Lê Cát Trọng Lý nói về văn hóa gây tranh cãi: Người trẻ cần ứng xử thế nào?
Lê Cát Trọng Lý đã trả lời phỏng vấn về việc bảo tồn văn hóa, cô ví “văn hóa chỉ như xác ướp hay những món đồ cổ cũ kỹ không có gì là đẹp”… Vậy, người trẻ nên ứng xử thế nào với văn hóa?
Mới đây, khán giả và các trang mạng xã hội liên tục chia sẻ đoạn clip Lê Cát Trọng Lý trò chuyện với một MC về vấn đề văn hóa.
Trong đó, Lê Cát Trọng Lý nói “em nghĩ văn hóa không bảo tồn được vì không có sức mạnh nào chống lại được với thời gian. Văn hóa chỉ có thể phát triển thôi…”; “văn hóa chỉ như xác ướp hay những món đồ cổ cũ kỹ không có gì là đẹp, là giá trị”…
Trên trang cá nhân, Lê Cát Trọng Lý đã lên tiếng giải thích. Cô cho rằng, các clip ngắn được chia sẻ trên mạng xuất phát từ cuộc phỏng vấn cách đây 2 năm với nội dung không đầy đủ. Lê Cát Trọng Lý cũng gửi lời xin lỗi tới khán giả nếu những chia sẻ của mình gây hiểu lầm. Cô hy vọng các tài khoản mạng ngừng lan truyền những thông tin tiêu cực.
Tuy nhiên, những câu nói về văn hóa của nữ ca sĩ vẫn làm dấy lên những tranh cãi trái chiều trên mạng xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi, người trẻ nên làm gì với việc bảo tồn văn hóa và di sản của cha ông để lại?
Nhạc sĩ – ca sĩ Lê Cát Trọng Lý (Ảnh: Facebook nhân vật).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, TS. Hà Thanh Vân (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, có hàng nghìn định nghĩa khác nhau về văn hóa. Tuy nhiên văn hóa theo cách hiểu thông thường là những giá trị tinh thần và yếu tố vật chất mang tính truyền thống mà con người đã tạo ra và truyền lại qua các thế hệ.
“Theo tôi, văn hóa thường phản ánh những khía cạnh quan trọng trong quá khứ và hiện tại. Văn hóa có thể là những di tích lịch sử và kiến trúc; là nghệ thuật và văn hóa biểu diễn như tranh, điêu khắc, âm nhạc, múa và diễn xuất; là phong tục tập quán, lễ hội; là ngôn ngữ; là những sản phẩm đồ thủ công; là những kiến thức có từ lâu đời về y học, nông nghiệp, thiên văn…”, nữ tiến sĩ liệt kê.
TS. Hà Thanh Vân chia sẻ, việc bảo tồn văn hóa truyền thống trong giới trẻ bây giờ không dễ dàng, bởi vì người trẻ có xu hướng quan tâm đến những hình thức giải trí hấp dẫn hơn, hiện đại hơn.
Video đang HOT
“Tôi nghĩ, vai trò của các nghệ sĩ trong giới showbiz rất quan trọng, nếu nghệ sĩ nặng lòng, thiết tha với văn hóa truyền thống, sẽ tạo cảm hứng, định hướng cho công chúng của mình cũng có mối quan tâm chung như vậy…”, bà Vân nói.
Nhà viết kịch Chu Thơm cho biết, một số nghệ sĩ trẻ hiện nay chưa hiểu biết nhiều về khái niệm văn hóa, bởi văn hóa gồm cả vật chất và tinh thần, những giá trị văn hóa luôn tồn tại, sống động và đi theo chiều dài lịch sử của người Việt Nam.
“Nếu không hiểu biết về vấn đề văn hóa, người trẻ không nên phát biểu trước đám đông. Bởi nếu người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đến giới trẻ không may lỡ lời, có thể khiến cho một bộ phận công chúng phẫn nộ lên án và làm cho nhiều người hiểu sai lệch về văn hóa và những di sản của cha ông ta để lại…”, nhà viết kịch Chu Thơm thẳng thắn.
