Lễ hội hoa Tam giác mạch 2020: Một Hà Giang đổi mới, trẻ trung, đậm đà bản sắc
Với chủ đề ‘Sắc hoa cao nguyên đá’, Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ VI – năm 2020 sẽ được khai mạc vào tối 28/11 tại Quảng trường 26/3 (TP Hà Giang) và điểm cầu thị trấn Đồng Văn.
Hoa tam giác mạch Hà Giang thu hút giới trẻ tham quan trải nghiệm
Nhiều năm trở lại đây, hoa tam giác mạch trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành một thương hiệu du lịch nổi tiếng của tỉnh Hà Giang. Không chỉ là loài hoa dùng làm lương thực lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số, tam giác mạch còn mang lại vẻ đẹp thơ mộng, tạo nên nét độc đáo nơi vùng cao núi đá. Tháng 11 đến, du khách muôn nơi lại tìm về với Cao nguyên đá Đồng Văn để ngắm nhìn và tham gia lễ hội có một không hai về loài hoa này.
Thuở ban đầu, tam giác mạch chỉ được sử dụng để làm bánh hoặc trộn với ngô nấu rượu. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy vẻ đẹp tiềm ẩn của loài hoa này có thể đem lại giá trị cho ngành du lịch, tỉnh Hà Giang đã tuyên truyền, vận động bà con người Mông cùng tham gia trồng hoa tam giác mạch. Đồng thời, Lễ hội hoa Tam giác mạch cũng được tổ chức hàng năm để thu hút du khách.
Đến nay, Lễ hội hoa Tam giác mạch đã trải qua 5 mùa với nhiều ấn tượng để lại trong lòng du khách. Nối tiếp truyền thống đó, Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ VI năm 2020 sẽ được tổ chức với chủ đề Sắc hoa cao nguyên đá . Đặc biệt, năm 2020 còn đánh dấu cột mốc 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Chính vì vậy, Lễ hội lần này không chỉ tôn vinh giá trị di sản và sức sống mãnh liệt của đồng bào các dân tộc sống tại miền núi đá, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang gắn liền với loài hoa tam giác mạch, mà còn giới thiệu tới các đại biểu và du khách những giá trị văn hóa đặc sắc, di sản địa chất độc đáo gắn với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
Phối cảnh dự kiến chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO và Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ VI
Video đang HOT
Điểm nổi bật của Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang năm 2020 chính là chương trình nghệ thuật Khai mạc sẽ diễn ra vào tối ngày 28/11. Chương trình được thực hiện tại 2 điểm cầu: Sân khấu chính tại Quảng trường 26/3 (TP. Hà Giang) và điểm cầu tại thị trấn Đồng Văn. Ngoài phần trình diễn mở màn, phần lễ gồm 3 chương: Huyền thoại miền đá, Đá nở hoa và Sắc hoa vươn xa . Với âm thanh, ánh sáng và âm nhạc hiện đại, chương trình nghệ thuật hứa hẹn sẽ thể hiện tới khán giả một Hà Giang đổi mới, trẻ trung, nhưng vẫn giữ nguyên các giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng cao núi đá.
Đặc biệt, chương trình Khai mạc cũng sẽ được phát trực tiếp trên các nền tảng số của tỉnh Hà Giang, để những người con xa xứ, những du khách chưa có cơ hội đến thăm vùng đất này cũng có thể được ngắm nhìn sự phát triển của vùng cực Bắc Tổ quốc.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Lễ hội còn có nhiều sự kiện hấp dẫn dành cho du khách như: Giải đua xe địa hình với chủ đề Tinh thần đá , Liên hoan Văn hóa ẩm thực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP Hồ Chí Minh, các hoạt động du lịch trải nghiệm…
Hoa tam giác mạch qua ống kính nhiếp ảnh gia Tăng Hồng Quân
Truyền thuyết về loài hoa tam giác mạch được người dân bản địa kể lại rằng: Nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới. Hạt gieo xong, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì, hai nàng bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt, người người lấy hạt về ăn. Cho đến khi hạt ngô, hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ mùa sau vẫn chưa tới, cái đói kéo về u ám bản làng, mọi người mới chia nhau đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua, nhiều nơi đã đến mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng.
Bỗng một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người lần theo mùi hương ấy đến khe núi và ngỡ ngàng khi thấy một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia. Ăn thử hạt của hoa thấy ngon không kém gì ngô và gạo bèn mang về làm lương thực, khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì cây họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá lại có hình tam giác, vậy là cái tên “tam giác mạch” ra đời.
Làm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Mông
Nổi bật giữa màu xám của núi đá, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) thôn Pả Vi, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tạo được dấu ấn với du khách khi có dịp dừng chân trên hành trình khám phá cao nguyên đá Đồng Văn.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng bản sắc văn hóa phong phú của đồng bào Mông, nơi đây là điểm đến thú vị cho du khách trong và ngoài nước khi đến Mèo Vạc.
Một góc Làng VHDLCĐ thôn Pả Vi với nhà trình tường đặc trưng của dân tộc Mông. Ảnh: Thanh Thuận
Làng VHDLCĐ thôn Pả Vi nằm trong vùng lõi Công viên địa chất toàn cầu - cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, với những dãy núi đá tai mèo lởm chởm, trùng điệp, những cung đường đèo uốn lượn giữa lưng trời. Nơi đây khá gần những điểm đến là danh lam, thắng cảnh được thiên nhiên ưu đãi gắn với những truyền thuyết ly kỳ như: Mê cung đá; Chuyện tình chàng Ba và nàng Út; sự tích vách đá trắng trên đỉnh núi cô Tiên...
