Lấy giáo dục pháp luật trong nhà trường làm nền tảng
Thực tế có những mâu thuẫn, tranh chấp không lớn nhưng do nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên đã tạo ra những bức xúc, không kiềm chế được hành vi ứng xử của mình, từ đó gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Còn thiếu ý thức tự giác tìm hiểu pháp luật
Cổng Thông tin Chính phủ vừa tổ chức tọa đàm “Để pháp luật đi vào cuộc sống”, nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm một góc nhìn về những hoạt động trong phong trào hưởng ứng “Ngày Pháp luật Việt Nam 2019″ sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho hay, chặng đường triển khai Chỉ t thị số 32- CT/TW đã gặt hái được những thành quả rất đáng khích lệ.
Đó là nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, Đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được cải thiện. Thể chế chính sách của công tác PBGDPL ngày càng được hoàn thiện, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác PBGDPL cũng cải thiện cả về số lượng và chất lượng. Các hình thức PBGDPL được thay đổi, đảm bảo tính linh hoạt, hấp dẫn…
Cũng theo Vụ trưởng Lê Vệ Quốc, suốt 15 năm qua, bên cạnh việc huy động nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, công tác PBGDPL đã được sự hỗ trợ từ phía xã hội rất lớn, giúp cho công tác PBGDPL được triển khai rộng khắp, có chiều sâu trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông Quốc cũng cho hay, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Đó là ở một số nơi cấp ủy Đảng “khoán trắng” công tác PBGDPL cho chính quyền. Mặc dù vấn đề này dần được khắc phục nhưng vẫn chưa dứt điểm hoàn toàn.
“Phải thừa nhận một cách thẳng thắn, một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu gương mẫu trong việc tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là vấn đề nêu gương trong ý thức chấp hành pháp luật. Một bộ phận người dân chưa có ý thức tự giác tìm hiểu pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân mình, của người thân của mình và sự công bằng chung của xã hội”, ông Quốc nói.
Thực tế có những mâu thuẫn, tranh chấp không lớn nhưng do nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên đã tạo ra những bức xúc, không kiềm chế được hành vi ứng xử của mình, từ đó gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Các vị khách mời trao đổi tại tọa đàm “Để pháp luật đi vào cuộc sống”. Ảnh: P.Thảo
Video đang HOT
Thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật
Ông Bùi Xuân Phái, Phó Trưởng bộ môn Lý luận Nhà nước và pháp luật, trường ĐH Luật Hà Nội cũng cho rằng, thực tế cho thấy, thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật. Vì vậy biện pháp đầu tiên là phải tăng cường giáo dục pháp luật để tăng cường sự hiểu biết pháp luật.
Hiện nay các hình thức của giáo dục pháp luật còn có những hạn chế nhất định, chưa thực sự đa dạng, sinh động, chưa hấp dẫn, thu hút. Cùng với giáo dục, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc vi phạm cũng như cần có sự phối hợp trong hoạt động giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là giữa các cơ quan Bộ Tư pháp, các cơ quan truyền thông, các cơ sở giáo dục và đặc biệt trong mỗi gia đình.
Ông Bùi Xuân Phái cũng cho rằng, hiện nay, nhiều thanh thiếu niên quên mất đạo đức truyền thống, xa rời giá trị căn bản để đi tìm những giá trị phù phiếm, thậm chí trong thế giới ảo. Họ bị ảnh hưởng của truyền thông tiêu cực trên mạng xã hội do thiếu bản lĩnh, bị lôi kéo. Rất nhiều nước phát triển trên thế giới họ cũng phát triển mạng xã hội, nhưng tình trạng tội phạm không đến mức nghiêm trọng như vậy.
“Chúng ta phải xem xét liệu có việc giáo dục ý thức trách nhiệm công dân chưa được sự quan tâm đúng mức? Qua việc biên soạn sách giáo khoa Giáo dục công dân (GDCD), tôi thấy có một số nội dung chưa chính xác, còn hình thức khá đơn điệu, không hấp dẫn người học.
Nếu học với tư cách là nghĩa vụ thì chỉ học cho có, học cho xong, học để đi thi. Thậm chí, như tôi biết, hiện nay, học sinh chỉ cần thoát điểm liệt môn GDCD là có thể đạt yêu cầu nhờ điểm môn khác bù lại. Đây là một sai lầm.
Môn GDCD rất quan trọng, vì nó bao hàm trách nhiệm công dân và sự hiểu biết về pháp luật. Tôi cho rằng chúng ta cần xem xét lại để có thái độ và đầu tư đúng mức cho môn GDCD, đồng thời thay đổi phương pháp giảng dạy gần với cuộc sống hơn”, ông Phái nói.
Bà Nguyễn Thị Thược, GĐ Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang cũng cho rằng, công tác giáo dục trong nhà trường cần được quan tâm chú trọng hơn nữa, từ cấp mẫu giáo, tiểu học.
