Lấy chồng xa mới thấy thương mẹ
“Ai thức đêm ôm con cho mình ngủ? Ai dọn dẹp những thứ bẩn thỉu nhất của gái đẻ?… Chỉ có mẹ thôi!”
20/10 không phải chỉ là ngày của những tình yêu nam nữ ngọt ngào, của những những cô gái ế sợ cô đơn, của những chàng sai công sở “né tránh” chuyện tặng quà… Nó còn là ngày của những đứa con gái lấy chồng xa ngậm ngùi khi không thể bưng “bát canh cần” về cho mẹ.
Những người con gái lấy chồng xa buồn tủi vì không được ở bên chăm sóc mẹ (Ảnh minh họa)
“Có con mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho/ Có con mà gả chồng xa, trước là mất giỗ, sau là mất con” là lời người những bà mẹ dặn dò nhau khi có con gái sắp đến tuổi lấy chồng. Còn “Má ơi đừng gả con xa/ Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu” lại là trăn trở của những đứa con gái “cập kê” muốn gửi đến bậc làm cha mẹ.
Dặn dò là vậy, gửi gắm là vậy nhưng vẫn không thể tránh được chuyện vợ Nam, chồng Bắc và vẫn không thiếu những giọt nước mắt của các cô gái lấy chồng xa lúc nhớ đến quê nhà.
Nhớ mẹ trong ngày sinh nở
Vốn định bụng học xong sẽ về quê lấy chồng, lập nghiệp cho gần bố mẹ, nhưng ông Tơ bà Nguyệt đã trót se duyên cho chị Nguyễn Thủy (sinh năm 1985, quê Vũ Thư, Thái Bình) với một anh chàng Vĩnh Phúc. Không cưỡng lại được chữ duyên, cô “đành” gạt nước mắt lên xe hoa về nhà chồng với lời an ủi “thời buổi phương tiện hiện đại, muốn về với mẹ lúc nào chả được, quan trọng là lấy được người chồng tốt”.
Hơn 7 năm làm vợ với ba lần sinh nở, chị Thủy có hàng ngàn điều để kể về nỗi khổ sở của người con gái lấy chồng xa.
Cô chia sẻ, dù phương tiện hiện đại, đường đẹp dễ đi nhưng không phải cứ muốn là có thời gian về với mẹ. Vợ chồng Thủy làm kế toán tại nhà cho nhiều công ty, bận tối mặt, tối mũi từ đầu tuần đến cuối tuần. Được hơn ngày nghỉ lại phải dành thời gian cho nhà nội, vậy là chỉ có thể “thăm” bố mẹ bằng những cuộc điện thoại ngắn ngủi.
“Ban đầu còn khóc lóc vì nhớ nhà, nhớ mẹ, muốn về mà không thể về. Sau này khi đã quen với tổ ấm mới thì chỉ còn khóc mỗi khi nghe giọng mẹ sụt sịt vì nhớ . Thấy tự trách mình vì dễ quen, dễ quên quá, chỉ khổ mẹ cứ mãi một nỗi nhớ con gái như vậy” – Thủy tâm sự.
Thủy bảo, thời gian đầu chưa có con, một năm cô về thăm bố mẹ được hai lần, hè và Tết. Sau này bận con cái và việc nhà chồng nên có những năm cô còn không có thời gian về thăm nhà. Năm hết Tết đến, bố mẹ trông con về từng ngày nhưng rồi lại chỉ nhận được những cuộc gọi điện cụt ngủn bảo: “năm nay chỉ có chồng con về lễ bố mẹ chứ con bận quá đành phải để sau”…
“Vậy nhưng cứ nhìn bát dưa cần, canh cần trong mâm cỗ Tết mình lại rớt nước mắt. Giá mà ở gần thì đã bưng cho bố mẹ cái này, cái kia, hoặc ít nhất lết được cái xác đến cho bố mẹ nhìn thấy đã là hạnh phúc lắm rồi” – Thủy ngậm ngùi.
