Lễ cầu an chùa Phúc Khánh: Ngàn người ngồi tràn đường, chen lấy lộc
Lượng người đến lễ quá tải nên nhà chùa phải cho đóng cổng khiến hàng ngàn người phải ngồi tràn ra lòng đường làm lễ, chen chúc nhau để lấy lộc.
Tối 18.2 (14 tháng Giêng Âm lịch), chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) tổ chức lễ cầu an. Dù đại lễ cầu an diễn ra vào 19h tối nhưng trước đó nhiều giờ, người dân đã đổ về chật cứng từ trong ra ngoài chùa.
Chùa Phúc Khánh có lịch sử từ thời Hậu Lê, vốn là cơ sở đào tạo tăng tài cho Phật giáo. Ngôi chùa cổ kính và linh thiêng này thường có hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người đổ về mỗi dịp đầu năm để dự lễ cầu an, lễ dâng sao giải hạn…
Do quá tải, nhà chùa phải cho đóng cổng. Những người đến sau 5h chiều buộc phải thuê ghế nhựa ngồi làm lễ bên ngoài cổng chùa. Nhiều người đứng lên thành cầu vượt Ngã Tư Sở để làm lễ.
Các ngõ ngách xung quanh chùa cũng rơi vào tình trạng chật cứng người đến dự lễ.
Đường Tây Sơn chật cứng người ngồi lễ một đoạn dài quanh khu vực cầu vượt Ngã Tư Sở.
Người dân ngồi ngoài cũng chắp tay, hướng về phía cổng chùa, thành tâm cầu xin cho một năm gặp được nhiều điều may.
19h, lượng người dự lễ chật cứng phía trước cổng chùa, lực lượng công an trật tự phường Ngã Tư Sở phải dựng rào chắn. Tuy nhiên, các phương tiện đi qua vẫn gặp tình trạng ách tắc do người dân ngồi tràn xuống phần lớn lòng đường.
Video đang HOT
Hàng rào sau đó được nới rộng ra lấy không gian cho người làm lễ. Phần lòng đường bị thu nhỏ lại, chỉ vừa cho người đi bộ, các phương tiện lưu thông qua đây buộc phải đi lên cầu vượt.
Khắp nơi trong đám đông người dự lễ có các tình nguyện viên giơ dòng chữ “Đi dự lễ không để lại rác cũng là công đức” để nhắc nhở người dân giữ gìn vệ sinh môi trường.
Sống ngay cạnh chùa, chị Thu Hương chia sẻ, năm nay vợ chồng chị đều gặp sao hạn nên dù đã dâng sao giải hạn, chị vẫn nhất định làm thêm lễ cầu may cho yên tâm. “Nhà tôi ở ngay cạnh chùa nên không phải chen chúc, đến giờ chùa làm lễ tôi ra ban công nhà mình là dự lễ được luôn”, chị Hương chia sẻ.
8h, buổi lễ cầu may kết thúc, người dự lễ từ trong chùa đổ ra ngoài đường như ong vỡ tổ.
Ngoài đường, đám đông chen chúc nhau, nhiều người phải vác ghế nhựa qua đầu để di chuyển.
Khu vực các bàn phát lộc quanh chùa cũng không phải ngoại lệ, mọi người chen nhau lấy lộc.
Đến chùa làm lễ cầu may, em Như Quỳnh (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, em đi lễ từ 4 rưỡi nên may mắn được vào bên trong trước khi chùa đóng cổng. Tuy nhiên, ở bên trong dòng người chật cứng nên em cũng phải chen chúc khá mệt suốt thời gian diễn ra lễ.
Theo danviet.vn
Bị từ chối giải hạn vì "thiếu lễ" 50 nghìn đồng
Số tiền giải hạn cho 3 người trong gia đình là 450 nghìn đồng nhưng móc hết ví chỉ còn 400 nghìn đồng, người đàn ông bị từ chối làm lễ vì mức phí đã được quy định - "không thể bớt".
Thu tiền dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh.
Bị từ chối dâng sao giải hạn vì thiếu lễ 50 nghìn đồng.
Như mọi năm
Tối 12.2, hàng ngàn người đổ về chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) đăng ký lễ dâng sao giải hạn. Số lượng người quá đông nên diện tích bên trong chùa chẳng thể đủ, hàng trăm người phải đứng chen lấn nhau phía khu vực chân cầu vượt ngã tư sở để tiếp tục hành trình "cầu an".
"Từ nay đến rằm tháng giêng còn đông gấp mấy lần. Năm nào cũng thế thôi", một cảnh sát tham gia đảm trật tự tại khu vực nói.
Người làm lễ cầu an ở chùa Phúc Khánh đứng tràn ra đường Tây Sơn.
Một số phương tiện giao thông di chuyển từ đường Tây Sơn về đường Nguyễn Trãi buộc phải chọn hướng đi khác bởi đoạn giao nhau giữa 2 tuyến đường này đã bị bít nghẹt.
Trong dòng người đó, chị Nguyễn Thị Thu (39 tuổi, Hà Nội) cùng chồng cho hay không thể chen nổi vào trong. "Muốn giải hạn thì ngày mai lại phải quay lại đăng ký thôi", chị nói.
Sáng 13.2, vẫn có hàng ngàn lượt khách thập phương đổ về chùa Phúc Khánh để đăng ký dâng sao giải hạn. Cũng giống như chị Thu, nhiều người cho biết, tối hôm trước chưa kịp đăng ký nên hôm nay trong giờ làm việc cũng phải "trốn cơ quan" để quay lại chùa.
Bên trong chùa, bảng tra năm sinh, sao chiếu mệnh được dán ở khắp mọi nơi để phục vụ khách thập phương tra cứu...
Phía ngoài, trong khoảng sân chỉ vài chục mét vuông, 7 hòm công đức được đặt san sát, các bàn ghi danh nườm nườm khách thập phương đến cung tiến.
Không thể bớt
Đông đúc và bận rộn nhất vẫn là khu vực đóng tiền để "giải hạn". Số tiền để giải hạn một "sao xấu" là 150 nghìn đồng/ lượt người.
Do lượng người đăng ký quá đông nên nhà chùa phải bố trí 2 nhân sự để thu tiền phí giải hạn. Đôi lúc, không kịp đếm tiền, họ còn phải nhờ người đăng ký đứng kế bên đếm hộ.
Một người đàn ông khoảng 30 tuổi đăng ký giải hạn cho 3 thành viên trong gia đình. "3 người 3 sao là 450 nghìn của em", người phụ nữ thu tiền nói.
Người đàn ông vét hết ví đưa ra số tiền 400 nghìn và nói không biết mức phí giải hạn thế nào nên không cầm đủ. Anh mong nhà chùa "châm trước", bớt cho "5 chục".
Người đàn ông bị từ chối giải hạn vì thiếu "5 chục".
Đáp lại, người phụ nữ cho biết số tiền dâng sao giải hạn đã được nhà chùa quy định rõ từ nhiều năm nay, không thể bớt, "cháu có thể mượn tạm ai đó ở đây, hoặc về nhà lấy tiền", người phụ nữ gợi ý.
Nam thanh niên sau đó ra một cây ATM gần chùa để rút tiền về "đóng lễ". "Năm nay sao Thái Bạch chiếu, không thể chủ quan được", anh này lẩm bẩm.
Được biết, ngày 14 tháng giêng (Âm lịch) tới đây, chùa Phúc Khánh sẽ tổ chức đại lễ cầu an và dâng sao giải hạn. Dự kiến lượng du khách đổ về chùa sẽ đông gấp nhiều lần.
Nhóm PV Lao Động đã tìm gặp đại diện chùa Phúc Khánh để tìm hiểu công tác tổ chức đại lễ sắp tới nhưng các sư thầy đều đi vắng, không có ở chùa.
"Nhà chùa sẽ không trao đổi bất kỳ thông tin gì với báo chí đâu", một vị sư cô - nhận là phát ngôn của chùa nói.
Soi sao chiếu mệnh tại chùa Phúc Khánh.
Liên quan đến vấn đề này, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, khẳng định trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày tháng đẹp, xấu trong năm. Phật giáo luôn lên án các hành vi mê tín dị đoan trong đó có cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt xấu...
"Nếu các chùa vừa tụng kinh, vừa cúng sao thì đó là mê tín, thậm chí có tính chất để kiếm tiền", Thượng tọa Thích Nhất Từ nói.
Đồng quan điểm, PGS. TS.Trần Lâm Biền - chuyên gia về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam thì cho rằng không có lễ dâng sao giải hạn, cũng như tử vi nào thay thế được số mệnh.
"Khi vấn đề ảnh hưởng đến tư tưởng, nhận thức thì các cơ quan chức năng phải can thiệp bằng việc có bộ phận tôn giáo, tín ngưỡng mang tính chất chính quyền, giải quyết. Ngành văn hóa, đặc biệt là truyền thông, phải tìm hiểu bản chất của vấn đề và nêu thực chất của vấn đề để nâng cao dân trí", PGS.TS Trần Lâm Biền khẳng định.
Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch nói gì?
Liên quan đến hiện tượng các chùa ồ ạt tổ chức thu phí dâng sao giải hạn dịp đầu năm, trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cho biết: Đây là vấn đề cần phải tìm hiểu kỹ. Chúng tôi sẽ có phản hồi cụ thể đến Báo Lao Động trong thời gian sớm nhất.
TRẦN TUẤN - ĐÌNH TRƯỜNG
Theo Laodong
Hoa đăng rực sáng sông Sài Gòn đêm rằm tháng bảy Đêm 25.8, hàng nghìn người đổ về chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh, TP.HCM) làm lễ cầu an và thả hoa đăng nhân ngày rằm tháng bảy. Tối 25.8 (15.7 âm lịch), hàng nghìn Phật tử tham gia lễ hội thả hoa đăng tại chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh), tạo nên một bức tranh lung linh sắc màu trên dòng sông Sài...