Lấy mẫu 3 ngày/lần với người ở vùng nguy cơ rất cao của TP.HCM
Bộ Y tế đề nghị TP.HCM lấy mẫu tại hộ gia đình toàn bộ người thuộc khu vực có nguy cơ rất cao với tần suất 3 ngày/lần. Khu vực nguy cơ cao sẽ lấy mẫu là 7 ngày/lần.
Sáng 9/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long họp với Bộ phận thường trực hỗ trợ TP HCM chống dịch và các đơn vị chuyên môn để thảo luận các hướng dẫn với TP.HCM nhằm thực hiện hiệu quả biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 16.
Người đứng đầu ngành Y tế cho biết có nhiều thay đổi trong chuyên môn phòng dịch về cách ly, xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng vaccine ở TP.HCM. Trong đó, cách ly, xét nghiệm là hai vấn đề nổi cộm nhất.
Cách ly tập trung người sống cùng nhà bệnh nhân Covid-19
Về vấn đề cách ly, đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong toả), F1 được cách ly tại nhà, không cách ly tập trung. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, đảm bảo theo dõi, giám sát chặt chẽ, toàn bộ thành viên trong nhà đình không được phép đi ra ngoài.
Tại khu vực nguy cơ cao, áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại công văn số 5152 ngày 27/6 của Bộ Y tế. Các trường hợp này không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe. Địa phương có thể xem xét cho phép cách ly F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín.
Bộ Y tế đề nghị cách ly tại nhà F1 ở vùng nguy cơ rất cao. Ảnh: Phạm Ngôn.
Với vùng nguy cơ và bình thường mới, áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn số 5152 của Bộ Y tế.
“Với những hộ gia đình có F0 thì cả nhà phải đi cách ly tập trung. Chủng này lây lan rất nhanh, nếu có một thành viên nhiễm thì hầu như các thành viên trong gia đình đều dương tính”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thí điểm lấy mẫu xét nghiệm gộp kháng nguyên nhanh
Về vấn đề xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu 24 đội công tác và Bộ phận thường trực đặc biệt lưu ý vấn đề giúp TP.HCM điều phối máy móc, nhân lực, chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm.
Theo Bộ Y tế, cần giao phòng xét nghiệm Covid-19 cho các quận, huyện để tiếp nhận mẫu và gửi trả kết quả nhanh, giảm từ 24 giờ xuống 12 giờ.
Bộ trưởng Y tế yêu cầu Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế phải kiểm tra giám sát lại các phòng xét nghiệm để bổ sung, điều phối máy tới nơi có nhân lực đảm bảo điều kiện xét nghiệm.
Video đang HOT
Với khu vực vùng có nguy cơ rất cao, TP.HCM lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại hộ gia đình. Với khu vực nguy cơ cao tần suất lấy mẫu là 7 ngày/lần, có thể tăng tần suất nếu điều kiện cho phép.
Với khu vực còn lại, lực lượng y tế lấy mẫu đại diện hộ gia đình, trong đó chọn người hay đi ra ngoài, có mức độ giao lưu tiếp xúc nhiều để lấy mẫu.
Bộ Y tế đề nghị TP.HCM lấy mẫu tại hộ gia đình, không tổ chức thành các điểm tại khu vực nguy cơ rất cao và cao. Ảnh: Duy Hiệu.
“Về phương thức lấy mẫu, với khu vực nguy cơ rất cao và cao, cần lấy mẫu tại hộ gia đình, không tổ chức thành các điểm lấy mẫu”, Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu nếu test nhanh thì trả ngay kết quả cho hộ gia đình. Trường hợp làm RT-PCR thì chỉ gộp mẫu của các thành viên trong gia đình.
“Việc tổ chức các tổ lấy mẫu (2 người/tổ) phải rất lớn thì mới đáp ứng được yêu cầu này, với 2.500 tổ hiện tại là chưa đủ. Do đó, phải điều phối nhân lực trong lấy mẫu”, Bộ trưởng nhận định và lưu ý không thể kéo người dân ra ngoài, tụ tập để lấy mẫu. Nếu không sẽ không còn ý nghĩa nào trong chống dịch.
Đối với các khu vực khác, ông Long khuyến cáo không nên gộp mẫu quá nhiều người trong hộ gia đình để tăng tốc độ trả kết quả.
Về sinh phẩm xét nghiệm, TP.HCM cần sử dụng 2 phương pháp là RT- PCR và kháng nguyên nhanh để trả kết quả càng nhanh càng tốt.
Với xét nghiệm kháng nguyên nhanh, Bộ trưởng đồng ý kiến nghị của GS.TS Lê Quỳnh Mai về việc sẽ thí điểm gộp mẫu 3-5. Nếu tới đây đánh giá được độ nhạy, độ đặc hiệu của phương pháp này tương đương với xét nghiệm gộp mẫu RT- PCR sẽ cho phép triển khai nhằm tiết kiệm sinh phẩm
Không tổ chức điểm tiêm chung đông người
Về tiêm vaccine, tới đây, Bộ Y tế sẽ cấp thêm vaccine cho TP.HCM. Địa phương sẽ tổ chức theo dạng chiến dịch nhưng có điểm khác so với trước đây.
