Lấy chồng chỉ càng thêm chất đá trên lưng
Đời đúng là chẳng khi nào hết lo. Lúc còn trẻ thì gánh vác gia đình mình đến mệt nhoài. Cứ tưởng lấy chồng sẽ có bờ vai nương tựa cho bớt nhọc nhằn, đâu ngờ chỉ càng thêm chất đá lên lưng.
ảnh minh họa
Dạo này Thùy tự thấy mình hay nghĩ quẩn nghĩ quanh, thỉnh thoảng lại gục đầu vào gối khóc một mình. Chuyện là em chồng bị tai nạn phải nằm viện dài ngày, ngay lúc lẽ ra Thùy được về nhà ngoại chơi ít bữa thì phải ở lại lo việc nhà chồng. Đời đúng là chẳng khi nào hết lo. Lúc còn trẻ thì gánh vác gia đình mình đến mệt nhoài. Cứ tưởng lấy chồng sẽ có bờ vai nương tựa cho bớt nhọc nhằn, đâu ngờ chỉ càng thêm chất đá lên lưng.
Bố chồng mất sớm. Chồng lại là con cả nên việc gì cũng bị gọi tên. Hai em chồng tính tình ngược nhau. Đứa khôn lanh, đứa lại quá lù đù. Khôn lanh thì cái gì cũng muốn thu vén cho mình. Còn lù đù thì mọi việc đều cần người khác tính toán, lo liệu thay. Mẹ chồng tốt tính nhưng dường như chẳng biết xót con trai, lúc nào cũng chằm chằm bênh con gái và con rể. Giá như hai em chồng đi lấy chồng hết cũng đỡ; đằng này đứa lù đù đang sắp có người rước thì tự nhiên bị tai nạn giao thông. Không dưng lại thêm một khoản lo.
Em chồng nằm viện nửa tháng với một đống thương tích trên người. Riêng tiền mổ đã vài chục triệu, chưa kể thuốc thang và chi phí thăm nuôi. Thùy mang bầu tháng thứ tám, dĩ nhiên không thể vào viện chăm người bệnh nằm liệt một chỗ, lại hơi tí là rên rỉ kêu đau. Không chỉ kêu đau, người bệnh còn quát mắng bất cứ ai không biết cách nâng mông, xoa bóp tay chân cho mình.
Nhà neo người, vợ chồng đứa thứ hai bảo bận buôn bán. Chồng làm ca kíp cũng không ở nhà. Vì thế Thùy bị triệu tập khẩn cấp. Mẹ chồng “mất bò mới lo làm chuồng”, bắt Thùy làm hai mâm cỗ cúng. Thời con gái, Thùy chưa khi nào phải một mình vào bếp, huống hồ đối mặt với lỉnh kỉnh bao nhiêu món như bây giờ.
Video đang HOT
Mấy bà cô chồng sang chơi đã chẳng giúp một tay, còn lên giọng chê làm ăn chậm chạp. Cúng xong, còn phải dọn dẹp bãi chiến trường với một núi bát đĩa. Bụng bầu vượt mặt, lưng đau muốn gãy, đã không được một lời động viên thì chớ, Thùy vừa vào phòng ngả lưng thì cô chồng mắng té tát: “Suốt ngày ru rú trong phòng. Không ra tiếp khách cho biết anh biết em. Người ta thấy nhà mình hoạn nạn, có quý mới đến hỏi thăm”. Thùy ứa nước mắt, muốn xả một trận cho bõ tức, nhưng thôi…
Thùy làm biên kịch tự do, kiếm tiền nhiều hơn hẳn ông chồng công nhân. Khốn nỗi ở cái xứ này, cứ thấy ai đó không ngày hai buổi tất bật đến chỗ làm là y rằng liệt vào loại vô công rồi nghề. Cứ thế, có việc gì là nhà chồng lại gọi Thùy. Họ hàng còn bảo “nó làm tự do, rảnh rỗi mà”. Đã có lúc Thùy nghĩ, phải chăng vì lấy một ông chồng công nhân quèn nên mình cũng bị coi thường? Thùy từng là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Ra xã hội cũng được mọi người tôn trọng. Nhưng, về nhà chồng lại có cảm giác trong mắt ai mình cũng kém cỏi như một kẻ ăn bám vào chồng.
