Lê Hoàng: Ông trùm thất thế
Đang là ông trùm phim Tết, năm nào cái tên Lê Hoàng cũng được bày biện trên các poster phim thì sau Trai nhảy, cái tên ấy đành phải nương nhờ ở poster kịch tết rồi mất hút dần dà.
Từng được cho là ông trùm phim Tết nhưng nhiều năm trở lại đây, cái tên Lê Hoàng không còn được bày biện trong các poster phim mà đành phải “nương nhờ” nơi cửa… kịch, tạp chí, hoặc là giám khảo, MC cho các chương trình truyền hình. Ngần ấy năm mất hút, những tưởng ngày trở lại của Lê Hoàng với Tối nay 8 giờ sẽ mang lại chút gì đó thú vị nơi công chúng nhưng rất tiếc đây gần như là dấu chấm hết của thương hiệu Lê Hoàng.
Lê Hoàng – thương hiệu “sa đọa”
Nổi lên từ Gái nhảy (2003) cùng vài mùa phim bội thu, Lê Hoàng hẳn là cái tên rất được lòng nhiều người. Từ khán giả của màn ảnh rộng đến giới truyền thông và đặc biệt khi thị trường điện ảnh manh nha xuất hiện, những nhà đầu tư điện ảnh khi ấy xem (và có phần nâng niu, chiều chuộng) Lê Hoàng chẳng khác một cỗ máy hái ra tiền.
Tràn lan trên các mặt báo, người ta viết về Lê Hoàng chả khác với một ngôi sao đang lên hay thậm chí, lãng mạn hơn, một nữ nhà văn (nghe đâu cũng khá khắc nghiệt) đã xem Lê Hoàng gần như một vị cứu tinh đáng kính của nền điện ảnh Việt Nam – vốn là nền điện ảnh quanh năm chỉ biết cấu víu vào “bầu sữa” nhà nước để làm phim tác giả – hay còn gọi là phim nghệ thuật (thường bất cần…khán giả). Và chỉ với việc tiên phong rẽ sang làm phim khán giả, Lê Hoàng và trở thành người hùng. Mà ở ta, một khi đã thành người hùng người ta thường nói rất hăng và hăng nói, và họ nói gì, dẫu có sai vẫn luôn được lắng nghe. Lời nói của Lê Hoàng khi ấy cũng thế, bao giờ cũng có một sức nặng đặc biệt. Chả lạ cứ đến mùa liên hoan phim, khi muốn “gây hấn” với BTC (Hội điện ảnh Việt Nam), cánh truyền thông lại ùn ùn kéo nhau đến “cậy” Lê Hoàng. Điệp khúc này được lặp đi lặp lại rất nhiều năm, cứ sau mỗi mùa liên hoan phim, sớm muộn gì người ta cũng thấy Lê Hoàng làm mình làm mẩy, lúc tru tréo, khi dỗi hờn Hội điện ảnh Việt Nam trên các mặt báo.
Lê Hoàng – người hùng của dòng phim thương mại
Tuy nhiên, cũng nên nhìn thấy rằng dòng phim khán giả không phải là dòng phim chỉ mạnh ở việc tung chiêu, bày trò để câu khách mà trên hết, đó phải là những bộ phim hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Là những bộ phim mà khi xem xong, khán giả thích thú hay ít nhất họ thấy đáng với đồng tiền mà họ đã nộp cho quầy vé. Đáng tiếc Lê Hoàng không làm được điều này. Có thể, ở vài mùa làm phim, Lê Hoàng đã lôi kéo được khán giả rồng rắn đến rạp bằng những chiêu trò hay các đề tài mang tính giật gân như gái trai, đồng tính, cướp hiếp giết…nhưng sau khi xem xong, khán giả ít thấy có điều gì thú vị để lại và đặc biệt, họ mang cảm giác bị lừa. Nếu Lê Hoàng có viết một kịch bản mang tên “Chuông reo là bắn” (Đạo diễn Trương Dũng) thì với khán giả, phim của Lê Hoàng đích thị là thứ phim “Xem xong là chửi”. Không hiếm khán giả khi xem phim của Lê Hoàng xong thì lắc đầu, kẻ ngao ngán, người hụt hẫng và tiếc tiền.
