Lê Cát Trọng Lý “thôi miên” khán giả
Không người dẫn chương trình, không vũ đạo, không sân khấu lộng lẫy nhưng tiếng hát, tiếng đàn của Lê Cát Trọng Lý đã làm cho khán giả thực sự ngạc nhiên, thực sự thích thú và cuối cùng là bị “thôi miên”.
Bằng tài năng
Cuối tuần qua, đêm diễn đầu tiên trong hành trình cuối của chuyến Du ca “Vui” xuyên Việt của Lê Cát Trọng Lý bắt đầu lúc 20h tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace nhưng 19h30 khán giả đến rất đông và dần kín cả hội trường. Ngay cả khi Lý đã bắt đầu diễn, khán giả vẫn đến, dù không có đủ ghế ngồi, họ vẫn đứng, vẫn vui và vẫn muốn nghe Lý hát. Đủ để thấy giọng ca của cô gái trẻ này được khán giả yêu mến đến mức nào.
Không người dẫn chương trình, không vũ đạo, không sân khấu lộng lẫy nhưng tiếng hát, tiếng đàn của Lý đã làm cho khán giả thực sự ngạc nhiên, thực sự thích thú và cuối cùng là bị “thôi miên”.
Lý xuất hiện dưới một hình ảnh chân phương với chiếc sơ mi hồng, quần bò bụi và mái tóc xoăn nghệ sĩ khiến khán giả cảm nhận ngay đây là một cô bé rất đặc biệt. Sân khấu được trang trí giản dị, một chút “bụi bặm”, một chút “phong trần”, nhưng đầy ý nghĩa. Đó là một chiếc xe ô tô và Lý ngồi nghịch ngợm trên những chiếc lốp xếp chồng lên nhau. Với những hình ảnh đó, khán giả có thể hình dung ra được hành trình du ca xuyên Việt của cô ca sĩ, nhạc sĩ trẻ này và Hà Nội chính là bến cuối của hành trình.
Hình ảnh thú vị của Lý khi cô ngồi hát trên những chiếc lốp xe xếp chồng lên nhau
Mở đầu với một chút bối rối, cô ca sĩ trẻ cất lên tiếng hát lúc trầm lúc cao vút, ngân vang, và trong veo như giọt nắng mùa hè – Trời ơi. Sau tiếng vỗ tay đầy thích thú, ủng hộ của khán giả, Lý lại tiếp tục với những bài hát đầy chất suy tư và sâu lắng, đưa khán giả qua bao cung bậc cảm xúc, trải nghiệm những cách nhìn mới mẻ của một người trẻ tuổi. Con đường lạ, Em thèm điên, Cười Adam, Lúng ta lúng túng, Ghen, Bình minh, Không tên, Chênh vênh… thật hay, thật đẹp.
Bằng ca từ đầy ý nghĩa
Mỗi khi kết thúc một bài hát là những tràng vỗ tay không ngớt, như khán giả chỉ muốn tán dương Lý mãi thôi. Thực sự hiếm có những buổi biểu diễn nào mà ca sĩ lại chiếm được cảm tình của người nghe nhiều đến vậy, nhất là các khán giả cao tuổi. Thật dễ để thấy có nhiều khán giả lớn tuổi ngồi nghe Lý hát, mỉm cười khi Lý nói chuyện vui, tán thưởng khi cô cất lên tiếng hát. Đã lâu lắm rồi, trên sân khấu âm nhạc Việt Nam mới lại xuất hiện một ca sĩ trẻ, rất trẻ lại có thể chiếm được cảm tình của những khán giả “khó tính” này. Và ta cũng không khó để thấy những vị khách nước ngoài tới xem và nghe Lý. Không biết có phải vì sự khác biệt về ngôn ngữ hay vì giọng hát phóng khoáng, nhẹ tênh của Lý mà họ cũng thích thú chẳng kém gì khán giả Hà Nội.
Lý khiến mọi người cảm thấy ngỡ ngàng bởi những ca từ rất lạ, rất “dị” nhưng rất đáng yêu. Những bài hát chất chứa đầy tâm sự, nỗi niềm của một cô gái trẻ với những cách nhìn cuộc đời rất riêng, rất độc đáo.
Video đang HOT
Có phải cứ là con gái tóc xoăn thì đáng yêu và hát hay? Hay chỉ có Lý là riêng biệt?
