Lấy phiếu để tự soi mình
Bên lề Quốc hội sáng 23-10, phóng viên ANTĐ đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị xung quanh Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn.
- PV: Ông kỳ vọng gì từ Nghị quyết này?
- Ông Hà Sỹ Đồng: Đây là nội dung rất quan trọng tại kỳ họp Quốc hội lần này. Việc xem xét thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm cho thấy Quốc hội đặt mục tiêu, quyết tâm cao trong việc thanh lọc, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, xứng đáng với các vị trí, chức danh do Quốc hội và HĐND bầu ra.
Bản thân mỗi cán bộ khi được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng sẽ tự nhìn nhận, tự đánh giá lại năng lực và phẩm chất của mình, từ đó sẽ tự có ý thức rèn luyện thêm. Ngay cả những cán bộ chưa được lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ nhìn vào các đợt lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm này để rút kinh nghiệm.
Có thể nói, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ đã được đưa ra rất sát, rất đúng với tình hình hiện nay, đáp ứng được kỳ vọng của các ĐBQH, cũng là mong mỏi của nhân dân cả nước về một đội ngũ cán bộ chủ chốt có năng lực, phẩm chất tốt hơn.
- Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm cán bộ khi được thông qua liệu có tạo ra “văn hóa từ chức”?
- Mục đích của lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cũng nhằm thanh lọc, thay thế, luân chuyển những cán bộ chủ chốt do Quốc hội, HĐND bầu nhưng không đủ năng lực, phẩm chất, không được tín nhiệm. Bản thân những đồng chí có mức tín nhiệm thấp cũng sẽ nhận thức sâu sắc được vấn đề này để chủ động xin từ chức, hoặc ít ra cũng phải tự kiểm điểm sâu sắc, tự rút ra bài học cho mình để ở kỳ lấy phiếu tín nhiệm năm sau, mức tín nhiệm của mình được cải thiện hơn.
- Có ý kiến cho rằng nên lấy phiếu tín nhiệm 2 năm một lần thay vì định kỳ hàng năm như trong dự thảo Nghị quyết, quan điểm của ông thế nào?
- Cá nhân tôi ủng hộ việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu theo định kỳ mỗi năm một lần. Vì như vậy cán bộ mới luôn có ý thức cao nhất để phấn đấu, rèn luyện và cống hiến, hơn nữa họ cũng có thời gian để nhận thấy và nâng cao mức tín nhiệm của cá nhân qua từng năm. Còn nếu lấy 2 năm một lần, tôi cho là quá dài, không phù hợp.
Theo ANTD
Sẽ luân chuyển cán bộ không được tín nhiệm
Đó là thông tin được đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đưa ra tại Hội nghị thông báo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Thành ủy ngày 18-9. Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp thành phố, quận, huyện, thị xã, sở, ngành.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh:
Việc xử lý các cán bộ yếu kém, có vi phạm sẽ làm rất quyết liệt
Chỉ đích danh các "địa chỉ" vi phạm
Báo cáo kết quả về đợt kiểm điểm phê bình và tự phê bình của Đảng bộ thành phố Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (NQTW4), Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi khẳng định, sau 10 ngày làm việc liên tục (từ 4 đến 13-9-2012), với quyết tâm đề cao ý thức tự phê bình và phê bình, soi để sửa mình, Ban thường vụ Thành ủy đã triển khai một cách quyết liệt, sâu sắc và nghiêm túc. Có thể nói, đây là đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với 109 cơ quan và 842 lượt ý kiến, đặc biệt có 17 cán bộ lãnh đạo thành phố đã nghỉ hưu cũng tham gia với 422 lượt ý kiến, bám sát 3 nội dung của Nghị quyết.