Cũng nên nhớ rằng trình độ thưởng thức điện ảnh của khán giả đang có những chuyển động tích cực, tức mỗi ngày một cao lên. Ít nhất họ đủ tỉnh và tinh để thôi hào phóng cho những đạo diễn mà họ không còn tin tưởng nữa. Và khi Lê Hoàng cứ kéo lê cách làm phim nhạt dần đều không thể trách có ngày sẽ bị khán giả tẩy chay và sự yếu thế của Trai nhảy (2007) khi ra đến rạp là một dẫn chứng cụ thể.
Khán giả tẩy chay Lê Hoàng thì các hãng phim chả dại gì mà dây vào. Thế nên, không có gì làm ngạc nhiên khi đang là một “quyền lực” của làng điện ảnh, Lê Hoàng bị các hãng phim thất sủng hay cụ thể hơn, Lê Hoàng đã bị các đạo diễn trẻ hơn như Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Lê Bảo Trung…hất văng ra khỏi mâm cỗ phim nhựa. Đang là ông trùm phim Tết, năm nào cái tên Lê Hoàng cũng được bày biện trên các poster phim thì sau T rai nhảy, cái tên ấy đành phải nương nhờ ở poster kịch tết rồi mất hút dần dà.
Video đang HOT
Tối nay! 8 giờ là thảm họa của làng điện ảnh năm nay
Không chịu dừng lại ở đó, ở những ngày trên đỉnh hay ví von tý là khi còn ngồi trên ngai vàng của ông hoàng phim nhựa, lúc “hoắng” lên Lê Hoàng bảo mình sẽ không làm phim truyền hình (vì không xứng với tầm vóc của anh chăng?). Tuy nhiên, khi thị trường điện ảnh đã bắt đầu chật hẹp, phim nhựa không có sẵn để làm, Lê Hoàng buộc phải “hạ mình” để nhúng tay vào một dự án phim truyền hình (Những thiên thần áo trắng). Dường như để vớt vát cho đẳng cấp của mình, Lê Hoàng đã có một phát ngôn “định mệnh”: “Tôi làm phim truyền hình vì phim truyền hình Việt Nam dở quá!”. Và Những thiên thần áo trắng hay ho như thế nào và đã “cứu rỗi” được gì cho chất lượng phim truyền hình Việt Nam chẳng cần phải nói ra, ai cũng rõ. Sau khi đã “cứu rỗi” cho phim truyền hình Việt Nam, thời gian gần đây, Lê Hoàng đi “cứu rỗi” cho nghề giám khảo, MC trong các gameshow cần mẫn viết báo thời trang. Hình như thi thoảng người ta còn nhìn thấy anh đi rao giảng đạo đức, tài năng ở đâu đó, mỗi nơi một tý và gần như quên mất việc làm phim. Hoặc cũng có thể các nhà sản xuất đã quên anh.
Công tâm mà nói, Lê Hoàng có chất, chất của một ngòi bút dí dỏm, hóm hỉnh và sắc sảo (điều mà điện ảnh cũng cần). Lê Hoàng cũng là cái tên từng đáng được tôn trọng với những Lưỡi dao hay Ai xuôi vạn lý. Tuy nhiên, dù được tiếng là thức thời để tháo chạy ra khỏi nền điện ảnh bao cấp (vốn bị cho là cũ kỹ) nhưng cuối cùng chính cái sự thức thời mà thiếu đi sự tỉnh táo, đúng hơn là không có ý thức giữ mình và ảo tưởng những giá trị tự thân, Lê Hoàng đổ đốn, hư hỏng và tự chặt chân mình trên con đường điện ảnh. Với Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Lê Hoàng là người cũ, với dòng đạo diễn Việt Kiều đang đổ về nước trong những năm gần đây, Lê Hoàng cũ hơn và gần như bất lực trong việc cập nhật mình với thời đại. Thế mới có người bảo giờ đây, thay vì là một thương hiệu làm phim, Lê Hoàng trở thành thương hiệu của sự sa đọa trong làng điện ảnh và hình như trong sự sa đọa ấy, có phần cống hiến không nhỏ của giới truyền thông.
