Lấy đâu ra con dâu hòa hợp với mẹ chồng
Với một nàng dâu mới về nhà chồng điều gì cũng hoàn toàn xa lạ. Mọi thứ đều phải bắt đầu tập thích nghi. Từ những chuyện nhỏ nhặt như ăn uống, giặt giũ đến lối sống, lối nghĩ. Tôi có thói quen viết nhật ký từ nhỏ. Tất cả những chuyện buồn, bức xúc không thể chia sẻ với ai tôi đều ghi vào đó, vừa là để giải tỏa tâm trạng cũng để lấy lại cân bằng trong cuộc sống.
Không ăn được nhưng chiều theo bố mẹ nên tôi cũng không dám ý kiến. Nhiều khi không nhá nổi cơm, Chủ nhật tôi tự đi chợ mua đồ biển và một số món lạ miệng đổi món cho cả nhà thì mẹ tôi nguýt lên nguýt xuống và nói rằng: “Nhà này chả bao giờ ăn những món này. Bổ béo gì ba cái thứ đồ biển. Toàn tẩm ướp thuốc hóa học độc hại rồi chết sớm thôi. Chị ăn được thì cứ ăn”.Bố mẹ chồng tôi thuộc hàng nghiền thịt lợn. Ông bà có thể ăn thịt lợn triền miên từ bữa này sang bữa khác chỉ khác ở hình thức chế biến kho, xào, rán, luộc… Còn tôi từ nhỏ chẳng mấy khi động đến thịt lợn vì thế mọi việc thật khó khăn. Vào bữa, thường tôi chỉ ăn cơm với canh, thịt cố gắng gắp một một hai miếng cho bố mẹ vui lòng.
Mẹ chồng tôi nói vậy thì con dâu nào dám mua đồ ăn về nhà lần nữa. Hôm đó tôi viết rằng: “Không thể chịu nổi những lời nói móc máy của mẹ chồng. Chỉ muốn ăn một bữa ngon lành bù lại bao ngày chỉ ăn độc một món là thịt lợn, thịt lợn và thịt lợn thôi mà nuốt cũng không trôi. Nào là thuốc hóa học, nào là chóng chết. Bà cứ ăn đi xem có chết ngay được không?”.
Dù đã lường trước những khó khăn phải đối mặt nhưng chuyện mẹ chồng nàng dâu từ xưa đến nay vốn dĩ nhiều mâu thuẫn nay lại càng phức tạp hơn khi phải cùng sống chung dưới một mái nhà. (Ảnh minh họa)
Bố mẹ chồng tôi là dân buôn bán nên từ sau Tết đổ ra ông bà rất hay đi lễ chùa khắp nơi. Ít thì 1 ngày, còn dài thì 2, 3 ngày. Có điều lần nào đi bà lại bắt tôi nghỉ làm ở nhà trông nhà và cho chó, mèo ăn. Tôi bảo con đi làm đến trưa, tối về vẫn cho chó mèo ăn được, còn nhà thì khóa cửa chặt, ban ngày ban mặt chẳng sợ trộm đâu.
Nhưng mẹ chồng không nghe, bà gọi điện cho người chồng đang công tác ở xa, nửa tháng mới về 1 lần để mách: “Bố mẹ nhờ có tí việc cũng không được”. Tôi ức chế lắm vì đi làm chứ có phải đi chơi đâu mà thích nghỉ là nghỉ. Tối đó, tôi lại viết nhật ký: “Giữa ban ngày ban mặt, đứa nào dám trèo vào nhà bà mà trộm chứ. Thật dở hơi vì phải bỏ dở công việc để ở nhà trông chó mèo cho mẹ chồng. Khổ thật. Mình có phải là ô-sin đâu chứ. Mà hơi tí là bà mách chồng. Ghét cái mặt bà ta thế. Ức chế không chịu được”.
