Lấy tiền chơi game bị mẹ mắng, con trai 14 tuổi uống thuốc trừ sâu cực độc
Bị mẹ mắng vì xin tiền để học nhưng lại nạp card chơi game, cậu bé đã chạy ra sau nhà uống chai thuốc trừ sâu cực độc, chưa có thuốc giải và sùi bọt mép, co giật nguy kịch chỉ sau 10 phút.
Ngày 23/10, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã cứu sống kịp thời một trường hợp trẻ bị ngộ độc nặng vì mâu thuẫn gia đình.
Bệnh nhi là một cậu bé 14 tuổi, nghiện chơi điện tử. Mùa dịch căng thẳng, bé phải học online tại nhà. Mỗi lần xin mẹ tiền nạp để có 3G lên mạng, cậu bé cố tình xin nhiều hơn rồi cắt xén tiền để nạp card cho game. Một ngày, người dì phát hiện sự việc và báo cho mẹ bé, khiến hai mẹ con xảy ra cãi vã nặng nề.
Bị ức chế tinh thần, chiều 20/10 cậu bé chạy ra sau nhà, tu một hơi hết 1/4 chai thuốc trừ sâu hoạt chất Abamectin. Chỉ 10 phút sau, bé sùi bọt mép, co giật và nhanh chóng rơi vào hôn mê.
Phát hiện sự việc, gia đình hoảng loạn đưa bé đến bệnh viện địa phương sơ cứu, rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính rồi chuyển lên tuyến trên gấp trong tình trạng hôn mê sâu, còn co giật liên tục, ảnh chụp CT đầu đã ghi nhận phù não rất nhiều.
Bé trai hiện vẫn mê man sau khi uống thuốc trừ sâu cực độc (Ảnh: BVCC).
Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố sau khi xác định loại thuốc trừ sâu bé uống, các bác sĩ rất lo lắng vì thuốc này thuộc nhóm chưa có thuốc giải. Hiện tại ê-kíp điều trị chỉ có thể nỗ lực hồi sức thần kinh tích cực, giảm phù não, an thần, dùng vận mạch để giải quyết triệu chứng ngộ độc Abamectin nặng của bé như hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, co giật..
Theo bác sĩ Vũ, thuốc trừ sâu hoạt chất Abamectin rất độc, có thể gây cho côn trùng, ve mạt ngừng ăn và ngừng sinh trứng ngay lập tức.. Cách đây vài năm đã có 20 trường hợp ngộ độc Abamectin được điều trị tại An Giang, với một nửa bệnh nhân còn trẻ. 5 bệnh nhân nặng nhất đều hôn mê sâu, có co giật, tụt huyết áp và một người không may mắn tử vong vì biến chứng suy đa tạng sau đó.
Video đang HOT
Hiện tại, bé trai vẫn còn mê man li bì. Các nhân viên y tế hi vọng bệnh nhi có thể hồi phục ngoạn mục, và mong phụ huynh sau trường hợp này hãy luôn dành thời gian để bầu bạn, chia sẻ để thấu hiểu con. Hành xử sai lầm có thể đánh mất cả một đời của trẻ.
Dấu hiệu của tự tử
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tự tử không phải là không thể tránh khỏi. Nó có thể phòng ngừa được. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo cần tìm:
- Thay đổi đáng chú ý trong hành vi.
- Dấu hiệu trầm cảm (khó ngủ, thay đổi cảm giác thèm ăn, cảm giác vô vọng, v.v.)
- Lạm dụng rượu hoặc ma túy.
- Nỗi ám ảnh về cái chết.
- Suy giảm hiệu suất hoặc tham gia các hoạt động.
- Hành động liều lĩnh hoặc có hành vi tự sát.
- Cho đi tài sản quý giá.
- Mua hàng bất thường (vũ khí, dây thừng, thuốc).
- Hạnh phúc bất chợt sau một cơn trầm cảm kéo dài.
- Nói về việc tự tử hoặc chết.
- Rút tiền từ bạn bè hoặc gia đình hoặc nói lời tạm biệt với họ.
- Những lần tự tử trước đây.
- Những câu nói về sự vô vọng, vô giá trị, bất lực.
- Không có khả năng tập trung hoặc khó ghi nhớ.
- Đau mãn tính hoặc thường xuyên phàn nàn về các triệu chứng thể chất.
Cấp cứu bé gái 14 tuổi ngộ độc thuốc trừ sâu
Bé gái 14 tuổi được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cấp cứu vì ngộ độc phốt pho hữu cơ giờ thứ 24.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết bé N.H.M.T (14 tuổi, ngụ Tiền Giang) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, khó thở, rung cơ tứ chi, phổi ít ran ẩm, miệng nhiều đàm nhớt do ngộ độc thuốc trừ sâu.
Hiện bé đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Theo bác sĩ Tiến, qua khai thác bệnh sử, bé uống thuốc trừ sâu Dragomy 585EC (hoạt chất chlorpyrifos ethyl 53% Cypermethrin 5.5%). Sau uống bé T. vật vã, nôn ói nhiều, 3 giờ sau bé được gia đình đưa đến bệnh viện huyện sơ cứu rồi chuyển bệnh viện tỉnh.
Tại đây, bé được các bác sĩ rửa dạ dày, than hoạt tính, chích tĩnh mạch atropin và truyền tĩnh mạch pralidoxime giải độc. Tuy nhiên, tình trạng bé không cải thiện nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ tiếp tục loại bỏ độc chất, sử dụng than hoạt tính qua ống thông dạ dày để hấp thu độc chất còn lại trong đường tiêu hóa, tiếp tục tiêm atropin và truyền pralidoxime giải độc, điều chỉnh rối loạn điện giải.
Bác sĩ Tiến cho biết tình trạng bé diễn tiến phức tạp khi tiếp tục có những cơn rung giật thớ cơ ở chi, ngực, cổ, suy hô hấp, lơ mơ, hôn mê nên được đặt nội khí quản giúp thở, tăng liều sử dụng atropine và pralidoxime. Sau đó, tình trạng của bé cải thiện lâm sàng một phần, bé tiếp tục điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc.
Người nhà cho biết bé không bị gia đình la mắng, gần đây bé có sử dụng điện thoại chơi Facebook, nhắn tin, có mâu thuẫn với bạn trai nên đã uống thuốc trừ sâu.
Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến khuyến cáo, phụ huynh cần quan tâm gần gũi với trẻ vị thành niên để hiểu tâm tư nguyện vọng của trẻ, nắm bắt những vấn đề xung đột tâm lý, những hoạt động không lành mạnh...dẫn đến trẻ có những quyết định bồng bột, thiếu cân nhắc... ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ.
Trẻ ở tuổi vị thành niên phụ huynh phải làm bạn với trẻ, khuyên răn, giải thích...không áp đặt, không cấm đoán...mà hỗ trợ, định hướng để trẻ phát triển tối ưu khả năng, năng lực của mình.
10 bệnh về mắt thường gặp Dị ứng, tật khúc xạ, đau mắt đỏ, viêm bờ mi, lẹo mắt, đục thủy tinh thể... là những bệnh nhãn khoa thường gặp trong đợt dịch Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Đức Huy, khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết, khi giãn cách xã hội, người dân chủ yếu chỉ ở nhà, môi trường sống bí bách, không đảm bảo...