Lấy chồng từ tuổi…15?
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Ô Môn (TP Cần Thơ) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Hữu Đức (22 tuổi, ngụ P.Châu Văn Liêm) về tội “giao cấu với trẻ em”.
Diễm Trang và đứa con hơn 4 tháng tuổi Đinh Hữu Huy Hoàng – Ảnh: Chí Quốc
“Trẻ em” đó chính là Đinh Ngọc Diễm Trang – người vợ của Đức vốn được hai gia đình làm đám cưới cách nay gần hai năm về trước. Theo giấy khai sinh, khi đó Trang mới… 15 tuổi.
Nay vì những rạn nứt giữa hai gia đình, nhà gái tố cáo nhà trai, Đức bị bắt tạm giam chờ ngày xét xử, đứa con hơn 4 tháng tuổi của Đức và Trang đang ở nhờ nhà ngoại vốn nghèo khó. Trong căn nhà tôn nóng hầm hập nằm ven rạch Xẻo Cui (ấp Tân Lợi, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) trưa 9-4, ông Đinh Anh Khoa và bà Nguyễn Thị Bé Út (cha mẹ của Trang) thở dài: “Kẹt lắm tụi tui mới tố cáo thằng Đức!”.
Đám cưới vội
Theo lời kể của ông Khoa và bà Út, trước đây cả gia đình bốn người của ông bà (Trang còn một người em trai) sống trong căn nhà lá xập xệ không đủ che nắng mưa. Ông Khoa là thợ hồ, còn bà Út hằng ngày đi cấy mướn. Do vay tiền làm nhà, ông bà mắc nợ. Thấy gia đình túng quẫn, đang học lớp 9, đầu năm 2010 Trang xin phép cha mẹ lên Q.Ô Môn phụ bán quán cà phê. Tại đây Trang quen với Đức, sau đó hai người cùng dẫn nhau lên TP.HCM khiến cha mẹ Trang tá hỏa, tìm kiếm khắp nơi.
Video đang HOT
Do “gạo đã nấu thành cơm” nên cả hai gia đình bàn bạc làm đám cưới cho Đức và Trang chỉ sau năm ngày kể từ khi hai người trở về TP Cần Thơ. Ông Nguyễn Hữu Hà (cha của Đức) cho biết theo thương lượng giữa hai bên gia đình lúc đó, đám cưới sẽ được tổ chức tại nhà gái (vào giữa năm 2010), sau đó nhà trai chỉ làm vài mâm cơm mời những người thân đến chứng kiến. Sau cưới, Trang về sống ở nhà cha mẹ chồng tại P.Châu Văn Liêm, Q.Ô Môn.
Ông Khoa cho biết sau khi về nhà chồng Trang bị đối xử thậm tệ, thỉnh thoảng bị anh chị chồng đánh đập. Khi Trang sinh con vào cuối năm 2011 gia đình chồng cũng lơ là, ngay cả khi ông Khoa đã gọi điện cho ông sui nhắc nhở. Thấy vậy ông Khoa đã tố cáo vụ việc với công an và đề nghị gia đình Đức hỗ trợ 70 triệu đồng tiền nuôi dưỡng cháu ngoại là bé Đinh Hữu Huy Hoàng trong trường hợp ông Khoa nhận nuôi…
Theo ông Hà, trước khi làm đám cưới, gia đình ông có hỏi về tuổi của Trang thì được gia đình ông Khoa cung cấp là Trang sinh năm 1991 nên gia đình ông mới tổ chức đám cưới. Giấy ra viện của Bệnh viện Đa khoa Q.Ô Môn ngày 5-12-2011 cũng thể hiện Trang sinh năm 1991 (tuy nhiên giấy chứng sinh của bệnh viện này vào ngày 29-11-2011 lại ghi Trang sinh năm 1995).
Địa phương không biết
Ông Nguyễn Thành Phương, trưởng ấp Tân Lợi, ở cách nhà ông Khoa chừng 1km, xác nhận thời điểm giữa năm 2010 ông Khoa có tổ chức đám cưới cho Diễm Trang. Riêng thông tin Diễm Trang thời điểm đó mới 15 tuổi ông có biết không, ông Phương nói “tôi không rành”.