Nhưng, lấy chồng xa khổ nhất lúc sinh nở… Người ta bảo “gái chửa cửa mả”, qua được cửa mả rồi thì là cả cánh cửa “đau đớn”, vật lộn với đứa con nhỏ mới ra đời, ấy là lúc cần có mẹ ở bên nhất.
Video đang HOT
Chị Thủy bảo: “Ai sẵn sàng thức đêm ôm con cho mình ngủ? Ai sẵn sàng dọn dẹp những thứ bẩn thỉu nhất của gái đẻ? Chỉ có mẹ thôi. Mà lấy chồng xa xôi, mẹ vượt trăm cây số lặn lội đến với mình cũng chỉ ở lại được mấy ngày”.
Bà mẹ trẻ trong lần đầu sinh nở vẫn nhớ mãi cái ngày mẹ già đội chiếc nón lụp xụp, tay xách nào là gà, gạo nếp, bánh trái… lơ ngơ đứng trước mặt con gái quặn đau sau hơn một năm không gặp. Mẹ khóc, con khóc cho thỏa những ngày xa cách.
Những ngày sau đó, Thủy thấy mẹ tất bật chăm con, chăm cháu. Bước ra khỏi gian buồng con gái thì lom khom, lễ nghĩa với con rể và thông gia bởi đang là kẻ “ở nhờ”. Chị Thủy bộc bạch: “Tuy chỉ là gái đẻ trong buồng nhưng tôi vẫn cảm nhận được ánh mắt ghẻ lạnh, vô tình ông bà thông gia dành cho mẹ. Còn mẹ thì chẳng than vãn nửa lời, đon đả tươi tỉnh trước tôi và cung kính trước gia đình chồng con gái… Ở với con gái được 10 ngày, mẹ cáo biệt ra về. Vẫn chiếc nón ấy, trong trời nắng chang chang, một mình mẹ đi bộ lên đường lớn bắt xe. Tôi biết mẹ khóc và đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy có khoảng cách với gia đình chồng”.
Hai lần sinh nở sau, Thủy quyết tâm chỉ để mẹ lên với mình năm ngày rồi tìm cách “đuổi khéo” mẹ về bởi không muốn mẹ chịu thiệt thòi. Mẹ hiểu ý con gái nên đành nghe theo dù thương con đứt ruột. Một mình Thủy loay hoay với kỳ sinh nở, lo cho mình, lo cho con và thấm hết nổi khổ của đứa con gái lấy chồng xa. Trong ba lần sinh con, Thủy đã hàng ngàn lần “giá như” mình lấy chồng gần, mẹ đã đỡ cực, còn mình thì đỡ “nhọc”.
Càng vào những dịp ngày lễ như 8/3, 20/10, họ luôn mong mỏi được ở gần mẹ! (Ảnh minh họa)
Nhớ mẹ ngày 8/3, 20/10
Cũng có những cô gái lấy chồng xa nhớ mẹ da diết, rộng rãi thời gian nhưng không thể về chỉ vì không có tiền. Chị Lê Diện (sinh năm 1988, quê Phú Thọ) trong hơn bốn năm làm dâu Thanh Hóa chỉ được về thăm me vỏn vẹn đúng 3 lần.
Chị chia sẻ: “Vợ chồng mình làm ruộng, thời gian chủ động và thoải mái nhưng vẫn rất ít được về quê ngoại bởi không có tiền… Nào tiền đi lại, tiền ăn uống… Rồi thì chẳng lẽ con gái đi lấy chồng xa lâu lắm mới về thăm mẹ một lần lại không có chút quà? Mỗi lần về ngoại kiểu gì cũng phải tốn vài triệu. Đôi lúc muốn về mà không có tiền, nghĩ thấy tủi”.
Cũng lấy chồng xa vài trăm cây số, nhưng chị Vũ Hương (sinh năm 1990, quê Vĩnh Phúc) lại có những nỗi niềm riêng. Không phải ngày lễ Tết không thể về cũng không phải lúc sinh nở không được bên cạnh mẹ… mà là không thể gửi đến mẹ những bông hồng vào ngày dành riêng cho phụ nữ.
