Lây nhiễm chéo ở bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, 5 người cùng phòng mắc COVID-19
Bệnh nhân COVID-19 mới nhất tại Đà Nẵng là người nhà chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu và ở cùng phòng với 4 bệnh nhân COVID-19 khác.
Nhân viên y tế tại Đà Nẵng làm việc trong vùng cách ly, phong toả để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Nguyễn Thành
Tối 23/8, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng đã cung cấp thông tin về kết quả điều tra, giám sát, xử lý đối với 1 trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố vào sáng cùng ngày.
B ệnh nhân số 1015, (nữ, sinh năm 1976, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Bệnh nhân sống cùng gia đình tại thị trấn Nam Phước, là người nhà của ông N.B (là bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng).
Ngày 4/8, ông N.B được chuyển đến cách ly và điều trị tại bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Bệnh nhân B đã có 3 lần xét nghiệm dịch hầu họng và có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 vào các ngày 30/7, 19/8 và 21/8.
Từ ngày 6/8 đến 18/8, bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng để chăm sóc ông N.B. Tại đây, bệnh nhân được cách ly cùng phòng với ông B và một số người trong đó có các bệnh nhân chuyển đến từ Bệnh viện Đà Nẵng.
Ngày 18/8, tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, bệnh nhân được lấy mẫu dịch hầu họng (lần 1) và cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Ngày 19/8 và 20/8, sau khi 4 bệnh nhân cùng phòng có kết quả xét nghiệm dịch hầu họng dương tính với virus SARS-CoV-2 (là bệnh nhân số 996, số 997, số 998 và số 1006), bệnh nhân được chuyển đến phòng khác thuộc khu cách ly của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
Ngày 21/8, tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt nên được lấy mẫu dịch hầu họng (lần 2) gửi đến bệnh viện Phổi Đà Nẵng xét nghiệm. Trong ngày, bệnh nhân được chuyển đến phòng cách ly riêng để chăm sóc ông N.B.
Ngày 22/8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng gửi mẫu xét nghiệm của bệnh nhân đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng sau khi kết quả xét nghiệm lần 2 nghi ngờ với vi rút SARS-CoV-2, để xét nghiệm khẳng định và tối cùng ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện tại, bệnh nhân được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. (Nguyễn Thành)
Hà Nội: 13 bệnh viện được phân tuyến điều trị và xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2
Để thực hiện hiệu quả công tác điều trị cho người bệnh cũng như xét nghiệm SARS-CoV-2, Sở Y tế Hà Nội đã phân công 13 bệnh viện tuyến cuối của thành phố tiếp nhận chuyển tuyến điều trị và thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội phân công 5 bệnh viện tiếp nhận chuyển tuyến điều trị (Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông).
Cụ thể, Bệnh viện Bắc Thăng Long tiếp nhận người bệnh từ các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh chuyển đến. Bệnh viện Đa khoa Đống Đa tiếp nhận người bệnh từ các quận: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm chuyển đến. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận các bệnh nhi, sản, ngoại khoa và người nước ngoài do các tuyến chuyển đến và khu vực các quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ.
Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận người bệnh khu vực các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì, Quốc Oai, Thạch Thất. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận người bệnh khu vực các quận, huyện, thị xã: Hà Đông, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Sơn Tây, Hoài Đức.
Đối với các trường hợp tiến triển nặng hoặc xác định dương tính, người nước ngoài (bao gồm cả trẻ em) quá khả năng điều trị của các bệnh viện thì chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.
Với công tác xét nghiệm, Sở Y tế phân công 8 bệnh viện nhận mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Đa khoa Medlatec và Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc).
Cụ thể, các bệnh viện: Gia Lâm, Tâm thần Hà Nội, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Bắc Thăng Long chuyển mẫu đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Các bệnh viện: Tim Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Tâm thần ban ngày Mai Hương, Bệnh viện 09, Y học cổ truyền Hà Đông, Mắt Hà Đông, Phục hồi chức năng, Thanh Trì chuyển mẫu đến Bệnh viện Thanh Nhàn.
