Lây nhiễm là vấn đề chính cần được quan tâm
Tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 (nCoV) diễn ra sáng 12/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh: Sự lây nhiễm dịch bệnh là vấn đề chính cần được quan tâm hiện nay, sau đó mới xét đến độc tố và điều trị. Vì nguy cơ lây nhiễm cao, chúng ta cần tập trung làm tốt công tác cách ly, khoanh vùng cách ly, dập dịch tại chỗ.
Cẩn thận, chu đáo trong khám chữa bệnh.
Sáng 12/2, tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 (nCoV) do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, theo các số liệu nghiên cứu, tỷ lệ tử vong do nCoV khoảng 2 – 3%. Tuy tỷ lệ tử vong thấp nhưng dịch Covid-19 có tính lây nhiễm cao hơn virus SARS và các virus corona khác với độ lây nhiễm ở hệ số 2,5 – 4.
“Do đó, sự lây nhiễm dịch bệnh là vấn đề chính cần được quan tâm hiện nay, sau đó mới xét đến độc tố và điều trị. Vì nguy cơ lây nhiễm cao, chúng ta cần tập trung làm tốt công tác cách ly, khoanh vùng cách ly, dập dịch tại chỗ”- Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, rút kinh nghiệm từ dịch sởi vào năm 2014, khi nhiều bà mẹ đưa con em đến Bệnh viện Nhi trung ương khám, gây lây nhiễm chéo tại chính bệnh viện, khiến tỷ lệ nhiễm và tử vong tăng cao. Do đó, ngay từ rất sớm, Bộ Y tế đã chỉ đạo phân tuyến (bệnh nhân) ở các cấp.
“Chúng tôi tập trung theo phương châm “4 tại chỗ”, cụ thể, phát hiện, chẩn đoán, cách ly, theo dõi được tổ chức ở các tuyến, đặc biệt các bệnh viện tuyến huyện và sau đó đến các tuyến cao hơn (tỉnh, trung ương) khi có các triệu chứng vượt quá khả năng điều trị thì (cơ sở y tế) sẽ đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh”-Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Trước đó, tại cuộc họp hội đồng chuyên môn cập nhật, hoàn thiện hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và lây từ người qua người. Do đó, kiểm soát nhiễm khuẩn là nhiệm vụ hàng đầu để không lây nhiễm chéo trong bệnh viện (giữa người bệnh – người bệnh, giữa người bệnh – thầy thuốc, giữa người bệnh, thầy thuốc – cộng đồng).
Ông Khuê cho hay, hiện phân tuyến điều trị bệnh nhân ở Việt Nam hoàn toàn hợp lý, đúng với đặc tính của căn bệnh do chủng virus corona mới. Việc thu dung, điều trị, quản lý bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm được thực hiện từ tuyến huyện. Do đó, các bệnh viện phải quan tâm đến công tác cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, chỉ chuyển tuyến trên khi quá khả năng điều trị. Việc phân tuyến này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện…
Video đang HOT
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng nhấn mạnh, với phương châm 4 tại chỗ phân tuyến điều trị tại các bệnh viện của Bộ Y tế, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Người dân cần hết sức bình tĩnh không nên quá hoang mang, lo lắng, nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế và đặc biệt nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch”- ông Khuê nêu.
Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo, người dân có những biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 nên đến các tuyến cơ sở để khám bệnh. Tại đây, Bộ Y tế đã bố trí đội phản ứng nhanh để hỗ trợ các đơn vị địa phương khi gặp khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh chẩn đoán cho người dân.
“Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, cung cấp các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho các tuyến cơ sở cho nên, việc chẩn đoán, theo dõi, điều trị người bệnh có dấu hiệu liên quan đến dịch bệnh do Covid-19 hoàn toàn có thể thực hiện ở các cơ sở y tế địa phương”-Thứ trưởng Sơn cho biết.
