Lễ hội an toàn, tiết kiệm
Sáng qua 14-2 (mùng 5 Tết), Lễ hội kỷ niệm 224 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – 2013) đã diễn ra với sự tham dự của hàng nghìn người dân. Ngày mùng 5 Tết cũng là ngày khởi đầu cho các lễ hội truyền thống diễn ra và kéo dài cho tới hết tháng Giêng…
Dâng lễ tưởng niệm anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ
Video đang HOT
Tưởng niệm người anh hùng áo vải cờ đào
Là một trong những lễ hội truyền thống với quy mô lớn tại Hà Nội, hàng năm, lễ hội gò Đống Đa thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương về dâng hương, tưởng niệm người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Tham dự lễ hội năm nay còn có đoàn tế lễ của Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… với những đội rước lễ lên tới hàng trăm người. Ngay từ sáng sớm, các vị chức sắc, cao niên làng Khương Thượng đã tề tựu đông đủ, tham dự nghi lễ rước kiệu thần mừng chiến thắng, từ đình Khương Thượng về gò Đống Đa. Tiếp đó là lễ dâng hương của các đoàn tế lễ tại tượng đài vua Quang Trung, gò Đống Đa, chùa Bộc và chùa Đồng Quang. Ngay sau đó là chương trình nghệ thuật tái hiện lại khí thế hào hùng của quân dân Tây Sơn… Lễ hội gò Đống Đa năm nay cũng thu hút đông đảo người dân với nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc như thi đấu vật, cờ người, chọi gà, biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa lân, múa rối, múa rồng, biểu diễn quan họ Bắc Ninh… tại công viên văn hóa gò Đống Đa để phục vụ nhân dân và du khách.
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết: “Lễ hội gò Đống Đa là một trong những lễ hội lớn của nhân dân Thủ đô Hà Nội mở đầu cho mùa lễ hội hàng năm. Bởi vậy, Hà Nội rất chú trọng trong việc kiểm tra, đôn đốc công tác phục vụ nhân dân tham gia lễ hội. Sở VH-TT&DL Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Đống Đa xây dựng kịch bản phần lễ và phần hội một cách cụ thể, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn thực hiện..
Sẵn sàng phục vụ lễ hội
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Lợi, chuẩn bị cho mùa lễ hội 2013, thành phố Hà Nội tăng cường công tác quản lý, tổ chức, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội để hoạt động văn hóa truyền thống này diễn ra trang trọng, thiết thực, bảo đảm an toàn và tiết kiệm. Trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm lễ hội lớn nhỏ trong đó có nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ),… Để tránh những biến tướng trong nghi lễ mang màu sắc mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, hàng quán lấn chiếm khu bảo tồn, hòm công đức đặt vô tổ chức… làm xấu đi bản sắc văn hóa, gây phản cảm trong xã hội, các cơ quan quản lý văn hóa cũng như chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố đang tích cực vào cuộc, loại bỏ những hiện tượng này. Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch thanh tra trên 20 lễ hội nhằm phát hiện, xử lý những hành vi lợi dụng lễ hội vi phạm các quy định của Nhà nước trong công tác tổ chức và hoạt động. Nội dung kiểm tra sẽ tập trung vào nội dung kịch bản của lễ hội, công tác sắp xếp hàng quán, dịch vụ, trông giữ xe, đảm bảo an ninh trật tự, các loại hình dịch vụ trong lễ hội theo quy định của pháp luật, việc sắp xếp hòm công đức, đặt tiền lễ nơi thờ tự.
Như đối với lễ hội chùa Hương, UBND huyện Mỹ Đức đã nâng cấp sửa chữa các tuyến giao thông, lắp đặt nhiều nhà vệ sinh, cấm kinh doanh tại khu nội tự các chùa, động, cấm kinh doanh, chế biến động vật hoang dã. Đồng thời, huyện tổ chức các đội thanh tra chốt tại nhiều điểm thường xuyên xuất hiện lực lượng “cò” lễ hội, ký cam kết với các hộ dân xã Hương Sơn không chèo kéo khách. Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Quản lý khu di tích Hương Sơn (thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) cho biết: “Ban quản lý đã tích cực tuyên truyền, vận động, cấm người dân kinh doanh tại khu vực các chùa, động. Trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức có biện pháp xử lý kiên quyết”. Ông Thanh nhấn mạnh, công tác tổ chức lễ hội chùa Hương năm nay sẽ được làm cẩn trọng. Ban quản lý khu di tích Hương Sơn đã bố trí 8 điểm sơ cấp cứu sẵn sàng phục vụ trong mọi tình huống. Về việc đặt quá số lượng hòm công đức, ông cho biết, Ban quản lý đã báo cáo lên Sở VH-TT&DL Hà Nội vì diện tích di tích rộng khó thực hiện đúng quy định. Ngoài ra, sẽ tổ chức liên tục thu gom số tiền lễ đặt bừa bãi, đảm bảo cho một mùa lễ hội lành mạnh, văn minh.
Theo ANTD
Xót xa nhìn đình cổ chờ sập
Có một nghịch lý từ lâu tồn tại trong công tác trùng tu, chống xuống cấp tại các di tích. Nơi được rót vốn "vô tư" để "đập đi xây mới" nhưng có nơi chờ sập lại chẳng được ngó ngàng, dù bao năm rát cổ kêu cứu, như trường hợp đình Cam Thịnh, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.
