“Lấy phiếu tín nhiệm không phải là cuộc đua”
Theo dự kiến, kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM (khóa VIII) sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12/7 tới đây với nhiều nội dung quan trọng như thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, xem xét tăng học phí, viện phí, chất vấn…
Đặc biệt, tại kỳ họp này, lần đầu tiên HĐND TP tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với 16 chức danh do HĐND TP bầu. Trước kỳ họp, Pháp Luật TP.HCM trò chuyện đầu tuần với Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm.
Sẽ chất vấn những gì người dân bức xúc
Qua đợt tiếp xúc cử tri vừa rồi, bà thấy cử tri TP quan tâm, bức xúc những vấn đề nào?
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Điều có thể thấy trước hết là người dân TP đều đánh giá điều hành của TP tương đối tốt vì đã duy trì được tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) ổn định trong những năm qua và sáu tháng đầu năm 2013 này.
Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số vấn đề khiến người dân quan tâm, bức xúc. Cụ thể là tình hình kinh tế nói chung còn khó khăn, ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, kinh doanh của DN, cuộc sống người dân (nhất là công nhân, người nghèo, người có thu nhập thấp). Tiếp đó là thủ tục hành chính tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa hoàn toàn được thông thoáng, thái độ cán bộ, công chức đôi chỗ vẫn còn cửa quyền, hách dịch, quan liêu. Tình hình ô nhiễm môi trường, nước sạch sinh hoạt cho người dân ngoại thành, tệ nạn trộm cắp vặt, cướp giật công khai, tai nạn giao thông… cũng là những vấn đề mà TP nhận được khá nhiều góp ý, kiến nghị của cử tri. Đây cũng chính là những vấn đề sẽ được chất vấn tại kỳ họp.
Kỳ họp này cũng sẽ có một số tờ trình về điều chỉnh tăng học phí, viện phí, ảnh hưởng rất lớn đến người dân. HĐND sẽ cân nhắc việc này như thế nào?
Trước khi thông qua một tờ trình tăng phí, lệ phí nào đó thì HĐND luôn tuân thủ theo đúng nguyên tắc. Thứ nhất là phải bảo đảm đúng pháp luật, thứ hai là đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH và thứ ba là mức phí đưa ra phải phù hợp với khả năng đóng góp của người dân tại thời điểm đó.
Với những loại phí, lệ phí ảnh hưởng trực tiếp tới người dân và với phạm vi rộng, trước khi đề ra một mức phí thì TP đều rất thận trọng, quan tâm trước hết đến quyền lợi của người dân. Người dân đóng tiền là để nhận được dịch vụ tốt hơn nên TP cũng phải xem xét liệu cơ quan cung ứng dịch vụ có đáp ứng được chất lượng dịch vụ theo đóng góp của người dân hay không mới đề ra mức phí cụ thể. Nhưng thu khi nào, mức thu là bao nhiêu, nếu quá cao thì sức chịu đựng của người dân không đáp ứng được, sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Bởi vậy, sau khi khảo sát nếu thấy người dân đã phải chịu quá nhiều loại phí trong cùng một thời điểm rồi thì HĐND sẽ không thông qua (TP đã tạm thời chưa thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy – PV).
Video đang HOT
Xem xét tăng viện phí, học phí là một trong những vấn đề sẽ được bàn bạc trong kỳ họp. Ảnh: HTD
Không phải chuyện hơn thua
Một nội dung quan trọng của kỳ họp này là lấy phiếu tín nhiệm (PTN) 16 chức danh do HĐND TP bầu. Liệu đại biểu (ĐB) có đủ thông tin để bỏ phiếu một cách chính xác, thưa bà?
Cho tới nay công tác chuẩn bị cho việc lấy PTN đã sẵn sàng. Báo cáo công tác của các chức danh được lấy PTN cũng đã được gửi cho ĐB nghiên cứu rồi. Nếu nói các ĐB hiểu hết về các chức danh mình sẽ bỏ phiếu thì không thể nào hiểu hết 100% được đâu. Tuy nhiên, những vấn đề cốt lõi, những nét chính (như cách làm việc thế nào, hiệu quả công việc tới đâu, phẩm chất đạo đức, lối sống có trong sạch, lành mạnh không…) của các vị này thì ĐB lại nắm khá rõ.