Đối với khu vực nguy cơ rất cao và cao, T.HCM cần tổ chức thành nhiều điểm tiêm lưu động tại đầu hẻm hoặc nơi cần thiết, chia thành nhiều khung giờ để đảm bảo giãn cách. Bộ Y tế sẽ điều khoảng 30 xe tiêm lưu động để bàn giao thí điểm cho TP.HCM.
“Điểm tiêm lưu động càng nhỏ, bám vào các hẻm nhỏ càng tốt”, Bộ trưởng lưu ý. Còn đối với các khu vực còn lại, cần tổ chức hai hình thức tiêm (cố định và lưu động). Tuyệt đối không tổ chức điểm tiêm đông người.
Tại cuộc họp, người đứng đầu Bộ Y tế cũng lưu ý vấn đề phòng chống dịch ở khu công nghiệp, nhà máy. Theo Bộ trưởng có 2 hình thức thực hiện gồm xét nghiệm ngẫu nhiên với nhà máy đông công nhân với ít nhất 20% được xét nghiệm và xét nghiệm tuỳ theo độ lấy từng đối tượng lấy mẫu từ 3-5 ngày/lần. Nếu nhà máy có điều kiện thì xét nghiệm cho toàn bộ công nhân, nhân viên.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Bộ phận thường trực phải đào tạo tập huấn cho công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tổ chức các tổ lấy mẫu, phục vụ việc xét nghiệm tại các khu vực nhà máy. Đội lấy mẫu phải được tổ chức nhiều hơn trong khu vực này.
Tình bạn đẹp nhất Sài Gòn: Cụ ông ung thư đi làm kiếm tiền nuôi bạn mất trí nhớ
71 tuổi, nhận thức bản thân vẫn còn khỏe mạnh hơn bạn mình, dù bệnh ung thư ông Long vẫn hàng ngày ra ngoài kiếm tiền và chăm sóc cho ông Thái. Với ông Thái, ông Long là toàn bộ ký ức còn lại của ông vì căn bệnh mất trí nhớ.
Ông Thái suy giảm trí nhớ nhưng chỉ nhớ 1 mình ông Long . ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Những ngày Sài Gòn nắng đổ lửa, tôi tìm đến căn nhà nhỏ gần sát bên đường tàu của ông ông Lương Huỳnh Thái (71 tuổi) và ông Đình Long (71 tuổi). Căn phòng vỏn vẹn vài mét vuông chỉ đủ để hai ông đặt một chiếc nệm nhỏ, một chiếc tivi cũ, quạt và vài đồ dùng linh tinh.
Thời tiết Sài Gòn nóng nực, căn phòng cũng vì vậy mà chật hẹp, nóng nực thêm vài phần. Khó khăn lắm tôi và ông Long mới lên được căn phòng qua cầu thang nhỏ, dù tiếng động khá lớn nhưng ông Thái vẫn chăm chú vào màn hình tivi mà không hay có người đến.
Căn phòng trọ của hai ông chật chội và vỏn vẹn vài mét vuông . ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Hai ông từng học chung lớp Đệ lục ở Sài Gòn (lớp học thời xưa, bằng với lớp 6 hiện tại). Sau đó bẵng đi một thời gian không gặp nhau. "Ngày xưa sau khi hết học thì cả hai đều ở Sài Gòn nên lâu lâu cũng có gặp nhau uống nước, vì thời đó còn có một vài bạn bè cũng ở Sài Gòn nữa. Long không có vợ con gì, ngày xưa cũng có yêu một cô gái mà sau cô ấy đi lấy chồng nên nó ở vậy luôn. Tình duyên của tôi cũng đứt gánh", ông nói.
Khoảng 10 năm trước, ông Thái không may bị gãy chân, ông Long chăm sóc và từ đó dọn về ở chung phòng trọ ở quận 2 (TP.HCM), sau đó chuyển đi nhiều nơi, phòng trọ hiện tại của hai ông ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) được một mạnh thường quân trả tiền thuê phòng hàng tháng với giá 2 triệu đồng.
Ông Thái bị đau chân và hay lạc đường nên giờ chỉ ở nhà . ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Năm 2019, sau khi phẫu thuật cắt túi mật, trí nhớ của ông Thái bị suy giảm khiến ông không thể nhớ được. Từ đó ông Thái rất hiếm khi nói chuyện, cả ngày chỉ nằm ở trên giường và xem tivi. Nhưng lạ thay, ông Thái chỉ nhớ một mình ông Long.