Và đỉnh cao của sự cẩu thả.
Với một con đường điện ảnh như thế thì khi có tin Lê Hoàng trở lại với điện ảnh, đúng hơn là với phim nhựa T ối nay! 8 giờ chẳng mấy ai còn đặt kỳ vọng gì vào bộ phim này. Không ít lần Lê Hoàng thú nhận (một cách thỏa mãn) trên mặt báo rằng anh là kẻ xôi thịt. Nếu là người của xôi thịt thì chắc chắn Lê Hoàng chẳng ưa gì những kẻ lãng mạn, ngây thơ nhưng giờ đây, chính những lẽ lãng mạn, ngây thơ mới là “ân nhân” của anh hay ít nhất là chỉ có họ mới còn đặt dăm ba niềm tin nào đó vào những thước phim của anh. Không kỳ vọng nhiều nhưng ít nhất họ tin rằng Lê Hoàng còn chút gì thú vị hay anh sẽ không cho ra một bộ phim tồi đến như thế! Tiếc quá, hiện thực lại diễn ra như thế! Chẳng còn nghi ngờ gì khi gọi T ối nay! 8 giờ là thảm họa của làng điện ảnh năm nay.
Tối nay 8 giờ có hàng loạt các chi tiết vô lý
Kịch bản lỏng lẻo, cũ kỹ và đầy sạn với hàng loạt chi tiết, tình huống ngớ ngẩn, sống sượng đến vô duyên kể về hành trình của bốn cô gái karaoke ôm tỉnh lẻ lên thành phố săn trai đại gia qua những khuôn hình tẻ nhạt hơn cả phim truyền hình (vốn ít được đầu tư chiều sâu, kinh phí lẫn thời gian nên hầu hết được quay theo kiểu càng nhanh càng tốt) được chèn thêm dăm bảy cảnh quay theo “style” video clip (ở thập niên 90). Đó là những gì người ta nhìn thấy sau khi xem xong bộ phim Tối nay! 8 giờ - tác phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn Lê Hoàng.
Câu chuyện kể về bốn cô gái tỉnh lẻ hành nghề karaoke ôm (nói trắng ra là cave) giữa một đồng trống hoang vu, hẻo lánh. Theo cách tả của đạo diễn thì đó là quán karaoke ôm nghèo nàn, sập xệ (bằng tranh nứa), được đặt tên là quán Năm cô tiên nhưng rất vắng khách (và khách ở đây thuộc giới bình dân, có phần bủn xỉn, thậm chí có khách vào quán chỉ để gọi hai chai bia, 2 điếu jet). Các cô sống qua ngày bằng mì gói, thấy tờ tiền đô mừng đến phát khóc (và cãi nhau chí chóe) nhưng khi có khách thì nằng nặc thủ tiết như nữ sinh, dứt khoát không cho đàn ông chạm vào người mình và nếu cần (như khi bị sàm sỡ chả hạn) thì có thể phang thẳng chai bia vào đầu khách.
Danh giá đến ngần ấy mà chỉ vì một lời khích, đúng hơn là từ sự đổi đời của một cô bạn cũ (vốn là cô tiên đã bỏ quán mà đi), bốn cô đốt quán lên thành phố với hy vọng săn đại gia để đổi đời. Dừng lại ở đây, nhiều khán giả cười ồ khi đang nghèo mạt và đang phải sống khó khăn là thế mà khi quán vừa đốt xong, bốn cô chễm chệ trên bốn chiếc xe tay ga bóng lộn lao về phía thành phố. Với khuôn hình bi tráng, đạo diễn làm cho khán giả cảm giác bốn cô lên thành phố săn trai mà cứ như bốn nữ tướng hào kiệt lao đi cứu rỗi cuộc đời.