Trước đây, khi còn ở nhà bố mẹ đẻ, mỗi khi Thùy ngồi vào bàn làm việc là không ai dám làm phiền. Mọi người luôn dành sự im lặng tuyệt đối để Thùy tập trung cho công việc. Nhưng về nhà chồng thì chẳng ai cần biết Thùy đang làm việc gì, đặc điểm công việc ra sao, cứ thẳng thừng phán: rảnh rỗi ngồi chơi mà, trông nhà đi, lau nhà đi, xuống bếp nấu cơm đi… Chồng Thùy lại còn rất thích bắt vợ về quê với đủ loại lý do. Về chơi cho mẹ bớt buồn, về cho quen đất lề quê thói. Vừa bầu bì, vừa vất vả kiếm tiền, lại vừa lo làm sao cho vui lòng nhà chồng, Thùy cứ thấy ấm ức trong lòng. Hoặc bỏ chồng. Hoặc kiếm công việc nào đó, lương ba cọc ba đồng cũng được, để sau ba ngày tết có cớ mà đi làm sớm, để không phải việc gì cũng bị dúi vào tay.
Nhưng bấy nhiêu chuyện dường như chưa đủ thúc đẩy Thùy nghĩ đến việc bỏ chồng. Chồng Thùy là người hiền lành, chu đáo trong mắt mọi người. Về nhà mẹ, thấy viên gạch lát nền khấp khểnh là nghĩ ngay đến việc góp tiền thay hết đi cho đẹp. Thấy chuồng lợn bị bung là gọi ngay vật liệu hì hụi sửa lại cho lành. Thấy cái ti vi nhiễu sóng là tính chuyện mua loại chảo nào cho tốt. Nói chung là thấy gia đình có việc là xắn tay áo lo tiền nong, góp công sức.
Thế nhưng, anh lại thờ ơ khi vợ con còn phải ở trọ tạm bợ trong một nơi quá nóng nực, chật chội; chưa kể dân cư toàn gái làng chơi và người lao động tứ xứ phức tạp. Anh cũng chẳng quan tâm khi vợ phải làm việc trong một môi trường ồn ào suốt ngày đêm. Nhiều đêm Thùy không sao dỗ được giấc ngủ, thương mình, thương con trong cái hoàn cảnh lọt lòng chật vật, khốn khó này… Chồng Thùy đi làm ca về là lăn ra ngáy ầm nhà, chẳng quan tâm đến vợ con phải khó chịu thế nào trong căn phòng hầm hập nóng, cũng chẳng thấy tính gì đến việc kiếm tiền mua đất làm nhà.
Thùy đã nhiều lần đốc thúc chồng chuyện phải gắng có nhà riêng, dù biết tiền trong tài khoản của hai vợ chồng chẳng được là bao. Chồng đi làm được bao nhiêu tiền là lo đưa cho mẹ nuôi hai em ăn học, trả nợ làm nhà, thuốc thang cho bố, mua xe cho em… Anh lấy vợ, định mua đất thì nhà chồng bàn ra: “Mua làm gì? Tiền đâu mua? Đi ở trọ cho khỏe. Sau này nghỉ hưu thì về quê mà sống. Nhà này của chúng mày chứ của ai”.
Thùy chợt thấy buồn cười. Con nhà người ta chơi bời mới sợ, mới phải can ngăn; đằng này thu vén lo nhà cửa cho vợ con thì lẽ ra mọi người phải đồng lòng ủng hộ, sao lại… Thùy cũng hiểu, vợ chồng Thùy không thể cứ lo toan, vun vén cho người khác mãi, mà đã sinh con thì phải có trách nhiệm với con. Cha mẹ không thể cứ lôi con đi ở thuê hết khu trọ này đến khu trọ khác. Không thể để con quen với cuộc sống tạm bợ, bấp bênh. Nhưng chồng Thùy thì đủng đỉnh lắm. Lúc nào cũng chỉ thấy vội vàng, gấp gáp lo cho mẹ, cho em; còn vợ con thì… hãy đợi đấy!
