Lễ hội bia Đức trở lại, giá tăng chưa từng có
Lễ hội bia Đức quay lại sau hai năm gián đoạn. Giá một cốc bia đã tăng khoảng 15% so với năm 2019, theo SCMP.
Lễ hội bia Đức trở lại sau 2 năm gián đoạn. Ảnh: AP.
Lễ hội Oktoberfest ( Munich, Đức) quay lại sau hai năm gián đoạn bởi đại dịch cùng những hoạt động giải trí sôi động. Những cuộc thi uống bia, đĩa thịt lợn nướng thơm phức, bánh pretzel khổng lồ, cùng cô gái Đức vui tươi trong bộ trang phục truyền thống… làm nên màu sắc của lễ hội nổi tiếng bậc nhất hành tinh.
Tuy nhiên, trong lần trở lại này lễ hội Oktoberfest đối mặt với nhiều khó khăn. Lạm phát ở châu Âu đã len lỏi tới từng cốc bia Đức. Những nhà sản xuất bia tại Đức đang phải đối mặt với các khoản chi phí tăng cao chồng chất.
Trong khi đó, du khách tham dự sẽ phải trả chi phí cao hơn khi giá một cốc bia tăng khoảng 15% so với năm 2019.
Giá bia tăng chưa từng có
Lễ hội bia Oktoberfest là một minh chứng điển hình cho tình hình lạm phát đang diễn ra khắp châu Âu.
Hiện tại, chi phí cho một cốc bia một lít có giá từ 12,84 USD đến 14,07 USD, tăng khoảng 15% so với năm 2019, theo thông tin từ trang chủ của lễ hội Oktoberfest.
Một người đàn ông đang gắn biển quảng cáo cho gian hàng trong khuôn viên lễ hội Oktoberfest. Ảnh: AP.
Đối với các nhà sản xuất bia tại Đức, chi phí tăng cao ảnh hưởng đến nhiều mặt, không chỉ đơn thuần là vấn đề về tăng giá thành sản phẩm. Họ đang phải đối mặt với sự tăng giá đột ngột trong toàn bộ chuỗi sản xuất, từ nguyên liệu thô như lúa mạch và hoa bia đến các khâu bao bì như nắp bia hay vật liệu đóng gói.
Theo AP, máy móc dùng trong dây chuyền sản xuất bia thường được chạy bằng khí đốt tự nhiên. Trong khi đó, giá khí đốt tại châu Âu đang có mức giá không hề rẻ.
Bên cạnh đó, giá thành hạt lúa mạch lẫn ngũ cốc cũng đều tăng gấp đôi, khoảng 600 USD/tấn. Chai thủy tinh đóng gói cũng tăng giá khoảng 80%. Nắp chai tăng giá 60% do thiếu hụt keo dán nhãn. Sebastian Utz, kỹ thuật viên trưởng của nhà máy bia Hofbraeu lâu đời tại Munich, cho biết mọi chi phí trong từng khâu sản xuất đã thay đổi đáng kể trong năm nay.
“Để làm bia, ngoài nguyên liệu thô như lúa mạch, ngũ cốc, cần rất nhiều nhiên liệu để ướp lạnh trong quá trình sản xuất. Tất cả đều tăng giá chóng mặt”, Sebastian Utz chia sẻ với SCMP.
Ngoài ra, những chi phí nhỏ khác như bìa cứng, thép không gỉ để làm thùng, ván gỗ, dụng cụ vệ sinh bể bia đều tăng giá, kỹ thuật viên nhà máy bia Hofbrae thông tin thêm. Ulrich Biene, đại diện nhà máy bia Veltins ở Gravenstein, cho biết đây lạm phát đã đẩy giá thành sản xuất bia tăng cao kỷ lục với những con số chưa từng có trước đây.
Theo SCMP, lạm phát tăng tới 7,9% ở Đức vào tháng 8 và kỷ lục là 9,1% tại 19 quốc gia sử dụng đồng euro. Cùng với đó, giá tiêu dùng cũng tăng cao chóng mặt ở châu Âu.