Và cũng bắt đầu từ đó, đạo diễn Lê Hoàng tự lột trần mình để giới thiệu cho khán giả về lượng kiến thức lẫn tư duy điện ảnh không đến đâu. Tức bao nhiêu cái rởm đời, ất ơ của mình, đạo diễn hồn nhiên phơi ra cho bằng hết. Ở đâu ra những cô gái như vừa kể mà khi vừa đặt chân lên thành phố thì toàn sống và tính tiền bằng đô, có thể sử dụng một cách thuần thục các tiện nghi của một khách sạn quốc tế, vừa bước vào khách sạn là đã thay đồ tắm nhảy ra hồ bơi để làm cuộc triển lãm hình thể cho các đại gia và sau đó về gõ bàn phím nhoay nhoáy để tra cứu thông tin “khách hàng” trên internet.
Bên cạnh đó, người ta cũng thấy buồn cười cái cách mà Lê Hoàng tả về đại gia. Chẳng hiểu đại gia nào chịu chi đến mức bỏ tiền mua một khách sạn quốc tế chỉ sau vài ngày đi chơi trong khi phần lớn thời gian đi chơi chỉ dành mỗi cho việc tán gái. Một trong hai đại gia cẩn thận, chu đáo đến mức khi đi du lịch mà bê cả bãi đậu xe hơi nhà mình đi cùng để khi gặp gái thì có cái mang ra khoe. Và cái cách mà các đại gia tiêu tiền trong phim, người ta thấy đó là cách của nông dân (vừa bán được đất) hay trọc phú của thế kỷ trước (kiểu công tử Bạc Liêu) chứ ở thời này mà tiêu tiền kiểu ấy thì có mà tàn mạt sớm chứ làm sao leo lên được hàng ngũ đại gia…
Tóm lại, xét về nội dung thì bộ phim này chả khác là chuỗi tập hợp các tình huống phi lý (có phần vô duyên, nhảm nhí) một cách rời rạc, lơi lỏng. Cách dẫn chuyện thiếu logic cộng với tính cách của các nhân vật đa phần ngô nghê (nhất là những cô cave luôn trong tư thế sẵn sàng cởi bỏ mọi thứ trên người mình để vơ tiền của các đại gia nhưng khi tâm sự với nhau, họ không bao giờ tự nhận cũng như cho phép ai gọi mình là điếm. Nhẽ nào đạo diễn muốn khán giả phải xem họ là thánh nữ chăng?). Toàn bộ thời gian của phim người ta có cố cũng chẳng thể tìm đâu ra chút kịch tính và tình huống duy nhất có thể xem là kịch tính ở kết phim lại gây cảm giác buồn cười. Dưng hai người bạn gặp nhau trong một buổi tiệc mà một cô nằng nặc sỉ vả và tố cô còn lại là cave, thậm chí còn lao vào cào cấu nhau đến đổ máu trong toalet dù khi xét lại thì cả hai chẳng có mâu thuẫn gì đáng kể để mà phải thù ghét nhau đến thế nếu chẳng muốn nói từng có thời cả hai từng gắn bó, thân thiết với nhau.
Nội dung phim đã thế còn cách thể hiện cũng như kỹ thuật cho phim còn tệ hơn. Những khuôn hình như phim truyền hình hay video clip thế hệ cũ cứ được lặp đi lặp lại một cách nhàm chán. Ví như với hình ảnh cỗ xe có trang bị cây đàn dương cầm có lẽ đạo diễn muốn tạo vẻ sang trọng, lãng mạn kiểu cổ điển (như trong các câu chuyện cổ tích Châu Âu?) cho người xem nhưng với những khán giả tinh ý thì họ lại thấy nó như cỗ xe cải lương, bẩn bẩn mà người ta có thể dễ dàng nhìn thấy đâu đó trong các nhà hàng tiệc cưới.
