Lấy phiếu tín nhiệm: Cơ hội cho văn hóa từ chức
Xây dựng văn hóa từ chức trong hoạt động chính trị như các nước tiên tiến đã làm… là một trong những kỳ vọng của các ủy viên Thường vụ QH khi thảo luận Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, sáng 14/9.
49 hay 430 người?
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, căn cứ vào yêu cầu của Nghị quyết TƯ 4, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án nêu hai phương án đối tượng đưa ra lấy phiếu tín nhiệm:
Thứ nhất, gồm những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, với tổng số 49 người.
Số lượng ít hơn với HĐND cấp tỉnh, huyện, xã.
Phương án hai, gồm toàn bộ những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, tổng số lên tới 430 người.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Nên lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Ảnh: Lê Anh Dũng
Video đang HOT
Hầu hết ý kiến thảo luận tại Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) đều tán thành phương án đầu tiên. Cũng có ý kiến cho rằng nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm với các thành viên Chính phủ, thành viên UBND.
Tuy nhiên, UBTVQH vẫn chưa ngã ngũ cách thức triển khai sao cho đi vào thực chất.
Gây tranh luận nhiều là tần suất đánh giá tín nhiệm trong một nhiệm kỳ.
Các đại biểu ủng hộ hai năm đánh giá một lần dựa trên lý lẽ là thành quả chỉ đạo, điều hành phải có thời gian để kiểm định, nếu đánh giá hàng năm e rằng cán bộ luôn ở trạng thái “nơm nớp”. Thậm chí, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển còn phân tích: “Nếu năm nào cũng lấy phiếu sẽ dẫn đến mặt trái là bản thân người được lấy phiếu nhiều có khi tính quyết đoán, kiên định bị giảm sút. Chúng ta phải lấy phiếu tín nhiệm, nhưng 2 năm một lần là đã đủ khiếp rồi”.
Nhưng theo Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc, đánh giá hàng năm “không có gì là ghê gớm”. Kết quả lấy phiếu năm đầu tiên thấp biết đâu lại giúp cho vị cán bộ đó rút kinh nghiệm và nỗ lực hơn trong những năm tiếp theo. Bởi, việc lấy phiếu không phải để “trảm” ngay cán bộ mà chỉ là để thăm dò.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm nên làm định kỳ hàng năm. Mọi đổi mới đều sẽ khó khăn thời gian đầu nhưng nên được tập dượt dần “chứ nếu e sợ sẽ mãi mãi không thể làm được. Cũng không nên sợ ảnh hưởng đến ý chí tiến công, quyết đoán”.
“Từ chức để giữ danh dự”
E ngại lớn nhất của UBTVQH là cách triển khai sao cho thực chất, nếu không, sẽ gây “tác dụng ngược” hoặc thành hình thức. Thậm chí mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm lại là dịp để bùng nổ đơn thư tố cáo lãnh đạo. Muốn như vậy, việc lấy phiếu (để thăm dò mức độ tín nhiệm) phải gắn với quy trình bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Tinh thần của đề án là lấy phiếu tín nhiệm nhằm thăm dò mức độ tín nhiệm của cán bộ. Bỏ phiếu là để thể hiện quan điểm có giữ cán bộ đó lại làm việc tiếp hay không. Theo dự kiến, nếu các chức danh trên trong hai năm liên tiếp không nhận đủ tín nhiệm thì sẽ phải bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm vốn đã được quy định trong luật nhưng do còn nhiều điểm “vướng” nên chưa phát huy hiệu lực. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, ĐBQH phải phát huy quyền đại diện của mình ở chỗ có thể bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức danh do mình bầu ra. Tuy nhiên, quy trình thế nào phải được nghiên cứu thận trọng, đảm bảo tính khách quan, trung thực, chặt chẽ. Ban soạn thảo có thể nên tính tới cả phương án về việc người bị bất tín nhiệm có thể xin thôi chức trước để tránh bị bỏ phiếu.
Theo nhiều thành viên UBTVQH, đây cũng là dịp để nhắc lại câu chuyện “văn hóa từ chức”.
Nói như ông Phùng Quốc Hiển, với những cán bộ khi thăm dò mà tín nhiệm dưới 50%, có thể báo cáo trước QH để xin khắc phục các khuyết điểm. Song, trường hợp không thể tiếp tục thì nên chủ động xin từ chức.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng tán thành bổ sung vào đề án nội dung sau: Nếu hai năm liên tiếp lấy phiếu tín nhiệm mà vẫn thấp, mặc nhiên sẽ phải bỏ phiếu bất tín nhiệm, vậy có thể chọn phương án từ chức để “giữ gìn danh dự”.