Ông Võ Văn Mót, một người hàng xóm cách nhà ông Khoa khoảng 200m, cho biết thời điểm đám cưới của Diễm Trang, ông thấy Trang rất “con nít”. Theo ông, lúc đó người dân địa phương cũng bàn tán việc Trang lấy chồng khi còn nhỏ tuổi, thậm chí có người còn nói nếu báo với hội phụ nữ xã thì đám cưới Trang sẽ không được phép diễn ra, nhưng cho rằng đó là việc riêng của gia đình người khác nên không ai có ý kiến gì.
Một hàng xóm khác của ông Khoa là bà Lê Thị Út cũng nói thời điểm đám cưới Trang bà có nghe bàn tán như trên, nhưng “tụi nó thương nhau thì biết làm sao”.
Ông Mai Văn Minh – phó chủ tịch xã Tân Thới – cho biết địa phương cũng không biết vụ tảo hôn trên. “Nếu biết đã có sự can thiệp rồi. Đa số trường hợp như thế này cha mẹ thường giấu…” – ông Minh nói. Cũng theo ông Minh, việc am hiểu pháp luật của người dân ở nông thôn còn hạn chế, việc quản lý nhân khẩu ở nông thôn cũng khác ở đô thị nên địa phương cũng khó phát hiện. Tương tự, ông Võ Tâm Phúc – phó chủ tịch UBND P.Châu Văn Liêm – cũng cho biết chính quyền không biết đám cưới của Đức và Trang.
Trung tá Huỳnh Thanh Cần – phó trưởng Công an Q.Ô Môn – cho biết trước khi khởi tố, bắt tạm giam Đức, công an quận đã mời hai bên gia đình đến để nắm bắt sự việc và đây sẽ là căn cứ để xác định tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ hình phạt cho Đức trong quá trình xét xử. Cũng theo ông Cần, về thông tin Trang sinh năm 1991 thì chưa có cơ sở xác định, do các hồ sơ liên quan, đặc biệt là giấy khai sinh đều thể hiện Trang sinh năm 1995.
Tiếp xúc với phóng viên, Diễm Trang cho biết sở dĩ có thông tin Trang sinh năm 1991 là do Đức khai với bệnh viện trong lúc làm thủ tục cho Trang sinh. “Vô trong đó ai cũng lớn tuổi hết mà con có 15 tuổi nên chắc anh Đức mới khai vậy” – Trang nói.
CHÍ QUỐC
Hôn nhân nào phải chuyện đùa!
Ở một TP lớn như Cần Thơ, tảo hôn không chỉ là hành động qua mặt pháp luật, đi ngược với chủ trương xây dựng gia đình tiến bộ – hạnh phúc – bền vững mà còn thể hiện sự hạn chế trong nhận thức của nhiều bạn trẻ và của chính phụ huynh. Cưới gả sớm trong khi các bạn trẻ chưa sẵn sàng về tâm lý, chưa đủ kỹ năng để bước sang một cuộc sống mới thì cũng là một cách hại con – từ phía các phụ huynh. Đặc biệt là đối với người con gái, một lần sang sông là một lần dang dở, không chỉ dang dở đời mình mà còn dang dở cả đời những đứa bé vô tội. Hôn nhân không phải chuyện đùa!