Với kiểu làm phim như thế, có người bảo rằng dù đã lỗi mốt trong cách làm phim nhưng dường như Lê Hoàng rất giỏi trong việc tiêu tiền của nhà sản xuất mà hiểu theo một nghĩa nào đó thì đấy là cách làm phim vô trách nhiệm, kiểu của sống chết mặc bây, tiền thày bỏ túi. Với những gì vừa nêu, khó mà nói khác đi rằng đây là bộ phim đỉnh cao về sự cẩu thả và nếu không gọi đó là dấu chấm hết cho một thương hiệu, thì gọi là gì?
Theo Hà Cao ( Thể thao HCM)
Phim Tết 2012: Được mùa nhưng có được lòng?
Các bộ phim được chờ đợi mấy tháng qua lần lượt kéo nhau ra rạp. Công chiếu nhiều, nhưng không phải phim nào cũng được lòng khán giả, vì số lượng chưa hẳn đã nói lên chất lượng của bộ phim.
Một năm được mùa
Năm qua, với hàng lọat thành công bắt đầu từ mùa phim Tết với những bộ phim như Cô dâu đại chiến, Bóng ma học đường,...đã mang về con số doanh thu đáng mừng cho nhà sản xuất. Tiếp đó, Long Ruồi cũng khiến khán giả bất ngờ về sự bội thu tiền tỷ của nó. Dường như chưa lúc nào việc làm phim dễ như bây giờ. Nắm bắt được thời điểm khách quan, nhiều nhà sản xuất vội vàng bắt tay để kịp cho ra những sản phẩm kịp mùa Tết năm nay, hy vọng mang về nhiều con số khả quan.
Quả là đáng mừng khi dịp Tết 2012 này, khán giả được tha hồ thưởng thức những bộ phim "nội" với đủ mọi hương vị. Từ "Cột mốc 23", "Tối nay 8 giờ", "Hoán đổi thân xác", "Hello cô Ba", "Vũ điệu đường cong" mang thông điệp nhẹ nhàng cho đến những phim đang được chờ đợi như "Lệ phí tình yêu", "Lời nguyền huyết ngãi", "Thiên mệnh anh hung" đều gây được sức hút nhất định. Nếu so với một năm khá nhạt của truyền hình với hàng trăm tập phim với nội dung của các phim cứ na ná nhau thì điện ảnh đã có cái kết khá mỹ mãn khi phim ra rạp phim nào ít nhiều cũng gây được dấu ấn.
Nói như vậy không có nghĩa là làm phim điện ảnh trở thành điều đơn giản của mọi người, mọi nhà. Bởi một khi thị trường điện ảnh bị "bão hòa" với những sản phẩm kém chất lượng hơn thì khán giả sẽ là người nhận ra đầu tiên. Và khi đó, các nhà sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc mong chờ vào doanh thu "khủng".
"Tối nay 8 giờ" đang trông chờ doanh thu "khủng"
Dù là một năm đáng mừng cho điện ảnh Việt, nhưng không phải là không có hạt sạn. Ví như trường hợp gần đây nhất là Cảm hứng hoàn hảo với cái nhìn méo mó về người đồng tính là 1 thất bại tiêu biểu. Nhiều tấm gương trước mắt, tốt có xấu có, quan trọng là nhà làm phim chọn cho mình hướng đi thế nào. Mùa Tết năm nay lại rộn ràng khi hàng lọat các thể loại phim đều ồ ạt ra rạp, hài hước có, tình cảm có, kinh dị có, cổ trang cũng góp mặt. Khán giả sẽ là người thẩm định chất lượng khi "chân dung" các bộ phim dần lộ rõ theo từng ngày. Tính tới thời điểm hiện tại, dù chỉ mới mom mem khởi động mùa phim Tết nhưng phản hồi của khán giả lại "khen thì ít mà chê thì nhiều"...