Một Con đường lạ mở ra trước mắt đẹp nên thơ, nhưng chất chứa bao tâm sự của một cô gái mới chập chững bước vào đời, chất chứa trong mình những khát vọng mới, đầy xúc cảm. Một kẻ thèm làm người điên vui nhưng lại có tấm lòng rộng mở bao la, có chút ngông cuồng nhưng thú vị trong Nghe tôi kể này. Một Cười Adam rất hào sảng đầy khí thế. Một Ghen đầy vui vẻ, những cũng đầy “bạo liệt” như cách nói đùa của Lý. Lý chia sẻ, Ghen là Lý sáng tác khi cô ở độ tuổi 20, chưa biết yêu nhưng cũng thử “ghen” một lần như thế nào, vậy mà cái “ghen” trong cô cũng thật ra trò. Rồi Con đường Santiago, Cơn bão nghiêng đêm, Tham lam, Du miên… cứ thế, cứ thế nhẹ nhàng đi vào lòng người đầy trăn trở.
Trong gần 20 bài hát Lý trình bày trong đêm “Vui thêm” ở Hà Nội, có lẽ không thể không nhắc đến bài Nghèo. Đây là bài hát thể hiện lối suy nghĩ rất riêng của Lý về cuộc đời. Nghèo không phải nghèo tiền nghèo bạc, mà đó những cái nghèo “niềm tin”, nghèo “hoài bão”, nghèo “tiếng cười”, nghèo “câu ca”… của thế hệ trẻ mà Lý đang sống, đang chứng kiến. Một lớp người trẻ với những tâm lý bất ổn “lúc vui, lúc buồn”, “buồn một mình, khóc cũng một mình”… khi chưa xác định được phương hướng, đường đi đúng đắn cho cuộc đời mình. Nếu quả thực chỉ có tiền thôi, con người vẫn chưa có gì cả, giàu sang để làm gì khi không có tiếng cười, không có những “câu ca”, không hạnh phúc… Đó chính là những ý nghĩa sâu xa mà Lý muốn gửi tới khán giả. Người nghe không khỏi ngạc nhiên về cô gái trẻ này với cách nhìn cuộc sống rất sâu sắc.
Hương lạc là bài hát mà Trọng Lý muốn dành riêng đặc biệt cho khá giả Hà Nội. Khi nghe ca khúc này khán giả nhận ra trong lời ca là một cô gái còn rất trẻ đang đứng trước những do dự của cuộc đời và cho rằng mình lạc lối, sinh nhầm thời. Bằng chất giọng đặc biệt, có lúc thánh thót ngân vang như tiếng chuông, có lúc lại trầm mặc, bình lặng, cô đã dành tặng khán giả một tâm sự rất “Lê Cát Trọng Lý”.
Mỗi bài hát là những ca từ rất riêng, rất lạ nhưng cũng đầy ý nghĩa. Nó không khiến người nghe phải suy nghĩ và trăn trở về thế hệ trẻ đang ấp ôm bao ước mơ nhưng luôn cần người để chia sẻ và dẫn đường.
Bằng sự gần gũi, hài hước và dễ thương
Trong show diễn của Lý không có người dẫn chương trình và Lý là người “tự biên tự diễn”. Với cách nói giản dị, ngẫu hứng dễ thương, Lý đã chiếm được cảm tình của những khán giả khó tính nhất. Mỗi khi Lý nói, khán giả lại ồ lên vui vẻ, hiếm có sân khấu âm nhạc nào lại có không khí gần gũi đến vậy. Những chia sẻ của Lý là rất thật, chân phương, giản dị, không lên gân, không cố làm ra vẻ sâu sắc.
Khi mở màn chương trình, bắt đầu với bài Trời ơi Lý đã hát nhầm một từ và khiến cô thoáng bối rối. Sự bối rối dễ thương, “con trẻ” rất riêng của Lý chẳng khiến khán giả nào có thể nổi giận cả. Lý tâm sự: “thật xấu hổ khi hát mở màn mà đã nhầm một chữ như vậy…”. Rồi nói như thể chuộc lỗi Lý hát tặng khán giả bài Con đường lạ… Lý hát và Lý nói không theo một kịch bản dựng sẵn, tất cả đều bộc phát tự nhiên, rất riêng nhưng rất thật. Một khán giả cao tuổi đã thốt lên rằng “Ôi dễ thương quá”… Khán giả đã dành cho Lý thật nhiều tình cảm mà chẳng cần một chút lăng xê nào, chỉ có cảm nhận tài năng thực sự của Lý mà thôi.