Đã nhiều lần vợ chồng cãi nhau chuyện nhà cửa. Chồng bảo: “Anh không thể vay mượn ai đâu. Có tiền thì mua, không có thì ở vậy”. Nói vậy khác gì bỏ mặc mẹ con Thùy xoay xở. Là đàn ông không lo gánh vác thì thôi, sao lại để vợ phải đưa vai gánh nỗi cực nhọc này. Có bầu mệt mỏi, ngủ không được, khắp người đau ê ẩm, Thùy vẫn gắng làm việc kiếm tiền lo cho con. Người mẹ trẻ bấm bụng, thể nào cô cũng phải dựng cho con một ngôi nhà, ngôi nhà của chính mẹ con cô. Đời bạc lắm, biết trông cậy ai, biết phải tin ai?
Hôm em chồng tai nạn giữa đêm, chồng cuống cuồng bảo: “Em thu dọn đồ về luôn”. Khi đó Thùy đang bầu bảy tháng, là lúc cần phải giữ gìn cẩn thận. Thùy nói chồng, cứ để sáng mai hãy đi, dù gì thì em cũng đã được đưa đi cấp cứu, tình trạng không nguy hại gì đến tính mạng. Người nhà cũng đã có mặt ở bệnh viện rồi, gấp gáp về trong đêm cũng chẳng giải quyết được gì. Chồng lại mới uống rượu với bạn xong, đi xe máy mấy chục cây số trong đêm, ai biết có thể xảy ra chuyện gì, trời lại đang rét buốt. Nói hết lý lẽ chồng vẫn không chịu nghe, khăng khăng phải về ngay. Lúc đó Thùy đã nghĩ, mẹ con Thùy chẳng là cái gì trong cuộc đời người đàn ông này. Đúng là có chồng cũng như không!
Theo PNO
Vợ ơi, đừng keo kiệt nữa
Còn trăm nghìn, chồng tip cho cô bé phục vụ. Vợ mắng chồng sĩ diện trước mặt con, số tiền ấy vợ lo được buổi chợ, vợ toan lấy lại nếu chồng không ngăn.
Nhà chồng nghèo, vợ theo chồng về làm dâu thiệt thòi đủ đường. Vợ chồng gây dựng từ hai bàn tay trắng. Vợ, cô nhân viên văn thư cấp 1. Chồng, anh kỹ sư nhà nước. Lương, khéo vun vén, vừa vặn chi tiêu. Hai con lần lượt ra đời, bao khoản chi vùn vụt tăng lên gấp bội. Nào tiền ăn, tiền nhà, tiền sữa, tiền bỉm, tiền thuốc con ốm con đau... Nỗi lo cơm áo gạo tiền cứ thế nặng dần trên vai. Vợ tìm việc làm thêm, thức đêm hôm, kiếm đồng ra đồng vào dư dả chút ít. Nhìn vợ gầy rạc, chồng thương.
Vợ chi tiêu dè xẻn từng đồng. Đi chợ xa sáng sớm, mong đồ rẻ hơn cho bữa cơm vẫn đủ chất mà tiết kiệm thêm chút ít. Vợ bảo " Vợ chồng khổ em chịu được, nhưng để con khổ, thua kém bạn bè, em không đành lòng." Nghe vợ nói, chồng xót xa, tự trách bản thân mình.
Mẹ tuổi già nay ốm mai đau. Trách nhiệm dâu trưởng, vợ phải đưa vai ra gánh vác. Tiền gửi về cho mẹ chữa bệnh, lương chia năm sẻ bảy càng thêm thiếu thốn. Đúng thật. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, co kéo, giật gấu vá vai thế nào cũng chẳng đủ chi tiêu. Đã có lúc, vợ quá mệt mỏi, thường hay cáu gắt, vì đầu lúc nào cũng quay cuồng mòng mòng với tiền nong.
Cuối tháng, chủ nhà lên giục tiền nhà, tiền điện, nước. Vợ muối mặt khất lần khất lượt. Nhiều đêm vợ nén tiếng thở dài, lo nghĩ về tương lai mà mất ngủ. Vợ không nói, nhưng chồng biết, hiểu tất cả nỗi nhọc nhằn sớm khuya của vợ.