Được mùa nhưng chưa thỏa lòng khán giả
3 bộ phim khai vị của bàn tiệc màn ảnh rộng lại mang về kết quả chưa thật sự khả quan như mong đợi. "Hoán đổi thân xác" âm thầm ra rạp mà chẳng có chút động tĩnh gì trên phương tiện truyền thông. Bộ phim nhận lại được nhiều lời khen cho diễn viên vào vai "chú chó" hơn là về nội dung hay bất cứ phần nào khác. Dù là có nhiều danh hài góp mặt nhưng cái duyên của họ cũng không thể kéo nổi bộ phim. Nội dung bị khán giả đánh giá là "nhảm" so với đề tài phim giả tưởng vốn được khán giả biết đến qua những bộ phim "ngoại" đầy chất lượng. Xem "Hoán đổi thân xác" không khác gì xem phim truyền hình chiếu trên màn ảnh rộng vậy.
"Hoán đổi thân xác" ra rạp âm thầm
"Đứa con tinh thần" của đạo diễn Nguyễn Quốc Duy thì không bị chê tơi tả như "Hoán đổi thân xác", nhưng gọi "Cột mốc 23" là một bộ phim hay thì chưa đủ, vì nó vẫn còn thiếu tính cao trào. Các nhân vật thay nhau xuất hiện dù chẳng để lại dấu ấn là bao, thậm chí là xuất hiện cho đủ mặt chứ không có ý nghĩa gì. Mọi thứ trong phim được kết nối khá rời rạc, cả những cảnh kinh dị được trông đợi nhất cuối cùng cũng chẳng dọa được ai. Dù có được những cảnh quay khá đẹp mắt nhưng bấy nhiêu chưa đủ để "Cột mốc 23" thật sự tạo dấu ấn trong lòng người xem.
Đạo diễn Lê Hoàng không làm thỏa mãn khán giả
Cũng không khá hơn là mấy, "Tối nay 8 giờ" vốn được khán giả chờ đợi nhận được phản hồi tương tự. Bộ phim dán mác đạo diễn Lê Hoàng khiến nhiều người không khỏi thắc mắc: Hình như Lê Hoàng ngày càng dễ dãi hơn trong những bộ phim của mình. Ngoài những cảnh xa hoa, tráng lệ như câu chuyện cổ tích thì nội dung của phim chẳng mấy đặc sắc, có phần phi lí nữa. Đây có thể là món ăn hợp khẩu vị khán giả tuổi teen nhưng xét cho cùng vẫn thấy nó chưa xứng với đẳng cấp của một con người chua ngoa như Lê Hoàng.
Đặt hy vọng vào "lính mới"
Dù chưa ra mắt khán giả nhưng "Hello cô Ba" chỉ được khán giả nhìn nhận là một bộ phim hài như thường niên của Phước Sang. Không nhiều người kì vọng vào bộ phim này về nội dung. Có lẽ bộ phim giải trí này sẽ được biết đến rộng rãi nhờ vào độ phủ sóng dày đặc của nó và tên tuổi của danh hài Hoài Linh, còn chất lượng thì cũng... y như cũ. "Vũ điệu đường cong" cũng thuộc thể loại tình cảm hài nhẹ nhàng với dàn sao góp mặt. Nghệ thuật múa bụng lần đầu tiên lên phim cũng là điểm nhấn cho bộ phim Nói cho cùng thì tham vọng của nhà sản xuất chỉ đặc cược vào dàn diễn viên hơn là nội dung của bộ phim.
"Hello cô Ba" là phim hài thường niên của Phước Sang
"Lệ phí tình yêu" cũng là một cái tên được nhắc đến khá nhiều nhờ vào độ hot của Minh Hằng và nhiều sao trẻ khác. Phải nói rằng, "Lê phí tình yêu" cũng chỉ là một bộ phim tình cảm hài lãng mạn. Nhưng nó khác so với những bộ phim cùng đề tài nhờ dàn diễn viên hot và chưa từng đóng cặp với nhau. Khán giả vẫn trông chờ xem Minh Hằng và chàng lãng tử đa tình Huy Khánh có đẹp đôi với nhau không, chân dài Ngọc Quyên sẽ đanh đá thế nào, Tường Vi mặt mộc xinh ra sao?...Và có thể chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ kéo chân những vị "thượng đế" khó tính bỏ tiền vào rạp rồi.
