Lấy ý kiến dân về bộ luật Dân sự sửa đổi
Chính phủ đề xuất QH cho tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi với nhiều điểm mới.
Một trong những điểm sửa đổi đáng chú ý của dự thảo bộ luật Dân sự là quy định toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng xét xử.
Đọc tờ trình dự thảo trước QH sáng nay, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết trong thời gian qua, do thiếu quy định này trong luật nên không ít trường hợp tòa án đã phải từ chối thụ lý và giải quyết các yêu cầu chính đáng của cá nhân, pháp nhân.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Xin QH cho lấy ý kiến nhân dân về bộ luật Dân sự sửa đổi. Ảnh: Minh Thăng
Video đang HOT
Theo ông Hà Hùng Cường, quy định sửa đổi cũng phù hợp với tinh thần của Hiến pháp mới về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đảm bảo trách nhiệm của Chính phủ, tòa án nhân dân trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Trong trường hợp không có quy định của luật thì thẩm phán phải vận dụng tất cả các biện pháp hợp pháp để giải quyết yêu cầu của người dân mà không được phép từ chối giải quyết. Cụ thể, trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định thì áp dụng tập quán (đã được quy định tại bộ luật Dân sự hiện hành). Trường hợp không có tập quán thì áp dụng tương tự pháp luật. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và “lẽ công bằng” để giải quyết vụ việc dân sự.
Cơ quan thẩm tra, UB Pháp luật QH đồng tình nhưng cũng lưu ý việc cho phép áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật trong thời gian qua còn gặp nhiều vướng mắc.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nói: “Tòa án còn lúng túng trong việc áp dụng quy định tập quán để giải quyết tranh chấp, vì hầu hết các văn bản hiện hành mới chỉ thừa nhận cho phép áp dụng mà chưa có quy định thế nào là tập quán và điều kiện áp dụng tập quán. Các văn bản pháp luật cũng mới dừng ở việc chỉ ra trong trường hợp nào áp dụng tập quán và xác định thứ tự ưu tiên của việc áp dụng”.
Việc áp dụng quy định tương tự của pháp luật chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Trong khi đó, Hiến pháp, luật Tổ chức tòa án nhân dân và các luật về tố tụng đều quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Một vướng mắc nữa là vẫn chưa có quy định pháp luật về thế nào là “lẽ công bằng”.
UB Pháp luật đề nghị quy định rõ các nội dung về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật và lẽ công bằng trong bộ luật Dân sự làm căn cứ để tòa án áp dụng giải quyết vụ việc dân sự của người dân.
Dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi cũng có nhiều điểm mới về tài sản, giao dịch dân sự, sở hữu, chiếm hữu…
Là một bộ luật lớn và có nhiều điểm mới nên Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết Chính phủ đề xuất QH cho tổ chức lấy ý kiến nhân dân. UB Pháp luật tán thành rằng sau khi QH cho ý kiến về dự thảo tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 3/2015. Ý kiến của nhân dân, ĐBQH sẽ được tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý để trình lại QH tại kỳ họp thứ 9.
Theo Vietnamnet
Tòa án phải giải quyết yêu cầu chính đáng của người dân
- Đó là nội dung được thể hiện trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự (BLDS) được công bố tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tư pháp sáng qua (16-10).
ảnh minh họa
Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo là tòa án và các cơ quan có thẩm quyền khác phải có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, khi người dân có yêu cầu.
Điều này đồng nghĩa tòa án không được từ chối giải quyết yêu cầu của người dân vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh, trong trường hợp yêu cầu dân sự của người dân chưa có điều luật điều chỉnh, tòa án phải vận dụng tập quán, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và sau cùng là áp dụng lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ việc.
Giải thích rõ hơn về nguyên tắc này, cơ quan chủ trì dự thảo sửa đổi BLDS cho biết, sở dĩ phải đưa quan điểm trên vào bộ luật là nhằm buộc các thẩm phán và tòa án tăng cường trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, cũng giúp loại bỏ tình trạng một số thẩm phán, tòa án thường vin vào việc không có điều luật điều chỉnh để không giải quyết yêu cầu chính đáng của người dân. Dự kiến tháng 10-2015, BLDS sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua.
Theo_An ninh thủ đô
Sẽ lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Bộ luật Dân sự Sáng 22-9, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tờ trình về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) Trình bày Tờ trình dự án Bộ luật...