Lễ hội cầu ngư đầy màu sắc ở Bình Thuận
Lễ Cầu ngư chính mùa ở Bình Thuận thường diễn ra vào 20/6 âm lịch với nhiều nghi lễ dân gian ý nghĩa, đầy màu sắc, tái hiện sinh động tục thờ cúng cá Ông của vạn chài nơi đây.
Tục thờ cá Ông
Cầu ngư là một loại hình lễ hội dân gian gắn liền với tín ngưỡng và đời sống cư dân ven biển miền Trung, miền Nam nước ta. Cũng như ngư dân các vùng biển khác, ngư dân Bình Thuận có niềm tin mãnh liệt vào sự linh thiêng của cá Ông và coi đây là vị Thần phò trợ, giúp họ vượt qua những hiểm nguy trên biển. Lễ hội Cầu Ngư diễn ra hàng năm ở hầu hết các dinh vạn thờ cá Ông (cá Voi) của tỉnh.
Theo truyền thuyết, cá Ông vốn hóa thân từ những mảnh áo cà sa của Phật Bà Quan Âm quăng xuống biển để cứu vớt sinh linh bị chìm đắm. Truyền thuyết về cá Ông còn được gắn với những ngày đầu lập quốc của vua Gia Long Nguyễn Ánh: Khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, thủy quân của Nguyễn Ánh tháo chạy ra biển và gặp phải sóng to gió lớn, trong lúc nguy khốn bỗng có một con cá Ông to lớn ghé đưa thuyền vào bờ. Sau này khi thắng quân Tây Sơn và lên ngôi vua, nhớ ơn cứu mạng, Nguyễn Ánh đã phong tặng cá Ông là Nam Hải Đại tướng quân và sức cho dân lập miếu thờ cúng, tín ngưỡng cá Ông… Vì thế, dưới triều Nguyễn người phát hiện ra cá voi mắc cạn sẽ được miễn sưu dịch 3 năm.
Trước khi ra khơi, ngư dân thường cúng vái cá Ông mong cho sóng yên bể lặn, cá đầy ăm ắp. Đặc biệt những lúc gặp mưa giông bão tố, cá Ông được xem là vị thần duy nhất có thể giúp họ thoát khỏi nguy nan trong tích tắc. Những câu chuyện, truyền thuyết về những cuộc cứu vớt thần kì càng làm sống động thêm lòng tin vào vị thần biển luôn phò trợ, giúp sức cho người đi biển.
Người dân vạn chài tin rằng Cá Ông lụy và trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi. Vì lòng tín ngưỡng ấy, mỗi khi có cá voi bị nạn dạt vào bờ, dân chài thường làm lễ cúng tế long trọng, chôn cất và để tang Ông, hương khói như chính cha mẹ mình vậy . Xác cá được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển. Ba bốn năm sau khi chôn, dân làng sẽ làm lễ cải táng, rồi đem cốt cho nhập lăng.
Cá ông trôi vào bờ đang được người dân chuẩn bị chôn cất theo nghi lễ truyền thống.
Tưng bừng lễ hội
Hàng năm dân làng chọn ngày “ông lụy”, tức ngày cá Ông trôi vào bờ làm lễ cúng giỗ.
Lễ Cầu ngư chính mùa ở Bình Thuận thường diễn ra vào 20 tháng Sáu âm lịch đã trở thành một lễ hội truyền thống của nhân dân nơi đây.
Lễ hội Cầu Ngư tái hiện lại một cách sinh động phong tục truyền thống thờ cúng cá Ông theo những truyền thuyết mang đậm nét dân gian gồm hai phần lễ và hội. Đây là lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa vùng biển, thu hút hàng vạn lượt người tham gia, với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa.
Video đang HOT
Từ sáng sớm, các đội chèo Bá Trạo, Nhạc lễ, Nghi thức lễ cùng hàng trăm ngư dân trong trang phục truyền thống đã long trọng “Cung nghinh lệnh Ông Sanh” hay còn gọi là lễ rước hồn Thần Nam Hải từ Hòn Lao về cửa biển Cồn Chà, tiếp đó, rước Nghinh Ông theo dọc bờ sông Cà Ty về Vạn Thủy Tú. Đây là lễ nghi quan trọng nhất mang tính cộng đồng rõ nét, với mục đích cầu Ông Nam Hải phù hộ cho ngư dân an lành, được những mùa cá bội thu, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, đánh bắt được mùa, dân làng no ấm, mọi người hạnh phúc.
Ngoài cúng tế cá Ông, người dân còn làm lễ phóng đăng trên biển, thả thuyền cúng các linh hồn đã khuất trên biển, lễ phóng sanh, lễ phá cộ…. Tất cả tàu thuyền ra khơi đến một vị trí đã định trước và vị chánh tế đọc văn tế cầu mong cá Ông chứng dám lòng thành của ngư dân trên biển.
Thuyền, ghe được trang hoàng lộng lẫy tham gia lễ rước.
Vạn Thủy Tú, nơi thờ vị thần biển, cùng hơn 100 bộ xương cá để tiến hành tế lễ.
Tái hiện cảnh đánh cá của ngư dân vạn chài.