Khi tôi sắp sinh, không biết mẹ chồng đi xem bói ở đâu mà về bắt tôi nhất định mổ đẻ để lấy ngày lấy giờ. Bà bảo ra đúng ngày giờ đó con tôi mới hợp tuổi với bố mẹ. Tôi thì muốn sinh con theo tự nhiên mà cũng chẳng tin vào mấy chuyện mê tín. Thế nhưng bố mẹ chồng tôi cứ kiên quyết, chồng tôi lại bắt tôi phải nghe theo. Một mình tôi ở thế yếu không chống cự nổi.
Video đang HOT
Ấm ức tôi trút cả vào nhật ký: “Đến cả con mình sinh như thế nào cũng bị người khác quyết thay. Thật là buồn quá. Bà ta sao cái gì cũng nhúng tay vào thế không biết. Mình sợ mổ đẻ, mình cũng sợ con sinh ra theo cách đó sẽ không khỏe mạnh. Mình phải làm sao đây? Mình ước gì bà ta biến mất khỏi tầm mắt của mình!”.
Khi con tôi 20 tháng, nó hơi bướng bỉnh. Tôi dạy con rất nghiêm khắc từ nhỏ. Cái gì không hay không phải tôi thường quát mắng nó. Thế nhưng có khi tôi vừa quát được con nửa câu, nó khóc ầm lên thì mẹ chồng ở đâu lại tồng tộc chạy lên ôm cháu xuống nhà. Mỗi lần như thế tôi đều rất bực mình nhưng không làm sao được. Tôi lại viết nhật ký: “Đúng là cháu hư tại bà. Rỗi hơi thật. Con mình mình dạy chứ có phải con bà đâu mà bà cứ xen vào. Chỉ muốn ra ở riêng để dạy con theo cách của mình. Không muốn nhìn cái mặt bà ấy nữa”.
Tôi chẳng được quyết định gì trong cuộc sống của mình. (Ảnh minh họa)
Hai năm ở với mẹ chồng những chuyện bức xúc tôi viết dày cả một quyển. Có lẽ vì có chỗ để trút bực dọc nên tôi cũng không đem chuyện bức xúc nói với người ngoài hay cãi lại mẹ chồng. Mọi ưu phiền tôi đều gửi vào đó. Xong rồi thì lại thở phào một cái như quẳng được gánh nặng ra khỏi người để ngày mai lại vui vẻ sống tiếp.
Sẽ không có chuyện gì đáng nói nếu hôm đó tôi không để quên quyển nhật ký ở bàn phòng ngủ. Mẹ chồng tôi đưa cháu lên phòng chơi và thấy được. Tất nhiên bà đọc không bỏ sót dòng nào. Bà tức sôi máu, gọi luôn cho chồng tôi. Tôi đang ở cơ quan nghe chồng gọi về với thái độ rất bực tức: “Viết lách gì nói xấu mẹ để mẹ đọc được. Cô đúng là chẳng ra gì. Về nhà ngay”.
Hôm đó tôi về đã thấy mẹ chồng ngồi đợi sẵn, mặt bà đằng đằng sát khí như thể sắp bóp chết tôi ngay. Để êm cửa êm nhà tôi đành nhận mọi tội lỗi về mình. Tôi xin lỗi mẹ chồng vì đã viết ra những lời chẳng hay ho gì trong lúc tức giận. Bà xả cho tôi một trận tơi bời. Tưởng vậy là xong nhưng từ hôm đó bà coi tôi chẳng khác nào kẻ thù. Có cơ hội là bà đem chuyện trong nhật ký ra nhiếc móc tôi. Cuộc sống của tôi ở nhà chồng trở nên cực kỳ căng thẳng.
