Lấy gà giả công, lừa người mua
Gà tây, gà sao, chim trĩ con được những người bán dạo gắn mác thành chim công, lừa bán với giá từ 700.000 – 800.000 đồng/cặp.
Chim công lớn làm “chim mồi” được nhốt chung với đàn gà con để lừa người mua ẢNH: LÊ BÌNH
Trên nhiều tuyến đường: Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Thế Hiển (TP.HCM) và Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) thời gian qua có một số người chở “chim công” bán dạo. Họ chạy xe máy chở lồng “chim công”, đứng ở các góc đường đông người qua lại hoặc đứng chung nhóm những người bán chim cảnh. Để thu hút người mua, họ in bạt ghi dòng chữ “bán công” rất lớn treo sau đuôi xe. Trong lồng có một con công trưởng thành để làm… mồi.
Thấy lồng chim có công bố, công mẹ màu sắc sặc sỡ, bên “đàn con” rất đẹp và giá mềm nên nhiều người đã mua về nuôi. Nuôi được thời gian, “chim công con” thành gà sao khiến người nuôi chưng hửng!
“Công con” chen chúc trong lồng
Trong vai người đi đường, PV tiếp cận người bán chim công trên đường Trường Chinh (P.15, Q.Tân Phú, TP.HCM) hỏi mua. Lồng chim công của người này chia làm hai ngăn. Ngăn trên có một con công lớn với hàng chục “chim con” màu lông trắng xám. Ngăn dưới là những con con màu lông nâu sậm. Những con “công con” bị nhốt trong lồng chật hẹp, chen chúc nhau rúc vào song sắt nên mỏ và mắt bị sưng vù…
Người bán đon đả giới thiệu: “Chim công đưa từ dưới trại ở Long Khánh (Đồng Nai – PV) lên đây. Con màu trắng xám ở ngăn trên là con mái còn con màu nâu sẫm ngăn dưới là con trống. Chim này mới 3 tuần tuổi, giá 850.000 đồng/cặp”.
“Con công nhiều màu sao con này chỉ có một màu? Sao nó không có chỏm mào trên đầu?”, tôi hỏi. “Nó là công con nên lông màu vậy, khi lớn lên sẽ giống con công lớn này nè”, người bán chỉ vào con “chim mồi” nói.
Khi PV tỏ ý nghi ngờ công con bày bán nhìn giống gà sao thì người bán đánh trống lảng và khẳng định con con lớn lên sẽ giống con “chim mồi”. Dù rao bán theo cặp và bán “chắc giá” nhưng sau một hồi PV kỳ kèo, người này đồng ý bán lẻ “chim công” con trống với giá 500.000 đồng/con, chim con mái 200.000 đồng/con.
Chim công ở các trang trại Ảnh: Lê Bình
Video đang HOT
“Gà chứ công gì”
Theo tìm hiểu thì việc dùng gà sao, gà tây và thậm chí chim trĩ con giả chim công bán đã có lâu nay. Những người buôn bán vỉa hè, bán chim cảnh và lông công dạo đều biết “chiêu trò” giả mạo này. Còn người đi đường không rành nên bị mắc lừa.
Có 80 – 90% người tới trại của tôi mua chim công về nuôi đều đã từng bị lừa mua phải gà sao hoặc gà tây
Anh Phan Minh Hồng, chủ trang trại Phan Minh Hồng (Bình Dương)
Một người bán lông công trên đường Ba Tháng Hai (Q.10, TP.HCM), nơi những người bán công dạo thường xuyên xuất hiện), huỵch toẹt: “Bọn nó bán mấy con gà sao chứ công gì! Bọn nó bỏ con công lớn trong lồng để tạo niềm tin. Còn con con đó là gà sao” và phân tích thêm: “Chim công chân màu đen, còn con tụi nó bán có màu trắng hồng. Chim công có hàng vảy nổi dưới chân nữa chứ gà sao làm gì có”.
Theo người bán lông công, rất nhiều người bị lừa mua phải công giả, nên đem đổi nhưng không được. “Em lần trước cũng bị mua lầm một cặp với giá 500.000 đồng. Mua về nuôi mấy hôm sau mới biết bị lừa. Ở trang trại người ta đã bán một cặp công con gần 2 triệu đồng rồi, lấy đâu có chim công giá rẻ vậy”, người bán lông công nói.
Tương tự, một người bán chim cảnh trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) thẳng thừng: “Đấy là gà chứ công gì. Bọn nó bán tào lao. Gà sao với chim trĩ con chứ không phải chim công đâu. Công một cặp nhỏ người ta bán mấy triệu bạc chứ đâu bán rẻ như bọn lừa đảo này”.
“Người ta mua về phát hiện thì sao?”, tôi hỏi. “Biết thì anh làm được gì nó. Tụi nó bán dạo, bán xong nó đi chỗ khác chứ có đứng ở đó đâu mà bắt đền”, người bán chim cảnh nói.
Anh Hoàng Chương (ngụ Q.7, TP.HCM) kể: Cách đây 4 tháng, bạn anh có mua 6 con công con với giá 400.000 đồng/cặp của một người bán dạo trên đường Trường Chinh (Q.Tân Phú). “Nhà từng nuôi gà sao nên khi tôi qua chơi nhìn thấy “công con” của bạn nuôi giống gà sao như đúc. Tôi hỏi chuyện thì bạn tôi bảo bị lừa mua phải gà sao. Oái oăm là khi mua về bạn tôi không biết nên mang đi biếu cho người quen và bị họ trả lại nên giờ còn… ê mặt”, anh Chương nói.
Chim công con giả được chở đi bán dạo trên đường Trường Chinh (Q.Tân Phú)ẢNH: LÊ BÌNH
Phân biệt công và gà
Đem hình ảnh chụp “công con” tại điểm bán công dạo tới nhiều trại nuôi chim công lớn ở Đồng Nai và Bình Dương để xác minh, các chủ trang trại đều khẳng định “công con” bán dạo chính là gà sao và gà tây con. Theo các chủ trang trại, hiện trên thị trường giá gà sao chỉ khoảng 50.000 đồng/cặp, còn gà tây khoảng 100.000 đồng/cặp.
“Con này không phải là công rồi, nhìn cái mỏ là biết ngay. Con màu trắng ở ngăn trên là gà tây, con màu sẫm là gà sao. Gà sao có mấy chục ngàn/cặp, trong khi trại tôi bán rẻ nhất thì công con một tuần tuổi 700.000 đồng/con; công một tháng tuổi thì 1 triệu đồng/con”, anh N.T.L, chủ một trang trại nuôi công ở Đồng Nai, khẳng định sau khi xem hình ảnh và tiết lộ thêm: “Những người bán dạo sau khi bán được số lượng lớn “công con” thì sẽ bán luôn con “chim mồi”. Vì chở đi nhiều con chim nó cũng bị suy nên họ bán tháo luôn để thu tiền”.
Còn anh Phan Minh Hồng, chủ trang trại Phan Minh Hồng (Bình Dương), cho biết: “Có 80 – 90% người tới trại của tôi mua chim công về nuôi đều đã từng bị lừa mua phải gà sao hoặc gà tây. Con gà tây trên thị trường có giá cao hơn một chút so với con gà sao. Về hình thức, con gà tây con giống con công hơn nên người mua dễ bị lừa hơn”. Anh Hồng cũng khẳng định: “Chắc chắn “chim công” bán dạo lề đường không thể là chim công thật được. Bởi chim công một năm sinh sản một lần và số lượng cũng ít chứ không có để bán đại trà. Thậm chí khách muốn mua ở các trại công lớn còn phải đặt trước hàng tháng mới có chim con”.