Nhà viết kịch Chu Thơm nói, trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai mới đây, khi MC Anh Tuấn hỏi các nghệ sĩ gồm: Tự Long, ca sĩ Cường Seven và Soobin về việc tại sao lại biểu diễn tiết mục Trống cơm, NSND Tự Long đã trả lời một câu ngắn gọn và đầy cảm xúc rằng: “Văn hóa là bản chất! Văn hóa là cội nguồn! Văn hóa là dân tộc”.
“Là một nghệ sĩ – là chiến sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật, câu trả lời của Tự Long làm nhiều người đồng cảm, ủng hộ. Chúng ta phải có văn hóa, có hiểu biết thực sự thì mới phát huy, bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống…”, ông Chu Thơm nói.
TS. Hà Thanh Vân cũng thẳng thắn chỉ ra, việc bảo tồn văn hóa truyền thống cho người trẻ là chuyện khó khăn trong bối cảnh đương đại.
Bà Vân nói, để người trẻ tâm huyết với văn hóa truyền thống và di sản, cần có một số giải pháp như: Giáo dục và tạo nhận thức cho công chúng trẻ, là việc tăng cường hiểu biết và tạo những nhận thức về văn hóa truyền thống Việt Nam.
Thêm nữa, cần tổ chức các buổi triển lãm, hội thảo, khóa học, và sự kiện về văn hóa để giới thiệu văn hóa Việt Nam cho người Việt Nam và những công dân quốc tế có quan tâm. Trong đó, chú trọng giới thiệu cho thế hệ trẻ, cần đưa giáo dục về di sản văn hóa thành một bài học quan trọng trong môn học Giáo dục công dân ở nhà trường phổ thông.
Ở cấp độ đại học và sau đại học, cần có những chính sách như giảm học phí, tặng học bổng… để khuyến khích các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các ngành văn hóa truyền thống, bảo tồn di sản văn hóa.
Thứ 2 là hỗ trợ và thúc đẩy những công việc nghiên cứu và sáng tạo của thế hệ trẻ: Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ, các tư nhân có khả năng, có thể tài trợ các dự án nghiên cứu cụ thể, hỗ trợ các nghệ nhân dân gian và nhà nghiên cứu trẻ để họ có cơ hội nghiên cứu, khám phá, tìm hiểu và trên cơ sở đó, vừa bảo tồn vừa tạo ra các sản phẩm nghệ thuật mới.
Đặc biệt, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch có thể đề ra một giải thưởng về văn hóa, trao hàng năm với các nội dung: Cho các nhà nghiên cứu, cho các nghệ nhân dân gian, hay cho những thành quả cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống dành cho những người trẻ, có thể là độ tuổi U40.
Thứ 3 là hợp nhất văn hóa truyền thống vào cuộc sống hiện đại: Kết nối văn hóa truyền thống với cuộc sống hàng ngày của người dân và với các lĩnh vực khác như giáo dục, kinh tế và du lịch…
Có thể, kết hợp cùng với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các công ty du lịch để phát triển loại hình du lịch văn hóa dành cho người trẻ. Báo chí và các phương tiện truyền thông nên chăng cần mở nhiều thêm những chuyên mục dành cho việc giới thiệu văn hóa Việt Nam, vừa để phổ biến kiến thức, vừa để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ.
Cũng có thể tổ chức các cuộc thi tìm hiểu di sản văn hóa dưới nhiều hình thức: viết bài dự thi, làm game show trên truyền hình,… dành cho những người trẻ.
TS. Hà Thanh Vân nói, văn hóa có thể là những di tích lịch sử và kiến trúc; là nghệ thuật và văn hóa biểu diễn như tranh, điêu khắc, âm nhạc, múa và diễn xuất… Trong ảnh là các nghệ sĩ trong vở chèo “Lưu Bình – Dương Lễ” của Nhà hát Chèo Hà Nội (Ảnh: Ban Tổ chức).
Nhà nghiên cứu văn hóa Xuân Hương cũng cho rằng, để người trẻ yêu văn hóa và có ý thức trong việc giữ gìn di sản của cha ông để lại, cần có những hội thảo, các buổi thảo luận: Thế nào là văn hóa, văn hóa gồm những gì? Nếu họ hiểu được thì mới có tình yêu và ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống.