Năm đó tôi biếu phong bao lì xì và chúc Tết mẹ chồng, bà chẳng thèm nhìn tôi còn nói tôi chẳng ra gì ngay ngày đầu năm mới: “Gớm, tôi chả dám nhận lời chúc của anh chị. Chẳng biết chị mong tôi sống lâu thật hay mong tôi chết sớm đi cho rảnh mắt”. Tôi ấm ức lắm nhưng cũng đành nín nhịn cho qua. Đã đành rằng những lời trong nhật ký đọc được có thể làm tổn thương người khác nhưng nếu ai đã từng viết nhật ký sẽ hiểu đó chỉ là những dòng viết ra trong lúc bức xúc. Nó giúp tôi giải tỏa được căng thẳng hiện tại. Người ta thường bảo “cả giận mất khôn”, lúc đó người ta không thể làm chủ được những gì mình viết ra. Tôi cũng giải thích với mẹ chồng thế nhưng mẹ chồng tôi chẳng để tâm. Bà cứ liên tục nhiếc móc tôi chuyện cũ.
Hôm đó có việc vợ chồng tôi gửi cháu cho ông bà để đi có việc bà nói: “Con anh chị anh chị tự trông. Nhỡ sau nó hư chị ấy lại bảo tại tôi thì oan cho tôi lắm. Mình chỉ biết lo cho nó nhưng nào nó có nghĩ tốt cho mình đâu.”
Có con dâu nào hòa hợp được với mẹ chồng đâu. (Ảnh minh họa)
Khi bố mẹ đẻ tôi lên thăm cháu, ông bà hỏi thăm mẹ chồng tôi dạo này có khỏe không. Mẹ chồng tôi được thể lại nói kháy tôi: “Cũng may nhờ trời tôi vẫn khỏe. Tôi còn sống còn lâu lắm. Chết bây giờ khối đứa nó hả hê. Nó ghét mình đến nỗi viết nhật ký rủa mình chết đi cơ đấy”.
Tôi chẳng biết có thể chịu đựng được cảnh này bao lâu nữa. Đâu phải mọi chuyện tự dưng mà có, 10 cô con dâu thì 9 người không vừa lòng với bố mẹ chồng. Có điều họ thể hiện như thế nào, nói ra hay không mà thôi.
Tôi chọn cách viết nhật ký cũng để tránh những tranh cãi bằng lời gay gắt với bố mẹ chồng. Những cảm xúc trên nhật ký nó cũng chỉ là những cảm xúc nhất thời. Có khi nhìn lại người ta cũng không hiểu được sao lúc đó mình lại có ý nghĩ như thế. Hơn nữa nhật ký là chốn riêng tư, không ai có quyền đọc trộm.
Tôi chẳng suy xét chuyện đó thì thôi đằng này bà lại không ngừng lấy ra để đay nghiến tôi biến tôi thành “tội đồ” đáng bị trừng phạt. Cuộc sống của tôi trôi qua thật nặng nề và căng thẳng. Vì mẹ chồng, tôi cũng đã nghĩ đến con đường li hôn!
Theo VNE
Bao giờ chồng thay đổi?
Bạn cũ của vợ ghé chơi, chồng thò đầu ra chào rồi rút lui, bạn thắc mắc: "Vợ chồng cậu vẫn ổn đấy chứ? Trước đây cứ như đôi sam, giờ sao rời rạc vậy?". Vợ gượng cười với bạn mà lòng ngổn ngang.
Lần cuối cùng vợ chồng tiếp khách cùng nhau, chở nhau đi chơi, xem phim... dường như đã xa lắc. Lúc con còn nhỏ, bận rộn lo con ốm con đau, bù đầu sinh kế, những lúc thảnh thơi hiếm hoi, vợ vẫn tựa vai chồng cùng xem ti vi, đọc báo, dắt nhau ra quán cóc đầu hẻm ăn khuya... Bao khó khăn trước mắt vẫn thấy nhẹ tênh. Giờ con lớn, công việc rảnh rang, tối đến thì vợ một nơi, chồng một góc, có khi vô tình ngồi gần nhau lại thấy gượng gạo.
Ngày xưa, mỗi lần công việc trắc trở, chồng về nhà trút nỗi niềm, vợ lắng nghe, cùng chia sẻ nhưng giờ thì khác, buồn bực gì thì chồng hú bạn ra lai rai xả stress, vì "có nói em cũng không hiểu đâu"; khiến vợ thấy mình trở nên xa lạ với chồng.