Theo anh Hồng, việc phân biệt công con với gà sao, gà tây cũng tương đối dễ, dựa vào các đặc điểm: màu lông, chân, mỏ và thân. Công con một tháng tuổi đã mọc mào trên đầu. Mặt công con không có vết sọc, mỏ dài và quặp. Còn gà tây và gà sao thì mặt và đầu có sọc trắng xen kẽ vết lông sẫm, mỏ cũng ngắn. Một tháng tuổi thì chân con chim công đã dài và cao, thân chim cũng dài hơn. Còn con gà thì có chân, cổ và thân mình ngắn hơn. Hiện, chim công ở trại rẻ nhất cũng có giá từ 700.000 – 800.000 đồng/con, nhưng phải mua số lượng lớn mới được giá như vậy.
Mua bán công phải đăng ký
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Lưu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cho hay: Theo quy định của nhà nước, việc nuôi động vật hoang dã như chim công, chim trĩ… phải đăng ký với Chi cục Kiểm lâm và đơn vị này sẽ cấp giấy chứng nhận nguồn gốc cho trại nuôi. Khi chim đẻ, ấp nở bao nhiêu… chủ trang trại, cơ sở sẽ báo cáo số liệu về Chi cục để cập nhật và kiểm tra định kỳ. Khi bán, kiểm lâm sẽ có giấy xác nhận doanh nghiệp, cá nhân bán đi đâu, bán cho ai có nguồn gốc hợp pháp theo đúng quy định.
“Việc chở chim công đi bán dạo thì kiểm lâm xử lý được. Nhưng khó khăn là không đủ người đi tuần tra ngoài đường để phát hiện xử lý. Quan điểm của tôi, anh em đi tuần ngoài đường mà gặp bán chim công dạo (ý là chim công thật – PV) thì sẽ hướng dẫn cho họ các quy định của nhà nước, hướng dẫn làm việc với kiểm lâm các địa bàn để đăng ký nguồn gốc hợp pháp nhằm thuận lợi cho việc buôn bán”.
Theo TNO
Thầy giáo nghèo đổi đời nhờ nuôi chim quý hiếm như nuôi gà
Xuất thân trên vùng đất khó khăn do thổ nhưỡng không phì nhiêu, trồng trọt chăn nuôi luôn gặp trở ngại, từ đó thầy giáo Nguyễn Thành Lập, 58 tuổi ngụ ấp 5, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã chọn mô hình nuôi chim trĩ-một trong những loài chim quý hiếm để làm cuộc đổi đời để cải thiện cuộc sống và đã mang lại kết quả rất bất ngờ.
Ông Nguyễn Thành Lập kể : "Năm 2014 trong một lần đi tham quan ở tỉnh Bình Dương, tôi thấy người ta nuôi loài chim trĩ có màu sắc đẹp, giá bán cao, khả năng sinh sản tốt, nuôi như nuôi gà nên tôi mua 10 con về gầy giống với giá 200.000 đồng/con và phát triển đàn chim trĩ cho đến nay".
Trên diện tích 80m2, ông Lập xây dựng 3 chuồng nuôi lớn, trong đó có 2 chuồng được phân thành ô nhỏ để chim trĩ sinh sản. Đàn chim của ông có 2 màu rất rõ ràng là màu đỏ và xanh két trông rất đẹp mắt. Tuy khác màu lông nhưng sự phát triển cơ thể và tập quán sinh hoạt của chúng như nhau.
Chim trĩ là loại chim bay nhảy khá nhiều, vì vậy chuồng trại được ông Lập bao lưới rất chặt chẽ. Đến nay ông Lập đã có được khoảng 100 con chim trĩ mái sinh sản và 30 con chim trống. Do được ông nuôi với các biện pháp khoa học kỹ thuật rất bài bản và được cho ăn thức ăn hỗn hợp như thức ăn cộng nghiệp trộn với lúa, cơm nguội, rau lang, rau muống, dưa hấu...nên chúng tăng trọng rất nhanh.
