Lê Bê La: ‘Nâng tạ 80 kg, tập đau đớn mới tự tin mặc gợi cảm’
Diễn viên “Cổng mặt trời” cho biết để lấy lại được vóc dáng sau khi sinh con, cô phải luyện tập vất vả. Lê Bê La tiết lộ có thể nâng tạ nặng 80 kg.
Những ngày qua, Lê Bê La cùng các đồng nghiệp là MC Đại Nghĩa và diễn viên Thanh Sơn đã thực hiện chiến dịch 14 ngày nhằm giúp đỡ người bán vé số, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.HCM. Họ đã quyên góp được số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Nữ diễn viên và nhóm ban đã trích số tiền 100 triệu đồng gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đồng hành cùng Chính phủ chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, họ dùng số tiền quyên góp được để chuẩn bị các suất quà bao gồm: Gạo, mỳ gói, sữa tươi, nước tương, dưa món để hỗ trợ bà con nghèo ở các quận tại TP.HCM. Chia sẻ với Zing sau buổi phát quà cho người nghèo, Lê Bê La xúc động cho biết: “Tôi hạnh phúc khi mỗi ngày trôi qua mình không sống vô nghĩa”.
Tôi muốn đăng ký làm tình nguyện viên ở trung tâm cách ly
- Chiến dịch 14 ngày giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội được chị chuẩn bị thế nào?
- Chiến dịch 14 ngày của tôi và nhóm bạn nảy ra khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chúng tôi thấy thương những người lang thang, bán vé số. Nếu không có việc làm, những người kiếm ăn từng bữa không biết sẽ sống ra sao.
Ban đầu, chúng tôi chỉ dự định làm theo khả năng của mình, trao tặng những phần quà nhỏ như mì tôm, hũ mắm, khẩu trang, nước rửa tay. Tuy nhiên, qua một đêm kêu gọi, số tiền mọi người đóng góp lên tới 700 triệu đồng.
Bây giờ, số tiền chúng tôi nhận được đã lên tới 1,3 tỷ đồng. Do đó, số quà tặng tôi và nhóm gửi đến những người có hoàn cảnh khó khăn cũng nhiều hơn. Giá trị một phần quà nhóm tôi gửi đến những hoàn cảnh khó khăn là 500.000 đồng. Chúng tôi đã phát hơn 2.000 phần quà như thế.
Lê Bê La kêu gọi được hơn 1 tỷ đồng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.HCM.
- Lần đầu kêu gọi khán giả cùng chung tay làm việc thiện nguyện và được ủng hộ lên tới hơn 1,3 tỷ đồng. Cảm xúc của chị như thế nào?
- Khi chia sẻ trên Facebook, tôi nghĩ nhận được vài chục triệu đồng đã là may mắn. Không ngờ, số tiền nhận được 1,3 tỷ đồng. Những người đóng góp 1-2 triệu đồng ít lắm. Đa số, khán giả gửi cho tôi 100.000 – 200.000 đồng, có người gửi 50.000 đồng. Số tiền đóng góp nhỏ nhưng cuối cùng thành số tiền lớn khiến tôi rất cảm động. Tôi và nhóm chỉ là cầu nối, truyền đạt sự yêu thương của mọi người dành cho những mảnh đời khó khăn giữa lúc dịch bệnh.
Trân trọng tấm lòng của người đóng góp, tôi nghĩ mình phải sử dụng đồng tiền hiệu quả. Ngày đầu, nhóm tôi chia nhau đi khắp các quận trong thành phố. Trong đêm 1/4, chúng tôi phải chạy xe máy từ 7-10h đêm, phát hơn 100 phần quà.
Sau 3 ngày chạy ngoài đường quá vất vả, chúng tôi liên kết với các phường, phát trực tiếp cho các hoàn cảnh khó khăn tại phường đó.
- Đi nhiều, trực tiếp gặp những số phận kém may mắn, có trải nghiệm nào đáng nhớ với chị?
- Đi tặng quà mới thấy trong đời còn có nhiều người khó khăn. Có gia đình gồm 7 thành viên thì 5 người đi bán vé số. Tôi không biết họ sống thế nào giữa lúc dịch bệnh. Tôi chỉ có thể tặng họ nhiều phần quà hơn.
Ngày 9/4, đến phát quà tại một phường ở TP.HCM, tôi bất ngờ khi biết một gia đình khó khăn nhưng sẵn sàng nhường đất làm đường. Hóa ra, giữa cuộc đời vẫn có những người vượt qua những tính toán, hơn thua cá nhân để làm việc có ích cho cộng đồng.
Thực hiện chiến dịch 14 ngày, tôi thấy tình người luôn đầy ắp. Những người xa lạ, không phải anh em, thân thiết nhưng sẵn lòng giúp đỡ, đùm bọc người khác. Nhờ tình người ấm áp đó, tôi nghĩ dịch bệnh ở Việt Nam đã được hạn chế, và sẽ sớm vượt qua.
- Những trải nghiệm qua chiến dịch 14 ngày khiến suy nghĩ của chị thay đổi thế nào?
Video đang HOT
- Tôi vốn là người năng động, nhiều năng lượng. Ban đầu, tôi muốn đăng ký làm tình nguyện viên đến các trại cách ly để hỗ trợ bộ đội, dân quân. Tôi có thể nấu cơm, nhặt rau… Nhưng khi ý tưởng hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn đến, tôi quyết tâm theo đuổi.
Mỗi người cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Trong lúc dịch bệnh, mình cũng không biết là F mấy. Vì vậy, còn sống ngày nào, mình cứ làm việc tốt, hết mình.
10 ngày vừa qua, tôi sống rất mãn nguyện khi cảm nhận được tình yêu thương của mọi người. Vì thế, việc đi cả ngày, vác gạo 50 kg, tôi cũng không thấy cực khổ.
Lê Bê La tự nhận mình có tính cách như đàn ông.
- Từ bao giờ chị có suy nghĩ muốn được cống hiến và dành nhiều thời gian cho việc thiện nguyện?
- Năm vừa qua, có quá nhiều sự mất mát trong giới nghệ sĩ. Tôi nghĩ cuộc đời rất vô thường. Tôi muốn cuộc sống mỗi ngày của mình đều có ý nghĩa.
Là diễn viên nhưng cuộc sống của tôi giản dị, không sắm đồ hiệu, ăn uống cũng ít. Trong lúc này, tôi không có phim ảnh, show huỷ hàng loạt nên sống nhờ bằng tiền tiết kiệm.
Qua dịch bệnh này, tôi cho rằng mỗi người nên sống tiết kiệm hơn. Chúng ta sẽ không biết chuyện gì xảy ra với mình. Vì vậy, để đối diện với sự cố như dịch bệnh, không bị chới với, hụt hẫng thì mình phải có sự chuẩn bị, tiết kiệm.
Tôi có thể nâng tạ 80 kg
- Lê Bê La thường lên chùa rửa chén, nhặt rau, nấu ăn… Chị không ngại làm việc tay chân ảnh hưởng đến hình ảnh một diễn viên?
- Nếu chị đến chùa sẽ thấy tôi làm kinh hoàng hơn. Tôi làm từ 6h sáng đến 12h khuya bởi phải lo việc ăn uống cho lượng khách lớn. Đối với tôi, làm được những việc có ích là niềm vui. Tôi làm việc chân tay đó mà không thấy mệt. Khi đã làm, tôi không nghĩ đến việc gì khác, cũng không mang theo điện thoại.
- Một năm qua, chị chăm chỉ tập gym, mặc sexy khác hẳn hình ảnh tomboy trước đây. Động lực nào khiến chị thay đổi như thế?
- Tôi muốn khán giả nhìn mình khác, mới mẻ hơn. Tôi không muốn mình chỉ gắn với những vai diễn khổ sở, nhiều nước mắt. Tôi muốn chứng minh bản thân có thể đóng được nhiều loại vai. Mình muốn có cơ hội mới thì phải tự thay đổi bản thân mình trước.
Nữ diễn viên cho biết chăm chỉ tập thể dục.