Rảnh rỗi, vợ rủ chồng học thêm chuyên môn, vừa nâng cao kiến thức, vừa để nâng cao thu nhập. Chồng miễn cưỡng theo vợ tới lớp. Cả lớp im phăng phắc, bỗng có tiếng ngáy như kéo gỗ, nhìn lại hóa ra là chồng mình. Vợ khều, chồng quê quá nên ôm tập chui xuống cuối lớp... ngủ tiếp. Tan học, vợ gọi chồng về. Chồng dụi mắt: "Công nhận vô đây ngủ ngon thiệt". Nhớ thời sinh viên, hai đứa vẫn thường vô nhà sách đọc ké. Tới trường, thấy khóa học nào hay là nhảy vào học chui. Giờ có điều kiện, chồng lại chẳng màng tới chuyện nâng cấp bản thân, khiến vợ thấy nản.
Cách ăn mặc của chồng cũng xuề xòa. Quần áo mới vợ mua, chồng để hoài trong tủ, cứ thích mặc áo cũ đi làm "cho nó bình dân, ăn diện quá thấy lạc lõng giữa bạn bè, "xa rời quần chúng". Thậm chí răng của chồng bị mẻ, ám khói thuốc, vợ giục mấy lần vẫn không chịu tới nha sĩ. Nhiều bạn cũ gặp lại, trách vợ "xài chồng hơi bị hao" khiến vợ quê muốn chết!
Vợ dành dụm được ít tiền, bạn bè rủ hùn nhau mua miếng đất ở ngoại thành kiếm lời. Vợ bàn với chồng, chồng cười hô hô "có mấy đồng lẻ mà cũng đòi kinh doanh bất động sản". Chỉ mới mấy năm, người bạn ấy đã mua được hai cái nhà để cho thuê, còn vợ chồng mình không biết đến khi nào mới đủ tiền cải tạo căn nhà đã xuống cấp... Cũng vì tính e dè, buông xuôi mà chồng bỏ qua nhiều cơ hội kiếm tiền lẫn thăng tiến. Con cái càng lớn, nhu cầu càng nhiều, vợ rối bời bởi những cân đong đo đếm tiền nong nhưng chồng cứ bình chân như vại, "trời sinh voi sinh cỏ mà em".
Mới đây, vợ vừa đi làm về, hớn hở thông báo với chồng sắp được đề bạt lên chức trưởng phòng. Chồng cười toe toét, "Vậy hả em?" rồi móc điện thoại gọi bạn bè, "nè, ra làm vài ve, mừng vợ tớ sắp được thăng chức". Chồng xách xe vù ra cửa, tới cổng còn ngoái lại nháy mắt với vợ, "khuya anh về sẽ mua cho em hộp gà rán nhé!". Vợ ngồi bệt xuống sàn nhà, dở khóc dở mếu vì thằng con chưa ai đưa tới lớp học thêm, cơm chưa nấu, nhà chưa dọn...
Vợ không dám đứng núi này trông núi nọ, so sánh chồng mình với chồng người, nhưng nhìn những người đàn ông thành đạt xung quanh, vợ không khỏi ganh tỵ với vợ của họ. Vợ không đòi hỏi những gì quá sức của chồng, nhưng ít ra chồng cũng đừng buông xuôi, mặc cho nước chảy bèo trôi như thế!
Theo VNE
Khi vợ thích "bán than" Sáng nay, ông anh cột chèo bỗng dưng gọi điện rủ uống cà phê. Nói quanh co một lúc, anh đột ngột quay sang hỏi chuyện gia đình: "Hai cửa tiệm dạo này làm ăn ì ạch lắm sao? Có cần giúp gì thì lên tiếng nghen dượng"... Nhìn vẻ mặt đầy thương cảm của anh, chồng biết vợ đã than vãn không...