Từ đây, du khách có thể tham quan một số di tích văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, như: Danh thắng Mã Pì Lèng, hóa thạch huệ biển, hang Rồng.
Mỗi cuối tuần, chợ phiên lại được mở ra trên triền đá với bức tranh đầy sắc màu của các dân tộc ít người, những váy áo thổ cẩm sặc sỡ đung đưa theo nhịp chân của những cô gái Mông từ các triền núi tìm đến chợ. Tại chợ phiên, những sản vật địa phương, những món ăn truyền thống, những bộ trang phục đặc trưng của người Mông... được bày bán tại chợ đã thu hút khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Làng VHDLCĐ thôn Pả Vi thuộc huyện Mèo Vạc - vùng đất đa sắc màu văn hóa nổi tiếng với lễ hội Chợ tình Khau Vai. Đây được xem như một trong những phiên chợ đặc sắc nhất miền sơn cước Hà Giang. Hằng năm, cứ đến ngày 27-3 âm lịch, xã Khau Vai tổ chức lễ hội là người dân từ các huyện khác của Hà Giang và du khách từ khắp các tỉnh, thành lại nườm nượp đổ về Khau Vai, khám phá, tìm hiểu văn hóa, tham dự lễ hội.
Mặt khác, các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm giá trị nhân văn được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị, như: Lễ hội Cầu mưa của dân tộc Lô Lô, lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, lễ hội Múa trống của dân tộc Giấy, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao... Những yếu tố tự nhiên thuận lợi và vốn văn hóa bản địa đặc sắc là những yếu tố giúp địa phương trở thành "miền đất hứa" trong phát triển du lịch cộng đồng.
Ghé thăm Làng VHDLCĐ thôn Pả Vi, có thể nhận thấy sự thay đổi trong diện mạo, cảnh quan của làng, cũng như trong nếp sống, nếp nghĩ của người dân nơi đây. Làng được đưa vào khai thác dịch vụ du lịch cộng đồng từ cuối tháng 4-2019, có tổng diện tích trên 27.000m2, với các hạng mục chính: Nhà văn hóa 5 gian và nhà trưng bày sản phẩm 3 gian thiết kế theo kiến trúc nhà khung gỗ, trình tường, mái lợp ngói âm dương 2 tầng; hệ thống giao thông lát đá xẻ địa phương; hệ thống điện ngầm; bãi đỗ xe; 2 khu vui chơi và các hạng mục khác.
Ngôi làng với 100% người dân là người Mông, được quy hoạch tập trung với kiến trúc nhà trình tường đặc trưng của dân tộc Mông lợp ngói âm dương liền kề nhau; đường làng sạch sẽ, dọc các cung đường được trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan cho ngôi làng. Qua công tác tuyên truyền của các ban, ngành tỉnh Hà Giang, người dân tộc Mông thôn Pả Vi đã dần thay đổi trong nhận thức, bắt đầu tiếp cận với phát triển du lịch và nhận thức rõ ý nghĩa của việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Hiện nay, Làng VHDLCĐ thôn Pả Vi có 28 hộ dân làm du lịch cộng đồng, giúp người dân trong thôn có thêm công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Các gia đình trong thôn Pả Vi đã xây dựng và phát triển dịch vụ homestay với quán ăn, sân chơi, quán cà phê, gian hàng trưng bày đồ lưu niệm như: Thổ cẩm, các vật dụng sinh hoạt thường ngày của đồng bào Mông... phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, người dân thôn Pả Vi còn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong làm du lịch cộng đồng. Đến Làng VHDLCĐ thôn Pả Vi, du khách được tận mắt chứng kiến và cùng trải nghiệm hay ngắm nhìn những sản phẩm thổ cẩm độc đáo mà bà con đã làm...
Tất cả các sản phẩm ở đây đều được làm ra từ chính đôi bàn tay của những người phụ nữ dân tộc Mông. Từng công đoạn từ tước lanh, se sợi, dệt vải... đều được bà con dân bản làm tại chỗ để du khách chiêm ngưỡng. Sản phẩm thổ cẩm gồm các loại hàng như mũ, áo, váy, túi, bao đựng điện thoại...
Có dịp nghỉ lại thôn Pả Vi, du khách được ăn những món ăn dân dã, mang hương vị núi rừng; thưởng thức những tiết mục văn nghệ của những người dân nơi đây với tiếng khèn réo rắt của những chàng trai Mông, những điệu múa xòe hoa dập dìu, chìm đắm trong không gian đậm màu sơn cước khiến nhiều du khách không khỏi thích thú.
Bảo tồn vốn văn hóa truyền thống để phát triển du lịch đang là mục tiêu của tỉnh Hà Giang nói chung, huyện Mèo Vạc nói riêng. Du khách có dịp đến với Làng VHDLCĐ thôn Pả Vi - chốn núi rừng hùng vĩ không chỉ để ngắm cảnh, mà còn để thưởng thức nét đẹp văn hóa các dân tộc cũng như hòa mình vào cuộc sống của người dân tộc Mông nơi đây để chuyến đi có ý nghĩa hơn.
Hà Giang đẹp ngỡ ngàng những ngày chớm Đông Thời điểm những ngày đầu mùa Đông, cũng là lúc Hà Giang nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nơi đây đang đẹp vô cùng khi hoa tam giác mạch nở rộ khắp các cung đường, phủ sắc hồng tím lãng mạn níu chân du khách. Đến Hà Giang vào dịp này, du khách không chỉ được tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên...