Lấy chồng cho xong
Nhiều lúc em chỉ muốn gật đầu đại với ai đó để có chồng cho xong với người ta, cho thoát áp lực. Nhưng chuyện vợ chồng, chẳng lẽ cứ… làm đại, không êm thì bỏ?
ảnh minh họa
Gửi chị Hạnh Dung,
Em 30 tuổi, cái tuổi lẽ ra đã chồng con đâu ra đó nhưng vẫn đi về một mình. Vẻ ngoài của em dễ nhìn, được ăn học đàng hoàng, công việc ổn định, cũng chẳng kén cá chọn canh gì, vậy mà chưa hề có một cuộc tình vắt vai. Thật ra, em cũng từng có một mối quan hệ, gặp nhau vài lần, thư từ qua lại mấy năm, tưởng sẽ cưới nhưng cuối cùng lại hóa… bẽ bàng. Anh là con người bạn mẹ em, đang sống ở nước ngoài. Hai nhà giục cưới, hai đứa cũng mến nhau nhưng anh cứ lần lữa, tránh né. Cuối cùng, cha mẹ ép quá anh mới thú thật mình là… gay.
Ba má em rất lo lắng chuyện con gái muộn chồng, vì ở quê em, nhìn quanh “hũ mắm” nhà ai cũng đã có nơi có chỗ. Họ hàng, láng giềng cứ gặp là hỏi khi nào mới gả con gái, khiến ba má em càng cuống hơn. Đã mấy lần ông bà nhờ người mai mối, nhưng mãi không thành. Nguyên do vì em không cảm tình nổi với những anh chàng được giới thiệu. Người thì quá xấu, nhìn là không muốn đến gần. Người mới gặp lần đầu đã ron ren chuyện em đi làm bao nhiêu năm, chắc có không ít của để dành. Người lại nói năng thô lỗ… Đàn ông ra dáng một chút mà chưa kịp vợ con hình như đã… tuyệt chủng sạch rồi!
Áp lực lấy chồng khiến em thật sự đau đầu nhức óc. Đã vậy, ba má em còn để ý chằm chằm chuyện đi đứng, bạn bè của em. Ông bà cứ luôn miệng, lỡ có gì thì… muối mặt. Vì thế, em sống lặng lẽ, khép kín, ít tiếp xúc với người lạ, hết giờ làm việc là về nhà. Bạn bè chỉ vài đứa chơi thân từ nhỏ. Nhiều lúc em chỉ muốn gật đầu đại với ai đó để có chồng cho xong với người ta, cho thoát áp lực. Nhưng chuyện vợ chồng, chẳng lẽ cứ… làm đại, không êm thì bỏ?
Huệ (Mỹ Tho)
Em Huệ mến,
Hạnh Dung muốn nhắc em ngay một điều: vợ chồng không phải chuyện đùa, tuyệt đối không được lấy đại cho… có với người ta, không ổn thì đường ai nấy đi. Không ít bạn gái đã ngậm đắng nuốt cay, dở dang cuộc đời vì không chịu nổi áp lực của tuổi tác, của gia đình mà thiếu cân nhắc, bước liều vào hôn nhân trước khi kịp hiểu đối tượng là người thế nào. Giờ đâu còn như cái thời cách đây hàng… trăm năm, có khi đến tận ngày cưới vợ chồng mới biết mặt nhau!
Hôn nhân là một con đường dài mà khi bước vào, mỗi người đều mong muốn nó thật sự dài đến hết một đời người, nên người ta vẫn chúc nhau “đầu bạc, răng long”. Mười người có lẽ đều như một, chẳng ai muốn mình “nửa đường gãy gánh”. Hôn nhân tất yếu dẫn đến con cái; những ràng buộc nghĩa tình, kinh tế; những vướng víu gia đình, họ tộc… nếu đổ vỡ sẽ có bao nhiêu là hệ lụy. Đổ vỡ một cuộc hôn nhân, nếu hai người trong cuộc thiếu tôn trọng nhau, không hy sinh bớt cái tôi khi giải quyết, hậu quả có thể là cái giá rất đắt.
Vì thế, dù em bao nhiêu tuổi, dù có bị hối thúc đến thế nào thì vẫn phải hết sức tỉnh táo. Người ngoài cuộc không thể sống thay mình trong hôn nhân, chẳng thể chịu trách nhiệm cho mình nếu hôn nhân thất bại. Nền tảng để xây dựng hôn nhân hạnh phúc, lâu bền là tình yêu thương, là sự hiểu biết, tin cậy và tôn trọng nhau. Để hướng tới những điều đó, hai bên cần nhiều thời gian tìm hiểu nhau, từ đó khơi gợi yêu thương, vun đắp niềm tin.
Em đã nghĩ đúng là nếu “chẳng có tình cảm, lại không biết gì về nhau” thì khó mà chung sống. Để bắt đầu, không quan trọng chuyện đó là người được giới thiệu hay do mình tự quen biết mà phải là việc từng bước tìm hiểu đối tượng cho tỏ tường. Trước mắt, em cũng nên thay đổi dần lối sống, đừng quẩn quanh khép kín nữa mà hãy mở rộng quan hệ giao tiếp, kết giao thêm bạn bè… Nếu ai đó có ý với mình hay ngược lại, nên tạo điều kiện để hai bên có thể hiểu biết nhau nhiều hơn. Chuyện gì đến sẽ đến.
Theo PNO