Các bệnh viện: Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba, Mắt Hà Nội, Da liễu Hà Nội, Đống Đa, Hòe Nhai, Thận Hà Nội chuyển mẫu đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Các bệnh viện: Mỹ Đức, Vân Đình, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tâm thần Mỹ Đức chuyển mẫu đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Các bệnh viện: Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức chuyển mẫu đến Bệnh viện Phổi Hà Nội. Các bệnh viện: Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai, Đan Phượng chuyển mẫu đến Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây. Các bệnh viện: Tâm Anh, Quốc tế Bắc Hà, Hy Vọng Mới, Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ, An Việt, Thẩm mỹ Keangnam, Thăng Long, Việt Pháp, Đông Đô, Tràng An, Hồng Hà, Bảo Sơn 2, Hà Thành, chuyên khoa Nam học Đức Phúc, Phụ sản Thiên An, Mắt Ánh sáng, chuyên khoa Thẩm mỹ Thu Cúc, Mắt Hitec, Chữ Thập Xanh, Dolife, Đa khoa Quốc tế Thu Cúc chuyển mẫu đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec.
Các bệnh viện: 16A Hà Đông, Thiên Đức, Mắt Sài Gòn – Hà Nội, Mắt Kỹ thuật cao Hà Nội, Mắt Việt Nhật, Mắt Quốc tế DND, Phụ sản An Thịnh, Ung bướu Hưng Việt, Hà Nội, Hồng Phát, Nam học Hiếm muộn, Mắt Việt Nga, Mắt quốc tế Nhật Bản, Mắt Sài Gòn – Hà Nội 1, Phương Đông, Mắt Hà Nội 2 chuyển mẫu đến Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.
Riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City thực hiện xét nghiệm sàng lọc tại đơn vị và sẵn sàng tham gia thực hiện xét nghiệm cho các đơn vị khác chuyển đến khi có yêu cầu. (Quảng An)
10 điều bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải tuân thủ trong dịch COVID-19
Video đang HOT
PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai chỉ ra 10 lưu ý bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần thực hiện để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
1. Di chuyển đến bệnh viện để lọc máu nên dùng xe cá nhân như xe máy, ô tô riêng của gia đình với cửa xe được mở thông thoáng.
2. Khi đến bệnh viện cần phân luồng, xếp hàng đi lối riêng.
3. Chủ động tự cách ly, hạn chế hoặc không tiếp xúc trực tiếp với người khác khi ở nhà cũng như khi lọc máu tại Bệnh viện.
4. Đeo khẩu trang nhiều nhất có thể, đặc biệt khi lọc máu, khi di chuyển và khi tiếp xúc với người khác.
5. Chủ động khai báo y tế, tiền sử tiếp xúc, khu vực đang sinh sống có bị cách ly hay không để được hướng dẫn và giúp đỡ. Báo ngay cho nhân viên y tế những triệu chứng như sốt, đau họng, khó thở, nhức mỏi cơ thể, giảm khứu giác.
6. Không ăn uống, nói chuyện trong phòng lọc máu. Khi ho, hắt hơi cần che miệng, khạc đờm dùng khăn giấy lau miệng và cho vào túi nilon bỏ vào thùng rác y tế sau đó vệ sinh tay cẩn thận.
7. Lọc máu xong về nhà ngay, sau đó tắm bằng nước ấm và thay quần áo mới.
8. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng, tránh uống nước quá nhiều, tránh ăn trái cây có nhiều kali…
9. Vệ sinh phòng ở sạch sẽ, thông thoáng, mở cửa sổ, sử dụng quạt vào mùa nóng, không nên dùng điều hòa; Rửa tay thường xuyên.
10. Liên lạc và báo cáo về tình trạng sức khỏe với nhân viên y tế thường xuyên để được tư vấn sử dụng thuốc, chế độ ăn. (Thuận Phương)
Người trẻ 'biến tấu' máy rửa tay ngừa dịch
Các đoàn viên thanh niên, sinh viên tại TP Đà Nẵng đã chế tạo và đưa vào ứng dụng rộng rãi hàng chục máy rửa tay tự động với nhiều "biến tấu" thú vị thích hợp đặt ở các điểm công cộng trên toàn thành phố để phòng chống dịch COVID-19.
