“Lấy nước ô nhiễm làm nước sạch bán cho dân”: Sở TN&MT Nghệ An có tiếp tay?
Nước sông Đào bị ô nhiễm nặng với nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng trong thời gian dài nhưng Sở TN&MT Nghệ An lại không báo cáo kết quả lên tỉnh …
Kết quả quan trắc nước sông Đào trong tháng 3 tại trạm bơm Cầu Mượu, có 4/37 thông số vượt ngưỡng cho phép
Phiếu kiểm nghiệm không hợp quy
Ngày 12/6, làm việc về nội dung Báo Giao thông phản ánh, ông Hoàng Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Nghệ An cùng ông Lê Đình Hoan – thành viên HĐQT Công ty khẳng định: “Đến nay, tỉnh Nghệ An chưa có bất kỳ quyết định nào cấm công ty lấy nước sông Đào mà chỉ có văn bản không cho lấy nước sông Đào ô nhiễm để sản xuất nước sạch”.
Theo ông Hoan, Văn bản 6923 năm 2017 của UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu dừng sử dụng nước sông Đào làm nước sạch, cũng như các thông báo, kết luận của tỉnh chỉ mang tính định hướng, không có giá trị pháp lý nên công ty không nhất thiết phải thực hiện… Lãnh đạo công ty này cũng đưa ra Phiếu kết quả thử nghiệm nước thô sông Đào tại cầu Mượu ngày 4/5/2019 của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, với 11/11 thông số trong giới hạn QCVN 08.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT Nghệ An lại phủ nhận tính pháp lý của phiếu này. Ông Hưng cho biết: “Đơn vị chúng tôi là đơn vị duy nhất ở Nghệ An được Bộ TN&MT cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, trong đó có 36 thông số về nước mặt. Kết quả quan trắc được Sở TN&MT sử dụng làm cơ sở đánh giá chất lượng nước thô cấp cho các nhà máy nước; được Chi cục Bảo vệ môi trường sử dụng để đánh giá chất lượng, xây dựng mạng lưới nguồn nước”.
Ông Hưng cũng khẳng định: Kết quả quan trắc nước sông Đào tại Trạm bơm Cầu Mượu luôn có những thông số vượt ngưỡng. Chiếu theo QCVN 08 thì nước này không đủ điều kiện sử dụng để sản xuất nước sinh hoạt. Ngày 26/4/2019, Trung tâm cũng đã có văn bản báo cáo lên Phòng Tài nguyên nước, biển và hải đảo thuộc Sở TN&MT.
Nội dung này cũng được ông Chu Trọng Trang, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An thừa nhận: “Các kết quả thử nghiệm của chúng tôi hiện nay được thực hiện theo hợp đồng chuyên môn và không có giá trị pháp lý bên tài nguyên môi trường”.
Bỏ tiền mua nước sạch, dân phải dùng nguồn nước ô nhiễm
Video đang HOT
Trong quá trình làm việc với Công ty CP Cấp nước Nghệ An, lãnh đạo công ty thừa nhận từ ngày 20/12/2018 đã bắt đầu vận hành 2/4 tổ máy bơm nước từ sông Đào qua Trạm bơm Cầu Mượu rồi đưa về Nhà máy nước sạch Hưng Vĩnh, với công suất 800m3/giờ/tổ. Từ 27/4/2019, 100% nước thô đưa vào Nhà máy nước Cầu Bạch được lấy từ sông Đào qua hồ để sơ lắng.
Kết quả quan trắc nước sông Đào tháng 3/2019 tại vị trí M42 – Trạm bơm Cầu Mượu cho thấy có 4/37 thông số vượt chỉ tiêu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt (QCVN08). Tương tự, các kết quả quan trắc vào tháng 1/2019, 11, 9 và 7/2018 đều có từ 2 – 5 thông số vượt ngưỡng, trong đó thông số về độ phân hủy chất hữu cơ NO2-, NO3-, Amoni NH4 , là những chất nguy hại tới sức khỏe, khó lọc bỏ khi sản xuất nước sạch.
Cần lưu ý rằng, trong cách tính giá nước hiện nay đối với người dân TP Vinh và khu vực phụ cận, giá nước sạch đã bao gồm 1.950 đồng/m3 – giá mua nước thô từ Công ty Cấp nước Sông Lam. Khi bơm nước thô sông Đào thì đơn vị này chỉ phải trả 900 đồng/m3 tiền thủy lợi phí.
Điều đáng nói, trong công văn ngày 13/3/2019, báo cáo UBND tỉnh Nghệ An về kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước đối với 2 công ty cấp nước, Sở TN&MT tỉnh này không nhắc đến các kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc TN&MT mà chỉ trích Kết quả thử nghiệm nước đạt 11/11 thông số từ Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An (đơn vị không được giao quyền, không được Bộ TN&MT cấp chứng nhận). Báo cáo này cũng thường xuyên được Công ty Cấp nước Nghệ An sử dụng như “bảo bối” khi có ý kiến trái chiều về chất lượng nước sông Đào. Ông Lê Đình Hoan cũng khẳng định: “Chưa nhận được bất cứ văn bản khuyến cáo nào từ phía Sở TN&MT nói rằng nước sông Đào ô nhiễm”.