Video đang HOT
Chi phí tăng cao không chỉ khiến các nhà sản xuất bia đau đầu. Người tiêu dùng và du khách tham dự lễ hội bia cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Chi phí đắt đỏ có thể làm giảm sức chi tiêu của du khách và lễ hội bia Đức phần nào giảm sức hút. Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng khu vực đồng euro tại ngân hàng ING, cho biết lạm phát đang căng thẳng ở Đức và có thể đạt 10% vào cuối năm nay. Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng đang trên đà giảm.
Mặc dù vậy, lễ hội Oktoberfest vẫn là một sự thúc đẩy nguồn thu đáng kể cho các khách sạn và nhà hàng, quán ăn ở Munich.
Sự kiện đáng được mong chờ
Trong bối cảnh giá cả leo thang, lễ hội bia Đức vẫn trở lại vì đã gián đoạn suốt 2 năm dịch bệnh. Lễ hội chính thức khai mạc vào ngày 17/9. Ông Didier Reiter, Thị trưởng thành phố Munich (Đức), đã mở màn sự kiện bằng 3 tiếng gõ búa vào thùng bia đầu tiên được khui.
Cũng trong ngày khai mạc, thị trưởng Didier Reiter tặng chiếc “cốc vại” uống bia cho Thống đốc bang Bayern – Markus Soeder.
Khuôn viên hội chợ Theresienwiese, nơi diễn ra lễ hội bia sôi động. Ảnh: AP.
Theo đơn vị tổ chức, giờ mở cửa năm nay kéo dài hơn những năm trước đó. Ngoài bia, các món ăn đặc trưng của vùng Bayern như xúc xích gan, dạ dày lợn, da lợn quay giòn, bánh mì xíu mại và dưa cải, bò nướng hoặc thịt nai om với mì ống spaetzle… sẽ được bày bán trong khuôn khổ lễ hội.
Lễ hội kéo dài hơn 2 tuần, được tổ chức bên ngoài trung tâm thành phố Munich. Không chỉ thưởng thức những ly bia tươi mát, du khách có thể tham gia vào những cuộc diễu hành đầy màu sắc và trò chơi độc đáo ở khu hội chợ.
Theo AP, Oktoberfest sẽ thu hút lượng lớn người tham dự. Du khách nên đặt chỗ ở từ sớm, chủ động phương tiện đi lại xuyên suốt lễ hội.
Trước dịch Covid-19, mỗi năm có khoảng 6 triệu người đến Munich tham dự lễ hội. Nhiều du khách hòa chung không khí sự kiện bằng cách mặc trang phục truyền thống của vùng Bavaria. Phụ nữ mặc váy dirndl, đàn ông mặc quần tây da dài đến đầu gối, tạo nên một lễ hội bia rất vui nhộn và đầy sắc màu.
Lễ hội Oktoberfest lần đầu được tổ chức vào năm 1810 để vinh danh cuộc hôn nhân giữa Thái tử Ludwig của Bavaria và Công chúa Therese. Tuy nhiên, xuyên suốt lịch sử 200 năm, lễ hội từng nhiều lần bị hoãn vì chiến tranh và bệnh dịch.
4 lễ hội mùa thu độc đáo không nên bỏ lỡ tại Nhật Bản
Mùa thu là một trong những mùa đẹp nhất trong năm, rất thích hợp để tới thăm và tham gia những lễ hội độc đáo tại Nhật Bản.
Theo GaijinPot - trang chuyên chia sẻ các bài viết dành cho khách du lịch khám phá nét đẹp du lịch văn hóa Nhật Bản gợi ý, nếu có ý định tới Nhật Bản du lịch vào mùa thu nhất định bạn không nên bỏ lỡ 4 lễ hội mùa thu độc đáo sau đây.