Khán giả thực sự bị thuyết phục
Kết thúc chương trình Lý đã hát Bài ca Tây Tạng rất vui nhộn khiến cho cả ban nhạc, cả Lý như đang “phiêu” đến một thảo nguyên bao la bất tận. Khán giả như bị cuốn hút vào bài du ca, vỗ tay theo nhịp không dứt. Ban nhạc đã chơi, đã “cháy” hết mình, và khán giả muốn “cháy” cùng họ. Dường như ban nhạc và ca sĩ không muốn dứt, cứ triền miên trong một không gian riêng vô tận còn khán giả không muốn rời đi. Những tiếng vỗ tay không ngừng, tiếng hô chúc mừng, cứ kéo dài, kéo dài mãi. Trước tình cảm của khán giả dành cho mình quá lớn, Lý và ban nhạc lại tiếp tục “đưa” khán giả lên một Chuyến xe đầychất trầm tư rồi vỡ òa về hành trình của một con người trong cuộc đời vô tận này, rồi mới kết thúc thực sự. Đáp lại lòng nhiệt thành của Lý và ban nhạc, khán giả đã đồng loạt đứng lên hưởng ứng, nghe Lý chia sẻ, giới thiệu những thành viên trong đoàn, trong ban nhạc rồi mới chịu ra về trong sự nuối tiếc.
Có lẽ trong thời điểm âm nhạc Việt Nam đang nghiêng về nhạc thị trường thì tiếng ca của Lý, những bài hát của Lý thực sự là một trong số ít điểm nhấn đang tỏa sáng. Biết đâu trong tương lai, cô ca sĩ – nhạc sĩ bé nhỏ này lại trở thành “nữ Trịnh Công Sơn” thứ hai như nhiều người đánh giá.
Một số hình ảnh Lê Cát Trọng Lý tại đêm diễn đầu tiên trong hành trình cuối của chuyến Du ca “Vui” xuyên Việt ở Hà Nội:
Tiếng đàn, tiếng hát của Lý đã thực sự thôi miên khán giả
Nhiều người nói Lý ngây thơ, hồn nhiên nhưng có một sự thật không thể phủ nhận, là cô rất khéo trong cách thể hiện sự ngây thơ ấy
Sân khấu được trang trí giản dị, một chút “bụi bặm”, một chút “phong trần”, nhưng đầy ý nghĩa
Theo BĐVN
Lê Cát Trọng Lý hết "Vui" tại Hà Nội
Sau những show diễn tại TPHCM, Quy Nhơn và Đà Nẵng, Lê Cát Trọng lý đã tiếp tục show "Vui" bằng một chuyến du ca cùng bạn bè suốt gần 6 tuần qua từ Huế đến Mù Cang Chải và trở về Hà Nội vào ngày 15, 16 và 17/10.
Không có những đêm diễn hoành tráng trước hàng ngàn khán giả, nhưng Lê Cát Trọng Lý và những người bạn của cô cũng đã có những ngày Vui trên những nẻo đường của đất nước. Tại Huế, họ đã có buổi biểu diễn cho các em nhỏ sống tại một ngôi chùa vắng. Và theo dọc đường Hồ Chí Minh, họ đã có nhiều buổi biểu diễn miễn phí cho bà con tại Đông Hà (Quảng Trị), Đồng Hới (Quảng Bình), Thanh Hóa, Ninh Bình... Những ngày "Vui" của Lê Cát Trọng Lý còn kèo dài tới tại Tú Lệ, Mù Cang Chải (Yên Bái), sang đến Sa Pa (Lào Cai). Những buổi biểu diễn đều ngẫu hứng và "mộc" song tất cả các thành viên trong đoàn du ca đều rất vui và hứng khởi.
Chọn Hà Nội làm nơi khép lại show Vui của mình, Lê Cát Trọng Lý muốn dành cho khán giả nơi đây một tình cảm đặc biệt. Cô cho biết: "Lý được nhiều khán giả Hà Nội "thương" và mỗi khi biểu diễn cho khán giả Hà Nội nghe, Lý đều có những cảm xúc đặc biệt không thể diễn tả bằng lời". Ba đêm diễn sẽ được tổ chức vào ngày 15, 16,17/10 tại Trung tâm văn hóa Pháp - L'Espace nơi cô đã từng có những buổi biểu diễn chật kín khán giả trước đây.
Sau 3 đêm diễn tại Hà Nội, Lê Cát Trọng Lý sẽ có một buổi tổng kết và chia sẻ những gì cô và bạn bè đã nhận được trong chuyến du ca xuyên Việt này.
Lê Cát tại Thành Phố Hồ Chí Minh
tại Đà Nẵng
...tại Huế
tại Quy Nhơn
...tại Mù Cang Chải- Yên Bái
Tuấn Anh
Ảnh: Maika
Theo VNN
Giật mình chiêu trò "ép giá", "hét giá" của ca sĩ Việt Nhiều ca sĩ biến hoạt động âm nhạc thành cái chợ tôm, chợ cá với kiểu mặc cả, hét giá rất trời ơi đất hỡi. Thời của ca sĩ nên các ca sĩ thích "hét" ra sao người làm việc cùng cũng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Có điều nhiều ca sĩ lại quá trớn, biến hoạt động âm nhạc thành...