Điều đó phần nào lý giải về việc, khi muốn lấy tài liệu xác định hiện trạng chất lượng nước thô sông Đào, PV đã phải 3 lần tới Sở TN&MT, 2 lần tới Trung tâm quan trắc, 2 lần sang Chi cục Bảo vệ môi trường nhưng cũng không được cung cấp đủ. Thứ PV nhận được là những câu trả lời có phần lảng tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các bên. Đáng ra theo quy định những tài liệu quan trắc này phải được công khai để các cơ quan đơn vị và nhân dân cùng biết, theo dõi.
Theo Baogiaothong
Lấy nước kênh ô nhiễm làm nước sạch bán cho dân
Dù đã bị cấm nhưng Công ty CP Cấp nước Nghệ An vẫn "lén lút" bơm nước từ dòng kênh ô nhiễm làm nước sạch bán cho dân.
Những rãnh nước thải đặc quánh đen ngòm từ các chuồng trại thải thẳng ra đoạn sông cách trạm bơm 200m
Dòng kênh chứa nước đục ngầu với đủ loại rác thải, chất thải bị UBND tỉnh Nghệ An cấm sử dụng làm nước sạch từ năm 2017. Tuy nhiên, Công ty CP Cấp nước Nghệ An vẫn "lén lút" bơm nước từ dòng kênh này thay vì mua nước thô từ đơn vị khác.
Nước bẩn, chỉ số vượt ngưỡng được lấy làm nước sạch
Thời gian gần đây, người dân sinh sống 2 bên sông Đào (kênh Nam Đàn) không khỏi ngạc nhiên khi nước từ dòng sông ô nhiễm này được Công ty CP Cấp nước Nghệ An bơm, làm nước sạch bán cho dân. Chị Nguyễn Thị N. (trú xã Nam Giang, Nam Đàn) cho biết: "Sau một thời gian dừng hoạt động, nhiều tháng trở lại đây Trạm bơm nước Cầu Mượu bất ngờ hoạt động trở lại. Họ bơm nước suốt đêm từ dưới sông Đào lên để làm nước sạch".
Theo quy định tại Nghị định 67/2012, giá cấp nước cho nhà máy nước sinh hoạt thông qua kênh thủy lợi là 900 đồng/m3. Trong khi theo quy hoạch của tỉnh Nghệ An, cộng với hợp đồng giá mua nước thô qua hệ thống cấp nước của Công ty CP Cấp nước Sông Lam, giá nước thô Công ty CP cấp nước Nghệ An phải trả là 1.950 đồng/m3. Giá này đã được tính trong giá bán nước sinh hoạt dùng cho dân cư ở khu vực TP Vinh và vùng phụ cận từ tháng 10/2018. Như vậy, việc Công ty CP Cấp nước Nghệ An "lén lút" bơm nước từ kênh thủy lợi để làm nước sạch sẽ tạo ra một khoản chênh lệch không hề nhỏ. Bởi lẽ, đơn vị này đang quản lý 13 hệ thống cấp nước với tổng công suất thiết kế là 96.000m3/ngày đêm, chiếm 87% tổng công suất toàn tỉnh Nghệ An.
Theo ghi nhận của PV, sông Đào đi qua 5 xã, thị trấn của huyện Nam Đàn, là nơi đặt ống xả thải của nhiều nhà máy, xí nghiệp và các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Nước ở đây luôn có màu vàng đục, nổi váng, bốc mùi tanh hôi khó chịu. Mặt sông với vô số chất thải, rác thải do người dân vứt xuống. Riêng đoạn từ Trạm bơm Cầu Mượu đến cầu Bạch (xã Nam Giang) đã có tới 4- 5 nhà máy, xí nghiệp thải nước ra sông. Đó là chưa kể các ống nước thải từ các nhà hàng, hệ thống cống thoát nước khu dân cư, trang trại chăn nuôi thải trực tiếp ra đây. Không ai dám nghĩ đây lại là nguồn nước thô được Công ty CP Cấp nước Nghệ An bơm lên làm nước sạch cấp cho người dân TP Vinh và các vùng phụ cận.
Ông Phan Trọng Hải, Phó chủ tịch UBND xã Nam Giang cho biết: "Đúng là nước sông Đào hiện đã ô nhiễm không thể sử dụng làm nước sinh hoạt. Cách đây 2 năm, sau khi Công ty CP Cấp nước Sông Lam đi vào hoạt động, tỉnh đã có văn bản yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An phải ngừng lấy nước từ sông Đào và sử dụng nguồn nước thô từ sông Lam để sản xuất nước sạch. Từ đó đến năm 2019, chúng tôi không nghe bất cứ phản ánh gì. Hai tháng trở lại đây liên tục nhận được phản ánh về việc Công ty Cấp nước Nghệ An lấy nước sông Đào ô nhiễm làm nước sạch. Tuy nhiên, do không đủ thẩm quyền nên chúng tôi không thể kiểm tra, xử lý được".