Nhiều ý kiến tán thành đề xuất này. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, người dân cũng đang rất mong sẽ có những trường hợp chủ động xin từ chức, tạo ra được văn hóa từ chức. Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ Trần Văn Minh cũng chia sẻ, nên đánh giá định kỳ hàng năm, ai bị tín nhiệm thấp phải lo phấn đấu. Còn ai đó nếu xét thấy cần thiết sẽ chủ động xin từ chức.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng đề xuất nên tính đến việc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong điều kiện bất thường. Đó là với các chức danh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra thất thoát lớn cho nhà nước hoặc gây ra những tác động lớn đến an ninh quốc gia.
Trước khi trình QH, Đề án sẽ được Bộ Chính trị cho ý kiến cuối tháng này.
Theo VNN
Hai phương án lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo
Hôm qua, 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải được công bố công khai, minh bạch
(Trong ảnh: cử tri phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội
theo dõi phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội, tháng 7-2012)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày 2 phương án về diện cán bộ thực hiện, tần suất tiến hành, việc công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm và phương án xử lý nếu lấy phiếu tín nhiệm không đạt quá bán. Về diện cán bộ thực hiện, phương án 1 bao gồm những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ở Trung ương với tổng số 49 người. Ở phạm vi HĐND, thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, số lượng lấy phiếu tối đa 20 người đối với HĐND cấp tỉnh, 12 người đối với HĐND cấp huyện và 7 người đối với HĐND cấp xã.
Phương án 2, sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với toàn bộ những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, với tổng số lên tới 430 người. Số người giữ các chức vụ do HĐND bầu ở HĐND cấp tỉnh được lấy phiếu tín nhiệm khoảng 50 - 65 người, ở HĐND cấp huyện khoảng 20 - 30 người, ở HĐND cấp xã là 5 - 7 người.
Bên cạnh các phương án nêu trên, có ý kiến đề nghị chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí là thành viên Chính phủ, thành viên UBND. Ý kiến khác đề nghị Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn như phương án 1 HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu theo phương án 2.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến trong Ban chỉ đạo và ý kiến của các cơ quan được tham khảo đã tán thành phương án 1 của Đề án. Nếu theo phương án này, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm sẽ do Quốc hội và HĐND tiến hành tại phiên họp toàn thể của các cơ quan này.
Góp ý về vấn đề này, đa số ý kiến trong UBTVQH cũng tán thành phương án 1. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm có thể tiến hành ở các cấp độ khác nhau, các chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực của các Ủy ban chỉ nên lấy ý kiến trong hội đồng, ủy ban nơi họ công tác là đủ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với cả các ĐBQH chuyên trách để nâng cao tính trách nhiệm của đội ngũ này...
Đáng lưu ý, nhiều thành viên UBTVQH đề nghị dành cơ hội cho các cán bộ không đạt được tỷ lệ tín nhiệm cần thiết (thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm) phát huy "văn hóa từ chức" trước khi các vị này được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, phiếu tín nhiệm nên thiết kế thêm câu hỏi: có nên bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ đó hay không? Ông phân tích: "Khi người cho ý kiến trả lời câu hỏi này, Quốc hội sẽ có được tỷ lệ đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm mà Hiến pháp quy định (khi có từ 20% đại biểu Quốc hội trở lên đề nghị thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm - PV). Như vậy vừa phù hợp với pháp luật, vừa đảm bảo yêu cầu kịp thời xử lý những cán bộ mất uy tín nghiêm trọng".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò ý kiến, mức độ tín nhiệm của ĐBQH, ĐB HĐND về cán bộ. Bỏ phiếu là để thể hiện quan điểm có giữ cán bộ đó lại làm việc tiếp nữa hay không. Đề án quy định theo hướng lấy phiếu thăm dò, tín nhiệm thấp thì mới bỏ phiếu, sau khi có kết quả bỏ phiếu sẽ tiến hành các thủ tục bãi miễn cán bộ nếu cần thiết.
Nhiều thành viên UBTVQH cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cần được công bố công khai, minh bạch. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói: "Lấy phiếu rồi phải công khai kết quả. Nhưng đề nghị làm 2 năm liên tục hãy lấy phiếu tín nhiệm, bởi hiệu quả của công việc quản lý điều hành cần có thời gian mới thể hiện chính xác". Đồng ý tần suất lấy phiếu tín nhiệm nên là 2 năm một lần, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lưu ý đến một lý do khác. Ông nêu vấn đề: "Lấy phiếu tín nhiệm thường xuyên quá nhiều khi cũng làm cán bộ chùn tay, mất tính quyết đoán". Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ nên tiến hành hàng năm... Sau phiên họp của UBTVQH, Đề án sẽ được tiếp thu hoàn thiện một bước, trình Bộ Chính trị cho ý kiến, sau đó tiếp tục được chỉnh lý và trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4. Chiều 14-9, UBTVQH nghe và cho ý kiến về dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).
Theo ANTD
Thường vụ Quốc hội góp ý đề án lấy phiếu tín nhiệm Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp 11, sáng 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan...