LĐ tử nạn tại Angola: Gia cảnh bần hàn
Mơ ước đổi đời đã khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh bi thương mất con, mất chồng, nợ nần chồng chất… PV đã tìm về gia đình các nạn nhân người Nghệ An là lao động “chui” ở Angola chẳng may tử nạn, để chia sẻ nỗi đau tột cùng của những số phận đang “ngồi trên đống nợ”.
Đón con về trong chiếc quan tài
Ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng Lao động – Việc làm – Tiền lương (Sở LĐ,TB&XH Nghệ An) khẳng định: Hiện chưa có bất cứ đơn vị nào được cấp phép để xuất khẩu lao động sang thị trường Angola. Hầu hết đều đi theo đường dây lao động “chui” và phải chịu một khoản phí đắt đỏ. Vì thế, người lao động cần thận trọng, tránh bị “cò mồi” lừa đảo khiến “tiền mất, tật mang”.
Chúng tôi đến xóm 5, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) khi mà chị Thảo, vợ anh Chu Văn Toản (SN 1982, tử vong tại Angola) không còn nước mắt để khóc nữa. Gần 100 ngày trôi qua kể từ khi anh tử nạn ở Angola, nỗi đau dường như vẫn còn nguyên vẹn trong chị và đứa con trai hơn 1 tuổi. Chị Thảo là người Kỳ Anh (Hà Tĩnh) – nơi có nhiều người đi xuất khẩu lao động và cũng có nhiều người trở nên khấm khá sau khi về. Anh Toản lúc đó không có việc làm, nhà chỉ dựa vào mấy sào ruộng ăn còn không đủ thì nói gì chuyện tích cóp để nuôi dạy con cái. Thế nên, vợ chồng chị mới tính vay tiền đi xuất khẩu lao động ở Angola với ước mơ đổi đời. Tháng 12/2011, vợ chồng chị đã phải nộp cho người môi giới 5.500USD. Đây là số tiền vay mượn từ anh em, họ hàng. Đầu tháng 12/2012, từ Angola anh Toản điện thoại về cho biết, khí hậu bên đó khắc nghiệt khiến anh bị sốt rét và ốm đau suốt nên đang thu xếp để về Việt Nam. Ai ngờ anh Toản chưa kịp về thì xảy ra cơ sự. Sáng hôm định mệnh đó, khi đang đi làm (chị là công nhân doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử – PV) thì chị nhận được điện thoại của bạn trọ cùng phòng với chồng báo tin rằng anh Toản đã mất…
Bà Nguyễn Thị Thủy (mẹ nạn nhân Cao) đau xót kể chuyện với PV
Video đang HOT
Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Thảo, mấy hôm nay ngôi nhà nhỏ của gia đình bà Cao Thị Thủy – ở xóm 7, xã Nghi Kim, huyện Nghi Lộc không lúc nào ngớt người vào ra thăm hỏi. Con trai bà Thủy là anh Nguyễn Đức Cao (26 tuổi) đi lao động tại Angola, bị tử nạn hôm 1/3, Hơn một tháng sau ngày anh Cao mất, đến tận 5/4 vừa rồi thi thể anh mới được đưa về quê an táng. Việc chờ đợi thi thể con trai trở về đã khiến cho bà Thủy kiệt sức. Nước mắt giàn giụa, bà vừa nấc vừa kể, cuối năm 2012 anh Cao sang Angola bằng đường du lịch do một người quen ở quê giới thiệu với chi phí gần 140 triệu đồng. Mức lương được hứa hẹn ban đầu là 1.000 USD/tháng. Sang đó, nghe nói anh Cao bị sốt rét liên miên và đến ngày 1/3 thì tử vong. Xoay xở đủ đường cho con đi lao động, bà Thủy không ngờ, có ngày phải đón con về trong một chiếc áo quan lạnh lẽo.
“Ban đầu, anh em bên đó thông báo chi phí đưa thi thể Cao về quê hết khoảng 20.000 USD. Số tiền đó đối với gia đình tôi lúc này là không thể! Sau đó gia đình tôi đã liên lạc với bên công ty đưa Cao đi. Nghe nói, phía công ty đã sang bên đó để phối hợp các cơ quan chức năng, cộng đồng người Việt và Đại sứ quán Việt Nam tại Angola can thiệp mới làm được thủ tục đưa thi thể Cao về nước. Thôi thì đưa được nó nguyên vẹn về quê an táng, còn là cái may mắn nhất của gia đình!” – bà Thủy nói như để động viên, an ủi chính mình – “Nghe nói, nhiều trường hợp lực bất tòng tâm, con chết nhưng không làm sao đưa được xác con về…”.
Nỗi tuyệt vọng của bà mẹ 70 tuổi
Đúng như lời bà Thủy, trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Kính, 70 tuổi (mẹ nạn nhân Phan Văn Sơn, người vừa tử nạn vào ngày 12/4 vừa qua ở Angola) có thể chẳng được gặp mặt con lần cuối nữa. Người thân gia đình cho biết, anh Sơn đi Angola vào cuối năm 2011 bằng con đường du lịch của một đường dây lao động với chi phí gần 140 triệu đồng. Mức lương hứa hẹn ban đầu là 1.000 USD/tháng. Tuy nhiên lúc sang đến nơi, anh Sơn chỉ làm công nhân xây dựng và mức lương không được như lời hứa ban đầu. Hơn một năm làm việc ở Angola nhưng tiền lương anh gửi về chưa đủ để trả tiền chi phí bỏ ra. Anh Sơn đột ngột ra đi, cũng có nghĩa là gia đình mất đi trụ cột, chỗ dựa vững chắc nhất, bởi từ nay trong ngôi nhà nhỏ bé ở quê nhà chỉ còn lại vợ anh, 2 đứa con bé bỏng và bố mẹ già. Từ khi nhận được điện thoại của anh em làm việc bên đó báo về rằng anh Sơn đột tử khi đang ngủ, ở quê nhà cũng chỉ biết lập vội bàn thờ để thắp hương. Còn việc đưa thi thể anh về nước thì gia đình cũng chưa biết thế nào.
“Anh em bên đó điện về nói, chi phí đưa thi thể Sơn về hết khoảng hơn 600 triệu đồng. Số tiền này quá lớn, gia đình tôi có bán hết gia tài cũng chưa đủ…” – bà Kính nói trong nước mắt – “Bây giờ gia đình cũng chỉ biết trông chờ vào sự can thiệp của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và cộng đồng người Việt Nam tại Angola thì may ra thi thể con trai tôi mới có thể về mai táng ở quê nhà”.
Chị Nguyễn Thị Thảo, vợ của nạn nhân Chu Văn Toản bên bàn thờ chồng
Nợ nần chồng chất
Khi tai họa rơi xuống đúng gia đình mình, chị Nguyễn Thị Mai – vợ nạn nhân Sơn dường như ngã qụy. Bởi hơn ai hết, chị hiểu rõ từ nay cuộc đời mẹ con chị sẽ càng khó khăn, vất vả. Ngoài nuôi 2 con thơ tuổi ăn, tuổi học, còn có bố mẹ già và cả món nợ lo cho anh Sơn đi còn trả chưa hết. Cũng như gia đình chị Mai, hầu hết các gia đình có người đi xuất khẩu lao động “chui” ở Angola mà chúng tôi đến, đều trong tình cảnh nghèo khó, túng quẫn. Có lẽ đó cũng chính là lý do đã đưa bước chân họ tìm đến “miền đất hứa”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để được sang lao động ở Angola nhiều gia đình đã không ngần ngại cắm số đỏ, vay nặng lãi để có từ 5.500- 6.500 USD nộp cho môi giới. Đã thế hầu như không có hợp đồng nên không ai nhớ rõ tên công ty môi giới nào cụ thể.