Đàn ông, sức dài vai rộng, để vợ con nheo nhóc mãi sao đành. Chồng quyết chí làm giàu, bỏ chức kỹ sư quèn trong nhà nước, bung ra góp vốn với bạn kinh doanh. Chuyện làm ăn chẳng giản đơn như chồng nghĩ. Thất bại. Nghèo, giờ còn cõng thêm khoản nợ trên lưng. Lúc ấy, vợ cứng cỏi lén lau giọt nước mắt, đứng dậy chạy đôn đáo vay mượn khắp anh em họ hàng, trả nợ lãi vay cho chồng. Những tháng ngày đó quả thật cơ cực, tủi khổ vô cùng. Chồng chưa lúc nào quên, và có lẽ vợ cũng vậy.
Các cụ bảo, thất bại là mẹ của thành công chẳng sai. Thêm phần ông trời thương, việc làm ăn dần ổn định rồi phát triển, công nợ trả hết. Áp lực tiền bạc nhẹ dần trên đôi vai. Mình mua được nhà cửa rộng rãi đường hoàng nơi thành phố. Tiền bạc dư dả dần.
Hàng tháng, tiền chồng đưa cho, vợ cẩn thận đếm từng đồng cất két. Vợ vẫn giữ lối sống giản dị, cần kiệm, chẳng đổi thay. Tháng ngày vợ vất vả, lo toan, làm những vết chân chim đã hằn trên khóe mắt, má lấm tấm tàn nhang. Chồng bảo vợ đi spa da mặt, vợ lắc đầu từ chối. Vợ không sắm sửa mốt này mốt kia trưng diện. Vợ nói " Sắp 40 rồi, trẻ đẹp với ai". Vợ sai rồi, phái nữ luôn là phái đẹp, đàn bà ngoài 30 mặn mà, quyến rũ.
Thi thoảng, chồng muốn gia đình đi du lịch cho biết đó biết đây, thưởng thức món ăn ngon ở miền đất khác, nhưng vợ luôn lưỡng lự vì tốn kém. Như hôm trước, thuyết phục mãi vợ mới đồng ý, nhân sinh nhật con gái cả nhà đi ăn tiệm sang trọng một hôm. Vào quán, vợ lật đi lật lại menu hàng chục phút, chê món nào cũng đắt đỏ, với nguyên liệu thế này vợ mua về nấu rẻ hơn. Vợ có nghĩ, hành động của vợ, làm con gái chạnh lòng suy nghĩ.
Khi thanh toán, vợ cằn nhằn cô bé phục vụ vô ý tính thừa khăn. Chỉ vài nghìn thôi, vợ nhắc đi nhắc lại, các con nghe cũng ngại ngần. Còn trăm nghìn, chồng tip cho cô bé phục vụ. Vợ mắng chồng sĩ diện trước mặt con, số tiền ấy vợ lo được buổi chợ, vợ toan lấy lại nếu chồng không ngăn.Vợ biết không, ở nước ngoài, họ coi hành động tip khi ăn hàng là lịch sự, văn minh, khi người ta đã mất công phục vụ mình nhiệt tình, chu đáo.
Vợ ơi, thương lắm những nhọc nhằn ! Bởi chính quãng thời gian vất vả, khốn khó của vợ chồng mình. Ngày qua ngày, năm nối năm, đã làm nên tính tiết kiệm, chi ly của vợ. Chồng biết, ngày ấy, nếu không có bàn tay vợ giỏi vun vén lo toan, dễ gì vượt qua được khó khăn để có ngày hôm nay sáng lạn. Nhưng có những tính cách buộc phải thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh. Mình kiếm tiền chẳng phải mục đích để phục vụ cho cuộc sống đầy đủ, sung túc, ấm cúng hơn. Nếu cứ so đo, chắt bóp, thiệt hơn như vợ, thì có giàu bao nhiêu cũng chẳng bao giờ hết khổ...Vợ có nghĩ thế không?
Theo NLĐ
Hậu quả tàn tệ khi chồng "dở chứng" đi cặp bồ Rõ ràng là chồng chị bị "dở chứng" khi gia đình đang yên ấm như thế, công danh sự nghiệp cũng đang ở vào thời kỳ phát triển rực rỡ thì lại bồ bịch, trai gái nọ kia để rồi thân bại danh liệt. Ảnh minh họa: Internet Rõ ràng là chồng chị bị "dở chứng" khi gia đình đang yên ấm như...