Đàn chim trĩ thầy giáo Nguyễn Thành Lập nuôi có 2 màu nổi bật là đỏ và xanh két.
Riêng chim trĩ mái sinh sản mỗi ngày là 1 trứng rất đều đặn. Trứng sau khi được ấp bằng máy khoảng 20 đến 25 ngày là chim non bắt đầu chui ra khỏi vỏ. Khoảng 10 ngày sau nở chim trĩ non thì có thể đi lại, chạy nhảy dễ dàng. Với loại chim trĩ non hiện nay ông Lập bán với giá từ 40.000 đến 50.000 đồng/con. Nếu nuôi thêm khoảng 100 đến 120 ngày nữa thì chim trống có trọng lượng khoảng 1,5 ký; chim mái khoảng 1,2 ký. Lúc này giá bán khoảng 400.000 đồng/con ( con trống và mái giá bán giá như nhau).
Đàn chim trĩ bố mẹ trong trang trại của gia đình ông Lập.
Thời gian đầu, ông Lập bán chim trĩ thịt là chủ yếu nhưng 2 năm trở lại đây ông đã chọn mộ hình nuôi chim sinh sản ấp trứng bán chim con. Mùa thuận để chúng sinh sản nhiều là từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 5 âm lịch của năm sau. Ông Lập lý giải : " Cách làm nầy rút ngắn được thời gian quay vòng, không đòi hỏi quá nhiều diện tích nuôi và có lãi nhiều hơn".
Hiện nay đã có nhiều người đến đặt mua chim trĩ con với số lượng rất lớn nhưng ông Lập chưa đáp ứng nhu cầu bởi mỗi năm ông chỉ có thể cung ứng từ 600 đến 700 con chim trĩ con và khoảng 200 con chim trĩ thịt cho các nhà hàng tại Hậu Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ. Mỗi năm trừ hết các khoản đầu tư, thầy giáo Nguyễn Thành Lập có lãi trên 250 triệu đồng.
Thầy giáo Nguyễn Thành Lập đang đưa trứng chim trĩ vào máy ấp.
Hôm chúng tôi đến tham quan cũng là lúc ông Võ Thành Sang, thương lái đến từ TP. HCM ghé đặt mua chim trĩ. Ông Sang nói với vẻ tiếc nuối : " Năm trước tôi có đến đây mua 50 con về nuôi thử nghiệm, kết quả ngoài ý muốn vì chim rất khỏe, mau lớn, thịt ngon chế biến được nhiều món ăn cao cấp. Lần nầy ghe định đặt mua 1.000 con nhưng tiếc quá, ông Lập đã bán hết rồi. Vậy là phải đợi lần sau thôi".
Ông Lập cho biết thêm: so với các loại gia cầm khác, nuôi chim trĩ nhàn hơn rất nhiều, đặc biệt chúng rất khỏe mạnh, chịu đựng được thời tiết năng, mưa bất thường. Chuồng trại nuôi chim trĩ phải cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, bên dưới lót trấu để không có mùi hôi. Nếu như ở những năm đầu ông Lập cho gà ác ấp trứng thay chim trĩ mẹ thì nay ông đã cho ấp trứng bằng máy và luôn đạt tỉ lệ nở gần 100%. Hiện tại ông Lập đang chuẩn bị mở rộng diện tích nuôi để tăng đàn thêm gấp hai lần số lượng hiện có để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo Danviet
Loài chim lông dài, giỏi làm dáng, nuôi bán giống, thu 200 triệu Anh Trần Văn Toản, ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ hiện nuôi 10 cặp chim công bố mẹ, 20 con chim công từ 7 - 9 tháng tuổi và 10 cặp trĩ ngũ sắc. Hàng năm, anh cung cấp ra thị trường hàng trăm con chim công giống. Nhờ nuôi loài chim lông dài, giỏi làm dáng này mà...