Trong đó, những "địa chỉ" tồn tại sai phạm, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, đơn vị có nhiều thiếu sót, yếu kém hay khuyết điểm được nêu rõ. Thậm chí có 12 sở, ngành dễ xảy ra hiện tượng tiêu cực, dễ gây bức xúc cho nhân dân và doanh nghiệp như: sở Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Nội vụ, Thuế... bị chỉ đích danh. Tại những đơn vị này, Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công lãnh đạo tham dự và chỉ đạo trực tiếp, tránh tình trạng để các đơn vị thực hiện phê bình, tự phê bình theo kiểu "đóng cửa bảo nhau". Các sở, ngành nào để tồn tại sai phạm gây ảnh hưởng đến những chỉ số, điểm cạnh tranh của Hà Nội bị kéo thấp, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo từng tập thể, cá nhân phải có giải trình và cam kết khắc phục sửa chữa quyết liệt...
Bên cạnh cấp cơ quan, đơn vị, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã tổ chức kiểm điểm cá nhân đối với 16 cán bộ trong Thường vụ Thành ủy để tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan đến các khuyết điểm, yếu kém của tập thể. Đa số các cá nhân kiểm điểm đã chuẩn bị nghiêm túc, nhiều đồng chí viết bản kiểm điểm cá nhân nhiều lần, có bản kiểm điểm dài đến hàng chục trang, góp ý với tinh thần cầu thị và chủ động đề ra biện pháp khắc phục, sửa chữa. Không có hiện tượng lợi dụng kiểm điểm phê bình để ca ngợi, tâng bốc hoặc bôi nhọ vu cáo lẫn nhau.
Luân chuyển không cần đợi hết nhiệm kỳ!
Đồng chí Phạm Quang Nghị cho biết, để khắc phục ngay những tồn tại, yếu kém được chỉ ra trong đợt kiểm điểm phê bình và tự phê bình lần này, thời gian tới Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung thực hiện mạnh mẽ việc xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trước mắt, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, kỷ luật nghiêm và kịp thời xử lý, thay thế, luân chuyển cán bộ từ cấp cơ sở trực tiếp thụ lý công việc đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Đặc biệt, thành phố sẽ tổ chức thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt thành phố, quận, huyện, thị xã, sở, ngành và các chức danh chủ chốt do HĐND bầu vào cuối năm 2012.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm này sẽ được tổ chức hàng năm theo hướng công khai, dân chủ và mở rộng đối tượng. Qua lấy phiếu tín nhiệm sẽ phân loại và rà soát được những cán bộ lãnh đạo có chỉ số tín nhiệm thấp, yếu kém, không được dân tin tưởng để có biện pháp xử lý kịp thời. Cụ thể, nếu trước kia cán bộ hết nhiệm kỳ mới quy hoạch, rồi làm công tác giới thiệu nhân sự, bầu cử để thay thế, hay cán bộ hết tuổi thì nghỉ hưu... nhưng bây giờ việc xem xét, đánh giá sẽ thường xuyên từng năm một. Những cán bộ có 2 năm liên tục không đạt yêu cầu phiếu tín nhiệm thì sẽ bị thay thế, những cán bộ sau 1 năm mà phiếu tín nhiệm quá thấp cũng sẽ thay thế, luân chuyển ngay mà không cần đợi đến hết nhiệm kỳ. Việc xử lý các cán bộ yếu kém, có vi phạm sắp tới sẽ làm rất quyết liệt, có thể không chỉ luân chuyển trong nội bộ ngành, từ trên xuống dưới mà còn bị luân chuyển từ ngành này sang ngành khác, vi phạm nặng hơn thì kỷ luật.
Từ nay đến tháng 11 dự kiến Đảng bộ thành phố sẽ chỉ đạo, hướng dẫn Đảng bộ các cấp, từ cấp quận, huyện đến tận cấp cơ sở tiến hành kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo NQTW 4.
Theo ANTD
Tín nhiệm thấp được xin từ chức Sáng 23/10, trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương đã trình QH dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, qua lấy phiếu tín nhiệm, người bị tín nhiệm thấp có thể xin từ chức...