Là cô gái thôn quê may mắn lấy được người chồng tài giỏi, gia đình khá giả, chị Hương không phải lo lắng quá nhiều về chuyện kinh tế hay khóc lóc vì những lúc nhớ mẹ mà không có tiền về… Nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 8/3, 20/10 nhận được hoa, quà của chồng và con trai, cô lại chợt nhớ đến người mẹ già nơi quê nhà, chưa từng một lần biết đến ngày dành riêng cho phụ nữ.
Chị Hương chia sẻ: “Những ngày đó gọi điện về chúc mừng mẹ, nghe mẹ nói “cha bố cô, vẽ chuyện, mẹ đâu biết đó là cái ngày gì, cứ trông đến Tết đón vợ chồng, con cái cô về chơi là tôi thỏa lòng” là lại ứa nước mắt. Bao nhiêu lần dự định, vào ngày đó sẽ mua bó hoa to về tặng mẹ, rồi nói cho mẹ biết ấy là ngày gì nhưng vẫn chưa làm được bởi hoặc phải đi làm, hoặc xảy ra sự cố đột xuất. Vậy là đã 25 lần cái ngày 20/10, 8/3 trôi qua mà vẫn chưa một lần được cầm hoa tặng mẹ. Lại “giá như” mình lấy chồng gần”.
Bao nhiêu cô gái cất bước đi lấy chồng xa là bấy nhiêu nỗi niềm. Ngày bình thường, họ bị công việc gia đình xã hội cuốn đi nhưng cứ đến những ngày lễ, Tết họ lại chạnh lòng nghĩ về người cha, người mẹ già chốn quê nhà xa xôi.
“Nhưng phận làm con chỉ có đôi phút “chạnh lòng” như vậy, chứ bậc làm cha mẹ còn thấy nhớ đến da diết, cồn cào khi con gái lấy chồng xa vài năm không về. Phụ nữ chúng mình còn có chồng, con rồi công việc gia đình, xã hội. Chứ bố mẹ chỉ có những đứa con là “tài sản quý nhất”, giờ cũng bay biến đi mất nên người khổ nhất chính là bố mẹ chứ chẳng phải mình” – chị Hương ngậm ngùi .
Với những người con gái lấy chồng xa như vậy, sự “khổ sôi máu”, “bực sôi máu”, “cáu sôi máu”… không xuất phát từ việc phải bù đầu chăm chồng lớn, con bé, mà họ chỉ “nhớ cha mẹ đến sôi máu” mà chẳng thể về gửi bát canh cần.
Theo Khampha
Giờ tôi chỉ thèm ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...
Hồi nhỏ, hở một cái là tôi giận dỗi, cằn nhằn, trách móc sao mẹ không cho anh em tôi cuộc sống sang giàu... Giờ đây, tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...
Hồi nhỏ, mỗi lần mẹ dọn cơm, thấy có dĩa hến trên bàn là tôi phụng phịu: "Lại hến!". Mẹ tôi dỗ dành: "Ráng ăn để có sức đi học. Chừng nào có tiền, mẹ mua thịt heo cho ăn".
Tôi hiểu cái "chừng nào" của mẹ có khi là 1 tháng, cũng có khi là 3 tháng nên bỏ lơ. Tôi cũng hiểu, ngày mai, ngày mốt, bữa cơm của mấy mẹ con nếu không phải ốc hến thì cũng là tép rong chấy, cá bống kho tiêu mặn quéo lưỡi. Nhưng phải công nhận, tôi cao 1,65 m cũng là nhờ những bữa cơm ốc hến của mẹ ngày thơ bé. Hến kho, hến xào hành lá, hến xào sả ớt, hến rang me cuốn bánh tráng, hến nấu canh mướp, bánh canh hến và sau này mẹ tôi còn có món mắm hến "hôi rình, thúi hoắc" mà không ở đâu có, đúng hơn là chẳng ai làm.