1. Lễ hội Kishiwada Danjiri (Thành phố Kishiwada, Osaka)
Danjiri Matsuri (hay còn được gọi là lễ hội rước kiệu) được tổ chức hàng năm trên khắp Nhật Bản. Lễ hội mang đậm nét văn hóa cổ xưa và vẫn được nhân dân giữ gìn tới tận bây giờ. Về bản chất, đây là một lễ hội cầu nguyện với mong muốn được các vị thần phù hộ cho một vụ mùa bội thu.
Đã nói về lễ hội rước kiệu, thì đặc biệt không thể không nhắc tới "Lễ hội Kishiwada Danjiri", được tổ chức vào giữa tháng 9 hàng năm tại tỉnh Osaka. Đây được coi là một trong những lễ hội rước kiệu danjiri lớn và xa hoa bậc nhất xứ sở Phù Tang.
Lễ hội Kishiwada Danjiri.
Những chiếc kiệu danjiri bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo hoàn toàn bằng kĩ thuật thủ công, không những vậy còn được trang trí khéo léo bởi chính các thợ mộc và thợ điêu khắc có tay nghề cao tại địa phương. Gồm 35 chiếc kiệu mang hình dáng giống như những ngôi đền và điện thờ, được đặt trên các bệ gỗ lớn có bánh xe thuận tiện cho việc di chuyển.
Diễu hành trên đường phố bằng chính sức kéo của con người. Nhiều chiếc kiệu nặng tới hơn 3000 kg, tất cả đều được kéo bởi đội đảm nhiệm với sĩ số tham gia có thể lên đến hơn 1.000 người. Mỗi một chiếc kiệu đại diện cho một quận khác nhau, mang trong mình niềm vinh dự và tự hào của từng địa phận khi tham gia thi đấu.
Nếu du khách may mắn dừng chân tại địa điểm này, trong đúng khoảng thời gian tổ chức sự kiện thì không nên bỏ lỡ. Lễ hội diễn ra vào giữa tháng 9 với hơn 5000 khách du lịch tới chiêm ngưỡng mỗi năm.
Bật mí nhỏ với du khách, địa điểm tốt nhất để quan sát lễ hội rước kiệu Kishiwada chính là phía Tây ga Kishiwada. Nếu bạn là một người thích tìm kiếm cảm giác mạnh, hãy chắc chắn rằng đã đánh dấu ngày diễn ra lễ hội vào lịch trình du ngoạn của mình nhé.
2. Lễ hội mùa thu Sapporo (Thành phố Hokkaido, Hokkaido)
Là một tín đồ ăn uống, khi tới Nhật bản vào đúng thời điểm tháng 9 trong năm. Đây chính là cơ hội để trải nghiệm và nếm thử những món ăn tại lễ hội ẩm thực lớn nhất tỉnh Hokkaido - "Lễ hội mùa thu Sapporo".
Lễ hội mùa thu Sapporo được mệnh danh là lễ hội ẩm thực lớn nhất Hokkaido, Nhật Bản.
Lễ hội có những điểm tập kết lớn, tổ chức theo các chủ đề khác nhau. Mỗi món ăn tại các địa điểm đều mang đến cho thực khách những hương vị đặc biệt và sự đa dạng trong thực đơn. Du khách có thể dễ dàng tìm được những loại hải sản tươi ngon được đánh bắt từ biển. Hay các sản phẩm được trồng trọt và thu hoạch tại địa phương. Trải nghiệm những món ăn ngon cũng như các loại rượu và sake chất lượng cao.
Không chỉ riêng những thực phẩm và món ăn nổi tiếng của khu vực Hokkaido. Nhiều bán buôn từ khắp các tỉnh thành khác cũng sẽ tới tham gia và bày bán vào Lễ hội mùa thu hàng năm. Mang đến cho khách du lịch cơ hội thưởng thức đặc sản của nhiều địa phương với các món ăn mới lạ và độc đáo. Không những vậy, dường như sự có mặt của những nền văn hóa ẩm thực tới từ khắp các quốc gia lớn nhỏ khác trên thế giới, đều chẳng còn xa lạ khi xuất hiện tại đây. Từ phương Đông như Thái Lan, Ấn Độ, cho tới phương Tây như Đức, Anh, Mỹ, v.v...