- Quá trình chị tập luyện, thay đổi bản thân khó khăn như thế nào?
- Kinh khủng vô cùng. Nhiều khi tôi phải chịu đau đến phát khóc. Tôi nâng tạ nặng tới 80 kg. Bạn bè ví tôi như trâu điên. Ngoài ra, việc ăn uống, tôi cũng phải kiểm soát gắt gao như giảm tinh bột, ăn bằng bánh mì đen, yến mạch, ức gà.
Để nâng cao sức bền, dẻo dai tôi còn tham gia nhóm leo rừng núi. Nhờ tập thể dục, cơ thể khỏe khoắn nên khi mình chụp ảnh sexy, tôi cũng tự tin hơn. Nhiều khán giả bị sốc, ngạc nhiên với hình ảnh khác hẳn của tôi. Vài người nhắn tin không thích hình ảnh mới của tôi. Số đông khán giả lại ủng hộ. Tôi trân trọng tất cả góp ý của khán giả nhưng tôi hiểu mình là ai, đang làm gì. Tôi thích cuộc sống bây giờ, làm chủ được bản thân.
- Làm nhiều công việc khác nhau, tập trung cho những sở thích cá nhân, thời gian nào chị dành cho con trai, ông xã?
- Anh ấy thường nhắc nhở tôi ăn uống, giữ gìn sức khoẻ. Tính cách của tôi xưa nay vẫn thế nên anh cũng quen rồi. Anh biết không cản được nếu tôi thích. Vì vậy, anh để tôi tự làm tất cả. Anh ấy cũng khá chu toàn, có thể tự lo mọi chuyện cho mình.
Trong những ngày dịch, con trai tôi sống với ông bà ngoại ở Đăk Lăk. Do đó, tôi có thể tung tăng, làm nhiều việc.
- Ít dành thời gian cho gia đình, chị có ngại sẽ ảnh hưởng tới hạnh phúc?
- Tôi không ngại gì. Quan trọng là con trai tôi vẫn được chăm sóc tốt. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Bích Hằng
Lê Bê La quên ăn làm từ thiện
Từ khi khởi động 'chiến dịch 14 ngày' kêu gọi quyên góp và phát quà cho những người bán vé số thất nghiệp vì Covid-19, Lê Bê La không ngày nào ăn đúng bữa vì quá bận rộn.
- Chị nghĩ gì khi quyên góp được 1,2 tỷ đồng trong "chiến dịch 14 ngày" ủng hộ cho người bán vé số bị mất việc vì dịch bệnh?
- Tôi bất ngờ lắm. Khi cộng lại từ các toài khoản, tôi phát hoảng vì số tiền quá lớn (cười).
Chiến dịch 14 ngày do anh Thanh Sơn, Đại Nghĩa và chị Hồng Vân nghĩ ra còn tôi là người hưởng ứng. Khi bắt đầu, tôi và anh Thanh Sơn đã đứng ra kêu gọi quyên góp cho các hoàn cảnh ở Sài Gòn. Ngay sau đêm đầu tiên, chúng tôi nhận được 700 triệu đồng và nhắn mọi người đừng góp nữa nhưng tiền vẫn cứ đến hoài. Đến hôm nay, số tiền đã lên tới 1,2 tỷ đồng. Mỗi người gửi vài chục, vài trăm nghìn đồng thôi mà cộng lại được con số lớn như vậy đó. Thế mới thấy người Việt Nam mình thương nhau quá.
Khi bắt đầu chương trình, không ai trong nhóm nghĩ rằng mình sẽ nhận được nhiều tiền như thế. Ngày đầu, vì tài chính còn hạn chế nên chúng tôi tính mỗi phần quà chỉ đơn sơ gồm 10 gói mỳ cùng một ít nước tương, bột ngọt... Nhờ sự ủng hộ của mọi người, chúng tôi mới có thể làm được nhiều đến thế.
Diễn viên Lê Bê La.
- Hoạt động xã hội khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị tính toán thiệt hơn thế nào cho sức khoẻ của mình?