Thường trực HĐND cũng đã tạo nhiều điều kiện rất thuận lợi để các ĐB có thể hiểu, tương tác và thậm chí phối hợp cùng với các chức danh này thông qua nhiều kênh khác nhau. Ngoài các kỳ họp HĐND trong năm, TP còn tổ chức hàng trăm cuộc khảo sát, mời các ĐB đi nghe các sở, ngành họp, bàn bạc về những vấn đề mà cử tri quan tâm để có thêm thông tin. Cạnh đó, còn có một số chương trình mang tính tương tác cao như “Lắng nghe và trao đổi”, “Đối thoại cùng chính quyền TP”. Với những hình thức hoạt động, cung cấp thông tin đa dạng, nhiều chiều, có tính thực tế như trên, tôi tin rằng ĐB không thiếu thông tin để đánh giá.
Vừa qua có khá nhiều ý kiến cử tri thắc mắc tại sao lại đưa ra ba mức tín nhiệm (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) mà không phải là hai mức (tín nhiệm và không tín nhiệm). Phải làm sao để giải tỏa được băn khoăn này?
Ngay khi thảo luận bàn về lấy phiếu ở kỳ họp QH, một số ĐBQH cũng đã đặt ra câu hỏi này. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng ta không nên chỉ coi việc lấy PTN là được hay mất, hơn hay thua mà thực chất nó là “lấy phiếu để thăm dò mức độ tín nhiệm của ĐB với từng chức danh được lấy PTN”. Nếu tín nhiệm thấp mới tiến hành bỏ PTN.
Bởi vậy, nếu ngay từ đầu mà ta chỉ lấy theo hai mức hoặc là có hoặc là không tín nhiệm thì nhiều người lại nhầm lẫn rằng đây là bỏ PTN ngay từ đầu (mà không có bước thăm dò mức độ tín nhiệm). Thêm nữa, vì đây là lần đầu tiến hành lấy PTN nên ta cần phải có bước đi thận trọng, chặt chẽ, càng tránh được sự hiểu lầm càng tốt.
Nên có cái nhìn toàn diện
Có thực tế là lãnh đạo ngành nào va chạm thực tiễn nhiều thì số phiếu đạt được thấp, ngành nào ít va chạm thì lại đạt số phiếu an toàn. Vậy làm sao để lần lấy PTN này phản ánh đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ của các chức danh?
Đúng là nhìn vào kết quả lấy phiếu vừa qua của QH thì thấy bên lập pháp phiếu có cao hơn bên hành pháp. Nhưng nếu nói ngành nào ít va chạm thực tiễn mà đạt số PTN cao hơn và ngược lại thì cũng không hẳn. Rà lại bảng kết quả, có nhiều lĩnh vực cũng gai góc, cũng gắn liền với người dân đấy chứ nhưng kết quả đâu có thấp.
Do vậy, mỗi ĐB khi lấy PTN đều cần phải khách quan. Có thể ở lĩnh vực đó rất gai góc, nhiều khó khăn, có hạn chế, trì trệ và mình thấy không hài lòng. Nhưng cần nhìn xa một chút, nghĩa là phải nhìn xem người đứng đầu lĩnh vực đó có quyết liệt trong điều hành, có đưa ra được nhiều giải pháp khả thi hay không? Tiếp đó là thái độ làm việc có tích cực, trách nhiệm, có lắng nghe một cách cầu thị hay chưa? Khi đánh giá phải đánh giá năng lực điều hành công việc, hiệu quả công việc, thái độ trách nhiệm với công việc… chứ không nên chỉ nhìn thấy cái hạn chế trước mắt của người ta mà không thấy được mặt tốt, tích cực.
Xin cảm ơn bà!