Là đơn vị được hợp đồng kiểm nghiệm mẫu nước thô của Công ty Cấp nước Nghệ An, cũng là đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát, phân tích chất lượng nước, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An thừa nhận: Trong các kỳ lấy mẫu thử nghiệm theo tháng và định kỳ 6 tháng, đã có lần đơn vị phát hiện chất lượng nước thô lấy từ sông Đào không đảm bảo theo quy chuẩn, có những thời điểm có chỉ số vượt ngưỡng.
Cụ thể, tháng 4/2018 chỉ số Nitrit (NO2-) trong mẫu nước lấy từ Sông Đào lên đều vượt ngưỡng rất cao. "Chỉ số NO2 là chỉ số thể hiện tạp chất hữu cơ trong nước. Khi chỉ số này cao chứng tỏ tạp chất hữu cơ phân hủy từ xác động vật, thực vật trong nước cao, có thể gây ra các bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng", bác sĩ Chu Trọng Trang, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An giải thích.
Kết quả kiểm nghiệm nước vượt ngưỡng tại trạm Cầu Mượu
Cố tình chống lệnh tỉnh để trục lợi (!?)
Trước câu hỏi tại sao tỉnh đã yêu cầu Trạm bơm nước thô Cầu Mượu ngừng hoạt động mà Trung tâm vẫn lấy mẫu kiểm nghiệm, bác sĩ Hòa (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An) giải thích: "Trước đây, chúng tôi chỉ lấy mẫu nước thô sông Đào ở vị trí cầu Bạch để phân tích (cách Cầu Mượu khoảng 1km). Từ tháng 1/2019, thực hiện hợp đồng với Công ty CP Cấp nước Nghệ An, chúng tôi tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm thêm ở đây và cung cấp kết quả cho họ, còn họ dùng vào mục đích gì chúng tôi không biết".
Trước đó, vào các năm 2016, 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An không được lấy nước thô từ sông Đào làm nước sạch, cắt điện vận hành của các trạm bơm trước ngày 15/9/2017 để người dân tiêu thụ nước sạch trên địa bàn an tâm sử dụng.
Thế nhưng, bất chấp những chỉ đạo này, sau khi bị Điện lực Nam Đàn cắt điện, Công ty Cấp nước Nghệ An lại "âm thầm" chuyển sang dùng điện tại Điện lực Hưng Nguyên. Sau đó, thông qua Trạm bơm Cầu Mượu "lén lút" bơm nước sông Đào để sản xuất.
Những rãnh nước thải đặc quánh đen ngòm từ các chuồng trại thải thẳng ra đoạn sông cách trạm bơm 200m
Phó chủ tịch xã Nam Giang cũng khẳng định: "Khoảng nửa cuối năm 2018, chúng tôi thấy người ta cho phát dọn quanh khu vực Trạm bơm Cầu Mượu và làm hệ thống rào chắn rác trước các ống hút trạm bơm".
Số liệu thống kê sản lượng tiêu thụ điện từ Điện lực Hưng Nguyên cho thấy, ban đầu, mỗi tháng trạm chỉ sử dụng hết khoảng 10 triệu đồng tiền điện. Tuy nhiên, từ 20/12/2018 tới 19/5/2019, sản lượng điện tiêu thụ của trạm bơm này bất ngờ tăng vọt, như: Tháng 1 là 95 triệu đồng; tháng 4 là 135 triệu đồng; tháng 5 là 103 triệu đồng...
Khi PV liên hệ đặt lịch làm việc để làm rõ vấn đề, ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nghệ An cho biết đang đi công tác. Ông Hải thừa nhận trạm bơm có hoạt động và không đưa ra bình luận gì thêm.
Về phía Sở TN&MT Nghệ An, sau khi nghe nội dung sự việc, ông Nguyễn Văn Chất, Trưởng phòng Nước, biển và hải đảo khẳng định: "Các công ty, nhà máy nước sạch khi hoạt động đều phải tuân theo quy định pháp luật. Việc lấy nước thô ở đâu, đặt trạm bơm ở vị trí nào đều phải tuân theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt. Trong trường hợp này, tỉnh đã có văn bản mà đơn vị cố tình làm sai thì đơn vị phải chịu trách nhiệm".
Còn về phía Sở Xây dựng, ông Nguyễn Trường Giang, Phó giám đốc Phụ trách Sở cho biết: Sở đã chỉ đạo phòng chuyên môn kiểm tra, nắm lại tình hình để báo cáo UBND tỉnh.
Văn Thanh
Theo Baogiaothong
Xây dựng đội ngũ thầy thuốc Đông y Nghệ An vừa có tâm vừa có tầm Xây dựng đội ngũ thầy thuốc Đông y "vừa có tâm vừa có tầm", mỗi thầy thuốc là một người làm công tác dân vận để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc đó là mục tiêu mà Hội Đông y tỉnh Nghệ An đang hướng tới. Chiều 30/5, Hội Đông y tỉnh Nghệ An tổ chức kỷ niệm 60 năm thành...