“Tôi đã giật mình khi có lần được tiếp xúc với bộ môn GDCD ở cấp tiểu học. Đó là khi dạy một tiết học về an toàn giao thông, giáo viên lại dẫn những văn bản đã hết hiệu lực từ rất lâu rồi. Chính vì vậy, ngoài việc quan tâm giáo trình giảng dạy thì đội ngũ giáo viên dạy môn GDCD, môn pháp luật cũng phải được chuẩn hóa”, bà Thược chia sẻ.
Theo ông Lê Vệ Quốc, chất lượng môn GDCD vẫn đang có vấn đề. Ví dụ chương trình sách giáo khoa có những nội dung không phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi và nhu cầu cuộc sống của các em. Để PBGDPL thành công, phải lấy giáo dục pháp luật trong nhà trường làm nền tảng, là kim chỉ nam. Bên cạnh văn hóa học đường, các em phải hình thành được những phẩm chất, nhân cách để có thể trở thành công dân trong tương lai.
Cũng theo Vụ trưởng Lê Vệ Quốc, để pháp luật đi vào cuộc sống, đến với mọi người dân, không chỉ đến trong nhận thức, trong hiểu biết mà còn phải đến trong trái tim của mọi người dân thì có rất nhiều yêu cầu đặt ra. Điều kiện cần là pháp luật phải phù hợp, khả thi, đồng bộ thống nhất. Điều kiện đủ là có cơ chế thực thi pháp luật nghiêm minh. Như vậy người dân vừa hiểu biết pháp luật, đồng thời tin vào pháp luật, tin vào cơ chế thực thi pháp luật. Từ đó tạo nên ý thức tuân thủ pháp luật.
Phương Thảo
Theo PLXH
Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật
Đổi mới và sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Công an huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia; tạo cầu nối giữa những người thi hành pháp luật và người dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Vào những buổi sinh hoạt của ngày cuối tuần, các em học sinh lớp 11A7, Trường THPT Hà Huy Tập, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh được các cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Cẩm Xuyên trực tiếp tuyên truyền về pháp luật ATGT, phòng chống ma túy, bạo lực học đường. Buổi sinh hoạt tuy ngắn nhưng ai nấy cũng đều chăm chú theo dõi. Những thông tin mới, những kiến thức bổ ích cùng với cách tuyên truyền hấp dẫn, sinh động đã thu hút các em học sinh. Đây cũng là một cách làm mới của Công an Cẩm Xuyên trong việc thực hiện Đề án đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn, đổi mới và nâng cao hiệu quả về công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật.
Em Nguyễn Thị Khánh Diệp, Lớp 11A7, Trường THPT Hà Huy Tập, huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: "Những thông điệp mà các lực lượng Công an huyện Cẩm Xuyên muốn chuyển tải về phổ biến, giáo dục pháp luật, để chúng em hiểu hơn về pháp luật, tự giác chấp hành, vận động gia đình, người thân, bạn bè cùng tham gia".
Là một huyện thuần nông, bán sơn địa, huyện Cẩm Xuyên có quốc lộ 1A, quốc lộ 8C, quốc lộ 15B đi qua và hàng trăm kilomet đường huyện lộ và liên xã, liên thôn... Những năm gần đây số lượng phương tiện môtô, xe máy, ôtô trên địa bàn lưu thông không ngừng gia tăng. Trong khi đó điều kiện cơ sở hạ tầng còn bất cập, xuất hiện nhiều điểm đen, là nơi thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; các nút giao thông nối với các tuyến đường chính, đường ngang chưa được hoàn thiện; tình trạng xe quá tải hoạt động ngày càng nghiêm trọng hơn...
Công an huyện Cẩm Xuyên tuyên truyền pháp luật cho học sinh.
Số lượng người vi phạm về TTATGT, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao so với mặt bằng của tỉnh và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng. Bên cạnh đó, hoạt động của các loại tội phạm hình sự, tai, tệ nạn xã hội có lúc có nơi có chiều hướng tăng đáng kể so những năm trước đây, nhất là tội phạm cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản...
Những tồn tại trên là do công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội chưa thường xuyên, liên tục và đồng bộ; thiếu giải pháp mạnh và bền vững, thiếu đầu tư hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về pháp luật chưa thường xuyên, chưa đi sâu vào việc tìm các nguyên nhân, giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, đang thực hiện chủ yếu mang tính hình thức, đơn điệu, chưa kết hợp với các lĩnh vực khác, tổ chức chủ yếu tập trung vào ban ngày, tại hội trường xã, thị trấn, trường học... diện đối tượng tuyên truyền chủ yếu huy động được cán bộ, công chức và thôn xóm, người dân ít tiếp cận, tham gia...
Để khắc phục một cách có hệ thống những tồn tại nêu trên, tạo tiền đề vững chắc nhằm thay đổi bộ mặt về TTATGT của huyện, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của nhân dân, Công an huyện Cẩm Xuyên đã tham mưu UBND huyện Cẩm Xuyên ban hành Đề án đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2019 - 2020, trong đó xác định công tác tuyên truyền là trọng tâm, cốt lõi, đi trước.