Xem xét tăng học phí, viện phí Kỳ họp này HĐND TP sẽ bàn và thông qua một số nội dung như đánh giá báo cáo tình hình KT-XH của TP sáu tháng đầu năm 2013, bàn thảo đưa ra nhiệm vụ giải pháp cho sáu tháng cuối năm; báo cáo về tình hình thu ngân sách; báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 16 về lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị; báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ bảy cho tới nay. Ngoài ra, HĐND cũng xem xét thông qua một số tờ trình về điều chỉnh phí, lệ phí (tăng học phí, viện phí); trả lời chất vấn về những vấn đề cử tri quan tâm. Tiếp đó là nội dung mới: Lấy PTN với 16 chức danh do HĐND TP bầu (gồm chủ tịch và phó chủ tịch HĐND TP, ủy viên Thường trực HĐND, các trưởng ban của HĐND; chủ tịch và các phó chủ tịch UBND TP, các ủy viên UBND TP). Tôi tin là sẽ công tâm, khách quan Nghị quyết của QH đã có quy định không được vận động để lấy PTN. Tôi nghĩ mình lấy PTN không chỉ với tư cách cá nhân mình mà còn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, bởi vậy không được đan xen các mối quan hệ cá nhân mình trong quá trình đánh giá. Các ĐB cũng đã nhận thức rất rõ điều này, do đó tôi tin việc lấy PTN chắc chắn sẽ công tâm và khách quan.
Theo Khampha
Học phí công lập chất lượng cao tối đa 3 triệu đồng
Hà Nội đang thí điểm 18 trường công lập chất lượng cao và mức học phí tối đa trong năm học 2013-2014 là 2,9 triệu đồng (bậc mầm non) và 3 triệu đồng (bậc THCS, THPT).
Ngày 6/7, HĐND Hà Nội thông quanghị quyết ban hành quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao (mầm non, phổ thông). Mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao áp dụng tối đa trong năm học 2013-2014 đối với trường mầm non và tiểu học là 2,9 triệu đồng một tháng, trường THCS và THPT là 3 triệu đồng; năm học 2014-2015, các mức tương ứng là 3,2 và 3,4 triệu đồng.
Trần mức thu học phí này sẽ được áp dụng từ năm học 2013-2014 đến hết năm 2014-2015 và được điều chỉnh từ năm học 2015-2016 cùng với việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách và thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định.
Một số đại biểu băn khăn vì trong quá trình chuyển tiếp lên trường chất lượng cao, những học sinh đã học ở đây nhưng không có đủ điều kiện theo học thì phải chuyển đi đâu; hay tiêu chí của trường chất lượng cao được đánh giá như thế nào... Cùng với đó, việc học tại trường chất lượng cao ngoài việc được học tập chất lượng cao phải được hưởng các dịch vụ tốt hơn so với các trường khác do phải đóng học phí cao; mức trần học phí này không phù hợp với các cơ sở liên doanh, liên kết nước ngoài, vì vậy chỉ nên áp dụng với các cơ sở trong nước.
Theo các đại biểu, đây là Nghị quyết xây dựng lần đầu và thực hiện trong 2 năm, nên cần tổng kết và đánh giá cụ thể, để có đề xuất cơ chế chính sách hợp lý áp dụng cho những năm tiếp theo.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, trong quá trình xây dựng Nghị quyết, trường chất lượng cao chưa có trong khái niệm nào của Luật, nay có trong Luật Thủ đô. Vì vậy Hà Nội là đơn vị đi đầu nên cơ chế tài chính phải thực hiện theo mô hình công lập. Hiện, thành phố đang áp dụng thí điểm 18 trường chất lượng cao, trong đó 13 trường đã đạt chất toàn phần, còn 5 trường mới đạt chuẩn ở từng phần.
Theo Nghị quyết, đến năm 2015, thành phố sẽ có 30-35 trường chất lượng cao chứ không đầu tư đại trà. Đối với các trường mới khi các quận, huyện đăng ký lên, thành phố sẽ thẩm định, đủ điều kiện mới cho phép, cơ quan kiểm định sẽ hoàn toàn độc lập và mời các cơ quan của bộ tham gia, đồng thời công khai để người dân được biết.
Bà Ngọc cho biết thêm, việc học ở các trường chất lượng cao theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện. Các em học sinh đóng tiền cao sẽ được hưởng thụ nhiều dịch vụ cao tùy theo nhu cầu. Đây là các cơ công lập, nên sẽ được đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất, có ưu tiên bố trí tu sửa, nâng cấp, và sẽ phải khống chế trần học phí, không thu bằng bên ngoài nhằm tạo điều kiện cho nhiều em được học ở trường chất lượng cao. Vì hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, nên quá trình chuyển tiếp nếu em nào có nhu cầu thì sẽ tiếp tục theo học, nếu không đủ điều kiện thì thành phố cũng sẽ bố trí cho theo học tại các trường công lập khác.