Cột gỗ nhếch nhác được dựng lên để chống đỡ mái đình
Đình cổ chờ sập
Trải qua gần 300 năm nắng mưa cũng như bị chiến tranh tàn phá, ngôi đình cổ đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử của dân tộc nay xuống cấp nghiêm trọng. Cả ngôi đình như một hầm lò cũ bỏ hoang đang chờ sập. Theo chân cụ từ Cao Văn Bê, khó khăn lắm chúng tôi mới lách vào được bên trong ngôi đình cổ, nay đã được gia cố khắp trong ngoài bằng cột gỗ. Giữa đình một cây xà nằm vắt dài theo gian thờ, xung quanh là những chiếc cột đang làm thay nhiệm vụ đỡ mái nhà của nó. Toàn bộ phần mái đình nay đã võng xuống. Thậm chí, tất cả ngói bên trái đình đã rơi rụng hết thành một đống ngổn ngang dưới chân tường. Bên trong đình, là ba con kìm nóc không thể tự bám vào xà nhà mà phải mượn lực từ những vòng dây thép do dân làng gia cố thêm.
Luồn lách nhiều vòng cuối cùng chúng tôi cũng vào đến gian giữa nơi thờ Thành Hoàng làng. Mắt ngân ngấn lệ, ông Cao Văn Bê nhìn đăm đăm vào mối nối nơi thanh xà tụt ra và rơi xuống. Ông kể lại, hôm trước khi xà rơi, Hội Phụ nữ trong làng ra đình thắp hương để chuẩn bị cho chuyến đi du lịch. May mắn thay khi sớm hôm sau thanh xà mới bất ngờ rơi xuống đất. Không được may mắn như vụ rơi thanh xà, đầu năm 2012, khi đang làm lễ tại gian thờ thánh, ông Nguyễn Văn Tha bất ngờ bị sụt xuống phía dưới và mắc lại một nửa thân người. Sau vụ sập gian thờ thánh này, người dân Cam Thịnh, Đường Lâm càng thêm lo sợ vì sự xuống cấp của ngôi đình cổ.
Đoạn mối nối nơi thanh xà rơi xuống để lại
Một trăm cột gỗ huy động gia cố đình
Trước tình trạng đình làng xuống cấp, từ đầu năm 2012, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cùng với dân làng Cam Thịnh đưa ra giải pháp tạm thời là dùng các cột chống và đóng những mảnh ván gỗ để đỡ. Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết: "Ngay khi nhận được tin báo về sự xuống cấp của đình Cam Thịnh, nhất là sau khi thanh xà trong đình bị rơi xuống, tôi đã có nhiều công văn, đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương và Trung ương. Trong khi chờ trả lời, chúng tôi đã vận động người dân, ban quản lý và đơn vị tư vấn trùng tu đã hỗ trợ 10 triệu đồng để chống sập bằng cách mua gần 100 cột gỗ về gia cố lại các vị trí xuống cấp". Ông Cao Văn Bê cũng cho hay, do có nhiều kiến trúc, cấu kiện trong đình đã rơi xuống, bị phá hủy nên công tác chống sập, đảm bảo an toàn được làm rất khẩn trương. Ông phân trần: "Trước đây, người dân, du khách có thể tới thăm đình vào bất cứ thời gian nào trong năm, giờ chúng tôi chỉ dám mở cửa đình vào mùng một, ngày rằm để đảm bảo an toàn". Cách làm này chỉ là giải pháp nhất thời, bởi không thể để tình trạng thảm thương như thế tiếp diễn, người dân trong vùng sẽ mất đi nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa cộng đồng hàng trăm năm nay. Và nếu chẳng may ngôi đình sập xuống không chỉ làm nguy hại đến tài sản và tính mạng của người dân, mà còn mất đi một công trình kiến trúc cổ, một di tích văn hóa có giá trị nằm trong quần thể di tích làng cổ Đường Lâm nổi tiếng.
Bà Yoshihara Miki - kiến trúc sư, tình nguyện viên của tổ chức JICA Nhật Bản, cố vấn cho Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm về việc trùng tu, tu bổ di tích cho biết, để sửa được đình Cam Thịnh về nguyên trạng phải tiến hành hạ giải mới có thể xác định mức độ xuống cấp, cũng như tình trạng mối mọt bên trong đình. Nhưng xét trên tình trạng hiện nay của đình, khi đã bị mọt ăn quá 30%, không thể chậm trễ trong việc tu sửa. Chiếc xà bị rơi xuống đã làm cho đoạn nối với cột ở điện thờ chính bị rỗng nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến cấu trúc xương của ngôi đình. Bà Miki cũng cho hay, một trong những vấn đề cần thiết là ngay lập tức phải chống thấm cho đình để ngăn cho phần gỗ bị mục thêm.
Đình Cam Thịnh có thể sập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, sau nhiều đơn thư kêu cứu của người dân, các văn bản kiến nghị của Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, ngôi đình vẫn chưa nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là Sở VH-TT&DL Hà Nội. Thậm chí, ông thủ từ của đình còn chua xót: "Đi học lớp tập huấn về bảo tồn, bảo tàng về, chúng tôi biết rõ là không được tự ý tu sửa đình. Nhưng sao các cấp chính quyền không trả lời, chúng tôi chỉ mong mỏi được giúp đỡ để đáp ứng nhu cầu tâm linh. Chỉ xin nói rõ, sửa hay không để chúng tôi biết đường lo liệu. Chúng tôi rất mong chờ ý kiến của các cấp lãnh đạo chứ nhìn đình thế này, xót xa lắm".
Theo ANTD
Khai hội tháng Giêng Sáng 15-2, Lễ kỷ niệm 1973 năm ngày Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đền nợ nước, trả thù nhà, đánh tan quân Hán, thu phục 65 thành giải phóng đất nước đã được tổ chức long trọng tại đền thờ Hai Bà Trưng - Mê Linh - Hà Nội. Lễ khai hội chùa Hương tại sân Thiên Trù Đây là lễ...