Người dân hào hứng với máy rửa tay tự động - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
"Bước vào cơ quan là thấy hai cô chú áo xanh nhắc rửa tay rồi nên không ai quên được cả" - bà Nguyễn Thị Nhật Tuyền, người dân đến làm giấy tờ ở trụ sở UBND Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng vui vẻ nói.
Máy rửa tay tự động thì dễ bởi bộ cảm biến thì mua sẵn, nhưng làm sao tuyên truyền việc rửa tay cho người dân mới là hiệu quả.
Anh Nguyễn Thanh Phong, bí thư Đoàn phường Hòa Thuận Đông
Sáng kiến hạn chế lây nhiễm chéo
"Hai cô chú áo xanh" nhắc rửa tay mà bà Tuyền nói chẳng phải cô chú nào biết nói năng. Đó là hai hình nộm chibi với sắc áo thanh niên của chiếc máy rửa tay cảm biến. Từ giữa tháng 3, khi có sự xuất hiện của hai "cô chú áo xanh" này, bảo vệ ở cơ quan không cần phải túc trực nhắc nhở người dân, cán bộ nhân viên ra vào việc rửa tay như trước.
Góc sát cổng ra vào cũng được tô điểm nổi bật nhờ hai hình chibi khá ngộ nghĩnh. Bà Tuyền bảo rằng mùa dịch, ai đi vào nơi nào làm việc cũng ý thức rửa tay, nhưng có lúc lại quên khuấy những chai nước rửa tay nhỏ xíu trên bàn. Chiếc máy rửa tay tự động với hình nộm cao bằng đầu người và thông điệp kêu gọi rửa tay sẽ đập vào mắt, không ai là không nhớ.
Nói đoạn bà đưa đôi tay của mình vào dưới vị trí có mũi tên chỉ định, ngay lập tức, lượng nước rửa tay sát khuẩn vừa phải tưới nhẹ nhàng vào tay và tự động ngắt khi đưa tay ra khỏi vị trí.
Bà Tuyền cười hóm hĩnh: "Hiện đại quá và vệ sinh quá, tiện và an toàn hơn hẳn". Bảo vệ cơ quan này cho biết, từ khi có mô hình máy rửa tay tự động, người ra vào cơ quan không cần ai nhắc nhở cũng tự động rửa tay sạch sẽ. Ai cũng hào hứng trước mô hình đặc biệt này.
Hai mô hình máy rửa tay sát khuẩn tự động là sản phẩm công nghệ được nghiên cứu, chế tạo bởi một nhóm cán bộ Đoàn, Đoàn viên thanh niên của hai phường Hòa Thuận Đông và phường Phước Ninh thuộc quận Hải Châu. Máy có cấu tạo đơn giản gồm hệ thống cảm biến, vòi phun và bình đựng dung dịch nước sát khuẩn nửa lít gắn khéo léo vào một hình nộm chibi.
Để lấy dung dịch sát khuẩn, người dùng chỉ cần đưa lòng bàn tay vào dưới vòi phun mà không phải tiếp xúc vào thiết bị. Nhờ có hệ thống cảm biến tự động được kích hoạt sẽ phun một lượng dung dịch vừa đủ vào tay người cần rửa.
Những người thợ không chuyên hoàn thiện các công đoạn cuối cùng của máy rửa tay tự động - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Mong sản phẩm được nhân rộng
Nói cấu tạo nghe có vẻ đơn giản, nhưng đến tận "đại bản doanh" của các anh những ngày giữa mùa dịch này mới thấy được hết khó khăn và sự quyết tâm của những người thợ không chuyên.
Giữa sảnh trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi phường Hòa Thuận Đông bày ngổn ngang sắt thép, mạch điện, mô hình chưa hoàn thiện... Chừng 5 anh chàng hì hụi tháo, lắp để kịp giao 9 máy cho một đơn vị đặt hàng tặng các chốt kiểm soát dịch.
Anh Phan Lê Ngọc Huy, sinh viên Bách Khoa năm 4 vừa thở hổn hển sau một vòng lùng mua mấy món linh kiện: "Từ khi có lệnh cách ly xã hội, các cửa hàng cũng đóng cửa, việc vận chuyển linh kiện cũng khó khăn hơn. Ngoại trừ những thứ bắt buộc phải mua thì anh em tự làm hết nên chi phí hoàn thành mỗi máy hiện chỉ mất 1,5 triệu đồng".