Ông Trần Thanh Phong, xóm trưởng xóm 7, xã Nghi Kim cho biết: “Hiện tại ngoài anh Cao thì ở xóm 7 còn có 5 người đang đi xuất khẩu lao động ở Angola. Hầu như những gia đình này đều phải vay mượn, cầm cố ngân hàng cho con đi. Nghe người nhà nói là lao động bên đó khổ lắm, rất nhiều trường hợp bị cướp bóc, đánh đập… Sau khi liên tiếp có người lao động bị tử nạn ở Angola thì nhiều gia đình có con đang ở bên đó cũng vô cùng hoang mang, lo lắng…”.
Trước vụ việc liên tiếp người lao động tử nạn ở Angola, Sở LĐ,TB&XH Nghệ An đã có văn bản gửi về các huyện, thành thị để cảnh báo rộng rãi việc các đường dây chui đưa người đi xuất khẩu lao động. Để đảm bảo an toàn, người đi xuất khẩu lao động cần theo các kênh chính thống qua đơn vị Trung tâm Lao động việc làm của Sở LĐ,TB&XHNghệ An.
Theo 24h
LĐ "chui" ở Angola: "Sống chết mặc bay"
Chỉ trong thời gian rất ngắn, đã có đến 6 người quê Nghệ An, Hà Tĩnh bị thiệt mạng ở Angola. Người chết do sốt rét, người chết không rõ nguyên nhân và có cả người chết do bị sát hại...
Và những người trở về đã rùng mình kể lại những câu chuyện hãi hùng. Thế nhưng, người ở nhà vẫn cứ nghe những lời đường mật của "cò" để tiếp tục sang Angola, chịu kiếp chui lủi, có khi đổi cả mạng sống.
Tiền "cò" bỏ túi
Sáng 16/4, chúng tôi có mặt tại nhà anh Nguyễn Công Nguyên (30 tuổi), ở khối Tân Diện, P.Nghi Hòa, TX. Cửa Lò (Nghệ An) - người vừa bị tử nạn ở Angola do bị sốt rét ác tính. Chị Hoàng Thị Hiền (28 tuổi) - vợ anh Nguyên - nghẹn ngào: "Đúng 20 ngày sau khi anh đi Angola thì con gái đầu lòng chào đời. Cha con chưa biết mặt nhau, thì anh ấy ra đi".
Chị cũng cho biết về quá trình "chạy" đi xuất khẩu lao động: Trong phường có anh Nguyễn Minh Thìn đi lao động ở Angola, nghe đâu làm chủ thầu ở bên đó. Anh Thìn tuyển người sang bên đó làm việc thông qua anh rể là ông Cao Văn Thân. Tháng 3/2012, vợ chồng chị Hiền đến nhà ông Thân đặt cọc 2.000USD để anh Nguyên được đi Angola. Ngày 5/5/2012, ông Thân bảo nộp thêm 4.000USD nữa để bay. Ông Thân hứa, sang đó làm thợ hồ cho Cty của anh Thìn, lương 900USD/tháng. Tất cả chỉ nói với nhau bằng miệng, không giấy tờ, hóa đơn gì cả. Ngày 7/7/2012 thì anh Nguyên lên máy bay đi Angola.
Tuy nhiên, sang đến Angola, anh Nguyên chỉ được trả 500USD/tháng. Do vậy mà giữa anh Nguyên và anh Thìn xảy ra bất đồng, anh Nguyên bỏ đi tìm việc khác.
Hai thanh niên tên T vừa bị trục xuất hồi đầu tháng 1/2013 cũng đến cung cấp thông tin. Hai người này được ông Mai Văn Lan, cùng trú tại P.Nghi Hòa (bố vợ của anh Thìn) nhận tiền để làm thủ tục đi Angola làm việc. Số tiền mà ông Lan thu của mỗi người là 6.500USD. Ông này cam kết: Sang đó con ông sẽ lo việc làm, visa có giá trị một năm, nếu bị bắt thì con ông sẽ chịu trách nhiệm. Và khi lên máy bay, những người này còn phải mang cho ông Lan 20kg hàng, bao gồm đĩa CD, VCD... để con ông bán kiếm lời.