Tiếp theo là phần hội với nhiều hoạt động độc đáo như hát chéo Bá Trạo, hát Bội và đua thuyền truyền thống giữa các vạn chài trên sông Cà Ty là những nét đặc sắc và được xem là tinh hoa văn hóa đặc trưng trong lễ hội cầu ngư của cư dân làng biển. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển như hát bài chòi, thi đua thuyền, lắc thúng, thi câu mực, vá lưới,… là những hoạt động thu hút người xem nhất.
Tập tục thờ cúng cá Ông thể hiện niềm tin và lòng tôn kính của những người lao động biển với Ông Nam Hải, đồng thời thể hiện nét đẹp văn hóa của ngư dân Bình Thuận.
Theo Bưu điện Việt Nam
Dong buồm ra cù lao Câu mùa lạnh
Vào thời điểm này, đi đảo cũng lắm cái thú. Không khí dễ chịu hơn, nước mát hơn, nắng trong hơn, gió cũng lồng lộng hơn.
Mọi người thường được khuyên muốn ra đảo, nên đi trước tháng 7 âm lịch. Nếu không chỉ nhìn đảo từ xa bởi không có tàu thuyền nào dám vượt bão đưa bạn ra khơi. Trường hợp khác, ra được tới đảo, bão đến, không về đất liền được, lương thực không có thì chỉ nằm... đói. Nhưng vào thời điểm bão đã đi qua này, đi đảo cũng lắm cái thú. Không khí dễ chịu hơn, nước mát hơn, gió cũng nhiều hơn nhưng thích nhất là không phải đối diện với cái nắng gay gắt giữa trời cao và biển rộng. Cù lao Câu có thể xem là địa điểm thú vị cho chuyến ra đảo mùa đông của bạn.
Cù lao Câu hay còn gọi là hòn Câu, đảo Câu cách bờ biển xã Phước Thể (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) là một đảo vắng, cách bờ biển khoảng 9km, có chiều dài trên 1.500m. Nơi rộng nhất của đảo gần 700m, nơi cao nhất 7m. Bạn có thể ra đảo bằng mủng nếu đi một mình hoặc bằng tàu đánh cá nếu đi một nhóm. Mỗi phương tiện vận chuyển đều có cái thú khác nhau, nhưng độ nguy hiểm thì như nhau vì không có ao phao. Thời gian từ đất liền ra đảo khoảng 40 phút.
Tuy thu hút khách du lịch thời gian gần đây, thậm chí có nhiều công ty du lịch nhắm đến nhưng cù lao Câu vẫn giữ đựợc vẻ nguyên thuỷ ban đầu: điện mặt trời, cả đảo chỉ có một cái giếng, không có cư dân, chỉ có một trung đội bộ đội biên phòng giữ đảo, sinh vật thì vài con chó và một hang đầy chim én. Bù lại, đảo có bãi biển tuyệt đẹp với làn nước xanh trong veo, bãi cát trắng hoang sơ và hàng ngàn khối đá với hình thù độc đáo, thú vị mà người ít tưởng tượng nhất cũng có thể hình dung đó là con vật, con người... Xen kẽ các khu vườn đá là những bãi cỏ xanh mướt.
Đá chen cây
Đảo khá nhỏ, thời tiết mùa đông dễ chịu, lại không có dân cư nên bạn tha hồ sục sạo. Đừng quên ghé hang Yến xem loại chim này xây tổ. Ghé hang ba Hòn (3 hòn đá lớn dựng đứng tạo thành một hang động) vừa trốn nắng vừa cảm nhận cái bao la, rộng lớn của đất trời và đón gió biển. Ghé bãi san hô sống ngắm nhiều loại sắc san hô màu sặc sỡ, độc đáo, hay bãi cá suốt, nơi tập trung các loài cá, mực, cua, ghẹ, sò, ốc... và bãi tắm tiên, một khu vực khép kín với các dãy đá dựng đứng bao quanh). Hoặc đợi đến chiều, ngắm mặt trời đang chìm dần trên biển, sẽ thấy lòng yên bình giữa trời mây nước.
Nếu đến đảo từ tháng 3 đến tháng 7, trời đẹp, ngư dân ở các làng chài gần đó ra đảo, dựng quán bán đồ cho ngư dân đi biển, bạn không phải lo về chuyện ăn uống hay ngủ lại. Nhưng nếu đi tháng này, bạn phải tự trang bị. Bạn cũng có thể liên hệ với biên phòng để nhờ sắp xếp chỗ ngủ, nhưng cũng chỉ dừng ở hình thức dã ngoại. Cuối cùng, muốn lên được đảo, bạn phải xin phép chính quyền địa phương. Nếu không có liên lạc từ chính quyền, bộ đội biên phòng sẽ không cho tàu hay mủng chở bạn cập đảo.
Cù lao Câu cách thành phố Phan Thiết 30 km. Bạn có thể ra đảo theo dạng du lịch bụi hay đăng ký đi theo tour với giá 1.450.000 đồng /người cho chuyến đi 2 ngày 2 đêm.
Chuẩn bị lưới đánh cá.
Cập cảng sau một ngày ra khơi.
Một loại cá có hình dáng kỳ lạ.
Lễ hội Cầu ngư tổ chức tại đảo vào ngày 15 và 16 tháng 4 âm lịch hàng năm.
Theo Bưu điện Việt Nam