Mục tiêu đặt ra cho công tác tuyên truyền là: đảm bảo 100% học sinh các trường học, 80% hội viên các hội đoàn thể; 70% người dân làm việc, sinh sống, kinh doanh, sản xuất... dọc tuyến đường được phổ biến kiến thức, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Sau khi tham mưu ban hành đề án, Công an huyện đã xây dựng riêng một kế hoạch tuyên truyền pháp luật cụ thể để tổ chức thực hiện. Trong đó vừa kết hợp tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy vừa kết hợp với tuyên tuyền về phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, kỹ năng phòng vệ bản thân, phòng cháy chữa cháy, các mô hình, điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ... sân khấu hóa, kết hợp trình chiếu tư liệu hình ảnh, nhân chứng, tặng quà cho những thân nhân, gia đình khó khăn...
Công an huyện đã thành lập thường trực tổ tuyên truyền; tổ biên soạn bài giảng và trực tiếp tuyên truyền; tổ văn nghệ - tổ phục vụ; tổ huy động nguồn lực xã hội hóa...
Để công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đi vào chiều sâu, tạo chuyển biển từ nhận thức đến hành động cho mỗi người dân trên địa bàn, Công an Cẩm Xuyên đã tăng cường về địa bàn cơ sở, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, thôn xóm, các đoàn thể thống nhất các nội dung triển khai.
Ông Vũ Tiến Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện càng trở nên gần gũi và gắn bó hơn với mỗi người dân.
Người dân chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, cung cấp cho lực lượng Công an nhiều thông tin có giá trị trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Qua đó, lực lượng Công an tăng cường công tác dân vận, thực sự là cầu nối, niềm tin giữa ý Đảng và lòng dân, để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được thấm nhuần và lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân.
Khác với cách tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật truyền thống, thời gian gần đây lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Cẩm Xuyên đã sáng tạo, linh động vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền mới mẻ như sân khấu hoá, các bài giảng slide, hình ảnh, video...Với những hình ảnh trực quan, sinh động, thực tế, các kiến thức về Luật Giao thông đường bộ đã được chuyển tải đến các em học sinh, người dân một cách nhẹ nhàng, hấp dẫn, giúp các em hiểu kỹ, nhớ sâu và áp dụng tốt, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Được biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Công an huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức được 91 cuộc tuyên truyền, với 66.000 lượt người tham gia; phát 11.000 tờ rơi tại các trường học và địa bàn dân cư, với nguồn kinh phí huy động xã hội hóa: trên 1,2 tỷ đồng. Tặng quà trên 450 triệu đồng gồm: 500 quyển sách, 1000 quyển vở, 120 xe đạp, 7.800 mủ bão hiểm; 150 suất quà và gần 800 triệu đồng làm pano, áp pích tuyên truyền. Kết quả này có sự chung tay của nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn và địa bàn khác, con em xa quê... đóng góp, hỗ trợ, tài trợ; tài trợ nhiều lần, và luôn luôn tài trợ đồng hành cùng chương trình...
Theo ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh: Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên thực sự tạo sức lan tỏa lớn, đông đảo bà con nhân dân tham gia; cấp ủy chính quyền đồng tình, hưởng ứng, đánh giá thiết thực, gắn với đời sống hàng ngày; nhiều địa phương liên tục đề nghị nhân rộng các thôn khác. Qua đó, đã nâng cao được nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở trong việc tuyên truyền pháp luật; đánh giá có sự sáng tạo, đổi mới, gắn với diện đối tượng tuyên truyền và từng bước loại bỏ những vướng mắc, phiền hà cho chính quyền và nhân dân.
Trung tá Trần Vĩnh Thành, Trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cho biết: Để đạt được kết quả thiết thực, tạo được sự lan tỏa thì việc tuyên truyền phải thực chất, đi vào vấn đề cần thiết của cuộc sống, Công an Cẩm Xuyên đã khắc phục khó khăn, luôn suy nghĩ, thường xuyên rút kinh nghiệm từng buổi tuyên truyền để đổi mới phương pháp.
Từ chỗ tuyên truyền tại xã, ban ngày chuyển sang tổ chức tại thôn xóm, ban đêm; tìm ra được những tồn tại của tuyên truyền trước đây như: tổ chức tại hội trường xã, kinh phí địa phương chịu trách nhiệm; đối tượng dự tuyên truyền chủ yếu cán bộ xã, thôn xóm... không huy động được đông đảo nhân dân tham gia... Từ đó huy động xã hội hóa các nguồn phục vụ tuyên truyền, huy động được sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể các cấp.
Xuân Lý - Hoàng Linh
Theo CAND
Nhà nước chỉ xây trường, cấp ngân sách đủ trả lương, tiền đâu để giáo dục? Cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu cho các nhà trường hiện nay còn có nhiều bất cập, chưa có phương án giải quyết khó khăn. LTS: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được ý kiến của một thầy hiệu trưởng ở Phú Thọ. Thầy chia sẻ thực tế khó khăn của nhiều trường...