Minh Hằng và Huy Khánh được trông chờ ở bộ phim "Lệ phí tình yêu"
Phim kinh dị cũng không hẳn là quá mới mẻ với khán giả Việt. Nhưng chất lượng của nó thì vẫn là vấn đề đáng bàn. Năm nay, vẫn là một phim thuộc dạng đề tài đó nhưng có vẻ thu hút khán giả hơn nhờ vào tên tuổi của NSƯT Thành Lộc và kịch bản khá lôi cuốn. Diễn xuất của Phan Anh và cô gái trẻ Yu Dương cũng ít nhiều gây tò mò với khán giả. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng đã là một cái tên bào chứng cho bộ phim. Uy tín của anh hứa hẹn "Lời nguyền huyết ngải" sẽ không mờ nhạt trong bàn tiệc chung đầy màu sắc này. Rất có thể phim sẽ tạo ấn tượng tốt cho khán giả khi ra mắt và thoát ra khỏi các tiền lệ "phim ma mà chẳng hù được ai".
"Lời nguyền huyết ngải" đang gây tò mò cho khán giả
Hoàn toàn gây bất ngờ ngay từ khi lên kế hoạch quay, bộ phim "Thiên mệnh anh hùng" đang là thắc mắc lớn nhất của khán giả trong mùa phim Tết năm nay. Từ những hình ảnh đẹp như tranh trong trailer đến phục trang, cảnh trí, số lượng diễn viên quần chúng, tất cả đều làm cho bộ phim tăng sức hấp dẫn và tạo sự tò mò đối với công chúng. Dàn diễn viên có thực lực, cộng với một kịch bản kịch tính, liệu phim cổ trang có lên ngôi ngay tại sân chơi Tết này? Victor Vũ quả là một đạo diễn bản lĩnh khi mỗi năm tung một sản phẩm với thể loại khác nhau, nhưng đều được đánh giá rất cao và nhận đựơc phản hồi tích cực từ khán giả. Mang phim điện ảnh cố trang đi chiếu Tết là một ý định táo bạo. Dù có nhiều ý kiến khác nhau về bộ phim nhưng khán giả yêu phim Việt đã dành cho vị đạo diễn tài năng này điểm cộng rất lớn cho sự liều lĩnh này. Công chúng sẽ đặt nhiều kì vọng vào "lính mới" sinh sau nhưng lớn nhanh này.
"Thiên mệnh anh hùng" đang được kì vọng rất nhiều
Sự góp mặt của những bộ phim Tết là nỗ lực chung của các nhà sản xuất. Một khi lượng phim ra rạp ngày càng nhiều thì nỗ lực sáng tạo và tìm kiếm ý tưởng mới lạ là một thử thách. Trên bàn tiệc nhiều món ăn, tùy khẩu vị khán giả có quyền được chọn cho mình món ngon nhất chứ không buộc phải "ngốn" hết những món không chất lượng. Vậy nên các nhà làm phim nên thật sự chú ý đến tâm lí khán giả và đưa ra sự lựa chọn chính xác. Mong cho mùa phim Tết 2012 sắp tới đây sẽ là mùa bội thu thật sự về cả số lượng lẫn chất lượng, dù hy vọng không còn đặt nhiều nơi những bộ phim đã ra mắt. Có chăng, là mong cho những bộ phim đang được chờ đợi sẽ làm khán giả thỏa lòng và tạo được niềm tin cho những người yêu phim Việt.
Việt Trang
Theo VNN
"Xót" cho mùa phim Việt cuối năm Mở màn cho mùa phim Việt cuối năm là những bộ phim có nội dung nhảm nhí, nhạt nhòa không xứng tầm một tác phẩm điện ảnh. Hoán đổi thân xác, Cột mốc 23 và Tối nay, 8 giờ! - ba bộ phim "khai tiệc" màn ảnh rộng cuối năm đã không đủ sức để lại dấu ấn gì đặc biệt. Hài chưa...