“Tôi thấy vài năm gần đây, một số Nhà hát ở Hà Nội triển khai dự án Sân khấu học đường – tức là họ diễn kịch nói, chèo, cải lương… cho các em học sinh, người trẻ trên địa bàn Hà Nội xem. Đây là một việc làm cụ thể để người trẻ tiếp cận ở cự ly gần với văn hóa truyền thống”, bà Xuân Hương thông tin.
Lê Cát Trọng Lý (SN 1987), người Đà Nẵng, gây chú ý từ chương trình Bài hát Việt 2008.
Sau này, với ca khúc Chênh vênh, nữ ca sĩ nhận về nhiều giải thưởng. Năm 2011, Lê Cát Trọng Lý là nhạc sĩ nữ duy nhất giành giải Cống hiến trong tổng số 7 đề cử.
Nữ ca sĩ được khán giả trẻ yêu thích vì chất giọng cảm xúc và những sáng tác của cô luôn thay người khác nói hộ những chênh vênh, những câu chuyện từng trải qua thời tuổi trẻ.
Lê Cát Trọng Lý cũng được xem là cái tên tiêu biểu cho giới nghệ sĩ Indie (làm nhạc độc lập).
Lê Cát Trọng Lý lên tiếng giải thích
Lê Cát Trọng Lý cho biết nhiều clip cắt ghép nội dung chia sẻ của cô lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua. Nữ ca sĩ xin lỗi khán giả nếu gây ra sự hiểu lầm.
Chiều 28/7, thông qua trang cá nhân, Lê Cát Trọng Lý chia sẻ thời gian qua, nhiều clip cắt ghép nội dung trong một buổi phỏng vấn của cô lan truyền trên mạng xã hội với thông tin sai lệch. Theo Lê Cát Trọng Lý, điều này đi ngược lại với ý nghĩa của các dự án mà ca sĩ và cộng sự đã làm, đồng thời gây ảnh hưởng danh dự.
"Dự án Những khúc ca Việt cổ Lý thực hiện cùng đồng đội của mình là 1 dự án nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của chúng ta, dưới hình thức tìm lại và ghi âm, sau đó chuyển soạn và giới thiệu các ca khúc dân gian đến công chúng một cách rõ ràng, trong sáng. Nhằm để nhiều người trong chúng ta biết đến nhiều hơn về các ca khúc dân gian của Việt Nam. Mục đích là nhằm gìn giữ, tôn vinh và giới thiệu cái đẹp của văn hóa dân tộc đến công chúng", Lê Cát Trọng Lý giải thích.
Ca sĩ Lê Cát Trọng Lý.
Nữ ca sĩ cho biết các clip ngắn được chia sẻ trên mạng xuất phát từ cuộc phỏng vấn cách đây 2 năm với nội dung không đầy đủ. Lê Cát Trọng Lý cũng gửi lời xin lỗi tới khán giả nếu những chia sẻ của mình gây hiểu lầm. Cô hy vọng các tài khoản mạng ngừng lan truyền những thông tin tiêu cực.
"Nếu Lý có lời nói, hành động hay việc làm gây ra sự khó chịu hay hiểu lầm cho quý vị khán giả, Lý thật lòng xin lỗi và mong quý vị lượng thứ, xin hiểu cho là Lý chưa bao giờ có những ý định hay ý nghĩ như cách các anh chị hiểu lầm và chỉ trích", nghệ sĩ bày tỏ.
Thời gian gần đây, mạng xã hội lan truyền đoạn clip Lê Cát Trọng Lý trả lời phỏng vấn về việc bảo tồn văn hóa. Trong đó, Lê Cát Trọng Lý nói "em nghĩ văn hóa không bảo tồn được vì không có sức mạnh nào chống lại được với thời gian. Văn hóa chỉ có thể phát triển thôi...". Chia sẻ của Lê Cát Trọng Lý sau đó gây tranh cãi.
Nà Tuồng, Na Rì (Bắc Kạn) gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch Nà Tuồng, Na Rì với cảnh sắc nên thơ cùng với nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Nùng gìn giữ nhiều đời dưới mái nhà sàn cổ kính... khiến ai từng một lần đặt chân đến với Nà Tuồng, xã Xuân Dương (Na Rì, Bắc Kạn ) không lỡ bước đi. Nà Tuồng có 74 hộ dân thì có tới 65...