Lấy phiếu tín nhiệm: Tập trung vào chức danh “quyền và tiền”
Nhấn mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm là “để có một đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh ở cấp cao”, đại biểu quốc hội Bùi Thị An nhắc lại thực tế Quốc hội cũng có nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh Quốc hội bầu ra từ 11 năm trước, và bây giờ “nếu không làm là món nợ với dân”.
Không lấy phiếu tràn lan
Về đối tượng, phản đối việc lấy phiếu “tràn lan quá” sẽ “không tập trung”, sẽ “hình thức”, ĐBQH Bùi Thị An nói: Chỉ nên tập trung vào những chức danh của QH bầu, tập trung vào những chức danh “liên quan đến quyền và tiền”. Cụ thể, “bên Chính phủ từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên. Bên QH từ các chủ nhiệm UB, Phó Chủ tịch QH trở lên”. Bà An cũng cho là nên bỏ phiếu hằng năm, bởi “nếu đợt đầu đã thấp, năm sau mới lấy lại, sau đó mới bỏ phiếu bất tín nhiệm thì tôi sợ hơi lâu. Nếu lần đầu đã thấp quá 50% thì vận động họ từ chức đi nếu chưa bãi miễn được”.
ĐBQH Huỳnh Minh Thiện cũng cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là thay mặt cho nhân dân, cử tri để chọn người có tài, nhưng qua đó cũng góp phần chống lại tiêu cực, tham nhũng. Do vậy cần tập trung vào những người nắm vị trí chủ chốt, chuyên trách của Nhà nước và địa phương. Theo ông Thiện, phạm vi lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo nghị quyết là “không cần thiết, dàn trải dẫn đến hình thức, tốn kém”.
ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng đồng ý với việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên tập trung vào những vị trí chủ chốt, có tính quyết định khi “quyết định của những đối tượng đó ảnh hưởng trực tiếp tới hướng đi, chính sách của đất nước”. Bà Hường băn khoăn đối với quy định về thời gian lấy phiếu là năm thứ hai của nhiệm kỳ: “Có trường hợp xảy ra, như năm đầu tiên 49%, năm thứ hai 51%, năm thứ ba 49% thì giải quyết thế nào?”. Bà đề nghị “phải làm rõ”, bởi vì “nhiệm kỳ 5 năm không nhiều, nếu thay một người mới vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ thì người ta cũng phải bắt nhịp với công việc. Lựa chọn cán bộ nhưng làm sao không ảnh hưởng tới hoạt động chung của guồng máy để phục vụ tốt cho nhân dân, cho nước”.
Video đang HOT
Uỷ viên Uỷ ban các Vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị cần “quan tâm tới nội dung tự nhận xét báo cáo của 49 vị phải lấy phiếu tín nhiệm”. Theo bà Hà, phải có đánh giá hoạt động của các thành viên ủy ban, đặc biệt là những người kiêm nhiệm.
ĐBQH phải thể hiện quan điểm, thái độ
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch nêu câu hỏi: Nếu bộ trưởng mà mất tín nhiệm rồi thì mất chức Uỷ viên T.Ư hay không? Hay theo quy định của Đảng? Rồi “bí thư tỉnh ủy mất tín nhiệm ở HĐND thì liệu có mất Uỷ viên T.Ư không? Hay lại chuyển sang vị trí khác để giữ ghế Uỷ viên T.Ư?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Cần có xác minh nhất định đối với tiêu chí về tư tưởng chính trị và đạo đức.
Vấn đề cần mấy mức phiếu, đối với ai và lấy phiếu ở đâu cũng gây tranh luận trong buổi thảo luận. ĐBQH Đào Văn Bình đề xuất phải bổ sung thêm việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh ở khu dân cư. Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam – ĐBQH Nguyễn Phước Lộc – thì đề nghị bổ sung thêm lấy tín nhiệm đối với các cấp là giám đốc các sở ban, ngành vì theo ông “đó là những người kiêm nhiệm, trực tiếp điều hành”. Vị đại biểu QH này đề nghị tăng thêm kênh quan trọng là MTTQVN, nơi tổng hợp nhiều ý kiến cử tri. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa thì nói tới việc cần có xác minh nhất định đối với “tiêu chí về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống”. Bởi theo ông, nếu không xác minh, “sẽ dẫn đến thiếu thông tin hay thông tin không chính xác cho đối tượng lấy phiếu”.