Nhà tôi ở đầu cồn. Hến thì quanh năm lúc nào cũng có. Mùa nước cạn sau Tết, thỉnh thoảng tôi hay xách rổ theo chị tư đi bắt hến. Những con hến nằm chi chít trên bãi, chỉ cần lấy ngón tay trỏ vít lên là bắt. Tuy nhiên, bắt hến kiểu này chỉ là bắt chơi cho vui chớ không có nhiều. Muốn bắt nhiều phải ra sâu dưới nước, cào đất vô cái rổ xúc, sau đó đãi bùn, còn lại hến. Mỗi lần đãi được cả chén hến.
Mỗi con nước, chị tư với anh ba đãi được cả giạ hến, lớp người ăn, lớp cho vịt ăn. Biết tôi ngán nên lần nào bắt hến về, anh ba cũng lựa những con "hến chúa" để riêng làm món hến rang muối cho tôi. Đó là những con hến bự nhất, có con bằng ngón chân cái.
Biết tôi ngán nên lần nào bắt hến về, anh ba cũng lựa những con "hến chúa" để riêng làm món hến rang muối cho tôi. (Ảnh minh họa)
Nói "hến rang muối" cho sang vậy chớ thật ra chỉ là bỏ mấy con hến vô chảo, cho thêm mấy hột muối, đậy nắp lại bắt lên bếp. Làm món này được cái rất nhanh, chỉ tích tắc là hến mở mắt, những con hến mập thù lù, trắng phau, tôi lấy cái gai quýt, ghim từng con bỏ vô miệng. Anh ba ngồi kế bên nhìn tôi ăn chảy nước miếng nhưng không dám xin bởi trong một rổ xúc hến, chỉ lựa ra được chừng một tô "hến chúa".
Ở đời cái gì thừa thãi thì chẳng có giá trị, cũng như con hến đối với tuổi thơ tôi. Sau này khi tôi lớn lên, có lẽ do người ta bắt nhiều quá nên hến cũng ít dần. Tôi đi học trên thị xã, mỗi lần về, anh ba lại xách cào ra ngã ba sông lặn cào hến về để mẹ nấu bánh canh cho tôi ăn. Thế nhưng trong các món hến của mẹ, tôi thích nhất là món mắm hến, sản phẩm của những ngày nghèo khó. Sau này lớn lên, tôi ít thấy mẹ làm, tôi hỏi thì mẹ cười: "Hồi đó thấy tụi con ăn riết ngán quá nên làm bậy bạ chớ có ai chỉ dạy đâu?"...
Đúng là cái khó làm ló cái khôn. Cạnh nhà tôi có bác hai làm nghề đi buôn đường dài. Trong một chuyến buôn hàng ra miền Trung, bác hai đem về cho mẹ tôi hủ mắm sò. Hôm đó anh ba nhấp được mấy con cá lóc, mẹ quyết định không bán mà để lại nướng trui cho anh em tôi cuốn bánh tráng chấm mắm sò "ăn cho đã một bữa".
Hôm đó tôi để ý thấy mẹ cứ cầm hủ mắm sò lên săm soi. Kết quả là chừng một tháng sau, mẹ tôi cho "ra lò" một món mới trong họ hàng nhà hến: mắm hến. Nói thật, lúc đầu tôi không chịu nổi cái mùi "thúi hoắc, hôi rình" của món mắm kỳ khôi ấy.
Mãi đến khi chỉ còn lại một chút dưới đáy hủ, mà hôm đó nhà cũng không còn gì ăn, sẵn anh ba đi chao được mớ tép tong, mẹ hấp lên để cuốn bánh tráng, tôi mon men gắp một con tép nhỏ xíu bằng cái đầu tăm nhang chấm vô chén mắm, dè dặt đưa lên miệng. Tôi nhằn nhằn con tép bằng mấy cái răng cửa chớ không phải nhai bằng răng hàm. Cái vị cay cay, chua chua, ngọt ngọt bắt đầu kích thích tuyến nước bọt. Tôi tiếp tục gắp một đũa tép bỏ vô cái lá đậu rồng gói lại, chấm mắm, nhai, nuốt. Lần sau nữa, tôi thêm mấy cọng hành luộc cuốn chung với tép... "Ê nhỏ, ăn từ từ, làm gì dữ vậy, mắc cổ bây giờ". Anh ba lấy đũa gõ gõ vô chén mắm. Tôi chu mỏ: "Mấy bữa trước em đâu có ăn?".
