhọn phải lòng một cô gái xinh đẹp. Nhưng cô này không đáp lại tình cảm của nó mà quyết định kết hôn một người đàn ông khác. Con quỷ giận giữ đã chui vào bộ phận sinh dục của cô gái và dùng răng nhọn cắn đứt "của quý" của chú rể trong đêm tân hôn.
Linh vật của lễ hội làm bằng gỗ và sơn màu thép như trong truyền thuyết
Khi cô gái tái hôn, con quỷ ghen tức tiếp tục cắn đứt của người chồng thứ hai. Thương cảm cho cô gái, dân làng bày mưu lừa con quỷ. Một người thợ rèn chế chiếc "của quý" bằng thép để cô gái đưa vào người. Con quỷ bị gãy hết răng khi cắn phải vật này nên đã phải rời khỏi cơ thể cô gái.
Sau đó, truyền thuyết này được tưởng nhớ bằng cách đưa một "của quý" bằng thép vào đền Kanayama, nơi thờ Kanayama Hikonokami và Kanayama Himenokami - hai vị thần của sự sinh nở và sức khỏe của bụng.
Đền Kanayama sau này trở thành nơi các cô gái mại dâm đến cầu nguyện để mong được bảo vệ khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng đến đây để cầu khấn đường con cái.
"Của quý" màu hồng mang tên Elizabeth là món quà từ câu lạc bộ Elizabeth Kaikan ở Tokyo cho ngôi đền
Lễ hội Kanamara Matsuri ngày nay là nơi những người thuộc các giới tính khác nhau được chào đón, cho dù xã hội Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn cởi mở với những người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Ngoài lễ rước chiếc "của quý" khổng lồ, ở lễ hội Kanamara Matsuri còn còn có rất nhiều đồ lưu niệm hình sinh thực khí nam được bày bán, như móc chìa khóa, đồ trang sức, bút, đồ chơi và sô-cô-la. Nhưng bán chạy nhất là những cây kẹo hình bộ phận sinh dục nam và nữ.
Người dự hội gọt củ cải thành hình bộ phận sinh dục nam
Đối với văn hóa phương Tây, những hình ảnh này có vẻ là sự phô trương kỳ dị, nhưng nhiều người cho rằng tính cởi mở của lễ hội mang tính lành mạnh khi tôn vinh khả năng sinh sản. Trên thực tế, nhiều người Nhật đến lễ hội cùng con của họ và không ngần ngại mua cho chúng những cây kẹo hình sinh thức khí nam hay để chúng đứng cạnh các "của quý" giả để chụp ảnh lưu niệm.
Lễ hội Kanamara Matsuri năm nay sẽ diễn ra vào ngày 3/4, tại thành phố Kawasaki trên đảo Honshu. Những năm gần đây, lễ hội gắn với chủ đề nâng cao nhận thức của người dân về tình dục an toàn, và tiền thu được dành để phục vụ các hoạt động phòng chống AIDS.
Một số hình ảnh khác về lễ hội Kanamara Matsuri:
Hai cô gái với cây kẹo hình "của quý"
Nữ giới thoải mái chơi đùa với mô hình sinh thực khí nam bằng gỗ
Một cặp kính gắn thêm hình "của quý"
Những cây nến hình "của quý"
___________________
Đón đọc kỳ sau về lễ hội tôn vinh kinh nguyệt ở Ấn Độ
Theo Danviet