- Không biết mọi người có tin điều này không, tôi chẳng nghĩ gì nhiều về dịch bệnh khi tham gia hoạt động này. Thực tế là Việt Nam mình kiểm soát dịch rất tốt nên chúng tôi hoàn toàn tự tin với việc mình làm. Nếu tình hình nghiêm trọng như ở châu Âu thì chắc tôi cũng không dám đâu.
Tôi không phải là người nghĩ ra chiến dịch này mà chỉ là người đồng hành với anh Thanh Sơn ở Sài Gòn. Mục đích của chương trình là lo cho người cơ nhỡ, bán vé số đủ lương thực sống sót sau 14 ngày cách ly toàn xã hội. Tôi thấy mọi người đặt niềm tin lớn quá nên càng có động lực tham gia.
Điều tôi quan tâm nhất là sức khoẻ của con mình nhưng bé hiện không ở gần nên cũng không có gì phải lo. Em gái hay hỏi sao tôi cứ đi linh tinh, mặc kệ mọi thứ như thế. Tuy nhiên, nếu ai cũng nghĩ như vậy trong lúc dịch bệnh thì ai sẽ giúp ai đây?
- Khi tham gia hoạt động này, chị phân chia thời gian cho gia đình và cuộc sống riêng thế nào?
- Tôi bỏ hết gia đình luôn (cười). Từ hôm tham gia chương trình, tôi ngày nào cũng chỉ kịp ăn sáng trước đến khu tập trung nhà anh Thanh Sơn và sau đó là lu bu với việc đóng gói, lọc danh sách theo khu vực và cùng các bạn trong nhóm chia nhau đến các địa điểm phát quà. Cả ngày đi nắng, tối nào về tôi cũng đuối sức và nằm thẳng cẳng luôn.
Tôi gửi con về nhà ngoại từ Tết đến giờ. Cháu có bà chăm sóc nên tôi không phải lo lắng quá nhiều. Mọi người trong nhà đều hiểu và ủng hộ tôi khi làm việc này. Mẹ tôi rất vui, đặc biệt khi đọc được những tin tức tích cực trên báo chí và mạng xã hội.
- Chị và các bạn bảo vệ sức khoẻ bản thân như thế nào khi làm việc?
- Không ai trong chúng tôi chủ quan về dịch bệnh. Khi làm việc, chúng tôi bảo hộ cẩn thận với bao tay, khẩu trang, kính mắt... Anh Thanh Sơn cũng rất kỹ càng trong việc bảo vệ sức khoẻ cho mọi người. Mỗi khi chúng tôi kết thúc công việc, anh ấy đều cho xịt cồn khắp người trước khi về nhà.
- Chị trải qua ngày trao quà đầu tiên như thế nào?
- Chúng tôi bắt đầu vào buổi tối trước khi lệnh cách ly xã hội có hiệu lực. Từ 18h30 tối 31/3, tôi cùng anh Thanh Sơn và các bạn trong nhóm mặc đồ bảo hộ kín mít, đi xe máy, chia nhau ra các ngả để tìm người bán vé số sống vô gia cư bên vệ đường, người già neo đơn... Chúng tôi phải chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành mọi việc trước giờ giới nghiêm là 22h. Tối đó, chúng tôi phát được khoảng 200 phần quà.
Ngày đầu tiên, chúng tôi gặp người vô gia cư nằm la liệt trên phố nhưng không thể tặng hết. Vì quà có giới hạn nên nhóm thống nhất phải ưu tiên cho người già yếu hoặc tật nguyền. Tất cả đều biết thanh niên dù vô gia cư vẫn có sức chịu đựng tốt hơn người lớn tuổi. Cứ vừa đi vừa phải phân tích như thế, tôi thấy mệt lắm. Đêm ấy, cứ thấy người già là chúng tôi như bắt được vàng, chạy đuổi theo làm người ta giật mình.
Lê Bê La và Thanh Sơn đi xe máy phát quà cho người vô gia cư tối 31/3.
- Chị và các bạn trong nhóm phân chia công việc ra sao?
- Nhóm tôi có khoảng 5 thành viên. Vì quy định không tụ tập đông người nên chúng tôi mỗi người một góc, tự làm hết các việc như lên danh sách chia quà, phân loại hàng hóa do mạnh thường quân gửi tặng, gói thành từng phần và chia cho các đầu mối.
Ngày đầu tiên là vất vả nhất vì chúng tôi tự chạy xe máy đi tìm người bán vé số nhưng số lượng cũng chẳng được bao nhiêu. Bây giờ mọi việc đỡ hơn một chút vì có các đại ý vé số và cán bộ phường giúp đỡ. Họ gửi danh sách và chúng tôi chỉ việc đóng gói rồi chở đến. Công việc bắt đầu vào guồng và dễ dàng hơn nhiều. Dù vất vả nhưng ai cũng cảm thấy vui khi làm việc này.
Mấy hôm nay, lúc nào tôi cũng bận chóng mặt. Tôi ăn sáng vội bằng vài miếng khoai rồi đóng gói hàng đến trưa thì cùng mọi người uống tạm nước sâm và mấy miếng chè mua ở chợ cạnh nhà anh Sơn cho qua bữa. Làm quên ăn nhưng tôi nghĩ tích cực rằng: "Cứ để vậy cho mỡ trong người tự tiêu, mình đỡ phải tập thể dục".
Tôi sẽ cố gắng giữ gìn sức khoẻ và sống sót qua 14 ngày. Biết rằng cuộc chiến này còn dài nhưng tôi thề với mình rằng không được ngục ngã.
- Gia đình phải ứng gì khi thấy chị vất vả như vậy?
- Tôi vốn là con nhà nông nên sức chịu đựng lớn lắm. Vì đã quen rồi nên tôi không thấy nặng nề hay vất vả gì cả. Tôi thấy thoải mái và rất vui khi làm việc này. Không ai cản tôi làm việc này và nếu có, mọi người cũng không thể cản được đâu (cười).
Lê Bê La giao hàng từ thiện cho đại diện một nhà chùa.
- Chị và các thành viên trong nhóm đã phát được bao nhiêu phần quà?
- Tôi không nhớ mình đã phát được bao nhiêu, chắc là cả nghìn rồi đó. Chúng tôi ưu tiên cho những người bán vé số mất việc làm và người tàn tật, người già không nơi nương tựa, sau đó mới đến người nghèo.
- Nhiều nghệ sĩ từng gặp điều tiếng khi làm từ thiện, chị nghĩ gì nếu mình rơi vào trường hợp tương tự?
- Tôi nghĩ rằng việc mình làm thì cứ làm thôi, thực tế là mình có sống tốt cỡ nào thì cũng có người không thích. Vì vậy, chẳng có lý do gì khiến tôi phải suy nghĩ quá nhiều về điều đó. Cũng có vài người trên Facebook đả kích rằng chúng tôi không có trách nhiệm khi đi lang thang khắp Sài Gòn giữa mùa dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi luôn trong tâm lý phải bảo vệ bản thân và coi như mình đã mắc bệnh rồi để nâng cao ý thức bảo vệ người khác. Dù ai nói gì, chúng tôi vẫn cảm thấy bình thường và chuyên tâm làm công việc của mình.
Chúng tôi thường xuyên cập nhật tiền mọi người gửi vào tài khoản trên Facebook. Có thể sẽ nhiều người nói rằng chúng tôi cố tình phô trương để PR nhưng thật ra không phải vậy. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng mình đã nhận quá nhiều tiền của mọi người thì phải có trách nhiệm minh bạch mọi thu chi. Vì đã xác định làm vì cái tâm nên tôi cứ đường thẳng mà đi thôi.
Nguyên An
Lê Bê La và nhóm bạn quyên góp hơn một tỷ đồng giúp người bán vé số Diễn viên Lê Bê La cùng MC Đại Nghĩa, diễn viên Thanh Sơn đã kêu gọi người dân quyên góp, ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tính đến ngày 1/4, theo thống kê, TP.HCM có 7.978 người bán vé số thường trú và tạm trú gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giảm...