ThS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU
( giảng viên khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM)
Nhiều hệ lụy từ việc tảo hôn
Hệ lụy của việc tảo hôn có thể thấy ngay từ câu chuyện Đức – Trang: chú rể có thể bị truy tố vì phạm tội giao cấu với trẻ em. Cô dâu và đứa con của hai người sẽ không có chồng, không có cha bên cạnh để cùng lo xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái. Hệ quả đó là sự nghèo đói, sự phụ thuộc hai bên nội ngoại, bị coi thường, đối xử tệ (như gia đình Trang đã tố cáo)…
Những hệ lụy từ việc tảo hôn có thể còn nhiều. Đó là những mâu thuẫn giữa vợ và chồng trẻ con, thường rất khó hóa giải như giữa những người trưởng thành về mặt tâm lý xã hội. Chuyện bạo lực gia đình cũng thường xuyên xảy ra ở những cặp vợ chồng trẻ con. Gia đình không hạnh phúc và ly hôn sớm là hệ quả tất yếu…
ThS PHẠM THỊ THÚY
( cố vấn cao cấp hội quán Các bà mẹ)
Theo Tuổi trẻ
Cờ bạc vùng ven đô: Tinh quái thủ đoạn, nhức nhối hệ lụy
"Ba tháng đầu năm, số vụ tổ chức đánh bạc quy mô ở các vùng ngoại thành bị phát hiện, xử lý tăng vọt so với cùng kì những năm trước đó. Điều đáng nói là từ cờ bạc, những hệ lụy nhức nhối đã nảy sinh như: vay nặng lãi, siết nợ", chỉ huy Đội Chống tệ nạn - Phòng CSHS CATP Hà Nội cho biết.
Tang vật đánh bạc bị lực lượng công an thu giữ
Chui sâu, đóng kín
Trung tuần tháng 3 vừa qua, một "cái gai" lớn về cờ bạc ở địa bàn huyện Phú Xuyên đã được lực lượng CSHS - CATP Hà Nội "nhổ". Đối tượng tổ chức là Phạm Văn Tuân, 21 tuổi, nhà ở thôn Hòa Khê Thượng, xã Bạch Hạ, Phú Xuyên. So với "thế hệ" dân cờ bạc chuyên nghiệp cỡ tuổi như Tuân chỉ được vào xới, xuống tiền là "may" lắm rồi. Vậy mà, Tuân ngang nhiên cùng một số đối tượng tổ chức đánh bạc ngay tại nhà mình.
Ban Công an xã Bạch Hạ cho biết: "Xã với huyện phối hợp nhiều lần để đấu tranh mà vẫn chưa triệt phá được". Nhà Tuân mới sửa sang, mỗi lần xới mở là cửa ra vào khóa kín. Đầu làng, giữa làng, Tuân thuê mạng lưới "chim lợn" cảnh giới, cứ có người lạ, là xới bạc dừng hoạt động. "Anh em trinh sát có lần ập vào, bắt gặp cả đám hơn chục đối tượng tại đây nhưng vẫn phải chịu, bởi tang vật không thu được, các đối tượng lại ra sức thanh minh chúng em đang... ngồi chơi, nói chuyện", một trinh sát hình sự CAH Phú Xuyên kể lại.
Ổ bạc tại nhà Phạm Văn Tuân được xã, huyện báo cáo về Phòng CSHS - CATP Hà Nội. Ngày 15-3, phương án đột nhập, phá xới bạc được triển khai. Trước khi ập vào nhà Tuân, toàn bộ đội ngũ "chim lợn" đã bị cắt cánh. Khi lực lượng công an phá cửa ập vào, 12 con bạc đang say sưa sát phạt. Hơn 30 triệu đồng và phương tiện đánh bạc bị thu giữ. Các con bạc khai nhận để được vào xới của Tuân, mỗi người phải nộp 150.000 đồng tiền "phế". So với những xới khác, tiền thu như vậy là cao, nhưng vẫn hút khách, bởi "hệ số an toàn".