Cùng ngày, HĐND thành phố thông qua nghị quyết về điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho sơ sở y tế công lập trên địa bàn. Theo đó, mức điều chỉnh bằng 75% mức trần quy định trong thông tư liên tịch số 04, áp dụng từ 1/8 tới và bằng 100% mức trần quy định trong thông tư liên tịch số 04 áp dụng từ năm 2016.
Cụ thể, từ ngày 1/8, khung giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện loại 1 được điều chỉnh từ 25.000 đồng lên 100.000 đồng đối với danh mục khám, cấp giấy chứng thương, giám định y khoa; từ 37.000 đồng lên 100.000 đồng đối với khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ.
Tăng viện phí được các đại biểu HĐND Hà Nội đòi hỏi đi cùng với tăng chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: Hoàng Hà.
Đối với khung giá một ngày giường bệnh, mức giá giường bệnh hồi sức cấp cứu (chưa bao gồm chi phí sử dụng máy thở) tại bệnh viện hạng 1 điều chỉnh từ 15.000 đồng một ngày lên 113.000 đồng một ngày; các khoa truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học, nội tiết điều chỉnh từ 9.000 đồng lên 60.000 đồng; các khoa cơ-xương-khớp, da liễu, dị ứng, tai - mũi - họng, mắt, răng hàm mặt, ngoại, phụ sản không mổ, điều chỉnh từ 7.000 đồng lên 53.000 đồng; các khoa y học dân tộc, phục hồi chức năng điều chỉnh từ 5.000 đồng lên 38.000 đồng (tính theo ngày).
Đối với các giá giường bệnh ngoại khoa bỏng, trường hợp sau phẫu thuật đặc biệt như bỏng độ 3-4 trên 70% diện tích cơ thể sẽ điều chỉnh từ 17.000 đồng một ngày lên 108.000 đồng một ngày; sau phẫu thuật loại 1 bỏng độ 3-4 từ 25-70% diện tích cơ thể, điều chỉnh từ 12.000 đồng lên 90.000 đồng; sau phẫu thuật loại 2, bỏng độ 2, điều chỉnh từ 8.000 đồng lên 72.000 đồng; sau phẫu thuật loại 3, bỏng độ 1, điều chỉnh từ 7.000 đồng lên 56.000 đồng.
Theo tính toán của UBND thành phố, mức tăng giá các dịch vụ bình quân khoảng 2 lần so với mức giá đang áp dụng tại các bệnh viện công của Hà Nội.Sau quá trình điều chỉnh tăng giá viện phí sẽ thực hiện các giải pháp phát triển y tế chuyên sâu, giảm quá tải, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng chất lượng khám chữa bệnh.
Với nguyên tắc tính giá mới, cơ quan thẩm tra lưu ý, kinh phí thu được từ chênh lệch giá chủ yếu để chi trả cho các đơn vị cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, điện, nước... mà chưa thể giảm bớt đầu tư của ngân sách cho công tác khám, chữa bệnh đồng thời cũng chưa có điều kiện để tăng thu nhập cho cán bộ y tế.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, đây là áp lực không nhỏ đối với ngành y, vì một mặt phải sớm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tương xứng với chi phí người bệnh bỏ ra, mặt khác phải tăng cường công tác quản lý chuyên môn, quản lý tài chính, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, chống lạm dụng các kỹ thuật chụp, chiếu, xét nghiệm... Về căn bản và lâu dài, từng cơ sở phải khẳng định được chất lượng, thương hiệu của mình, đồng thời phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân tham gia Bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm toàn dân.
Theo VNE
Hà Nội công bố kết quả tín nhiệm 18 vị lãnh đạo Chiều nay, HĐND Hà Nội công bố tỷ lệ tín nhiệm của các lãnh đạo chủ chốt. Giám đốc Sở Lao động nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất, còn Chủ tịch HĐND thành phố lại nhận được nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất. Độc giả nhấn vào ảnh để vào trang Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo Hà Nội...