Về các phương án lấy phiếu, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Thanh đề nghị bỏ phương án “chưa có ý kiến” bởi vì “ĐBQH phải thể hiện quan điểm, thái độ của mình”. Bà Thanh cho rằng lấy phiếu tín nhiệm tại QH phải bằng hình thức bỏ phiếu kín tại phiên họp toàn thể và nếu “người đó không đủ tín nhiệm qua 2 lần thì phải bỏ phiếu bất tín nhiệm chứ không phải bỏ phiếu tín nhiệm nữa”.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thanh Hải cũng đề nghị bổ sung thêm “việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao trong nhiệm kỳ được phê duyệt” như là một yêu cầu của việc lấy phiếu. Theo ông, việc phân chia tới 4 mức độ lấy phiếu là “chưa có cơ sở thực tế”. Ông Hải đề xuất: Bước 1 chỉ cần lấy phiếu ở hai “cột”: Tín nhiệm, và không tín nhiệm. Bước 2 là bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay đối với những chức vụ lấy phiếu 2 năm liền liên tục dưới 50%.
Tại sao việc bỏ phiếu đã bị nợ dân tới 11 năm? Và trong khi QH đã có quy định về việc bỏ phiếu, tuy nhiên, cho đến nay, chưa thể áp dụng đối với bất cứ trường hợp nào dù không ít vị thậm chí đến tầm cỡ bộ trưởng bị miễn nhiệm vì vi phạm pháp luật. Câu trả lời là sự bất hợp lý của quy định việc bỏ phiếu chỉ được tiến hành khi có ít nhất trên 20% ĐBQH đồng ý. Nhưng theo ĐBQH Trần Du Lịch thì “thực tế chúng ta có thăm dò ý kiến của đại biểu đâu mà biết đủ 20%”. Là Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, ông Lịch cũng đặt vấn đề: Giám sát tối cao của QH chính là chất vấn và trả lời chất vấn tại QH. Nếu đại biểu QH cho rằng, trả lời không đạt thì có xem xét không?
Câu hỏi này cũng chính là những băn khoăn của cử tri. Và hy vọng, quy định việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm được thông qua, ít nhất cũng khiến các vị bộ trưởng sẽ nghĩ trước khi hứa.
Chỉ nên tập trung vào những chức danh của Quốc hội bầu, tập trung vào những chức danh liên quan đến quyền và tiền. (ĐBQH Bùi Thị An)
Đề nghị bỏ phương án “chưa có ý kiến” bởi vì ĐBQH phải thể hiện quan điểm, thái độ của mình. (ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Thanh)
Theo laodong
Lấy phiếu để tự soi mình
Bên lề Quốc hội sáng 23-10, phóng viên ANTĐ đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị xung quanh Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn.
- PV: Ông kỳ vọng gì từ Nghị quyết này?
- Ông Hà Sỹ Đồng: Đây là nội dung rất quan trọng tại kỳ họp Quốc hội lần này. Việc xem xét thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm cho thấy Quốc hội đặt mục tiêu, quyết tâm cao trong việc thanh lọc, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, xứng đáng với các vị trí, chức danh do Quốc hội và HĐND bầu ra.
Bản thân mỗi cán bộ khi được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng sẽ tự nhìn nhận, tự đánh giá lại năng lực và phẩm chất của mình, từ đó sẽ tự có ý thức rèn luyện thêm. Ngay cả những cán bộ chưa được lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ nhìn vào các đợt lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm này để rút kinh nghiệm.
Có thể nói, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ đã được đưa ra rất sát, rất đúng với tình hình hiện nay, đáp ứng được kỳ vọng của các ĐBQH, cũng là mong mỏi của nhân dân cả nước về một đội ngũ cán bộ chủ chốt có năng lực, phẩm chất tốt hơn.
- Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm cán bộ khi được thông qua liệu có tạo ra "văn hóa từ chức"?
- Mục đích của lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cũng nhằm thanh lọc, thay thế, luân chuyển những cán bộ chủ chốt do Quốc hội, HĐND bầu nhưng không đủ năng lực, phẩm chất, không được tín nhiệm. Bản thân những đồng chí có mức tín nhiệm thấp cũng sẽ nhận thức sâu sắc được vấn đề này để chủ động xin từ chức, hoặc ít ra cũng phải tự kiểm điểm sâu sắc, tự rút ra bài học cho mình để ở kỳ lấy phiếu tín nhiệm năm sau, mức tín nhiệm của mình được cải thiện hơn.
- Có ý kiến cho rằng nên lấy phiếu tín nhiệm 2 năm một lần thay vì định kỳ hàng năm như trong dự thảo Nghị quyết, quan điểm của ông thế nào?
- Cá nhân tôi ủng hộ việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu theo định kỳ mỗi năm một lần. Vì như vậy cán bộ mới luôn có ý thức cao nhất để phấn đấu, rèn luyện và cống hiến, hơn nữa họ cũng có thời gian để nhận thấy và nâng cao mức tín nhiệm của cá nhân qua từng năm. Còn nếu lấy 2 năm một lần, tôi cho là quá dài, không phù hợp.
Theo ANTD
Sẽ luân chuyển cán bộ không được tín nhiệm Đó là thông tin được đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đưa ra tại Hội nghị thông báo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Thành ủy ngày 18-9. Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với một số...