Thiết lập những lô cốt cờ bạc trong nhà, di chuyển liên tục địa điểm để sát phạt là thủ đoạn khá phổ biến hiện nay của các con bạc, chủ xới. Một dạng cờ bạc khác ở những vùng ngoại thành, là chủ xới câu khách về những địa điểm giáp ranh, thậm chí ra giữa sông hay lên núi để sát phạt nhau. Xới bạc trên địa bàn xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì bị công an cở sở phối hợp với Phòng CSHS triệt phá cách đây không lâu là một ví dụ. Tản Lĩnh là xã có nhiều khu sinh thái, địa hình ra vào hết sức khó khăn, bởi nhiều sông hồ, đồi núi. Nếu không nắm chắc tình hình, khó phát hiện đâu là khách du lịch đâu là con bạc. Chưa kể nếu phương án vây bắt không chặt chẽ, con bạc rất dễ tẩu thoát. Lần ấy, xới bạc ở Tản Lĩnh được mở giữa khu rừng, trên lưng chừng núi xa khu dân cư. Đường vào xới là độc đạo, dài tới 2 cây số lại có đối tượng cảnh giới. Trận đánh đó, lực lượng công an gần 100 CBCS chia thành nhiều mũi, cải trang thành khách du lịch, thành người chặt củi... mới tiếp cận được mục tiêu. Hơn 30 con bạc bị tóm tại trận, tang vật thu giữ hàng chục triệu đồng. Qua rà soát sau đó, lực lượng chức năng tạm giữ gần chục xe ô tô gửi ở nhà dân ngoài đường quốc lộ, được xác định là xe của các đối tượng đánh bạc.
Vòng xoáy chết người
Đã và đang có một hiện tượng đáng lo ngại, là có những đường dây, đối tượng nhắm vào số thanh niên có điều kiện gia đình khá giả, ham chơi, từ đó rủ rê, đầu tư tiền bằng cách cho vay, để chơi bạc. Trinh sát Phòng CSHS - CATP Hà Nội nhìn nhận, làn sóng ngầm vay "tín dụng đen" để cờ bạc đang nảy nở ở nhiều vùng ngoại thành Hà Nội.
Vay thì dễ, lúc trả mới khó, bởi các con nợ-con bạc-lấy đâu ra tiền để chịu được mức lãi khủng theo ngày, theo tuần. Khi ấy, hoặc là con bạc buộc phải cấu kết với chủ nợ, thường là đám lưu manh, dựng màn kịch để tống tiền chính bố mẹ mình. Tình huống thứ hai, con bạc thú thật với gia đình và xin tiền trả nợ. Nếu bố mẹ có tiền trả nợ thì con bạc thoát. Còn không, chỉ còn nước bỏ nhà ra đi. Đỉnh điểm của trò vay - nợ liên quan đến cờ bạc ở ngoại thành là vụ tự tử của ông Nguyễn Đức T, trú ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức, xảy ra cách đây không lâu. Con trai ông T cùng một người bạn vay mấy trăm triệu đồng của Hoàng Quốc Anh, 29 tuổi, trú ở xã An Thượng. Sở dĩ, hai con nợ chấp nhận mức lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày là hy vọng sẽ có được nhiều tiền từ trò đỏ đen. Song càng chơi, càng thua, hai con bạc giở trò "tẩu mã...". Chủ nợ Hoàng Quốc Anh cùng đồng bọn tổ chức truy tìm, sau đó bắt giữ, đánh đập và lôi con nợ về nhà, ép ông T phải viết giấy nhận nợ thay con. Uất ức vì đứa con hư, ông T đã treo cổ tự tử. CQĐT CAH Hoài Đức sau đó đã bắt Hoàng Quốc Anh cùng đồng bọn để xử lý về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
Âm ỉ, nhức nhối và không kém phần nguy hiểm, cờ bạc vùng ven và hệ lụy của nó đe dọa trực tiếp đến sự bình yên của nhiều ngôi làng, ngõ xóm. Triệt xóa các xới bạc, các đường dây tổ chức đánh bạc là trách nhiệm của lực lượng công an. Nhưng sẽ trọn vẹn hơn, nếu có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, thông qua tuyên truyền, nắm tình hình, thông tin hoặc trực tiếp ngăn chặn những biểu hiện hoạt động cờ bạc.
Theo ANTD
Đà Nẵng: Nhiều nữ sinh bỗng dưng mất tích Yêu sớm, giận gia đình với nhiều lý do "lệch lạc", khiến nhiều nữ sinh đã "bỗng dưng" mất tích tạo nên những tin đồn thất thiệt cũng như sự hoang mang lo lắng cho nhiều gia đình tại TP Đà Nẵng. Tin từ Đội cảnh sát hình sự (CSHS) CA quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng cho biết: Từ cuối tháng 2/2012...