Lễ hội mùa thu Sapporo. Ảnh chụp bởi kyuhoshi.
Vì lượng người đến tham dự lễ hội rất đông nên việc đứng ăn không chỉ phổ biến mà còn được khuyến khích. Xung quanh Công viên Odori (địa điểm tổ chức sự kiện tại Sapporo) có nhiều công trình kiến trúc khác nhau như đài phun nước, bàn cao được dựng theo hình tròn để du khách đứng và thưởng thức món ăn tại chỗ.
Với thời gian tổ chức kéo dài từ đầu tới cuối tháng 9, khách du lịch sẽ vô cùng thoải mái khi có thể sắp xếp thời gian cũng như lịch trình để đi trải nghiệm.
3. Lễ hội mùa thu Takayama (Thành phố Takayama, Gifu)
Lễ hội mùa thu Takayama là một trong những lễ hội nổi tiếng bậc nhất của Nhật Bản. Thu hút một lượng lớn khách du lịch tới chiêm ngưỡng và trải nghiệm vào đầu tháng 10 hàng năm. Nếu muốn đắm mình vào trong sự hoài cổ nhưng không kém phần phồn hoa của trấn thị, thì du khách chắc chắn sẽ không thể bỏ lỡ lễ hội mang vẻ đẹp lộng lẫy này.
Được tổ chức hàng năm tại thị trấn cổ Hida, nằm ở trung tâm thành phố Takayama thuộc tỉnh Gifu, miền Trung Nhật Bản. Lễ hội đã diễn ra trong suốt gần 400 năm nay, cứ hai lần một năm vào mùa xuân và mùa thu tại thị trấn cổ kính của thành phố Takayama.
Lễ hội mùa thu Takayama. Ảnh chụp bởi chialinshih
Tổng cộng sẽ có hơn 11 chiếc kiệu rước được chế tác và chạm khắc một cách tỉ mỉ với các hoa văn tuyệt đẹp, những chiếc đèn lồng chochin truyền thống phát sáng rực rỡ càng làm tôn thêm vẻ đẹp của kiệu rước. Trên kiệu trang trí búp bê máy (karakuri ningyo - búp bê khởi nguồn cho thế hệ robot thông minh của xứ Phù Tang), có thể tự di chuyển và nhảy múa khi kiệu diễu hành qua các con phố cổ. Tất cả đều cho thấy được tay nghề điêu luyện của những nghệ nhân bậc thầy (Hida no Takumi), cùng những người thợ mộc, thợ thủ công có tay nghề nổi tiếng từ xa xưa tại vùng đất này.
Vào buổi tối đầu tiên của lễ hội, những chiếc kiệu sẽ được xếp hàng ngay ngắn dọc trên con đường của thị trấn cổ Hida trước khi mặt trời lặn. Sau đó sẽ đồng loạt thắp sáng bằng những chiếc đèn lồng truyền thống của Nhật Bản được trang trí trên kiệu. Đây được coi là điểm nhấn nổi bật của lễ hội và đem lại sự hào hứng rất lớn cho du khách.
Lễ hội mùa thu Takayama được mệnh danh là một trong những lễ hội có dàn kiệu rước tráng lệ và quy mô nhất Nhật Bản.
Mỗi chiếc kiệu đại diện cho một quận ở Takayama, tất cả tâm huyết của những nghệ nhân đều được hội tụ trong từng chiếc kiệu rước. Đặc biệt, những chiếc kiệu đẹp lung linh này đều có từ thế kỷ 17 và được công nhận là tài sản văn hóa quan trọng, là vật chất để hợp thành của di sản văn hóa. Nên du khách khi tới chiêm ngưỡng lễ hội phải vô cùng lưu ý và cẩn trọng để không chạm hay tác động vào những chiếc kiệu.