Con gái nhớ mẹ (ảnh minh họa)
Mẹ tôi chỉ làm mắm hến mỗi năm vài lần vì mẹ nói ăn mắm nhiều không tốt. Chính vì vậy mà cái sự "quý, hiếm" của mắm hến càng được tăng lên gấp bội phần. Mẹ lựa những con "hến chúa" ngâm với ớt một đêm cho nhả hết bùn, sau đó ngâm lại với nước muối chừng 1 giờ rồi lấy dao tách vỏ ra, chỉ lấy phần vỏ hến có dính ruột.
Giờ tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...
Xong đâu đó, mẹ trộn đều hến với muối hột. Tỏi, ớt đâm nhuyễn; củ riềng xắt sợi thật nhuyễn. Tất cả cho vô trộn chung với hến. Đặc biệt, làm món mắm hến, tôi thấy mẹ cho rất nhiều tỏi, một keo mắm nhỏ mà tới 1 chén tỏi. Sau khi trộn chung các thứ, mẹ cho vô keo, gài chặt rồi đậy nắp thật kỹ, có 2-3 lớp bọc ni lông đậy ở trên.
Hủ mắm được đem phơi nắng. Ngày nào tôi cũng thấy mẹ cầm hủ mắm dốc ngược thật nhanh mấy lần, nói là để cho mắm ngấm đều, không bị trở. Chừng 1 tháng thì mắm ăn được. Mỗi lần ăn, mẹ chắt lấy chừng nửa chén cái thứ nước "đen thui, thúi hoắc, hôi rình" đó trộn thêm chanh, đường, khóm; thêm tỏi, ớt tươi cho thơm.
Tôi nhớ có lần xóm dưới có người làm heo, mẹ mua đồ lòng và thịt ba rọi về luộc. Hôm đó đối với anh em tôi đúng là đại tiệc. Anh ba hái về một thúng rau, nào là cải trời, cải đất, ngò gai, tía tô, đọt chiết, đinh lăng, lá lụa, húng quế, lá đậu rồng non, rau tai tượng...
Anh em tôi ăn thật khí thế, chẳng mấy chốc mà mọi thứ đã hết veo. Đến lúc đó, mẹ tôi mới nói: "Tụi con biết bữa nay là ngày gì không? Là ngày mẹ cuốn quần áo trốn ngoại theo ba. Hồi đó ngoại bắt gả mẹ cho con ông ghe chài trên Châu Đốc, mẹ không chịu vì đã hứa thương ba...".
Năm đó tôi 12 tuổi. Lần đầu tôi nghe mẹ nói nhiều chuyện về ba như vậy. Chuyện tình yêu của ba mẹ nhiều trắc trở và kết thúc không có hậu vì ba ra đi quá sớm. Mẹ tôi đã ở vậy nuôi anh em tôi. Nhiều người muốn chắp nối nhưng mẹ không ưng ai cả. Và anh em chúng tôi đã lớn lên ở xứ cồn ấy trong tình yêu thương vô bờ bến của mẹ.
Giờ tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...
Mãi sau này lớn lên, lấy chồng, sinh con tôi mới hiểu hết cái cực nhọc của mẹ khi một mình nuôi 4 đứa con sau khi ba tôi chết mất xác trong một lần bị chìm ghe ở Bắc Mỹ Thuận. Vậy mà hồi nhỏ, hở một cái là tôi giận dỗi, cằn nhằn, trách móc sao mẹ không cho anh em tôi cuộc sống sang giàu như đám bạn trong lớp.
Giờ tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...
Theo Khampha
Sang năm con sẽ ở nơi xứ người mẹ ạ Chia tay mẹ đây không phải là lần thứ 5 thứ 10 mà là lần thứ mấy chục, cả trăm rồi nhưng sao, mỗi lần như thế, nước mắt con lại rơi. Con cảm thấy không muốn rời xa mẹ, con nhớ mẹ, nhớ cảnh sum vầy của gia đình mình. Cuộc sống gia đình mình vốn nghèo khó, chẳng giàu có khá...