Ông Long tự dùng kéo để cắt râu cho bạn . ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Bản thân ông Long mắc bệnh ung thư đại tràng, bụng sưng to, cứng, khó tiêu nhưng nhận thức bản thân khỏe mạnh hơn bạn mình nên vẫn hàng ngày ra ngoài đường để mưu sinh.
Ông Long làm thợ sắt, chạy xe ôm, chở hàng, ai kêu gì thì làm đó kể kiếm thêm tiền. Ông Long nói: "Thấy tôi đi làm vất vả thì hồi đó nó cũng nói thôi để nó đi làm bảo vệ thêm ngày 4 tiếng để kiếm tiền nhưng không may bị tai nạn gãy tay nên tôi đi làm thay, số nó khổ lắm".
Nếu ngày nào không kiếm được tiền, ông Long đi khắp nơi để xem có chỗ nào phát cơm miễn phí để xin về cho ông Thái. Nếu không kiếm được chỗ cho cơm thì ông mua cơm nợ tiền chỗ quán quen rồi lại kiếm tiền quay lại trả nợ. Lắm lúc, ông Long còn nhịn đói để nhường cơm cho ông Thái.
Đồ đạc của 2 ông chủ yếu là được cho lại, chiếc xe máy cũng được mạnh thường quân giúp đỡ để ông Long tiện đi lại nhưng đã rất cũ kỹ. Nghe đâu có mái ấm có thể vào ở miễn phí, ông Long lái xe đi tìm thì hay tin trung tâm không nhận người nằm 1 chỗ không thể di chuyển được nên ra về. Trên đường về thì xe không may bị hỏng phải dắt bộ một đoạn xa về nhà.
Sau đó chải tóc lại . ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Ông Thái kể lại có lần ở trong bệnh viện, không biết được ai cho 200.000 đồng những ông Thái vẫn nắm chặt trong tay, ai hỏi cũng không nhớ là tiền từ đâu mà có. Chỉ đến lúc ông Long đến thì ông Thái mới chịu đưa tờ 200.000 đồng cho ông Long.
"Nhiều khi mình cũng muốn bỏ ổng mà nghĩ lại thấy cũng tội nghiệp, ngày xưa ổng hiền lắm nên bị người ta lừa suốt. Giờ mà để ổng đi ra ngoài là ổng đi lạc tội nghiệp lắm. Có lần đi ngoài đường mà nhìn thấy tôi mừng lắm, khóc luôn rồi chạy té lên té xuống. Thành ra cũng là cái duyên với nhau, ba ruột của bạn và mẹ ruột của tôi còn có chung một ngày giỗ", ông Long nghẹn ngào.
Nói đoạn, ông Long quay qua gọi ông Thái đang xem ti vi. "Thái, quay qua đây cắt râu cho, râu dài vậy lát sao ăn cơm". Nói rồi, ông Long lục trong hộp thuốc ra 1 cái kéo nhỏ rồi cắt tỉa râu cho ông Thái, xong xuôi lại lấy lược để chải lại tóc cho ông Thái. Thấy ông Long cặm cụi chải đầu, ông Long chỉ ngồi im.
Ông Long vui mừng vì được tặng 1 cây đàn . ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Ông Long tâm sự: "Ngày xưa nó còn khỏe còn nhớ thì còn đèo nó đi làm chung được. Nó đòi đi theo để nó phụ việc nhưng thực ra nó cũng không được gì đâu nhưng mà vui, nay nó bệnh nên đành phải để ở nhà nằm 1 chỗ luôn. Giờ tôi có ra ngoài cũng được một lúc cũng chạy về vì không yên tâm, không để ổng một mình ở nhà được".
Chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương (25 tuổi) người từng kêu gọi giúp đỡ cho hoàn cảnh của hai ông chia sẻ hoàn cảnh của hai chú khiến chị xúc động vì ở giữa Sài Gòn lại có một câu chuyện tình bạn đẹp. Hỏi hàng xóm xung quanh cũng biết hai ông không phải anh em ruột nhưng ở cùng nhau.
"Tôi đã gặp rất nhiều người và giúp đỡ qua rất nhiều hoàn cảnh rồi nhưng chưa hoàn cảnh nào lại để lại cảm xúc cho tôi đến thế. Chú Long dù mắc nợ tiền mua cơm của những quán ăn gần nhà bao nhiêu chú cũng nhớ để đi trả lại nên đi trả nợ giúp chú", chị bày tỏ.
KHẨN: TP.HCM tìm 2 tài xế chở nữ bệnh nhân COVID-19 nhập cảnh chui Nữ bệnh nhân 2580 (V.T.T., quê Vĩnh Long) từng đi taxi từ Rạch Giá, Kiên Giang về TP.HCM rồi bắt xe ôm đến khách sạn tại huyện Bình Chánh. Cơ quan y tế TP.HCM thông báo khẩn tìm 2 tài xế từng chở bệnh nhân này. Căn nhà trọ trong hẻm 102 Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp tạm thời bị phong tỏa...