Có thể nói đây là một lễ hội vô cùng mĩ lệ và tao nhã, được mệnh danh là một trong "Tam đại lễ hội Hikiyama" - danh xưng chỉ dành riêng cho những lễ hội có dàn kiệu rước tráng lệ và quy mô nhất Nhật Bản. Nếu có dịp đến tỉnh Gifu tham quan vào khoảng ngày 9-10/10, các du khách có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn Lễ hội mùa thu Takayama.
4. Lễ hội mùa thu Zuiki (Thành phố Tenjin, tỉnh Kyoto)
Lễ hội Zuiki ở Kyoto được cho là có lịch sử hơn một nghìn năm, bắt nguồn từ giữa những năm 900, nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với một vụ mùa bội thu. Đây cũng là một trong những lễ hội mùa thu mang tính biểu tượng nhất ở tỉnh Kyoto.
Khía cạnh bắt mắt nhất của lễ hội này chính là omikoshi (điện thờ di động) được trang trí bằng rau và các loại cây lương thực khác nhau. Bắt đầu với nền gỗ, thân khoai môn (zuiki) được sử dụng cho mái nhà. Rau xanh khô, cúc vạn thọ, vỏ đậu và lúa mì dùng để phủ lên những phần còn lại của bề mặt. Ở mỗi bên, các tấm tạo hình thủ công từ nguyên liệu tự nhiên sẽ được dựng lên và mô tả theo các cảnh huyền thoại, hay các sinh vật có trong dân gian. Rau và các dây cà tím đỏ khô đầy màu sắc, cùng với cam quýt và ớt cũng sẽ được treo làm đồ trang trí ở mỗi góc của điện thờ.
Ảnh chụp bởi Noguchi
Sau khi 3 tiếng kèn vang lên từ trong đền, đội ngũ kiệu sẽ dần bước ra. Khoảng 350 thầy tu và tu sĩ sẽ diễu hành quanh khu vực đền thờ. Lễ rước bắt đầu từ Đền Kitano Tenmangu vào ngày đầu tiên và kéo dài để biểu diễn các điệu múa truyền thống, nghi thức trà đạo và một loạt các nghi lễ cổ xưa khác trong 5 ngày.
Đám rước khởi hành từ đền Kitano Tenmangū vào ngày đầu tiên, mang theo những điện thờ di động. Sau khi đi vòng quanh khu phố của họ, đoàn diễu hành sẽ đến một ngôi đền tạm thời và thực hiện các nghi lễ, bao gồm cả điệu múa truyền thống Yaotome do các bé gái trong vùng biểu diễn. Sau khoảng thời gian ba ngày, tất cả các ngôi đền di động đều được rước trở lại Kitano Tenmangū trong cuộc diễu hành bằng xe bò kéo. Sau đó nghi lễ kết thúc vào ngày hôm sau với màn nhảy múa cuối cùng.
Trong quá trình diễn ra đám rước, du khách có thể dễ dàng bắt gặp các geiko và maiko của quận Kamishichiken khi họ xuất hiện với vẻ đẹp lộng lẫy để chiêm ngưỡng những ngôi đền được rước qua các con phố.
Đây là một lễ hội địa phương mang đến cho du khách cái nhìn sâu sắc hơn về một khía cạnh thiêng liêng của nền văn hóa Nhật Bản. Nếu là một người yêu sự mộc mạc, nhất là khi đến Kyoto vào thời gian khoảng đầu tháng 10, bạn hãy thử tới và chiêm ngưỡng lễ hội độc đáo này nhé.
4 lễ hội được mong đợi nhất nước Mỹ trong mùa thu năm nay Hãy cùng điểm qua những lễ hội mùa thu sôi động đang được mong chờ nhất ở Mỹ trong năm 2022. 1. Norsk Hstfest, Minot, North Dakota (28/9 - 1/10) https://dulich.petrotimes.vn/ Trong suốt 4 ngày diễn ra lễ hội vui vẻ, những người tham dự có thể xem cuộc thi Hoa hậu Norsk Hstfest, thưởng thức các chương trình giải trí trực tiếp,...