Huy là người đã đưa ra sáng kiến làm chiếc máy rửa tay tự động từ hồi giữa tháng 2. Học hỏi từ nhiều mô hình trên mạng, huy bảo nhìn sự tiện lợi của những chiếc vòi nước cảm biến ở các khách sạn càng thôi thúc các anh phải làm cho bằng được chiếc máy rửa tay để ngăn lây nhiễm chéo trước tình hình dịch bệnh cấp bất.
Anh Nguyễn Thanh Phong - bí thư Đoàn phường Hòa Thuận Đông nói: máy rửa tay tự động thì dễ bởi bộ cảm biến thì mua sẵn, nhưng làm sao tuyên truyền việc rửa tay cho người dân mới là hiệu quả.
Mô hình được nhân rộng và đưa vào sử dụng ở nhiều điểm để ngăn lây nhiễm chéo dịch COVID_19- Ảnh ĐOÀN NHẠN
"Chợt nghĩ trước đây, những mô hình chibi tuổi trẻ thành phố đặt ở các điểm giao thông nhận được phản hồi rất tốt. Người dân thích thú khi khẩu hiệu tuyên truyền khô cứng được truyền đi bởi các hình nộm chibi sinh động khiến họ ghi nhớ tốt hơn. Bọn mình bắt tay vào thực hiện ngay" - anh Phong nói.
Những mô hình đầu tiên các bạn mang tặng được nhận phản hồi tích cực. Các bạn trẻ hoàn thiện thêm các khâu chế tạo phểu và bình đựng dung dịch trong suốt để dễ điều tiết lượng nước rửa tay phù hợp, điều chỉnh cho lượng dung dịch ra lòng bàn tay vừa phải mà không bị bắn ra xung quanh...
Hình ảnh những chiếc máy rửa tay hoàn thiện được truyền đi trên mạng xã hội đem về những đơn đặt hàng sản xuất không lợi nhuận đầu tiên.
Người hàn sắt, người dán dcal, nối mạch điện... đã có lúc việc chế tạo phải dừng do có người bị máy cắt vào tay phải đi bệnh viện, nhưng rồi ai nấy ý thức hơn để đảm bảo an toàn và hoàn thành nhanh nhất sản phẩm.
Đến nay, hai Đoàn phường Phước Ninh và Hòa Thuận Đông đã cho ra hàng chục máy rửa tay cảm biến đặt ở các trụ sở, điểm kiểm soát dịch trên toàn thành phố.
Anh Nguyễn Tấn Tài - Phó Bí thư quận Đoàn Hải Châu, cho biết: "Quận Đoàn tuyên dương tinh thần các đoàn viên thanh niên đã chủ động tìm tòi, sáng tạo để cho ra sản phẩm thực tiễn này. Điều vui nhất là nhiều đơn vị Đoàn ở các tỉnh thành trong cả nước liên lạc và mong được học hỏi mô hình. Anh em đã nhiệt tình chia sẻ cách chế tạo, hỗ trợ hết sức để mong nhân rộng được mô hình thiết thực này nhiều nơi trong cả nước.
Nhiều nơi ứng dụng máy rửa tay tự động
Hiện ở Đà Nẵng, ngoài mô hình máy rửa tay cảm biến của các bạn trẻ quận Đoàn Hải Châu, sinh viên các trường ĐH Bách Khoa, ĐH Sư Phạm Đà Nẵng cũng đã chế tạo và đưa vào sử dụng nhiều mô hình máy rửa tay tự động. Đã có hàng chục máy rửa tay đặt tại các điểm như bệnh viện Đà Nẵng, các khu chợ lớn trên địa bàn.
ĐOÀN NHẠN
Chuyến về nước của cô gái ung thư giai đoạn cuối Bị ung thư phổi giai đoạn cuối, phải thở oxy và không thể đi lại, Minh Anh được bác sĩ khuyên nên về nước gặp gia đình. Trong bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, Đặng Thị Minh Anh, 26 tuổi vươn vai, đón ánh nắng hắt từ cửa sổ buồng bệnh vào. Cơn đau âm ỉ khắp cơ thể làm mất ngủ cả...