Đến nơi, con gái ông là Mai Thị Minh ra đón tại sân bay rồi định giới thiệu họ cho một Cty Trung Quốc. Tất cả 8 người đi cùng chuyến không chịu rồi tự tìm kiếm việc làm. Đến tháng thứ tám thì bị cảnh sát Angola bắt, phạt tiền, trục xuất về nước.
Mẹ con chị Hoàng Thị Hiền đang trông chờ cơ quan chức năng làm rõ hành vi lừa đảo của anh Thìn, ông Thân
Bấp bênh mạng sống
Chị Hiền kể: Anh Nguyên bị sốt rét và tử vong tại một bệnh viện ở thủ đô Luanda. Nhận được hung tin, gia đình tìm gặp anh Thìn (thời gian này anh Thìn về quê) để nhờ giúp đỡ đưa thi hài anh về, nhưng anh này đã từ chối: Tôi không giúp gì cả. Gia đình muốn làm gì thì làm. Sau lời thách thức của anh Thìn, chị Hiền đã có đơn trình báo đến cơ quan công an TX. Cửa Lò, đề nghị làm rõ hành vi lừa đảo của anh Thìn, ông Thân.
Tùng (bạn anh Nguyên) - người bị trục xuất về nước hồi tháng giêng - cho biết: Anh bị bắt mà chủ thầu không một lời thăm hỏi. Tiền phạt, tiền "chạy" cảnh sát đều phải nhờ gia đình gửi sang, tất cả hết 3.400USD mới về được Việt Nam. Có khi, anh em làm việc được 3-4 tháng, chưa được lĩnh lương thì chủ thầu đi báo với cảnh sát để bắt. Nó làm như vậy thì nó quỵt được tiền lương của anh em. Đó là chưa kể nạn cướp bóc diễn ra như cơm bữa.
Anh Nguyễn Bá - một LĐ đang ở Angola - cho phóng viên biết, do nạn thất nghiệp gia tăng nên tình trạng trấn, cướp xảy ra liên miên. Người Việt Nam đi "chui", không hợp đồng, không bảo hiểm nên không ai chịu trách nhiệm về họ cả. Đi "chui" nên không được khám sức khỏe, do vậy mà nhiều người không chịu đựng được khí hậu bên này. Trong lúc, năm nay ở Angola thời tiết rất bất thường, mưa nhiều, muỗi vàng phát triển, bệnh sốt rét gia tăng.
Cũng do nạn đi "chui" nên người lao động phải chịu rất nhiều rủi ro và bất kỳ rủi ro nào thì họ cũng tự gánh chịu. Tóm lại là mạng sống của người lao động "chui" ở Angola là rất bấp bênh. "Đã có hơn 10 người Việt Nam bị thiệt mạng, kể cả ốm đau và bị giết hại" - anh Bá cho biết.
"Cò" nói đi hợp pháp, giám đốc sở bảo đi "chui"
Chiều 16/4, trong vai một lao động cần đi Angola, tôi đã liên hệ được với ông Mai Văn Lan. Ông Lan nói: Giá đi Angola bây giờ là 5.600USD, đi hợp pháp, visa của ta, không phải của Trung Quốc như trước nữa. Đảm bảo yên tâm, không bị cảnh sát bắt đâu. Trong lúc đó, ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở LĐTBXH - khẳng định: Chưa một đơn vị nào được cấp phép đưa người sang Angola làm việc cả, hoàn toàn là đi bất hợp pháp. Sở có khuyến cáo đến người dân đừng tin vào lời dụ dỗ của "cò" mà tiền mất, tật mang.
Theo 24h
Những phận người lao động "chui" trên đất Nga (Kỳ 2) Tôi như một cai ngục của một buồng trong một trại giam 2000m2 và bản thân lại cũng chính là tù nhân. Khu nhà máy bỏ hoang là nơi các xưởng may đen tập kết sản xuất Sau 10h bay tôi đặt chân xuống sân bay Matxcơva, cảm giác lạnh là cái đầu tiên ùa vào cơ thể cảm nhận được, vì là...