Đức Trân
Theo daidoanket
Bác sĩ Da liễu cảnh báo nước sát khuẩn "rởm" làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19
Gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều cơ sở sản xuất dung dịch sát khuẩn, nước xịt tay sạch khuẩn... không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
BSCK II. Bùi Quang Hào - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Da liễu TW cảnh báo, sử dụng nước sát khuẩn "rởm" không những không sạch mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã liên tục ban hành các khuyến cáo về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19. Ngoài việc đeo khẩu trang thì vấn đề giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh đôi bàn tay sạch sẽ là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Hiện nay, do tính tiện dụng, có thể "bỏ túi" mà nhiều người dân đã tìm mua các loại dung dịch sát khuẩn vì cho rằng có thể ngăn ngừa được sự lây lan của virus. Tuy nhiên trên thị trường đang xuất hiện rất nhiều dung dịch sát khuẩn được quảng cáo bằng những lời lẽ rất mùi mẫn, tạo cảm giác sạch sẽ ngay lập tức cho người sử dụng.
Theo BSCK II. Bùi Quang Hào, với dung dịch sát khuẩn đạt chuẩn sẽ diệt được phần lớn vi sinh vật bám trên bề mặt da. Đa số các loại nước sát khuẩn có hương vị dễ chịu. Loại dung dịch này không gây kích ứng/dị ứng da (như đỏ da, khô/tróc vảy da, ngứa), có thể làm mềm da. Khi một lượng nhỏ dung dịch sát khuẩn vô tình bay vào mắt, mũi, miệng hoặc thực phẩm thì không gây nguy hiểm.
"Thành phần của dung dịch sát khuẩn thường bao gồm những chất có tác dụng khử khuẩn (như ethanol, isopropanol, chlorhexidine), chất giữ ẩm (glycerin) và nước cất. Nồng độ cồn sử dụng trong dung dịch khử khuẩn phải phù hợp để tránh làm đông vón lớp protein trên bề mặt vi khuẩn, virus mất tác dụng diệt khuẩn"- BS. Hào phân tích rõ.
BSCK II. Bùi Quang Hào - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Da liễu TW.
Lợi bất cập hại khi dùng nước sát khuẩn "rởm"
Hiện nay, do nhu cầu thị trường tăng cao bất thường khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, mặt hàng dung dịch sát khuẩn không kịp đáp ứng nhu cầu của người dân. Chính vì thế đã xuất hiện tình trạng một số cơ sở sản xuất đã làm giả, làm nhái các dung dịch sát khuẩn đem bán ra thị trường.
BS. Hào cảnh báo, khi người dân sử dụng phải dung dịch sát khuẩn không rõ nguồn gốc (rởm) thì tiềm ẩn 2 nguy cơ thường gặp đó là: Dung dịch sát khuẩn nhưng không có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn (do thành phần hoạt chất, nồng độ... không đảm bảo quy chuẩn) và như vậy rất dễ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Ngoài ra, với nước sát khuẩn "rởm" dễ gây ra phản ứng phụ tại chỗ (như viêm da kích ứng hoặc dị ứng) hoặc gây độc hại khi dung dịch bay vào mắt, mũi, miệng hoặc thức ăn.
Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều thùng chứa dung dịch nước xịt tay sạch khuẩn không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Để có thể sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn đảm bảo chất lượng, có tác dụng phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh Covid-19 nói riêng, BS. Hào khuyến cáo người dân nên chọn mua dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay ở những cơ sở sản xuất có địa chỉ, nhãn mác rõ ràng (đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép) và thực hiện rửa tay nhiều lần trong ngày. Chú ý lau chùi bằng dung dịch sát khuẩn các vật dụng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bàn phím máy tính, điện thoại...
Với nhân viên y tế, học sinh, sinh viên đang công tác, học tập tại các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm túc 5 thời điểm rửa tay, 6 bước rửa tay thường quy theo hướng dẫn của WHO, Bộ Y tế.
"Cần lưu ý, chỉ nên chà tay bằng dung dịch cồn sát khuẩn nhanh khi không nhìn thấy vết bẩn bằng mắt thường. Trường hợp nếu có vết bẩn nhìn thấy bằng mắt thường thì rửa tay bằng dung dịch rửa tay, xà phòng diệt khuẩn sẽ mang lại hiệu quả hơn - chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn chia sẻ.
Phạm Hiệp
Theo suckhoedoisong
Tuyến đầu chống nCoV: Lào Cai tiếp nhận 216 người Việt từ "tâm dịch" Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai cũng đã phát hiện 32 người, đã trao trả qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai 26 người (Trung Quốc: 25; Thái Lan: 1). Hiện đang quản lý, cách ly 6 người. Ngày 09/02, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm...